

Cô gái bị nhiễm virus corona đang nằm cách ly tại nhà















ADELANTO, California (NV) – Chiều 28 Tháng Chín, ông Tín Nguyễn, 47 tuổi, người tù gốc Việt bị cảnh sát di trú (ICE) bắt giam chờ ngày trục xuất về Việt Nam, đã được trả tự do.
Nói với phóng viên nhật báo Người Việt, bà Sương Nguyễn và bà Huệ Nguyễn, người chị lớn và chị kế của ông Tín, cho biết cả hai người lái xe từ nhà ở Diamond Bar, Los Angeles County, đến trại tạm giam Adelanto ICE Processing Center, San Bernardino, mất hai tiếng, để có mặt lúc 12 giờ 30 phút trưa, đúng như giờ luật sư thông báo, nhưng phải đến 5 giờ chiều ông Tín mới được nhân viên ICE đưa ra ngoài… một cách lặng lẽ.
Sau khi nhân viên ICE “bàn giao” ông Tín cho gia đình, ông được hai người chị đưa tới Cavanagh Hall để tiếp tục trở lại “thời sinh viên,” hoàn thành bằng cử nhân tại đại học Cal State Los Angeles.
“Chúng tôi gần như tuyệt vọng, vì phải chờ từ trưa mà không được ICE thông báo điều gì, đến vui sướng tột cùng khi được ôm Tín, ba chỉ em chỉ biết ôm nhau mà khóc. Với tôi, 20 năm trời, tôi mới được gặp lại em trai. Hỏi em muốn ăn gì, em nói muốn ăn mì hải sản. Tụi tôi liền order cho Tín đem về, chứ không có thời gian để ngồi tâm sự gì cả,” bà Sương nói.
Trước khi được tại ngoại, kết quả xét nghiệm COVID-19 của ông Tín là âm tính, tuy vậy, ông vẫn phải cách ly 14 ngày tại Cavanagh Hall.
Bà Sương nói với nhật báo Người Việt: “Trong thời gian Tín ngồi tù, chỉ có mẹ tôi và người anh trai ở Wisconsin được vào thăm Tín vài lần. Mẹ tôi năm nay đã 84 tuổi, bà rất yếu và mệt mỏi ngóng con từng ngày. Ba tôi mất cách đây gần 20 năm. Sau khi Tín bị bắt, ông đổ bệnh vì chịu không nổi nỗi đau đớn ấy.”
Ông Tín Nguyễn phải ngồi tù vì “gia nhập” các băng đảng gốc Việt và “dính” đến một vụ cướp của giết người. Nhưng nguyên do sâu xa để bị rơi vào vòng lao lý, chính là suốt thời niên thiếu, ông là nạn nhân của phân biệt chủng tộc, vì bị ăn hiếp, bị kỳ thị.
Trước đó, khi được hỏi về những mong muốn sẽ thực hiện nếu được trả tự do và không bị trục xuất về Việt Nam, ông Tín nói với nhật báo Người Việt: “Tín muốn được nói chuyện với những người trẻ để họ đừng sai lầm như Tín. Tín sẽ trở thành người huấn luyện chó giỏi.” (Đoan Trang) [qd]
Theo lời kể của người dân sống tại làng Aberhosan, không hiểu vì lý do gì mà cứ tới 7h sáng là bỗng nhiên cả làng... mất mạng (Internet). Việc này khiến mọi người dường như phát điên khi không thể nắm bắt được tin tức cũng như liên lạc với thế giới bên ngoài. Theo mô tả, chỉ thiếu việc sống trong hang và đi săn thú nữa là cả làng chính thức đặt chân về thế giới tiền sử!
Sự việc kì lạ này cũng khiến nhà mạng thắc mắc không hiểu vì lý do gì mà riêng ngôi làng này lại bỗng dưng mất Internet đồng loạt. Sau 18 tháng, các kĩ sư nhà mạng của hãng viễn thông Openreach (Anh Quốc) bắt đầu kiểm tra kĩ lưỡng sau khi cố gắng thay thế cáp quang nhưng vẫn không thể khắc phục được sự cố.
Mọi người đều cảm thấy bối rối vì sự cố liên tục xảy ra, cho đến khi các kĩ sư sử dụng đến thiết bị giám sát đặc biệt thì "thủ phạm" mới dần ló mặt ra ánh sáng...
Kỹ sư của hãng viễn thông Openreach đang điều tra nguyên nhân "cái chết" của internet tại làng Aberhosan
Hóa ra, vạn sự rắc rối đều chính do một chiếc TV cũ gây ra. Được biết, chiếc TV này thuộc về một hộ gia đình trong làng. Gia đình này thường có thói quen bật chiếc TV vào lúc 7 giờ sáng hàng ngày - nhưng điều không ai ngờ là sóng nhiễu điện do chiếc TV cũ phát ra đã ảnh hưởng đến tín hiệu băng thông Internet, từ đó khiến cả làng sống như người "tối cổ" trong 18 tháng!
"Hóa ra là vào lúc 7 giờ sáng nhà kia sẽ bật chiếc TV cũ của họ, nó sẽ lần lượt làm nhiễu băng thông của toàn bộ ngôi làng." - đội ngũ kĩ sư cho hay. Được biết, chiếc TV này có khả năng phát ra sóng nhiễu xung mức cao (SHINE), gây nhiễu điện cho các thiết bị điện tử khác.
Sau khi tìm được nguyên nhân, gia chủ đã quá xấu hổ và hứa rằng sẽ quẳng ngay món đồ tai ương kia vào sọt rác để không làm ảnh hưởng tới mọi người nữa.
Nguồn: BBC
Việc đem người chết ra làm trò đùa vốn là điều cấm kị ở rất nhiều nền văn hóa, thế nhưng ở thị trấn Sapanta tại đất nước Rumani, đây lại là một truyền thống lâu đời và được dân làng ủng hộ nhiệt liệt.
Người dân ở đây vốn có một cái nhìn rất hài hước và thoải mái về cái chết, điều này thể hiện rất rõ qua những tấm bia mộ màu sắc rực rỡ ở nghĩa trang địa phương. Không chỉ vậy, những bia mộ này thường chứa những vần thơ hài hước ngắn đầy dí dỏm với mục đích chọc ghẹo người chết, kể chuyện đời hay tiết lộ những bí mật thầm kín nhất của họ.
Như bức hình trên, chúng ta có thể sẽ nghĩ đây là một bà cụ tần tảo cả đời để nuôi nấng con cái nên người. Thế nên khi cụ nằm xuống ba tấc đất, các con cụ sẽ khắc lên tượng những thông tin đầy đủ như tên tuổi, hưởng dương bao nhiêu tuổi và những lời vàng ý ngọc.
Vâng, đấy là ở đâu chứ ở thị trấn Sapanta thì khắc những thứ đó lên mộ thì quả đúng là vô lễ, nhà dột từ nóc, đi ngược lại giá trị văn hóa bao đời nay. Để chứng minh, xin được lược dịch bài thơ được khắc trên mộ bà cụ này qua lời văn của... con dâu cụ:
"Nằm dưới cây thánh giá nặng nề này
Là người mẹ chồng tội nghiệp của tôi
Bà cụ mà sống được thêm ba ngày
Là chúng tôi được trận cười bể bụng
Ai mà nhỡ đi ngang qua mộ
Thì xin đừng làm bà bật mồ sống dậy
Bà ấy sẽ trở thành xác sống
Và về nhà để cắn vào đầu tôi
Nhưng yên tâm, tôi đã chuẩn bị cả rồi
Muốn về cũng không được đâu mẹ ạ"
Những bài thơ con cóc, không đầu không cuối và có phần hơi nhảm nhí này chính là đặc sản tại nghĩa địa Sapanta. Nếu có cơ hội tới nơi này tham quan, bạn sẽ nghĩ mình đang lạc vào nơi an nghỉ cuối cùng của câu lạc bộ những người yêu thơ, chứ không phải nghĩa địa làng!
Truyền thống này bắt nguồn từ một người thợ mộc trong làng có tên Stan Ioan Patras, ông này được giao nhiệm vụ xây dựng các cây thánh giá và bia mộ từ gỗ sồi. Sau khi dự đám tang truyền thống kéo dài ba ngày, dân làng sẽ tụ tập tại hố nước địa phương để uống rượu và kể những câu chuyện về người đã khuất. Ông Patras thấy hay và bắt đầu chuyển thể những câu chuyện này thành những bài thơ con cóc ngắn và bắt đầu khắc chúng lên phiến gỗ sồi.
Stan viết những câu thơ đầu tiên của mình lên trên một ngôi mộ vào khoảng năm 1935. Ông tiếp tục công việc này cho đến khi qua đời vào năm 1977 và ước tính đã tự tay thiết kế hơn 800 ngôi mộ trong nghĩa trang. Sau khi ông qua đời, người học việc của ông là chàng trai trẻ Dumitru Pop đã tiếp quản và tiếp tục truyền thống độc đáo này kể từ đó.
Ngày nay, khi một người nào đó trong làng qua đời, gia đình họ sẽ đến gặp Dumitru Pop và yêu cầu ông ta sáng tạo những tác phẩm hài hước. Dumitru sẽ sơn tấm gỗ sồi màu xanh lam và trang trí nó bằng những đường viền hoa lá và một loạt màu sắc. Sau đó, ông vẽ một bức hình mô tả cuộc sống của người đó và sáng tác một bài thơ. Pop một mình quyết định bức tranh sẽ khắc họa điều gì và câu thơ sẽ nói gì. Những bài thơ của ông thường mang hơi hướng hài hước bậy bạ, kể những câu chuyện dí dỏm về những kẻ vô thần, bất cần và thích rượu.
Hình ảnh ngôi mộ của người bán thịt Gheorghe Basulti, đang chặt một con cừu bằng dao và một cái ống ở môi. Bên dưới đó là bài thơ:"
“Khi tôi sống trong thế giới này,
Tôi đã lột da nhiều con cừu
Thịt ngon tôi đã chuẩn bị
Vì vậy, bạn có thể ăn thoải mái,
Tôi cung cấp cho bạn thịt béo tốt
Một điều nữa tôi rất yêu thích
Là tới quán bar đầu làng
Và ghẹo vợ lão hàng xóm".
Nhưng cũng có những dòng thơ lại khiến chúng ta phải lặng người giống như ngôi mộ của một cô bé 3 tuổi đã qua đời trong một vụ tai nạn ô tô. Bài thơ này phảng phất một nỗi tức giận khá ngây ngô:
"Đốt cháy ngươi dưới địa ngục, tên lái taxi chết tiệt
Lời này đến từ miệng cô bé Sibu
Tất cả những nơi trên đất nước này
Tại sao người phải dừng lại ngay tại đây
Người đâm chết tôi ngay trước cửa nhà
Gửi tôi đến ba tấc đất bên dưới
Và để lại cho cha mẹ tôi đầy những khốn khổ".
Pop phát biểu rằng chưa có ai phàn nàn về những câu thơ "con cóc" mà anh chàng khắc lên bia mộ mọi người. "Đó là cuộc sống thực sự của một người. Nếu anh ta thích gái gú, bạn phải nói điều đó; nếu hắn thích nốc rượu, bạn cũng nên nói điều đó... không có gì cần giấu trong thị trấn nhỏ này"- Pop nói - “Các gia đình thực sự muốn khắc họa chân thực nhất cuộc sống của người đã khuất trên bia mộ”.
Ngày nay, “Nghĩa trang Merry” là một phần của tour tham quan địa phương và đón hàng nghìn khách du lịch mỗi năm.
Nguồn: Amusing Planet
MỹĐến nay, Points Roberts chưa ghi nhận một ca lây nhiễm nCoV nào trong khi hơn 7,3 triệu người đã mắc Covid-19 ở Mỹ.
Khắp nước Mỹ, vô số cộng đồng dân cư, doanh nghiệp... chật vật để tồn tại. Nhưng Points Roberts lại chật vật theo một cách khác. Nằm trên mũi bán đảo Tsawwassen của Canada, thị trấn này hoàn toàn ở dưới vĩ tuyến 49 - đường ranh giới chia cắt Mỹ và Canada.
Đường duy nhất trên đất liền dẫn tới đây nằm trọn trong xứ sở lá phong. Kể từ khi có lệnh hạn chế đi lại vào tháng 3, hơn 1.300 cư dân của Points Roberts thấy mình bị cô lập hoàn toàn. Biên giới đóng cửa, không còn tàu thuyền, phà hay chuyến bay thường xuyên, người dân ít rời đi hay khách cũng hạn chế đến thị trấn. Đến nay Points Roberts chưa ghi nhận một ca lây nhiễm nCoV nào trong khi hơn 7,3 triệu người đã mắc Covid-19 khắp nước Mỹ.
Point Roberts "an toàn" trong đại dịch nhờ vị trí địa lý độc đáo. Ảnh: Madereugeneandrew
Dù người dân Points Roberts trân trọng tháng ngày có thể nhìn ngắm vẻ đẹp tự nhiên của thị trấn, khách du lịch bằng 0 lại là bất lợi cho chuyện kinh doanh. Vào một ngày thứ 7 đẹp trời trong tháng 9, tiệm cà phê Saltwater ở thị trấn cảng Point Roberts, Washington, chỉ một bàn có khách. Những cuối tuần trước đây, quán đông kín khách ngắm cảnh, tận hưởng gió biển.Tamra Hansen, chủ quán cà phê, cho hay: "Bình thường, bạn chẳng thể kiếm nổi một chỗ ngồi vào cuối tuần". Doanh thu của tiệm cà phê này sụt giảm 75% từ khi đại dịch tấn công Mỹ.
"Chúng tôi thực sự cần biên giới mở cửa để sống sót. Khoảng 90% khách hàng của tôi đến từ Canada, chủ yếu là khách đến vào mùa du lịch. Chúng tôi kiếm tiền vào mùa hè để sống qua mùa đông", Hansen bày tỏ.
Vào năm 2019, có tới 1,4 triệu lượt nhập cảnh vào thị trấn rộng 12,65 km2 này. Còn năm nay mới chỉ có khoảng 220.000. Brian Calder, giám đốc Phòng Thương mại Point Roberts, nói trên CBC ngày 27/9: "Khi xuống phố ngày hôm nay, bạn sẽ không thấy ai. Tôi không đùa đâu, chẳng có ai cả. Nơi này là thị trấn ma".
Calder là công dân của Points Roberts đời thứ ba. Tuổi thơ là những mùa hè lúc thì ở đất Mỹ, khi ở Canada trên bán đảo Tsawwassen, nhưng Calder chuyển hẳn về thị trấn nhỏ này 15 năm trước khi nghỉ hưu.
Đến nay, lần đầu tiên ông thấy quê hương mình bên bờ sụp đổ, kinh doanh sụt giảm hơn 80%, theo Viện Nghiên cứu Chính sách Biên giới tại Đại học Western Washington. "Chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào Canada", Calder nhận định.
Vào mùa cao điểm, Point Roberts có sức chứa lên đến 6.000 khách, giảm xuống khoảng 1.250 khách vào mùa thấp điểm. Từ khi biên giới bị đóng cửa, ông ước tính chỉ còn khoảng 800 đến 900 khách hàng. Hiện 5 trạm xăng phục vụ dưới 1.000 người, một cửa hàng tạp hóa mà lúc cao điểm sẽ phục vụ 5.000 khách hàng một ngày giờ trống trải, một bến du thuyền vắng tanh, nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa, gồm cả cả sân gôn, một nhà hàng và một ngân hàng tuyên bố sẽ đóng cửa vào tháng 12.
Trước đại dịch, cả người Mỹ và Canada băng qua biên giới tại Points Roberts liên tục trong ngày để chơi thể thao, mua sắm hay tham quan bên láng giềng. Ảnh: Delta Optimist
Calder bi quan khi nghĩ về tương lai của thị trấn và khả năng phục hồi của nền kinh tế nhỏ bé này. Ngay cả khi chính quyền Mỹ có đề nghị Canada nới lỏng những hạn chế với người dân Point Roberts, thì không có gì đảm bảo những doanh nghiệp có thể tiếp tục mở cửa, hay ngày càng nhiều người dân không rời bỏ nơi này mỗi tuần.
"Khi Covid chấm dứt, thiệt hại vẫn chưa dừng lại với Point Roberts", Calder bày tỏ.
Năm 1940, cảnh sát Florida nhận được tố cáo bất thường nhất. Người báo án là một phụ nữ Mỹ gốc Cuba. Bà khởi tố bác sĩ Carl Tanzler của Bệnh viện Hải quân Key West tội trộm xác và mạo phạm thi thể em gái mình, Elena Milagro de Hoyos - người đã qua đời từ năm 1931.
Elena sinh năm 1909, mắc bệnh lao bẩm sinh. Từ nhỏ, cô đã nổi tiếng xinh đẹp như thiên thần. Lớn lên, Elena lại càng khiến nhiều cánh đàn ông ở Key West xiêu đổ. Người ta đặt cho cô biệt danh "hoa khôi vùng Key West".
Năm 1925, Elena lên xe hoa với Luis Mesa. Cô sớm mang bầu nhưng không may lại sảy thai. Mesa rất đau khổ và oán trách vì chuyện này, nên hai vợ chồng tạm thời li thân. Cũng sau sự việc đáng tiếc trên, bệnh tình của Elena ngày càng nặng. Cô được gia đình đưa vào Bệnh viện Hải quân Key West chữa trị.
Trong bệnh viện, Elena được bác sĩ Carl Tanzler tận tình chăm sóc. Ông dành tất cả các dược liệu quý giá nhất cho cô, nghiên cứu và sử dụng toàn bộ công nghệ y học tân tiến nhất, thề cứu sống cô bằng mọi giá.
Ngày 25/10/1931, Elena qua đời. Tanzler vô cùng đau đớn và thương tiếc, xin gia đình cô cho phép đứng ra chủ trì và chi trả mọi chi phí tang lễ. Người nhà Elena đồng ý. Tanzler tự tay chỉ định vị trí và thuê người xây cất ngôi mộ khang trang cho Elena trong Nghĩa trang Key West. Ông đều đặn viếng mộ cô mỗi đêm, lắm khi còn ngủ luôn bên tấm bia.
Gia đình Elena hết sức biết ơn Tanzler. Năm 1940, chị gái của Elena sẵn tiện có công việc gần nhà Tanzler, ghé vào thăm hỏi sức khỏe. Bà không ngờ ngoài Tanzler, trong ngôi nhà của ông vẫn còn một "người" khác đón chào mình. Đó chính là Elena Milagro de Hoyos, nhưng là một cái xác không hồn.
Ngay từ lần đầu tiên chạm mặt Elena trong bệnh viện vào ngày 22/4/1930, Tanzler đã trúng tình yêu sét đánh. Thuở thiếu niên, ông từng nằm mơ thấy người thân đã khuất báo mộng "chân mệnh thiên tử" của mình là một phụ nữ tóc đen xinh đẹp.
Lúc gặp Tanzler, thiếu phụ Elena mới 21 tuổi. Bất chấp bệnh tật, cô vẫn đẹp ngời ngời nhờ nước da trắng trẻo, mái tóc đen mượt mà và dáng vóc thanh tú. Tanzler khi này đã 53 tuổi, cũng có vợ hợp pháp là Doris Schäfer (1889 - 1977) và 2 đứa con đang sống ở Đức. Dù vậy, ông say đắm nữ bệnh nhân Elena và liên tục tặng quà. Nửa đầu thế kỷ XX, lao vẫn là bệnh chưa có thuốc chữa. Elena biết mình không có cơ hội sống lâu nên cũng sớm buông bỏ hy vọng. Cô biết ơn sự tận tình của Tanzler, nhưng không chút tư tình với vị bác sĩ này.
Cái chết của Elena với Tanzler là một cú sốc nặng. Sau gần 2 năm viếng mộ cô hàng ngày, ông nhận thấy không thể chịu đựng sự xa cách thêm được nữa. Tháng 4/1933, Tanzler đào trộm mộ Elena. Ban đầu, ông chỉ định nhìn hài cốt cô một lần nhưng sau đó lại đổi ý. Lợi dụng đêm tối, Tanzler đưa thi thể đang mục rữa của Elena về nhà. Ông dùng dây đàn, nối giữ các khớp xương và tiến hành "phục dựng" Elena.
Đầu tiên, Tanzler dùng vải nhồi đầy khoang ngực và bụng của cô. Ông tỉ mỉ nhặt nhạnh từng sợi tóc, kết thành một bộ tóc giả. Xong phần khung cơ thể, Tanzler đem lụa trát sáp và thạch cao làm lớp da giả, quấn quanh hài cốt Elena. Ông đội bộ tóc mới kết lên đầu xác chết, gắn con ngươi thủy tinh vào hốc mắt, làm mũi, nặn môi, vẽ chân mày... tạo thành một "búp bê cốt người".
Kể từ lúc này cho đến năm 1940, Tanzler tự tay thay đổi quần áo cho Elena, xịt nước hoa, thoa chất khử trùng và bảo quản. Ông trò chuyện với "cô", ôm ấp "cô" trên giường, đỡ "cô" đứng dậy khiêu vũ... Thời gian rảnh rỗi, Tanzler miệt mài tự chế khinh khí cầu. Ông toan tính đưa Elena lên chín tầng mây, hong nắng gió để... trẻ hóa.
Khi sự thật bị phơi bày, Tanzler không hề hối lỗi mà còn khó chịu. Ông lên án cảnh sát và công chúng phá vỡ "hạnh phúc lứa đôi" của mình. Tanzler cũng tuyên bố trước khi ông đưa thi thể Elena về nhà, linh hồn cô đã hiện thế và cho phép.
Những năm 1940, pháp luật Hoa Kỳ chưa quy định xử phạt tội danh mạo phạm thi thể. Thành ra, Tanzler chỉ bị khiển trách rồi cho về nhà. Tuy nhiên cũng vì sự việc này, ông "mất" Elena. Tòa án Florida quyết định trả thi thể của cô về cho gia đình. Người nhà Elena bí mật chọn địa điểm và chôn cất cô tử tế.
Dù bị cả thế giới chê trách, Tanzler vẫn một mực tin mọi thứ ông làm đều vì Elena và tình yêu. Thiếu "cô", ông ngày càng đau khổ, cuối cùng âm thầm chuyển đến hạt Pasco ẩn cư. Ở đây, Tanzler tự tay làm một "búp bê cốt búp bê" Elena tương đương với kích thước người thật. Ông lặng lẽ sống với con rối hình người này đến tận khi nhắm mắt xuôi tay.
Ngày 5/7/1952, cư dân ở Pasco thông báo có một ông già sống đơn thân đã qua đời trong nhà riêng. Khi cảnh sát đến nơi, họ giật mình nhận ra đó chính là Tanzler. Ông đã chết từ 2 ngày trước và đang nằm yên bình trong lòng con búp bê Elena.
Tham khảo: Historic Mysteries
MỹTrợ lý điều dưỡng Reta Mays, 46 tuổi, lén tiêm quá liều insulin khiến 8 bệnh nhân là cựu binh tử vong bất thường.
Ngày 14/7, Mays khóc, thừa nhận tội trạng tại tòa liên bang tại thành phố Clarksburg, bang West Virginia. Tuy vậy, bị cáo không tiết lộ động cơ phạm tội.
Nhà chức trách xác định, tháng 6/2015-7/2018, Mays làm trợ lý điều dưỡng tại bệnh viện dành cho cựu binh. Vị trí công việc không cho phép bà được tiêm thuốc cho bệnh nhân, kể cả insulin. Nhưng trong những ca trực tối từ 19h30 tới 8h, Mays tiêm quá liều cho bệnh nhân bằng insulin, thuốc điều trị tiểu đường.
Từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2018, 8 cựu binh tuổi từ 81 tới 96 tại bệnh viện chết bất thường vì hạ đường huyết nghiêm trọng, triệu chứng của việc không bị tiểu đường nhưng bị tiêm insulin hoặc bị tiêm quá liều. Những cái chết này khiến bác sĩ nghi ngờ, báo lên nhà chức trách vào giữa năm 2018.
Khai quật tử thi để giám định, điều tra viên phát hiện các thi thể đều có lượng insulin cao đột biến trước khi chết. Mays luôn có mặt trong thời điểm nạn nhân bị tiêm insulin.
Mức án với Mays chưa được tuyên song theo khung truy tố, mức phạt lên tới 7 án tù chung thân.
Quốc Đạt (Theo CNN, WV MetronewsVương Vân, 37 tuổi, bỏ hóa chất vào cháo của học sinh để trả thù sau mâu thuẫn với đồng nghiệp ở trường mẫu giáo.
Ngày 28/9, Vân bị tòa án cấp trung thành phố Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam tuyên phạt tử hình về tội Cố ý gây thương tích và Sử dụng chất gây nguy hiểm.
Bản án xác định trong quá trình làm giáo viên tại trường mẫu giáo địa phương, Vân mâu thuẫn với đồng nghiệp về cách thức quản lý học sinh nên nảy ý định trả đũa. Cuối tháng 3/2019, Vân nhân lúc nhà bếp không có người đã bỏ hóa chất vào nồi cháo của lớp học do đồng nghiệp phụ trách. Sự việc khiến 25 học sinh trong khoảng 3-5 tuổi trúng độc, trong đó một em tử vong.
Đây không phải lần đầu tiên Vân đầu độc người khác. Tháng 2/2017, cô từng bỏ hóa chất vào cốc nước của chồng sau cuộc cãi vã khiến nạn nhân phải cấp cứu.
Trong quá trình điều tra vụ đầu độc tại trường mầm non, Vân tỏ ra hối hận, nói chỉ muốn trả đũa đồng nghiệp, không cố ý gây thương tích cho các học sinh. Tại tòa, Vân khóc nhận tội và nói cả đời không tha thứ cho chính mình.Bên cạnh hình phạt tử hình, Vân còn bị tòa yêu cầu phải cùng người đứng đầu trường mẫu giáo liên đới bồi thường cho gia đình các nạn nhân.