Trang Lá Cải Ngày 08 Tháng 6 Năm 2020:MC Kỳ Duyên: Nhà hàng có bị đập tanh bành tôi cũng không buồn

Thứ Hai, 08 Tháng Sáu 20208:00 SA(Xem: 7585)
Trang Lá Cải Ngày 08 Tháng 6 Năm 2020:MC Kỳ Duyên: Nhà hàng có bị đập tanh bành tôi cũng không buồn
HCM-GotGiay
*******************

Vết trượt dài của kẻ hai lần vượt ngục


Triệu Quân Sự, 29 tuổi, quê Thái Nguyên, sau khi bỏ học năm lớp 10 đã lún dần trên con đường phạm pháp vì mê game, cờ bạc, lô đề.

Đến chiều 8/6, lực lượng chức năng vẫn đang truy bắt Triệu Quân Sự - kẻ mang bốn tiền án Giết người, Cướp tài sản, Đào ngũ, Trốn khỏi nơi giam giữ; vừa trốn thoát khỏi trại giam T10, Quân khu 5 ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Triệu Quân Sự, kẻ hai lần vượt ngục khi thụ án chung thân vì Giết người, cướp của, đào ngũ. Ảnh: Công an cung cấp.

Triệu Quân Sự, kẻ hai lần vượt ngục. Ảnh: Công an cung cấp.

Theo hồ sơ, Triệu Quân Sự là con trai cả trong một gia đình lao động phổ thông có hai con ở xóm Bản Luông, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Trước khi trở thành tội phạm "đặc biệt nguy hiểm", Sự từng nhiều năm là học sinh khá, giỏi, được bạn bè, gia đình yêu mến.

Ngã rẽ của Sự đến vào năm 2007, khi anh ta đang học lớp 10 thì bỏ dở vì mê game. Sau đó Sự kiếm tiền bằng công việc tự do như phụ hồ, thợ hút cát thuê. Những năm tháng sống ngoài xã hội đã khiến Sự tiếp tục sa ngã vào cờ bạc, lô đề...

Bốn năm sau, Sự trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 3, Quân khu 1. Trong thời gian tại ngũ, gã nhiều lần bỏ trốn khỏi doanh trại. Để có tiền tiêu xài ở ngoài, Sự mượn điện thoại của đồng đội rồi cầm cố, hoặc mượn tiền mặt. Đặc biệt, có lần hắn trộm đến 9 điện thoại, bị phát hiện và buộc trả lại.

Bốn lần đầu, khi Sự trốn ra ngoài, gia đình luôn động viên, gọi điện cho đơn vị và cơ quan chức năng để đưa con trai họ về lại quân đội; đồng thời giúp Sự khắc phục hậu quả.

Đến tháng 8/2012, khi đang là binh nhì, Sự đã trốn khỏi đơn vị lần thứ năm. Nhưng anh ta không còn cơ hội trở lại hàng ngũ, vì gây ra tội ác tầy đình.

Lần đó, Sự không về gia đình mà sống lang thang ở Hà Nội. Một buổi trưa, gã đi xe buýt từ Mỹ Đình sang Long Biên, rồi ghé vào quán cà phê. Thấy bà chủ trông quán một mình, Sự nảy sinh ý định cướp tài sản. Chờ đến lúc chủ quán vào nhà vệ sinh, hắn đi theo rồi lấy con dao đâm vào cổ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau đó, Sự tháo nhẫn, hoa tai vàng, lục tiền của chị ta rồi bỏ trốn.

Sau khi bán tài sản cướp được, Sự về Thái Nguyên thì bị cảnh sát bắt giữ trong nhà nghỉ ở huyện Đại Từ. Làm việc với cơ quan điều tra, Sự khai đang nợ tiền của bạn đến hẹn phải trả.

Đầu năm 2013, Sự bị Tòa án Quân sự Quân khu 1, tuyên phạt án tù chung thân với 3 tội Giết người, Cướp tài sản, Đào ngũ và thụ án ở trại giam T10 ở huyện Bình Sơn, thuộc Quân khu 5.

Trạm đường sắt ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, nơi Triệu Quân Sự cướp điện thoại trên đường vượt ngục lần 2. Ảnh: Phạm Linh.

Trạm đường sắt ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, nơi Triệu Quân Sự cướp điện thoại trên đường vượt ngục lần 2. Ảnh: Phạm Linh.

Tại đây, Sự bị giam chung phòng cùng với một phạm nhân khác quê Vĩnh Phúc - người có nhiều tiền án và từng vượt ngục. Hai kẻ này đã cùng bàn bạc, lên kế hoạch trốn thoát.

Giả vờ đau bụng, không ngủ được, cả hai xin được thuốc ngủ trong trạm y tế của trại giam. Lợi dụng mùa mưa, Sự cùng đồng phạm cho phạm nhân còn lại chung buồng giam uống thuốc ngủ rồi cùng nhau dùng một mảnh cưa gãy (nhặt được trong lúc lao động trong trại) cưa song sắt, sau đó lấy cơm trộn đất trát vào vết cưa để tránh bị phát hiện.

Tháng 11/2015, cả hai cưa được song sắt rồi bỏ trốn. Đến Đồng Nai, hai tên chia hai hướng, Sự đi ngược ra phía Bắc. Trong thời gian này, hắn gây ra nhiều vụ cướp điện thoại, iPad, ngủ vật vạ khắp nơi.

Đầu tháng 12/2015, khi đang trộm điện thoại của cửa hàng ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, gã bị thiếu tá quân đội phát hiện. Sự đã dùng dao đâm quân nhân này bị thương nặng, sau đó bỏ trốn. Người dân đã đưa thiếu tá này đi cấp cứu kịp thời.

Nửa tháng sau, Sự bị bắt khi đang chơi game trong tiệm Internet ở quận Nam Từ Liêm. Hắn bị kết án thêm tội Trốn khỏi nơi giam giữ và tiếp tục thụ án ở trại giam T10.

5 năm sau lần vượt ngục đầu tiên, ngày 3/6 vừa qua, Sự leo tường rào bảo vệ khu giam trốn thoát.

Tối cùng ngày, khi qua trạm đường sắt ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, cách trại giam giữ hơn 5 km, Sự thấy nữ nhân viên đường sắt đang trực một mình trong trạm nên vào trấn áp, cướp điện thoại di động. Sau đó, gã băng qua quốc lộ 1 đến xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (cách đó khoảng 5 km), cướp xe máy của người đàn ông, chạy ra hướng Bắc.

Chó nghiệp vụ được dẫn theo để tuần tra, đánh hơi tội phạm ở đèo Hải Vân. Ảnh: Nguyễn Đông.

Chó nghiệp vụ được dẫn theo để tuần tra, đánh hơi tội phạm ở đèo Hải Vân. Ảnh: Nguyễn Đông.

Đến chiều 4/6, Sự chạy qua quận Liên Chiểu, Đà Nẵng để đến đèo Hải Vân thì bị lực lượng trực chốt ra hiệu dừng xe. Lúc này, anh ta tăng ga bỏ chạy, sau đó vứt xe máy bên đường, trốn vào rừng. Hàng trăm Công an TP Đà Nẵng, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, Quân khu 5 đã được huy động để vây bắt bốn ngày qua.


*****************

Diễn biến nóng mới ở VN: Vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi lầu tử vong


Diễn biến nóng mới ở VN: Vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi lầu tử vong

Bà Nguyễn Thanh Bích (Vợ ông Tín) vừa nhận được công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gửi Bộ Công an, làm rõ liên quan một số nội dung kiến nghị của gia đình về cái chết bất thường của tiến sĩ Tín.

Chiều 5/6, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư Hà Nội, bảo vệ quyền lợi cho gia đình tiến sĩ Bùi Quang Tín) cho biết, cơ quan điều tra sẽ gia hạn xác minh vụ án thêm 2 tháng nữa, do có tính chất phức tạp. 

Chỉ 3 hôm nữa (ngày 8/6), sẽ hết thời hạn xác minh vụ án 2 tháng theo quy định của Bộ Luật tố tụng Hình sự. "Hy vọng tuần tới tôi sẽ nhận được quyết định gia hạn điều tra của Cơ quan điều tra PC01, Công an TP.HCM", luật sư Quynh nói.

Liên quan vụ án, luật sư cho biết, bà Nguyễn Thanh Bích (45 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, vợ ông Tín) vừa nhận được công văn do Phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Cao Huy ký ngày 4/6. Nội dung truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gửi Bộ Công an, làm rõ liên quan một số nội dung kiến nghị của gia đình về cái chết bất thường của tiến sĩ Tín.

"Hy vọng sớm có kết quả từ cơ quan điều tra để mọi người quan tâm đỡ ngóng trông", luật sư Quynh chia sẻ.

Trước đó, ngày 5/4, trong lúc cả nước đang cách ly xã hội nhằm phòng chống Covid-19, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (trường Đại học Ngân hàng TP.HCM) mời 7 cán bộ của trường đến căn hộ ở tầng 14 chung cư New Sài Gòn (huyện Nhà Bè) ăn trưa. Tại đây, họ uống hết 3 chai rượu mạnh và 12 lon bia.

Khoảng 15h, nhiều người ra về, riêng ông Nguyễn Đức Trung, hiệu phó và TS Bùi Quang Tín (khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM) ở lại. Đến 17h20 cùng ngày, ông Tín bị phát hiện tử vong, nghi rơi từ tầng 14 chung cư.

Chiều 28/4, phía Công an TP.HCM, Viện KSND TP.HCM cùng Công an huyện Nhà Bè đã có mặt tại chung cư New Sài Gòn thực nghiệm hiện trường. Buổi thực nghiệm còn có sự tham dự chứng kiến vợ tiến sĩ Bùi Quang Tín và luật sư Quynh.

Chiều 29/4, Công an TP.HCM đã tìm thấy 1 đoạn camera ghi hình tiến sĩ Bùi Quang Tín trước lúc rơi xuống dưới tầng trệt của chung cư New Sài Gòn.

Bên cạnh đó, công an cũng đã làm việc với 1 nhân chứng được cho là đã thấy tiến sĩ Bùi Quang Tín trước khi rơi xuống dưới tử vong. Đây là những cơ sở quan trọng trong quá trình điều tra cái chết của tiến sĩ Bùi Quang Tín.

BQT1

Tiến sĩ Bùi Quang Tín là một chuyên gia kinh tế nổi tiếng

Sau khi tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra viên của Văn phòng cơ quan CSĐT (PC01), Công an TP.HCM đã làm việc với vợ ông Tín để lấy lời khai phục vụ điều tra cái chết của chồng.

Trong bản tường trình, bà Bích đã cung cấp cho công an nhiều chứng cứ, nghi ngờ chồng bà có xích mích, mâu thuẫn với một cá nhân. Sau khi lo hậu sự cho chồng, bà Bích đã chính thức yêu cầu Công an TP.HCM khởi tố vụ án để điều tra.

Trao đổi với báo chí, bà Bích cho rằng cái chết của chồng bà có nhiều uẩn khúc, bà nghi ngờ đây là vụ án mạng.

Theo bà Bích, đầu năm 2019 tiến sĩ Bùi Quang Tín được bổ nhiệm phụ trách phòng truyền thông của 1 trường đại học. Từ đó, ông Tín chịu sức ép từ nhiều phía.

Bà Bích chia sẻ chồng mình nhiều lần bị nhắn tin hăm dọa, ép phải từ chức. Đến trước Tết 2020, ông Tín quyết định xin từ chức nhưng vẫn làm giảng viên tại trường này.

“Chồng tôi không có biểu hiện gì bất thường. Ông sống vui vẻ, còn thường xuyên họp báo, thì không có chuyện ông tự tử”, bà Bích quả quyết.

Liên quan vụ án, ngày 24/3, Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định kéo dài thời hạn tạm đình chỉ công tác thêm 15 ngày đối với hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM Bùi Hữu Toàn; hiệu phó Nguyễn Đức Trung vì tụ tập ăn uống trong bối cảnh cách ly xã hội do dịch Covid-19.


***************

MC Kỳ Duyên: Nhà hàng có bị đập tanh bành tôi cũng không buồn


Sau khi nhà hàng ở Mỹ của nữ MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên bị người biểu tình đập phá, mà nữ MC hải ngoại vẫn giữ tinh thần lạc quan, nhẹ nhàng đến kinh ngạc, bởi nhà hàng có bị đập phá, dù có bảo hiểm hay không, thậm chí cả cửa hàng tanh bành thì tôi vẫn không buồn. Mình dựng lên được thì giờ mình cũng có thể làm lại được. Dù có trắng tay, đi làm rồi mình vẫn lên lại được, những cái đó tôi không lo.

warning
attachment
MC Kỳ Duyên tâm sự về cuộc sống trong tình hình dịch Covid-19 và biểu tình ở Mỹ Ảnh: FBNV

Với tôi đây là khoảng thời gian rất quý

* Xin chào MC Kỳ Duyên, việc nhà hàng bị đập phá bởi những người biểu tình quá khích, xin hỏi chị đã chịu thiệt hại như thế nào?

- MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên: Tình hình bị thiệt hại thế nào tôi chưa nắm được bởi những ngày qua tôi chỉ ở nhà. Kể cả khi được ca sĩ Hương Thủy báo tiệm bị đập tôi cũng chưa lên tiệm kiểm tra. Ở đó chúng tôi có người quản lý trông coi. Nhà hàng nằm ở khu Santa Monica, gần trung tâm Hollywood. Hôm đó họ biểu tình cách đó một block đường nên có thể những người quá khích đã đập phá một số cửa hàng xung quanh, trong đó có Kickin Crab (cửa hàng của Kỳ Duyên). Thật ra họ biểu tình có lý do chính đáng, họ cảm thấy phẫn nộ cho người da màu Geogre Floyd và nói lên tiếng nói công bằng trong xã hội. Không chỉ là vì cái chết của một con người, đây là giọt nước tràn ly đối với cộng đồng da màu ở Mỹ, mặc dù thời điểm dịch bệnh, kinh tế căng thẳng cũng góp phần vào sự bùng nổ. Tiếc là bao giờ cũng có những hệ lụy đi kèm, ở đây là những thành phần lợi dụng hỗn loạn để đập phá, cướp bóc, hôi của.

* Sự việc này diễn ra chỉ sau vài ngày chị chia sẻ bị hàng xóm kỳ thị, chị có thấy nó quá trùng hợp không?

- Trước đây tôi cảm giác ở miền Nam California chưa bao giờ có sự kỳ thị ra mặt nói như trường hợp của tôi vừa rồi. Nhưng tôi nghĩ trong những năm gần đây, nhất là từ ngày có dịch corona bùng phát, ai cũng cho rằng dịch từ Trung Quốc đem qua, người ta cứ phân biệt người Á Đông nên cũng có một vài sự kỳ thị. Nói chung nó có nhiều cái cùng trộn vào nhau nữa nên mới có chuyện biểu tình như vậy.

attachment
Kỳ Duyên chia sẻ hình ảnh nhà hàng bị người biểu tình đập phá. Ảnh: Chụp màn hình

Nhà hàng của tôi bị đập nhưng tôi không quan tâm. Điều tôi mừng nhất là bao nhiêu nhân viên đã đi về rồi, tôi đã đóng cửa sớm và cho nhân viên đi về. Sau khi bị đập phá, dù có bảo hiểm hay không, thậm chí cả cửa hàng tanh bành thì tôi vẫn không buồn. Mình dựng lên được thì giờ mình cũng có thể làm lại được. Dù có trắng tay, đi làm rồi mình vẫn lên lại được, những cái đó tôi không lo.

MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên


* Là một người kinh doanh, Mỹ lại gánh khủng hoảng kép, vừa dịch Covid-19, bây giờ lại còn biểu tình, đập phá nhà hàng. Chị chịu thiệt hại kinh tế như thế nào?

- Tôi bị ảnh hưởng nhiều chứ. Tôi có hai tiệm, trong đó có một tiệm đang xây. Dự tính khoảng tháng 9 này mở thêm một tiệm nữa nhưng tất cả đều phải bị đình hoãn lại.

* Không thể trở về Việt Nam những tháng này, vậy công việc kinh doanh của chị ở đây vận hành như thế nào?

- Ở Việt Nam tôi có một nhóm nên vẫn ổn. Cũng rất mừng vì ở Việt Nam không còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và cũng không ai chết cả. Có lẽ vì vậy nên việc kinh doanh của tôi ở đó vẫn vận hành bình thường.
* Vừa không thể kinh doanh, vừa không thể hoạt động nghệ thuật, khoảng thời gian ở nhà có làm chị stress không?

- Đối với tôi đây là khoảng thời gian rất quý. Bản thân tôi từ ngày biết ra đời đi làm đến giờ, đây là thời điểm duy nhất mà tôi được nghỉ lâu như vậy. Bình thường mỗi năm tôi bay khoảng hơn 200.000 dặm, nhiều khi từ Mỹ về Việt Nam một tháng tôi đi hai lần, tôi bay khắp nơi làm show. Đúng dịp này lại có các con về ở nhà học, riêng tôi cảm thấy được gần gũi, ấm áp tình cảm gia đình. Chắc cho tôi nghỉ vài tháng nữa tôi cũng chưa có nhớ đi show lại đâu (cười).

warning
attachment
Không bị áp lực vì tình hình dịch Covid-19, Kỳ Duyên chia sẻ cô tận dụng khoảng thời gian này để được gần gũi với các con. Ảnh: FBNV

Tôi đã coi nhẹ vật chất rồi

* Chị có được chính phủ Mỹ hỗ trợ kinh tế cho mình không?

- Với mỗi người dân Mỹ thì chính phủ sẽ cho tiền, tất nhiên tiền đó bao nhiêu tùy từng người và tùy vào hoàn cảnh. Tôi rất may mắn khi có tiền để dành, thành ra tới bây giờ tôi vẫn không cảm thấy bị áp lực nhiều. Với những gia đình Á Đông, nhà có đông người, đông con, như tôi thì có hai con, khi ở nhà đông người nấu ăn sẽ có không khí gia đình. Nhưng tôi có thể thông cảm có rất nhiều người bị áp lực. Với những người sống một mình hay những người già, 3, 4 tháng liền họ không ra ngoài và không gặp ai, những cái đó sẽ thành áp lực rất lớn, thêm việc lo về tiền bạc nữa thì rất tội cho họ.

* Rất nhiều nghệ sĩ Hollywood đã xuống đường biểu tình. Chị và gia đình có tham gia phong trào này bằng cách nào đó không?

- Không, mình là phụ nữ nên rất sợ vì lỡ có bạo lực xảy ra thì không biết phải làm thế nào. Thứ hai tôi nghĩ mỗi người có một cách để chia sẻ tiếng nói của mình. Ví dụ tôi có Facebook, YouTube, sau khi tôi làm clip thì rất nhiều người đã ủng hộ và được chia sẻ khắp nơi. Tôi còn có một đài tivi Mỹ tới phỏng vấn, tiếng nói này được chấp nhận bởi rất nhiều người ngoại quốc chứ không phải riêng cộng đồng Việt Nam. Thành ra tôi dùng cách khác để đưa tiếng nói của mình những lúc cần thiết. Biểu tình cũng là một cách nhưng tôi nói thật vì mình là phụ nữ, người nhỏ, nhiều khi người ta không cố tình nhưng lỡ xảy ra bạo động tôi cũng sợ bị dính vào.

warning
attachment
Nữ MC xinh đẹp bày tỏ bản thân cô là người coi nhẹ vật chất nên không buồn nhiều khi nhà hàng bị đập phá. Ảnh: FBNV

* Ở Mỹ vẫn còn một vài nơi kỳ thị người đeo khẩu trang hay không cho những người đeo khẩu trang bước vào nơi kinh doanh của họ. Chị thấy điều đó như thế nào?

- Nước Mỹ rộng lớn lắm nên tôi chưa thể biết được hết, nhưng ở California thì tôi chưa gặp chuyện đó xảy ra. Tôi nghĩ nếu thiệt hại thì sẽ thiệt hại cho chính người chủ thôi. Khi đeo khẩu trang, nếu bị bệnh thì mình giữ vi khuẩn ở trong mình để nó không lây lan người người khác. Bản thân tôi cũng muốn người khác đeo khẩu trang để không lây cho nhân viên của mình, không lây cho nhau. Còn mình là chủ tiệm, cho ai vào hay không cho ai vào là quyền của mình. Còn bản thân tôi nếu ai đeo khẩu trang thì tôi sẽ rất mừng, mình phải đi theo những khuyến cáo của y tế, bác sĩ. Còn nếu mình vẫn cứ làm những chuyện theo ý mình, tất nhiên nó có thể gây tai hại đến cho mình và người thân. Đó là quyền chọn lựa của mỗi người.

* Sau dịch Covid-19, nhiều người bị thay đổi tâm lý, có thể họ sẽ có bài học gì đó, cách nhìn nhận khác trong cuộc sống của mình. Bản thân chị có bài học hay cách nhìn nhận gì khác không?

- Có chứ, khi ở nhà tôi cũng dành thời gian để suy ngẫm. Tôi thấy cuộc đời này vô thường, tất cả những gì vật chất, của cải của mình tạo nên có thể cũng sẽ mất rất nhanh. Ngay cả cái nhà của mình, thật ra mình cũng chỉ mượn để ở trong kiếp này thôi. Sau này mình cũng phải đưa con cháu ở hoặc bán, chứ nó không là của mình mãi mãi. Trước đây tôi đã coi nhẹ vật chất rồi, nhưng bây giờ nó lại càng nhẹ hơn nữa. Mình thấy tất cả cái gì mình có được cũng có thể bị lấy mất đi rất nhanh. Một cơn bệnh thôi cũng đủ khiến mình không thở được. Lúc không thở được thì tôi nghĩ có bao nhiêu gia tài, cả triệu cả tỉ nhưng mình cũng không thể đánh đổi lấy hơi thở lúc đó được. Giá trị mà mình thấy rõ ràng nhất là tình người, tình gia đình.

warning
attachment
MC Kỳ Duyên vẫn giữ được vóc dáng thon thả cùng nhan sắc mặn mà ở tuổi ngoài 50. Ảnh: FBNV

Khi suy nghĩ rằng tại sao có người sống, người chết, tại sao có người bị hại và người không bị hại, tôi không tìm được câu trả lời nào ngoài cái an ủi như các cụ nói là đức và phước. Nếu mình hay ông bà, cha mẹ đã làm điều tốt thì mình được tránh, nếu cái số mình xui thì mình cũng chỉ bị nhẹ hơn. Như tôi đây, cái nhà hàng của tôi bị đập nhưng tôi không quan tâm. Điều tôi mừng nhất là bao nhiêu nhân viên đã đi về rồi, tôi đã đóng cửa sớm và cho nhân viên đi về. Sau khi bị đập phá, dù có bảo hiểm hay không, thậm chí cả cửa hàng tanh bành thì tôi vẫn không buồn. Mình dựng lên được thì giờ mình cũng có thể làm lại được. Dù có trắng tay, đi làm rồi mình vẫn lên lại được, những cái đó tôi không lo. Nhân viên không bị gì, gia đình nhỏ bé, con cái bây giờ rất tốt và cái tôi nhìn nhận ra được là tình người, cái đức độ, suy nghĩ. Trong thâm tâm mình biết tất cả những gì mình làm chỉ là một trò chơi, thử thách coi mình có làm được hay không. Nếu mình không làm được, mất tiền hay sạt nghiệp thì tôi cũng nhẹ nhàng. Tôi biết cái gì dễ dàng mất, cái gì không nên mình hãy để sức lực, tình yêu, tâm thức của mình vào những gì đáng, còn những gì không đáng mình bỏ ngoài tai.

* Sau đợt dịch này, số ca tử vong ở Mỹ rất cao. Nếu như ở Việt Nam người ta rất ngại chuyện lập di chúc, chị có nghĩ đến chuyện đó không?
- Ở Mỹ tôi thấy có hai cái khác với văn hóa Việt Nam. Hồi đó có giai đoạn tôi đi bán bảo hiểm nhân thọ. Tôi nhớ trong một lần đi bán bảo hiểm ở Việt Nam, khi tới nhà mời ông kia, ông ấy còn nói làm vậy là ổng bị xui, lỡ ổng chết này nọ. Nhưng tôi nghĩ chết là chuyện đương nhiên mà. Với người Mỹ hay bản thân tôi, một khi vừa sinh con thì cái đầu tiên phải mua là bảo hiểm nhân mạng. Vì mình không biết mình có còn sống để nuôi con không, ví dụ một ngày bước ra đường gặp chuyện gì mình không biết được. Thành ra đầu tiên mình phải mua bảo hiểm nhân mạng, mình phải tính tới lúc con 18 tuổi. Nếu khi con còn nhỏ mình mua nhiều hơn, đến khi nó lớn mình mua ít lại. Bảo hiểm nhân mạng, di chúc tài sản hay nhà cửa khi có con mình phải làm hết. Ở Việt Nam, tôi nghĩ bậc làm bố mẹ cũng nên làm điều đó. Trong mùa dịch này, khi thấy những cái chết kề cận thì mình phải suy nghĩ. Nếu được thoát chết thì khi trở ngược lại mình sẽ sống làm sao. Tôi nghĩ đây là một bài học, một cuộc thi nháp cho mình.

* Ở tuổi này chị vẫn giữ được nhan sắc và vóc dáng khiến nhiều người yêu mến và ngưỡng mộ. Chị có sẵn sàng để yêu thêm một lần nữa không?

- Tất nhiên chứ, còn sống là còn yêu chứ. Không phải một lần mà tôi còn nhiều lần nữa.

* Xin cảm ơn MC Kỳ Duyên về những chia sẻ!


****************
Hãy là người sáng suốt khi phát hiện người bạn đời ngoại tình

Hiện nay, khái niệm ngoại tình không còn trở nên quá xa lạ với mỗi người khi mà hàng loạt clip đánh ghen được tung tràn lan trên các mạng xã hội. Đón xem những tin tức giải trí hay nhất do Tin Tức 188bet cập nhật thường xuyên. Ngoại tình là một hành động không thể chấp nhận được bởi nó quá đau đớn cho những người bị phản bội. Khi đối mặt với tình huống oái ăm ấy, biết rằng khó ai có thể giữ được bình tĩnh nhưng bạn hãy cố gắng kìm nén cảm xúc một cách tốt nhất để ứng xử một cách thông minh nhất.

bạn hãy bình tĩnh khi phát hiện bạn đời ngoại tình

Mỗi người đều có mỗi cách khác nhau để vượt qua nỗi đau khi phát hiện bạn đời đã ngoại tình bên ngoài. Đây cùng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng ly hôn hiện nay. Có thể thấy, hàng ngày lại có thêm hàng chục video bắt quả tang, đánh ghen người thứ 3 xuất hiện trên các trang mạng facebook, youtube,….Có những clip chửi bới, có những clip đánh đập dã man người thứ 3, liệu chúng ta có nên hành xử như vậy dù biết rằng quá nóng giận và phẫn nộ.

ngoại tình là nguyên nhân khiến tình trạng ly hôn càng cao

đánh ghen người thues 3 là tình trạng cảy ra khi gặp bạn đời ngoại tình

Đánh ghen cũng cần văn hóa, bạn hãy bình tĩnh để đối mặt với người bạn đời của bạn. Điều này có thể bảo vệ chính bạn và gia đình của bạn khỏi những tai tiếng. Sau đây là một số điều bạn cần lưu ý khi phát hiện vợ/chồng mình đi ngoại tình:

-Xác định nguyên nhân vợ/chồng bạn đi ngoại tình: có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng có người thứ 3 như để đáp ứng nhu cầu, do cuộc sống hôn nhân quá nhàm chán nên muốn tìm một tình yêu đích thực….

hãy xác định nguyên nhân khiến bạn đời ngoại tình

-Không hành động bộc phát: bạn hãy cố gắng bình tĩnh để giải quyết, không nên phát ngôn quá tục tĩu, kiêng kị nhất là không nên đánh đập và quay clip tung lên mạng vì điều này sẽ là chủ đề để mọi người bàn tán, sau này gia đình con cái bạn khi xem lại được sẽ cảm thấy tổn thương,

không được dùng bạo lục để giải quyết vấn đề ngoại tình

-Tha thứ để gia đình có thể hàn gắn: Nếu bạn còn yêu người bạn đời, và người ấy cảm thấy hối lỗi và muốn sữa chữa lỗi lầm. Khi đó bạn hãy vị tha cho người ấy một cơ hội để giữ vững hạnh phúc gia đình, hãy nghĩ cho con cái có một gia đình đầy đủ có cả cha lẫn mẹ để các con không bị tủi thân.

vì con cái hãy học cách tha thứ cho bạn đời khi đi ngoại tình

-Tìm niềm vui sở thích để lấp đầy nỗi buồn và hàn gắn nỗi đau: theo đuổi đam mê sở thích là cách quên đi nổi đau khi người bạn đời của bạn ngoại tình. Khi bạn cảm thấy thoải mái thì những kí ức đau buồn đó mới có thể hàn gắn được, vì vậy hãy sống cho bản thân mình nhé.


**************

Được tự do sau gần 30 năm mang án oan

MỹWalter Ogrod, 55 tuổi, được tự do sau 28 năm tù do bị kết án oan về tội giết hại bé gái hàng xóm.

Ngày 5/6, Ogrod được thẩm phán tòa sơ thẩm thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania hủy án. Lần đầu tiên trong gần ba thập kỷ, Ogrod được tự do, trở về trong vòng tay của người thân và bạn bè.

Walter Ogrod (áo ngắn tay) bên cạnh bạn bè người thân sau khi được tự do. Ảnh: Philadelphia Inquirer.

Walter Ogrod (áo ngắn tay) bên cạnh bạn bè người thân sau khi được tự do. Ảnh: Philadelphia Inquirer.

Trước đó cùng ngày, trong phiên làm việc diễn ra qua mạng trực tuyến, công tố viên xin lỗi Ogrod và gia đình nạn nhân vì đã "cướp mất 28 năm trong đời Ogrod và đe dọa truy tố dựa trên căn cứ sai sự thật". Mẹ nạn nhân cho biết tin vào sự vô tội của Ogrod và rất mừng vì ông ta được tự do.

Bản án oan của Ogrod xuất phát từ vụ Barbara Jean, 4 tuổi, mất tích khỏi nhà riêng vào ngày 12/7/1988. Vài giờ sau, thi thể không mặc quần áo của bé gái được phát hiện bị bỏ trong hộp carton trên vỉa hè, cách nhà chỉ khoảng 300 m.5 nhân chứng cho biết chiều hôm ấy nhìn thấy một người đàn ông qua đường, tay cầm theo hộp carton. Tuy nhiên, trong bốn năm sau, vụ án không có tiến triển.

Sau khi mở lại vụ án vào năm 1992, hai điều tra viên bắt đầu để mắt tới Ogrod (khi ấy 27 tuổi) vì sống đối diện nhà nạn nhân, dù 5 nhân chứng không chỉ đích danh Ogrod trong lần điều tra đầu tiên. Sau khi thẩm vấn, điều tra viên thu được bản khai, trong đó Ogrod thú nhận dùng thanh đòn tạ dưới hầm đánh đập nạn nhân.

Tại tòa, Ogrod khẳng định bị ép cung. Tuy nhiên, Ogrod vẫn bị kết tội vào năm 1996 và lãnh án tử hình chủ yếu dựa trên lời khai của đặc tình trại giam, người cho biết bị cáo đã kể lại cách gây án với hai bạn tù.

Từ trong tù, Ogrod luôn kêu oan. Tới năm 2018, vụ án của Ogrod được đơn vị thẩm tra bản án của Phòng Công tố thành phố Philadelphia lấy lên rà soát. Một năm sau, đơn vị này nhận định lời thú tội của Ogrod không đáng tin cậy vì ông ta bị thiếu ngủ và thao túng tâm lý trong lúc thẩm vấn, hai điều tra viên cũng có tiền sử dùng kỹ thuật có tính chất cưỡng ép để khiến nghi phạm nhận tội.

Walter Ogrod khi bị bắt giữ vào năm 1992. Ảnh: Philadelphia Police.

Walter Ogrod khi bị bắt giữ vào năm 1992. Ảnh: Philadelphia Police.

Theo đơn vị thẩm tra, Barbara Jean được xác định nhiều khả năng chết do bị ngạt thở, nhưng cảnh sát và công tố viên ban đầu đã không cung cấp thông tin này cho bên bào chữa để củng cố giả thuyết nạn nhân bị đánh chết. Mẫu ADN lạ trên cơ thể Jean cũng không trùng với Ogrod. Hai đặc tình trại giam làm chứng chống lại Ogrod cũng bị cho là đã "thông đồng" với nhau để tạo chứng cứ giả.

Từ đó, Phòng Công tố Philadelphia kết luận không có chứng cứ đáng tin cậy chứng minh Ogrod gây án. Tháng 3, công tố viên cùng luật sư bào chữa đệ đơn yêu cầu thẩm phán hủy án đối với Ogrod nhưng thủ tục bị trì hoãn do Covid-19.

Dù vậy, đây mới là bước đầu trong quy trình minh oan của Ogrod. Bản án của Ogrod đã bị hủy nhưng thẩm phán trong trường hợp này không có quyền bãi bỏ cáo trạng mà chỉ có thể yêu cầu tái thẩm. Do công tố viên đã đệ đơn không truy tố, việc cuối cùng Ogrod cần làm là yêu cầu thẩm phán khác bãi bỏ cáo trạng.

Vụ của Ogrod là bản án giết người thứ 13 đơn vị thẩm tra án Philadelphia giúp lật ngược từ năm 2018.

Quốc Đạt (Theo Philadelphia Inquirer, The Intercept
***************

Mở 'tiệc ma túy' mừng sinh nhật

Thanh HóaNguyễn Đình Huy, 23 tuổi, ở xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa mời bạn bè đến quán karaoke, mua ma túy mừng sinh nhật.

Ngày 7/6, Công an tỉnh Thanh Hóa đang tạm giữ Huy và 13 nghi can khác để điều tra về hành vi Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Nguyễn Đình Huy tại cơ quan điều tra. Ảnh: Lam Sơn.

Nguyễn Đình Huy tại cơ quan điều tra. Ảnh: Lam Sơn.

Khuya ngày 5/6, cảnh sát hình sự ập vào một phòng hát quán karaoke ở xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa phát hiện 14 người (9 nam, 5 nữ) đang sử dụng ma túy. Cảnh sát thu giữ tang vật gồm một đĩa sứ còn bám chất bột màu trắng, một thẻ nhựa, nhiều tờ tiền đã được cuộn tròn thành dạng ống hút.

Huy khai hôm đó là sinh nhật nên mời bạn bè tổ chức ăn nhậu. Sau bữa ăn tối, Huy mời cả nhóm đến quán karaoke tiếp tục cuộc vui. Tại đây, chủ nhân buổi tiệc đưa 4 triệu đồng cho một người bạn đi mua ma túy về sử dụng.
***************

Kẻ làm " nằm vùng" trại giam 'hiệu quả' nhất nước Mỹ

MỹPaul Skalnik liên tiếp giả danh và lừa đảo nhưng lời nói của ông ta vẫn được dùng làm chứng cứ buộc tội nhiều người.

Paul Skalnik (sinh năm 1949) bắt đầu phạm tội từ những năm đầu của thập niên 1970, khi làm cảnh sát thành phố Austin, bang Texas. Trong ba năm 1973-1976, Paul lần lượt bị phát hiện có hành vi viết chi phiếu khống và lừa đảo, nhưng chỉ bị buộc nghỉ việc và phạt tù treo.

Năm 1978, Paul lần đầu tiên bị bắt, đưa vào trại tạm giam quận Harris, bang Texas với cáo buộc lấy danh nghĩa người vợ thứ 3 để mở thẻ tín dụng và tiêu xài cá nhân. Đây cũng là lúc sự nghiệp đặc tình trại giam của ông ta bắt đầu. Tại Mỹ, "đặc tình trại giam" là những phạm nhân chuyên làm chứng rằng đã nghe thấy bị cáo thú tội. Bản thân họ thường sắp bị đưa ra xét xử.

Khi biết Thomas Hirschi (nhà hoạt động xã hội bị cáo buộc tội Xúi giục bạo động) bị giam gần mình, Paul đã gọi điện cho phòng công tố bang Texas và khẳng định có thể cung cấp thông tin buộc tội người này. Cuối cùng, tháng 5/1979, Paul làm chứng trước bồi thẩm đoàn rằng đang đứng ngoài cửa buồng giam thì Thomas nói muốn giải tỏa áp lực, đã thú nhận ý đồ xúi giục bạo động với mình.

Thomas sau đó bị kết tội nhưng chỉ bị phạt tù treo. Sau này kể lại, Thomas nói "chưa từng gặp Paul, thậm chí không biết tên".

Một số bức ảnh chụp khi bị bắt của Paul, trải khắp một thập kỷ phạm tội. Ảnh: The New York Times.

Một số bức ảnh chụp khi bị bắt của Paul, trải khắp một thập kỷ phạm tội. Ảnh: The New York Times.

Sau phiên tòa của Thomas, Paul bị đưa ra xét xử, nhận án một năm tù tại bang Florida vào tháng 11/1979. Nhưng một tháng sau, với lý do "bị cáo được đề đạt", tòa án bất ngờ cho Paul tham gia chương trình vừa ở tù vừa đi làm, vốn là đặc ân thường không dành cho người tái phạm. Theo New York Times, dù thẩm phán không tiết lộ công tố viên bang Texas có đứng đằng sau việc đề đạt hay không, song bài học không thể nhầm lẫn ở đây là: Nếu người sau song sắt muốn tự cứu mình, cách tốt nhất là giúp công tố viên.

Ra tù hai tháng sau, tháng 2/1980, Paul dùng vỏ bọc sinh viên luật cưới người vợ thứ 4 tại bang Florida. Được ít lâu, ông ta tiếp tục dùng danh tính giả đính hôn với người khác và vay 3.500 USD nhưng không trả lại. Paul vì thế bị bắt tới trại tạm giam quận Pinellas, bang Florida để chờ xét xử về tội Ăn cắp tài sản giá trị lớn.

10 ngày trước khi bị đưa ra xét xử vào tháng 8/1981, Paul liên lạc với công tố viên để cung cấp thông tin buộc tội ba người bị nghi giết người. Đổi lại, công tố viên nói sẽ đề nghị mức phạt không quá ba năm (ít hơn hai năm so với mức phạt phải đối mặt) nếu Paul nhận tội, đồng thời để ngỏ khả năng án phạt nhẹ hơn nếu hai bên tiếp tục hợp tác. Sau nhiều lần làm chứng trước tòa trong năm 1981, Paul được hưởng án phạt quản chế và ra tù vào tháng 6/1982.

Cứ như vậy, mỗi khi phạm tội bị bắt, Paul lại trở thành đặc tình trại giam để cung cấp lời khai buộc tội người khác. Trước bồi thẩm đoàn, Paul trịnh trọng rằng không được nhận lợi ích gì từ việc làm chứng. Dù bản thân có vài tiền án, Paul đảm bảo vẫn còn "chút chất cảnh sát trong người", từng giúp công tố viên nhiều lần. Lời khai của ông ta chứa nhiều chi tiết sống động về việc bị cáo thú tội, không những thể hiện tội trạng mà còn cho thấy bị cáo là kẻ ác độc, quỷ quyệt.

Danh tiếng làm đặc tình trại giam, hay còn gọi là "kẻ xì đểu" của Paul cũng dần được nhiều phạm nhân biết đến. Ông ta vì thế được cán bộ quản ngục đặt vào chế độ bảo vệ (hạn chế tiếp xúc với các phạm nhân khác) nhưng bằng cách nào đó vẫn có thể nghe được lời thú tội của bị cáo để làm chứng tại tòa.

James Dailey, tử tù bị kết án nhờ lời khai của Paul và đang chờ thi hành án, cho biết hai người chưa bao giờ nói chuyện. Ảnh: Eli Durst/The New York Times.

James Dailey, tử tù bị kết án nhờ lời khai của Paul và đang chờ thi hành án, cho biết hai người "chưa bao giờ nói chuyện". Ảnh: Eli Durst/The New York Times.

New York Times cho biết, trong 6 năm 1981-1987, Paul đã làm chứng hoặc cung cấp thông tin trong ít nhất 37 vụ án chỉ riêng tại quận Pinellas, khiến ông ta trở thành một trong những đặc tình trại giam năng suất và hiệu quả nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong những vụ án trên, đa số bị cáo bị kết án hoặc thỏa thuận nhận tội, bốn người bị tuyên phạt tử hình.

Tuy vậy, tới tháng 2/1988, quan hệ giữa Paul và công tố viên quận Pinellas có vẻ đã xấu đi sau khi không đạt được ''thỏa thuận nhận tội'' nhẹ hơn. Bị từ chối, Paul đệ đơn cáo buộc rằng được công tố viên mớm cung để làm chứng về lời thú tội của bị cáo. Các công tố viên phủ nhận cáo buộc và khẳng định lời khai trước đây của Paul là đúng sự thật và có căn cứ.

Sau khi rút đơn, Paul và công tố viên đạt được thỏa thuận. Theo đó ông ta sẽ được chuyển tới bang Texas để thụ án 5 năm tù. Cuối cùng, Paul được ra tù vào tháng 11/1989.

Ra tù, Paul lại giả mạo danh tính để cưới người vợ thứ 7. Tới người vợ thứ 8, ông ta bị cáo buộc xâm hại tình dục con riêng của vợ. Không còn được nương nhẹ như ở quận Pinellas, Paul bị tòa án phạt 10 năm tù vào năm 1991 và không được ra tù sớm. Khi biết Paul từng làm chứng trong nhiều vụ án, công tố viên quận Galveston, bang Texas cho rằng Paul rõ ràng là kẻ "ảo tưởng" và "thật khó tin khi công tố viên dựa vào ông ta".

Vòng quay ra tù vào tội của Paul vẫn tiếp tục sau khi ông ta chấp hành xong bản án 10 năm tù. Paul chỉ chấm dứt lừa đảo khi cảnh sát tìm ra ông ta vào năm 2015. Lúc đó, Paul đã cưới người vợ thứ 9, sở hữu trong tay hơn 30 thẻ căn cước giả.

Paul sống tại khu nhà bệnh xá tại bang Texas vào tháng 10. Ảnh: Eli Durst/The New York Times

Paul sống tại khu nhà bệnh xá tại bang Texas vào tháng 10. Ảnh: The New York Times

Khi bị bắt, Paul đòi được gặp lực lượng chức năng vì mình "có thể rất hữu ích trong trại tạm giam". Trước yêu cầu ấy, điều tra viên nói rằng "không hứng thú nói chuyện tiếp" với Paul. "Nghề" đặc tình trại giam của Paul dừng tại đây.

Sau khi được trả tự do vào tháng 6, Paul được ở tại khu nhà bệnh xá thuộc thị trấn Corsicana, bang Texas vì bị bệnh, phải nằm liệt giường nhưng không nói rõ là bệnh gì. Chốc chốc, Paul được điều dưỡng viên lật người để không bị mỏi. Gặp phóng viên, Paul khẳng định luôn thành thật trên bục làm chứng. Ông ta thì thào: "Tôi nghĩ mình sắp chết rồi".

Việc dùng lời khai của đặc tình trại giam để buộc tội đang là vấn đề được tranh cãi ở Mỹ. Nhiều người phản đối cho rằng phạm nhân có động cơ rất lớn (như được giảm án, nhẹ tội) để làm chứng chống lại người khác, trong khi việc này chưa được pháp luật nhiều nơi điều chỉnh.

Trong 367 người được minh oan bằng ADN tại Mỹ, gần 20% bị oan và có một phần do lời khai từ đặc tình trại giam.

Quốc Đạt (Theo New York Times, Pro Publica
****************

Vì sao gần 200 người mặc đồng phục tấn công quán nhậu?

TP HCMNhóm giang hồ ở quận 8 kêu gọi gần 200 người ở các nơi, mặc áo khoác màu cam để nhận diện nhau, cùng kéo đến quán Ốc Hương tìm đối thủ để "dằn mặt"..

16h ngày 7/6, Công an TP HCM họp báo về kết quả điều tra ban đầu vụ quán Ốc Hương ở đường số 6, phường Bình Trị Đông A, bị đập phá, truy sát khách khiến một người bị thương.

Thượng tá Nguyễn Thế Lâm (Phó phòng tham mưu Công an TP HCM) cho biết, đây là vụ án manh động, dư luận chú ý vì số lượng người liên quan rất lớn. Với khoảng 200 người tham gia, việc truy bắt là rất khó khăn.

Hiện, 15 người bị tạm giữ hình sự về hành vi Gây rối trật tự công cộng, Cố ý gây thương tích Huỷ hoại tài sản; hàng loạt thanh niên khác đang bị câu lưu lấy lời khai.

Ít nhất 15 người bị bắt sau vụ tấn công quán Ốc Hương. Ảnh: Công an cung cấp.

Ít nhất 15 người bị bắt sau vụ tấn công quán Ốc Hương. Ảnh: Công an cung cấp.

Quán nhậu do anh Nguyễn Văn Quí, 27 tuổi, làm chủ. Khoảng 20h30 ngày 5/6, gần 200 người chạy xe máy, mặc áo bib màu cam, cầm dao tự chế, chạc ba ngạnh đến trước quán Ốc Hương. Những người này la hét, chửi vọng vào trong.

Trong đó, một số thanh niên vẻ hung hãn xông vào quán đập phá bàn ghế, tủ kính và dùng chai bia đập vào đầu anh Long đang nhậu cùng bạn. Gây án xong tất cả lên xe hú còi, tẩu thoát. Sự việc diễn ra trong 5 phút, gây náo loạn khu vực.

Nguyên nhân được cho là xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai băng nhóm. Một bên kêu gọi bạn bè, thậm chí là người không quen biết đi đánh nhau. "Những người này mặc đồng phục áo cam để dễ nhận diện nhau khi từ các nơi khác kéo về quán nhậu. Nguồn áo từ đâu, hung khí từ đâu (chủ yếu là thô sơ) đang được xác minh", thượng tá Lâm nói.

Trước đó, khi nhóm người này chạy thành đoàn trên đường Hồ Ngọc Lãm, quận 8, CSGT thông báo cho các lực lượng triển khai nhưng không kịp ngăn chặn vì sự việc xảy ra quá nhanh.

Cảnh sát đã xác định được những người cầm đầu nhưng chưa thể cung cấp thông tin vì đang trong quá trình điều tra.

Thượng tá Nguyễn Thế Lâm (trái) và Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM Từ Lương cung cấp thông tin về vụ án. Ảnh: Quốc Thắng.

Thượng tá Nguyễn Thế Lâm (trái) và Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM Từ Lương cung cấp thông tin về vụ án. Ảnh: Quốc Thắng.

Lãnh đạo Thành uỷ và UBND TP HCM, Bộ Công an yêu cầu Công an TP HCM điều tra, xử lý ngay vụ án.

Nhà chức trách cũng kêu gọi gia đình vận động các nghi can còn lại ra đầu thú. Người dân được đề nghị hỗ trợ cơ quan điều tra, nếu phát hiện những người tham gia vụ án cần báo với công an địa phương.


*************

Số phận chiếc sandwich phi hành gia lén mang vào vũ trụ

MỹChiếc bánh mì kẹp thịt bò hầm không gây hại gì trong không gian, nhưng trở thành rắc rối lớn khi hai phi hành gia trở về trái đất.

John Young (1930 - 2018) là phi hành gia phục vụ lâu nhất trong lịch sử NASA với sáu lần bay vào vũ trụ. Từ chuyến bay đầu tiên năm 1965, John dành 835 giờ trong không gian và từng đi bộ trên mặt trăng. Mọi người vẫn khen ngợi John có sự nghiệp xuất sắc. Nhưng ít ai biết rằng sự nghiệp của nhà du hành vũ trụ huyền thoại này suýt chút nữa lệch hướng vì một chiếc sandwich.

NASA đã dành không ít thời gian và tiền bạc đầu tư cho chuyện ăn uống của đội ngũ phi hành gia. Nhưng điều đó không có nghĩa thức ăn của họ ngon miệng, tiêu chí quan trọng là an toàn - tức gọn nhẹ trong không gian.

Trong một môi trường kín không trọng lực, chỉ một phần thức ăn nhỏ bị vương vãi có thể gây hiểm họa khôn lường: chúng có thể mắc kẹt trong máy móc hay các phi hành gia vô tình hít phải. Ngay cả trong môi trường trọng lực dưới trái đất, những mẩu bánh mì từ chiếc sandwich bò hầm bình thường còn có thể vương vãi khắp nơi. Do đó, những hạt thức ăn li ti có thể cực kỳ nguy hiểm bên trong một con tàu vũ trụ.

Nhưng John Young, ở tuổi 34, không bận tâm đến điều này khi nhận một chiếc sandwich bò hầm ngũ vị từ người đồng nghiệp Wally Schirra. Phi hành gia Wally Schirra, vốn nổi tiếng với những trò đùa ác ý, không bay cùng John trong nhiệm vụ lần này.Wally đã mua chiếc bánh mì đen kẹp thịt bò từ một nhà hàng nổi tiếng trên bãi biển Cocoa, Florida từ hai ngày trước khi John khởi hành. Nhưng phải đến ngày bay, Wally mới hỏi xem liệu John có thể đưa cho người đồng hành với ông hay không. John nhận lấy chiếc sandwich và nhét vào bộ đồ vũ trụ của mình. John nói rằng Gus "phát ngán" đồ ăn theo menu chính thức mà họ đã dùng thử trong suốt quá trình huấn luyện, nên mang theo sandwich cho chuyến đi "có vẻ là ý hay vào thời điểm đó".

Ngày 23/3/1965, từ Trung tâm Vũ trụ John F. Kennedy (Cape Canaveral ngày nay) John bước lên tàu vũ trụ thực hiện nhiệm vụ Gemini 3 - đó cũng là lần đầu tiên ông bay vào không gian. Cùng với chỉ huy "Gus" Grissom, John thực hiện chuyến bay đầu tiên đưa hai người lên vũ trụ của Mỹ.

John Young (trái) và Gus Grissom trước giờ khởi hành. Ảnh: NASA.

John Young (trái) và Gus Grissom trước giờ khởi hành. Ảnh: NASA.

Khi đang bay trong quỹ đạo của trái đất, John và Gus tán gẫu về đồ ăn được cung cấp cho nhiệm vụ lần này. Bất chợt John lôi ra từ trong túi chiếc sandwich đầu tiên bay vào không gian và đưa cho Gus. Dưới đây là một trích đoạn từ cuộc hội thoại của họ.

Gus Grissom: Cái gì thế?

John Young: Sandwich bò hầm ngũ vị?

Gus Grissom: Nó ở đâu ra vậy?

John Young: Tôi đã mang nó theo. Hãy xem vị của nó thế nào. Hơi bốc mùi nhỉ?

Gus Grissom: Phải, nó đang vụn ra kìa. Tôi sẽ cất lại vào túi.

Khi Gus cắn một miếng, vụn bánh mì lơ lửng khắp cabin. Chiếc sandwich được đưa trở về trái đất và vứt bỏ. Nó không gây ra rắc rối gì trên không, nhưng lại trở thành vấn đề to lớn khi câu chuyện bị lộ ra ngoài và đến tai chính khách Mỹ.

Thực tế, Gemini 3 cần hoàn thành nhiều mục tiêu, từ đánh giá tác động của môi trường không trọng lực đối với trứng của nhím biển, cho đến nỗ lực điều khiển quỹ đạo tàu bay có người lái - tiền đề cho những lần hạ cánh xuống mặt trăng trong tương lai. Nhưng một mệnh lệnh khác mà Gus và John phải hoàn thành là thử thức ăn hàng không mới. Họ được cấp những túi đồ khô đông lạnh và phải dùng súng nước để khôi phục cấu trúc của thức ăn trước khi dùng. 

NASA sau đó khiển trách John bởi trò hề ông tạo ra đã dấy lên làn sóng chỉ trích từ giới chức và truyền thông. Ông là thành viên phi hành đoàn đầu tiên của NASA bị khiển trách.

Trong hồi ký, phi hành gia huyền thoại này viết: "Vài người trong quốc hội nổi đóa vì cho rằng, khi đưa sandwich vào không gian và ăn một chút, Gus và tôi không đoái hoài gì tới những thực phẩm hàng không có thật được đưa lên tàu vũ trụ để chúng tôi đánh giá. Điều đó gây tốn kém hàng triệu USD từ ngân sách quốc gia".

Về sau, John cũng cảm thấy hối hận vì đã đưa chiếc sandwich vào không gian, đặc biệt khi câu chuyện này còn được nhắc đi nhắc lại. Nhưng Gus, chỉ huy của John, lại coi đó là một trong những điều đáng nhớ về chuyến bay Gemini 3.

Bản sao của chiếc sandwich bò hầm hơn 50 tuổi trong bảo tàng. Ảnh: Raymond Cunningham/Flickr.

Bản sao của chiếc sandwich bò hầm hơn 50 tuổi trong bảo tàng. Ảnh: Raymond Cunningham/Flickr.

Đến nay, không còn chiếc sandwich nào lén lút bị mang vào không gian nữa, còn John Young, trong sự nghiệp du hành vũ trụ lừng lẫy của mình sau này trở thành một chuyên gia giám sát an toàn nghiêm khắc.

Cocoa Beach Wolfie, nhà hàng nơi Wally mua chiếc sandwich bò hầm đầu tiên bay vào vũ trụ, đã đóng cửa, nhưng một bản sao của nó được trưng bày tại Bảo tàng Tưởng niệm Virgil Ivan "Gus" Grissom tại Mitchell, Indiana. Nếu muốn ăn sandwich bò hầm để tưởng nhớ một phi hành gia huyền thoại, bạn sẽ phải ăn theo đúng kiểu Gemini 3 - bởi John Young từng tiết lộ rằng chiếc bánh mì kẹp đó thậm chí còn không có mù tạt hay dưa chuột muối.

Phạm Huyền tổng hợp

Bảo tàng Tưởng niệm Virgil I. Gus Grissom

Bảo tàng trưng bày những vật dụng gắn bó với Gus trong suốt sự nghiệp phi hành gia, từ mũ bảo hiểm ông đội trong chuyến bay Mercury, những bức bích họa do các nghệ sĩ sáng tác dành tặng ông...

Giờ đón khách: từ 8h30 đến 16h hàng ngày, đóng cửa vào các ngày lễ như Giáng Sinh, năm mới, Phục sinh, Quốc khánh Mỹ, Quốc tế Lao động... Địa chỉ: 3333 State Rd 60 East, Mitchell, Indiana

Khách tham quan miễn phí, chỉ tính vé vào công viên Spring Mill do bảo tàng nằm trong khuôn viên này. Khách tham quan có thể quyên góp tùy tâm cho bảo tàng.


**************

John Gotti – trùm mafia ba lần thoát truy tố của FBI


MỹCuộc sống thiếu thốn trong gia đình 13 anh em khiến John Gotti sớm ghét bỏ bố vì không đủ khả năng kiếm tiền.

Sinh năm 1940 tại quận Bronx, thành phố New York, Gotti từ sớm đã giao du với băng đảng gần nhà và hay ẩu đả. Trên trường lớp, Gotti thường xuyên đi học muộn và bắt nạt bạn với chiều cao 1m77 và thân hình vạm vỡ.

Sau khi bỏ học, Gotti chuyển sang giúp chạy việc vặt và vận hành đường dây lô đề cho băng đảng địa phương. 17 tuổi, Gotti bị kết án tội Đột nhập tư gia nhưng được cho hưởng án treo.

Cuối thập niên 1950 tới đầu thập niên 1960, Gotti cố gắng sống ngay thẳng sau khi cưới vợ với lần lượt hai công việc ủi quần áo và phụ xe tải. Tuy nhiên, cách sống này có vẻ cũng chỉ có thể níu kéo ông ta trong thời gian ngắn. Đây cũng là lần cuối cùng Gotti kiếm những đồng tiền chân chính.

Với mối quan hệ từ trước, Gotti bắt đầu chạy việc cho băng đảng mafia. Sau ít lâu làm chân lon ton, ông ta được băng đảng giao cho tham gia nhiều vụ cướp xe tải. Năm 1968, Gotti bị bắt giữ và chịu án hơn hai năm tù.

Sau khi ra tù năm 1972, Gotti tiếp tục thăng tiến trong cơ cấu băng đảng do thực lực của bản thân cũng như do một số thủ lĩnh mafia phải ngồi tù. Dù lúc này chưa phải thành viên chính thức, Gotti có vị trí tương đương một "đội trưởng" (Caporegime – thủ lĩnh phân nhánh trong băng đảng), nắm quyền điều khiển vài băng nhóm cướp xe, đánh bạc trái phép, và cho vay nặng lãi.

Phân chia thứ bậc trong băng đảng mafia. Ảnh: Wikimediacommon.

Phân chia thứ bậc trong băng đảng mafia. Ảnh: Wikimediacommon.

Trong lúc thực hiện lệnh hạ sát của cấp trên, Gotti bị người qua đường nhận dạng là kẻ tấn công. Tháng 6/1974, Gotti bị bắt giữ, sau đó bị kết tội Ngộ sát. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng ba năm, ông ta được phóng thích và được kết nạp làm thành viên chính thức trong gia đình mafia Gambino.

Được tự do, Gotti một lần nữa chứng tỏ khả năng thực hiện tội phạm, trở thành một trong những cây kiếm tiền giỏi nhất cho gia đình Gambino. Ông ta từng hỗ trợ băng cướp thực hiện "phi vụ Lufthansa", vụ cướp tiền mặt chưa được thu hồi lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Năm 1980, bi kịch xảy ra đối với gia đình Gotti khi một hàng xóm lái ôtô gây tai nạn, đâm chết con trai út 12 tuổi của ông ta. Ít lâu sau, người hàng xóm này mất tích sau khi bị bắt cóc, thi thể chưa bao giờ được tìm thấy. Tuy nhiều người tin rằng Gotti đã hạ lệnh để trả thù cho con trai, khi sự việc xảy ra, gia đình Gotti đang đi nghỉ mát tại bang khác nên không có chứng cứ buộc tội.

Hoạt động tội phạm của Gotti cứ thế tiếp diễn "ổn định" cho tới tháng 12/1985, khi Aniello Dellacroce, sếp phó và người chống lưng cho Gotti, chết vì ung thư. Mất ô bảo hộ, Gotti lo sợ sẽ bị Paul Castellano, sếp trưởng khi ấy của gia đình Gambino, hỏi tội vì tổ chức buôn ma túy dù điều này bị mafia cấm. Ngoài ra, Gotti cũng không hài lòng vì Castellano không tới dự tang lễ của Dellacroce, đồng thời còn cho phép băng nhóm khác giết hại người mình. Gotti hạ quyết tâm ra tay trước.

Tối ngày 16/12/1985, khi Paul Castellano cùng thủ hạ thân tín bước xuống xe trước nhà hàng ăn, ba tay súng với trang phục tương tự nhau khai hỏa, khiến đối phương chết tại chỗ.

Sau sự việc, mọi người đều chắc chắn Gotti là kẻ hạ lệnh nhưng không ai dám lên tiếng dù việc sát hại thành viên băng đảng, chưa kể là giết hại sếp trưởng một gia đình, khi chưa được phép bị nghiêm cấm và đi kèm án tử. Chỉ trong vài ngày, Gotti được nhiều người tới chúc tụng vì đã trở thành "sếp của mọi sếp". Ông ta mau chóng chiếm quyền kiểm soát đối với gia đình Gambino – gia đình mafia quyền lực nhất khi ấy. Với mạng lưới tội phạm sâu rộng, gia đình Gambino hàng năm thu được 500 triệu USD, trong đó 10 tới 12 triệu USD vào túi của Gotti.

Nhưng thay vì ẩn náu trong bóng tối của thế giới ngầm như lẽ thường, Gotti có vẻ rất hãnh diện với địa vị "người nổi tiếng" và bắt đầu dùng bữa tại những nhà hàng Italy sang trọng bậc nhất của thành phố New York. Vì luôn xuất hiện trong bộ vest 2.000 USD với mái tóc chải chuốt cẩn thận, Gotti được báo chí đặt cho cái tên Dapper Don ("Ông trùm bảnh bao").

Hình ảnh ông trùm cứng rắn nhưng có trái tim vàng luôn được Gotti tái diễn hàng năm. Mỗi dịp Quốc khánh, Gotti tổ chức tiệc mừng và màn bắn pháo hoa trái phép cho hàng xóm, sự kiện mà cảnh sát dường như không thể dẹp bỏ cho tới nhiều năm sau. Các trang báo cũng đăng tải nhiều câu chuyện về việc Gotti cho người vô gia cư những tờ 20 hoặc 50 USD.

Dù sống phô trương, Gotti vẫn gây khó khăn cực lớn cho cơ quan điều tra. Ông ta có vẻ biết FBI bí mật cài thiết bị ghi âm trong điện thoại và tại những nơi băng đảng hay lui tới nên không bao giờ để lộ thông tin. Khi cần trao đổi, Gotti thường rủ thuộc hạ cùng đi bộ trên đường phố New York.

Một thời gian sau, FBI bắt giữ Gotti về tội Tổ chức kiếm tiền bất hợp pháp với nội dung có được từ hàng chục giờ ghi âm bí mật tại một câu lạc bộ nơi mafia tụ tập. Chứng cứ buộc tội có vẻ rất chặt chẽ nhưng Gotti vẫn được bồi thẩm tuyên vô tội. Mãi về sau, người ta mới phát hiện ra một bồi thẩm viên khi được hỏi đã giấu quan hệ bạn bè với thành viên băng đảng và đồng ý bán lá phiếu với giá 60.000 USD. Kẻ này sau đó bị phạt ba năm tù về tội Cản trở công lý.

John Gotti (áo nâu) rời một phiên xét xử. Ảnh: New York Daily News.

John Gotti (áo nâu) rời một phiên xét xử. Ảnh: New York Daily News.

Liên tiếp các lần ra tòa sau, Gotti đều trắng án và được đặt cho biệt danh mới là "Ông trùm Teflon" (Teflon là loại nhựa thường được phủ lên các vật chống dính, ý chỉ cáo trạng không thể đụng vào Gotti). Năm 1986, Gotti thoát tội Cướp tài sản Hành hung sau khi nạn nhân không xuất hiện tại tòa và nói không thể nhận dạng Gotti. Trên thực tế, nạn nhân đã bị cắt đứt dây phanh ôtô và gọi điện đe dọa trước khi phiên tòa diễn ra.

Tới năm 1989, Gotti bị khởi tố vì nghi đứng đằng sau âm mưu ám sát một lãnh đạo công đoàn. Trước báo chí, Gotti chỉ đùa rằng "tôi dám cá 1 ăn 3 là sẽ đánh bại được cáo trạng lần này". Vả quả đúng như vậy, bồi thẩm đoàn một lần nữa tuyên ông ta không phạm tội.

Tuy nhiên, vận may của ông trùm Teflon cuối cùng cũng chấm dứt. Sự cẩn trọng của Gotti khi yêu cầu thuộc hạ gặp trực tiếp từng làm khó FBI nhưng cũng giúp chứng minh vai trò của ông ta trong mạng lưới tội phạm có tổ chức. Tháng 12/1990, Gotti và Sammy Gravano, thuộc hạ thân tín, cùng bị bắt giữ về tội Tổ chức kiếm tiền bất hợp pháp sau khi FBI đột kích vào tụ điểm họp mặt của băng đảng.

Trong lúc bị bắt giữ, Gotti cố gắng đẩy hết trách nhiệm cho Gravano và khẳng định gã đàn em tự ý hành động vì lợi ích bản thân. Trong khi đó, Gotti tô vẽ bản thân chỉ là nhân viên bán thiết bị ống nước với mức lương 60.000 USD mỗi năm.

Thấy được cơ hội, FBI bật băng ghi âm những nội dung này cho Gravano. Có lẽ thấy bị phản bội, Gravano đồng ý hợp tác với nhà chức trách để được giảm án. Tháng 3/1992, Gravano ra tòa làm chứng kể lại những vụ giết người và hoạt động phi pháp có Gotti cùng những kẻ khác tham gia. Lời khai của Gravano khiến Gotti và gần 40 thành viên băng đảng khác vào tù.

Tháng 4/1992, Gotti lãnh án chung thân. Lúc nghe đọc phán quyết, Gotti vẫn nở nụ cười quen thuộc và nói thầm với luật sư rằng "Chuyện này chưa kết thúc được đâu". Nhưng thực tế đi ngược lại lời nói này trong suốt quãng đời còn lại của ông trùm.

Không như những ông trùm mafia khác, Gotti vẫn cố gắng kiểm soát tổ chức tội phạm từ sau song sắt bằng cách truyền đạt mệnh lệnh trong mỗi lần con trai cả tới thăm. Điều này tạo cơ hội cho nhà chức trách tiếp tục bắt giữ người con trai về tội Tổ chức kiếm tiền bất hợp pháp. Sức ảnh hưởng của Gotti đối với gia đình Gambino cũng chấm dứt từ đó.

Tới cuối thập niên 1990, Gotti bị chẩn đoán ung thư vòm họng. Dù được phẫu thuật chữa trị, sức khỏe của ông trùm một thời giảm sút nhanh chóng, cuối cùng chết trong tù vào năm 2002 ở tuổi 61. Lễ tang của Gotti vắng bóng đại diện của các gia đình mafia khác ở New York, dường như thể hiện thái độ không chấp nhận vai trò của ông trùm quá cố.

Quốc Đạt (Theo People, The Los Angeles Times, The New York Times)


*****************
uNCtBZ
uNCYL3
uNC7pn
uNCEV9
uNCPlh
uNCHgH
uNCfZJ
uNCn37
uNCwOy
uNNlXR
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Năm, 28 Tháng Ba 20245:42 SA
Thứ Tư, 27 Tháng Ba 20244:48 SA
Thứ Ba, 26 Tháng Ba 20244:25 SA
Thứ Hai, 25 Tháng Ba 20246:45 SA
Chủ Nhật, 24 Tháng Ba 20247:05 SA
Thứ Bảy, 23 Tháng Ba 20245:42 SA
Thứ Sáu, 22 Tháng Ba 20244:05 SA
Thứ Năm, 21 Tháng Ba 20245:37 SA
Thứ Tư, 20 Tháng Ba 20242:33 SA
Thứ Ba, 19 Tháng Ba 20247:31 SA