Nữ giới châu Á thường có ý nghĩ làn da trắng sáng hơn hấp dẫn hơn và ý tưởng này luôn được chú ý qua các cuộc thi sắc đẹp khác nhau.

Vì thế, khi người đẹp Nonthawan Thongleng - còn được gọi là Maeya - có làn da rám nắng đăng quang Hoa hậu Thế giới Thái Lan năm 2014, một số nhà bình luận cho rằng đó là cơ hội để định nghĩa lại các tiêu chuẩn sắc đẹp.

Nỗi ám ảnh của cả châu Á - Ảnh 1.

Người đẹp Nonthawan Thongleng. Ảnh: MISSOSOLOGY

Thực vậy, Hoa hậu Nonthawan đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người Thái Lan bởi theo truyền thống nước này, phụ nữ có làn da sẫm màu bị gạt ra ngoài lề do tiêu chuẩn về nhan sắc là có làn da sáng.

Vào tháng 12-2018, người đẹp Catriona Gray đã trở thành cô gái Philippines thứ tư được trao danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ và chiến thắng của cô đã khiến dư luận Philippines chia làm 2 phe rõ rệt.

Những người chỉ trích chiến thắng của cô cho rằng cô trông giống một người Caucacus có làn da rám nắng. Grey sinh ra và lớn lên ở Úc và là người mang 2 dòng máu Scotland và Philippines. Đối với nhiều nhà phê bình, cô không phải là người Philippines.

Có một chuẩn mực văn hóa lâu đời liên quan đến những cuộc tranh luận về màu da và vẻ đẹp. Màu da từng là một dấu hiệu của tầng lớp xã hội.

Trong nhiều xã hội, đặc biệt là ở châu Á, làn da ngăm từ lâu đã gắn liền với người làm việc trên các cánh đồng và sống nghèo túng ở nông thôn. Trong khi đó, làn da trắng sáng là biểu hiện của cuộc sống trong nhà ở thành thị, thoải mái và an nhàn, nắng không đến mặt.

Nỗi ám ảnh của cả châu Á - Ảnh 2.

Một bảng quảng cáo sản phẩm làm trắng da ở Ấn Độ. Ảnh: THE CONVERSATION

Trong trường hợp ai đó "lỡ" có làn da sẫm màu, họ có thể sẽ làm bất cứ điều gì để trở nên trắng trẻo. Người ta dễ dàng bắt gặp trên đường phố tại các thành phố châu Á, chẳng hạn như Bangkok - Thái Lan, hình ảnh người người che dù hoặc mặc áo dài tay, thậm chí áo khoác ngay cả trong những tháng nóng nhất trong năm, chỉ nhằm ngăn ánh nắng mặt trời tiếp xúc với làn da.

Mong muốn có làn da trắng được thôi thúc hơn nữa thông qua phương tiện truyền thông và quảng cáo. Để phục vụ cho nhu cầu này, các hiệu thuốc bán nhiều loại kem trắng da; thậm chí một số nơi còn hứa hẹn các loại kem sẽ làm trắng sáng mọi chỗ trên cơ thể.

Áp lực để có làn da trắng không chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ. Có một loạt sản phẩm và dịch vụ nhắm đến các đại diện phái mạnh muốn trở nên trắng hơn. Ông Jaray Singhakowinta, chuyên gia về giới tính tại Viện Quản lý Phát triển Quốc gia Thái Lan, còn đưa ra thí dụ về những người đàn ông đi tiêm chất làm trắng da glutathione để đẩy nhanh quá trình làm trắng.

Ông Kosum Omphornuwat, chuyên gia về giới tính và tình dục tại Trường ĐH Thammasat, nhận định "kinh tế thị trường, chủ nghĩa tiêu dùng, truyền thông xã hội và hội chứng "chụp ảnh tự sướng"  củng cố nỗi ám ảnh phải có làn da trắng".

Nỗi ám ảnh của cả châu Á - Ảnh 3.

Người châu Á luôn bị ám ảnh về làn da trắng. Ảnh: YOUTUBE

Trong những năm gần đây, một số chiến dịch quảng cáo đã khiến dư luận phản ứng dữ dội về việc quảng bá lý tưởng làm đẹp này. Đơn cử trường hợp của Cris Horwang, diễn viên và người mẫu Thái Lan. Khi tham gia quảng cáo một viên uống làm trắng da, cô khẳng định cô thành công là nhờ có làn da trắng sáng.

Thêm vào đó, sự yêu thích ngành giải trí Hàn Quốc tăng vọt - đặc biệt là nhạc pop và kịch truyền hình - đã làm cho nỗi ám ảnh về làn da trắng ở Thái Lan càng trầm trọng thêm. Chuyên gia Jaray cho biết xu hướng này đã xuất hiện từ khoảng 20 năm trước...