Tổng Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI)

Nguồn hình ảnh, SAGRI

Chụp lại hình ảnh,

Tổng Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI)

TAND TPHCM vào chiều thứ Bảy 18/12 tuyên án đối với 19 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại SAGRI.

Ông Lê Tấn Hùng nhận 25 năm tù, ông Trần Vĩnh Tuyến và ông Trần Trọng Tuấn mỗi người 6 năm tù.

Các mức án được tuyên như sau:

Lê Tấn Hùng, tổng giám đốc SAGRI, 14 năm tù về tội tham ô tài sản, 11 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, tổng hợp hình phạt là 25 năm tù.

Nguyễn Thị Thúy, kế toán trưởng SAGRI, 11 năm tù về tội tham ô tài sản, 9 năm tù vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, tổng hợp hình phạt là 20 năm tù.

Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, 6 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Trần Trọng Tuấn, phó chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM, 6 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Lê Văn Thanh, nguyên phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM, 5 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Nguyễn Thanh Chương, nguyên trưởng phòng đô thị thuộc Văn phòng UBND TP.HCM, 5 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Phan Trường Sơn, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, 5 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Vân Trọng Dũng, chủ tịch hội đồng thành viên SAGRI, 6 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Hồ Văn Ngon, nguyên phó giám đốc SAGRI, 5 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Trần Quốc Đạt, phó trưởng phòng PTN&TTBĐS Sở Xây dựng TP.HCM, 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Lê Tấn Hòa, chuyên viên phòng PTN&TTBĐS Sở Xây dựng TP.HCM, 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Nguyễn Thị Tuyết Mai, trưởng phòng nhân sự hành chính SAGRI, 6 năm tù tội tham ô tài sản.

Trần Văn Trường, giám đốc Công ty CP Du lịch Thanh niên xung phong, 7 năm tù về tội tham ô tài sản.

Đỗ Sĩ Hoài Thanh, kế toán trưởng Công ty CP Du lịch Thanh niên xung phong, 5 năm tù về tội tham ô tài sản.

Đoàn Quang Hồi, giám đốc Công ty lữ hành Hòa Bình Quốc Tế, 8 năm tù tội tham ô tài sản.

Nguyễn Thị Nguyên, kế toán trưởng Công ty lữ hành Hòa Bình Quốc Tế, 5 năm tù về tội tham ô tài sản.

Dư Huy Quang, nguyên giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyễn Thị Thanh An, nguyên kiểm soát viên SAGRI, 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Lê Thị Diệp Cẩm, nguyên phó trưởng phòng hành chính nhân sự SAGRI, 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội che giấu tội phạm. TAND TPHCM vào chiều thứ Bảy 18/12 tuyên án đối với 19 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại SAGRI.

19 bị cáo ra tòa tại Thành phố Hồ Chí Minh, vì liên quan vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), khi chuyển nhượng dự án hơn 36.676 m2 tại Khu phố 4, Phường Phước Long B, Quận 9 (nay là TP.Thủ Đức, TPHCM) giữa SAGRI và Tổng công ty Phong Phú.

Viện kiểm sát nói sai phạm đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 672 tỉ đồng.

Nhưng về thiệt hại, HĐXX cho rằng việc thiệt hại được xác định tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng dự án và hoàn tất cập nhật sang tên trên giấy.

Theo kết luận giám định của hội đồng định giá Trung ương là tại thời điểm hoàn thành chuyển nhượng dự án gây thiệt hại hơn 348 tỉ.

Vì vậy tòa nói Viện kiểm sát cáo buộc thiệt hại tại thời điểm khởi tố 672 tỉ là chưa phù hợp pháp luật.

Chuyển nhượng 'trái pháp luật'

Nguyên Tổng giám đốc SAGRI, Lê Tấn Hùng là em trai của nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải.

Năm 2015, Thanh tra TP. HCM kết luận về việc quản lý, sử dụng đất tại SAGRI và xác định: Có 3 dự án do Tổng Công ty đầu tư để hợp tác kinh doanh, thành lập pháp nhân mới không thuộc ngành nghề kinh doanh chính, trong đó bao gồm dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, TP. HCM (nay thuộc TP Thủ Đức).

UBND TP. HCM yêu cầu SAGRI có phương án cơ cấu lại và thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư tại 3 dự án này.

Tuy vậy, tháng 9/2016, SAGRI ký biên bản thỏa thuận về giá trị chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B với Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú.

Tháng 4/2017, bị cáo Lê Tấn Hùng gửi văn bản cho UBND thành phố, Sở Xây dựng đề nghị cho phép SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Phong Phú.

Theo cáo trạng, ông Hùng đã chỉ đạo cán bộ chuyển nhượng Dự án khu nhà ở tại khu đất có diện tích hơn 36.000m2 (Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9 cũ, TP Hồ Chí Minh) cho Tổng Công ty Phong Phú.

Dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, SAGRI chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng bị cáo Hùng vẫn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hoàn thiện các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng dự án.

Các bị cáo là cán bộ, lãnh đạo tại Sở Xây dựng và Văn phòng UBND Thành phố, biết việc SAGRI đề nghị chuyển nhượng dự án là trái pháp luật nhưng vẫn trình bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố ký quyết định chấp thuận cho SAGRI được chuyển nhượng Dự án cho Tổng Công ty Phong Phú.

Ông Tuyến đã ký Quyết định số 6077/QĐ-UBND chấp thuận cho chuyển nhượng dự án với giá hơn 168 tỉ đồng, thấp hơn giá thị trường.

Hôm 14/12, tại tòa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của Công ty CP Phong Phú thông tin Công ty Phong Phú là doanh nghiệp nhà nước, sau đó cổ phần hóa.

Công ty Phong Phú có lượng công nhân viên đông lên đến hàng ngàn người, có nhu cầu nhà ở cao.

Khi biết Nhà nước có dự án nhà ở, Công ty Phong Phú đã tham gia và đồng thời khi ấy, UBND TP có chủ trương cho Sagri thoái vốn.

Nguồn hình ảnh, Mps.gov.vn

Chụp lại hình ảnh,

Ông Lê Tấn Hùng, sinh năm 1963, bị khởi tố và bắt tạm giam

"Công ty Phong Phú hết sức đau lòng và chia sẻ với Sagri. Công ty Phong Phú mong HĐXX cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo," theo báo Tuổi Trẻ.

Ông Trần Trọng Tuấn biện hộ

Tự bào chữa ngày 13/12, bị cáo Trần Trọng Tuấn, cựu giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, khẳng định không thực hiện các hành vi vi phạm theo cáo trạng.

Theo ông Tuấn, SAGRI đề nghị chuyển nhượng dự án bất động sản là phù hợp quy định của Luật kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, sau khi được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt đề án tái cơ cấu SAGRI giai đoạn 2013-2015, việc SAGRI góp vốn, đầu tư vào dự án kinh doanh bất động sản này không còn phù hợp nữa.

Vì thế SAGRI phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn, bao gồm giá trị quyền sử dụng đất đã đầu tư trong dự án.

Do đã góp vốn đầu tư vào dự án bất động sản thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, không hình thành pháp nhân mới và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án nên SAGRI phải chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản để chuyển giao quyền và nghĩa vụ của mình với toàn bộ dự án, chuyển giao hồ sơ, quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng.

Theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản, việc chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư đồng ý bằng văn bản, khi bảo đảm các điều kiện chuyển nhượng dự án nhằm bảo đảm không làm thay đổi mục tiêu của dự án, bảo đảm quyền lợi của khách hàng và các bên có liên quan.

Do đó, SAGRI phải nộp hồ sơ đề nghị UBND TP cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản tại phường Phước Long B, quận 9 theo quy định Luật kinh doanh bất động sản năm 2014.

Nếu các bên hoàn thành việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng dự án, SAGRI mới phát sinh và thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại điều 52 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014, như làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng, thực hiện thủ tục chuyển nhượng vốn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

"Việc chuyển nhượng dự án bất động sản và việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn (bao gồm giá trị quyền sử dụng đất) đã đầu tư vào dự án bất động sản do doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư là các thủ tục pháp lý và điều kiện pháp lý khác nhau," ông Tuấn nói.

"Gần 30 năm làm cán bộ công chức, tôi không bao giờ dám nghĩ đến việc làm sai hay vi phạm pháp luật dù bất cứ lý do gì, cũng không có ai, kể cả cấp trên gợi ý hay chỉ đạo tôi làm việc gì vi phạm pháp luật," ông Tuấn khẳng định.

Phản bác lại quan điểm này, tại tòa, Viện kiểm sát khẳng định trong suốt quá trình làm việc với Cơ quan điều tra, cả hai bị cáo Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn nhiều lần khai nhận động cơ phạm tội xuất phát từ lý do nể nang bị cáo Lê Tấn Hùng là em ruột của nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Lê Thanh Hải, ảnh chụp năm 2015

Theo Viện kiểm sát, các bị cáo thừa nhận trong suốt quá trình xử lý hồ sơ đề nghị chuyển nhượng dự án tại phường Phước Long B, quận 9 của SAGRI làm chủ đầu tư do cấp dưới tham mưu và trình lên, đều biết rõ thực chất trong trường hợp này SAGRI đề nghị được bán tài sản của nhà nước do đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, và việc chuyển nhượng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp cũng như các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các bị cáo biết việc ký văn bản đồng ý cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty cổ phần Phong Phú không qua thẩm định giá, không tiến hành bán đấu giá là trái quy định pháp luật nhưng vẫn thực hiện, vì trong quá trình xem xét, quyết định cả hai đều có sự nể nang bị cáo Lê Tấn Hùng.

Do vậy, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến ký ban hành quyết định số 6077/QĐ - UBND ngày 17/11/2017, chấp nhận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án, tạo điều kiện để bị cáo Lê Tấn Hùng là Tổng Giám đốc SAGRI hoàn thiện hồ sơ và ký hợp đồng chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty cổ phần Phong Phú.

Tham quan nước ngoài

Ngoài sai phạm trên, bị cáo Lê Tấn Hùng và các đồng phạm khác tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty CP Du lịch Thanh niên xung phong, Công ty TNHH TMDV lữ hành Hòa Bình Quốc tế còn bị tố cáo tham ô số tiền hơn 13,3 tỉ đồng.

Ông Lê Tấn Hùng bị cho là đã chỉ đạo và cùng các bị cáo Nguyễn Thị Thúy (Kế toán trưởng) và Nguyễn Thị Tuyết Mai (Trưởng phòng Phòng Nhân sự hành chính của SAGRI) bàn bạc, thống nhất với Trần Văn Trường (Giám đốc) và Đỗ Sĩ Hoài Thanh (Kế toán trưởng Công ty Du lịch Thanh niên xung phong), Đoàn Quang Hồi (Giám đốc) và Nguyễn Thị Nguyên (Kế toán trưởng Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế) lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng của SAGRI.

Hôm 15/12, ở phiên sơ thẩm, bị cáo Lê Tấn Hùng cho rằng toàn bộ số tiền đã được nộp lại nên không còn hậu quả.

Viện Kiểm sát cho rằng, đây chỉ khắc phục hậu quả chứ không phải hậu quả chưa xảy ra. Ngoài ra, Viện Kiểm sát nói quá trình điều tra thu giữ được nhiều chứng cứ, chứng minh hành vi tham ô tài sản của các bị cáo...

Vì vậy Viện Kiểm sát khẳng định buộc ông Lê Tấn Hùng và đồng phạm "Tham ô tài sản" là có căn cứ.

Đại diện Viện Kiểm sát nói: "Trong vụ án này các bị cáo nhóm tội tham ô tài sản bị truy tố với khung hình phạt lên tới tử hình, nhưng phần lớn được đề nghị mức hình phạt dưới khung, điều đó thể hiện cơ quan tố tụng đã xem xét hoàn cảnh phạm tội, hậu quả của vụ án."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đảng Cộng sản Việt Nam nói cần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Ông Lê Tấn Hùng 'chủ mưu'

Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, bị cáo Lê Tấn Hùng có vai trò chủ mưu, xuyên suốt trong toàn bộ các hành vi phạm tội. Với chức vụ Tổng Giám đốc SAGRI, bị cáo Lê Tấn Hùng biết và buộc phải biết việc chuyển nhượng Dự án khu nhà ở phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường, đưa ra đấu giá và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Vì động cơ tư lợi cá nhân và ý thức coi thường pháp luật, bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Tổng Giám đốc Tổng Công ty để thực hiện và chỉ đạo cán bộ trong Tổng Công ty thực hiện các hành vi trái pháp luật để chuyển nhượng dự án.

Về hành vi tham ô tài sản, gia đình bị cáo Lê Tấn Hùng đã tự nguyện nộp 200 triệu đồng là tiền lãi gửi ngân hàng của số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt, Viện Kiểm sát nhận định đây có thể xem là tình tiết giảm nhẹ.

Mức án đề nghị

Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lê Tấn Hùng, nguyên Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) mức án 14 đến 16 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", 12 đến 14 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; tổng hợp hình phạt là 26 đến 30 năm tù về cả hai tội.

Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt các bị cáo nguyên là cán bộ của SAGRI: Nguyễn Thị Thúy (nguyên Kế toán trưởng SAGRI) 11 đến 13 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", 13 đến 15 năm tù về tội "Tham ô tài sản", tổng hợp hình phạt là 24 đến 28 năm tù; Vân Trọng Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên SAGRI), Hồ Văn Ngon (nguyên Phó Tổng Giám đốc SAGRI), Nguyễn Thị Tuyết Mai (nguyên Trưởng phòng Phòng Nhân sự hành chính SAGRI) 6 đến 7 năm tù; Nguyễn Thị Thanh An (nguyên Kiểm soát viên SAGRI) từ 30 đến 36 tháng tù, Lê Thị Diệp Cẩm (nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Nhân sự hành chính SAGRI) 3 năm tù treo.

Bị cáo Trần Văn Trường (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Thanh niên xung phong) bị đề nghị mức án 7 đến 8 năm tù; Đoàn Quang Hồi (nguyên Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lữ hành Hòa Bình Quốc tế) và Nguyễn Thị Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lữ hành Hòa Bình Quốc tế) - 6 đến 7 năm tù, Đỗ Sĩ Hoài Thanh (nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Du lịch Thanh niên xung phong) - 5 đến 6 năm tù về tội "Tham ô tài sản".

Vai trò ông Trần Vĩnh Tuyến?

Viện Kiểm sát đánh giá, với vai trò là Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Trần Vĩnh Tuyến buộc phải biết dự án này là thành phố giao cho Sagri quản lý, trước khi chuyển nhượng phải thẩm định giá theo giá thị trường, thực hiện đấu giá.

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến đã ký ban hành Quyết định số 6077/QĐ-UBND ngày 17/11/2017 "về chấp thuận chuyển nhượng Dự án phát triển khu nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9, TP Hồ Chí Minh" do SAGRI làm chủ đầu tư cho Tổng Công ty Phong Phú.

Đây là văn bản quyết định, là cơ sở để Lê Tấn Hùng và các đồng phạm tại SAGRI chuyển nhượng dự án trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Vĩnh Tuyến 7 đến 8 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt các bị cáo: Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh) 7 đến 8 năm tù, Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh văn phòng UBND Thành phố) 5 đến 6 năm tù; Phan Trường Sơn (nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND Thành phố) và Dư Huy Quang (nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh) 4 đến 5 năm tù; Trần Quốc Đạt (nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng) và Lê Tấn Hòa (nguyên chuyên viên Sở Xây dựng) 3 năm tù treo.

Ông Lê Tấn Hùng nói gì tại tòa?

Ngày 16/12, nói lời sau cùng, ông Hùng được báo chí dẫn lời: "Bị cáo mất hết tất cả. Cả quá trình công tác, cuộc đời bị cáo mất hết. Bị cáo phải đối diện với tội danh hết sức đau đớn, là tội danh tham ô; Thứ 2, mấy ngày nay bị cáo suy nghĩ mãi không hiểu vì lý do gì, tại sao bị cáo bị Viện kiểm sát đề nghị mức hình phạt hết sức cao. Đây có phải là mức án do số phận đã an bài cho bị cáo hay không. Ngày hôm nay bị cáo vẫn còn hy vọng niềm tin cuối cùng vào phán quyết của HĐXX, và mong HĐXX xem xét đầy đủ, thấu tình, đạt lý để bị cáo nhận thấy đúng trách nhiệm của mình với hình phạt xứng đáng."

Nói lời sau cùng, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) trình bày: "Sau phiên tòa này, tất cả chúng ta đều phải đối diện tòa án lương tâm. Nhưng điều tôi nói ở đây là với sự trung thực, nếu không thì thiếu tôn trọng HĐXX, VKS. Tạo nghiệp sẽ bị quả báo, tôi không bao giờ đổ tội cho người khác. Xin HĐXX cho xem xét cho tất cả các bị cáo đứng ở đây. Họ đáng thương hơn đáng trách, họ và gia đình xứng đáng được sự khoan hồng của nhà nước".