Tổ Đình Việt Nam ở Seattle

Thứ Sáu, 30 Tháng Ba 20181:00 CH(Xem: 3839)
Tổ Đình Việt Nam ở Seattle

Để có một nơi thờ phụng các anh hùng nước Việt, anh Đức Ly là người tiên phong đưa ra ý tưởng xây dựng một Tổ Đình Việt Nam tại Seattle. Cùng với ý tưởng của anh, nhiều nhân sĩ và đồng hương khắp nơi đã góp công góp của hình thành nên một Tổ Đình làm nơi lưu giữ và phát huy bản sắc cội nguồn văn hoá Việt. Tổ Đình tuy khiêm tốn nhưng tấm lòng hướng về đất tổ của những người xa xứ rộng lớn biết bao.

to-dinh-viet-nam-o-seattle6
Khung cảnh bên ngoài Tổ Đình Việt Nam tại Seattle

PV Trẻ: Thông thường ở hải ngoại nhiều người mua đất xây chùa hoặc thiền viện nhưng anh lại có ý tưởng xây dựng Tổ Đình. Theo anh Tổ Đình có ý nghĩa như thế nào?

A. Đức Ly: Định cư từ năm 1975, sau thời kỳ khó khăn lúc ban đầu và khi con cái đã trưởng thành, ở tuổi ngũ tuần cách đây 20 năm, công việc đã ổn định, nhàn rỗi tôi mới suy nghĩ về quê hương, dân tộc bên kia bờ đại dương. Từng là một cựu sĩ quan VNCH nên 3 nhóm từ Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm, tôi đặt lên hàng đầu: Trách nhiệm hương khói cho Tổ Tiên Ông Bà; Trách nhiệm với thế hệ con cháu sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ biết về cội nguồn; Trách nhiệm giới thiệu lịch sử hào hùng, văn hoá và nghệ thuật của con người Việt Nam với các sắc dân địa phương.

to-dinh-viet-nam-o-seattle5
Anh Đức Ly xem như người sáng lập ra Tổ Đình Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ

PV Trẻ: Tổ Đình ở thành phố Seattle còn có tên là Tổ Đình Việt Nam hay Đền Thờ Đức Thánh Trần, anh có thể giải thích “đình” và “đền” khác nhau ra sao?

A. Đức Ly: Người Việt sau hơn 40 năm đã có 2 thế hệ được sinh ra, các con em không được học lịch sử cội nguồn ở học đường, cuối tuần thì được cha mẹ dẫn đi chùa hay nhà thờ để biết về tâm linh tôn giáo nhưng về lịch sử con người gốc Việt thì còn thiếu sót. Từ năm 1980, khi loạt người đến Mỹ theo diện thuyền nhân dần tăng nên tôi cùng với các vị cao niên tổ chức các buổi quốc lễ của VNCH, các buổi sinh hoạt này thường thuê mướn trường học địa phương để thực hiện.

Xây dựng cơ sở tôn giáo thì không khó nhưng xây dựng một nơi thờ phượng Tổ Tiên của người tỵ nạn cộng sản không dễ dàng gì, nên hoài bão của những người phục vụ dân tộc Việt ở hải ngoại là làm sao tập trung lại một nơi. Nói về văn hoá và lịch sử hào hùng của dân tộc mình thì Đức Thánh Trần Hưng Đạo là vang danh hơn cả từ Tài đến Đức nên tôi và vài nhân sĩ đứng ra thành lập tổ chức lấy tên Tran Hung Dao Foundation để vinh danh một đại anh hùng Việt Nam.

to-dinh-viet-nam-o-seattle4
Sinh hoạt ngày lễ tưởng niệm các anh hùng VNCH

Đây là tổ chức bất vụ lợi được tiểu bang Washington công nhận và cấp phép. Cơ sở sinh hoạt tên Mỹ là Vietnamese Cultural Center, còn tên thường được gọi với nhau là Tổ Đình Việt Nam. Cơ sở sinh hoạt Vietnamese Cultural Center gồm có Đền Thờ Quốc Tổ Hùng Vương, Đền Thờ Đức Thánh Trần, Đài Tử Sĩ VNCH Tổ Quốc Ghi Ơn; dưới kỳ đài Việt Mỹ, hai lá cờ VNCH và cờ Hoa Kỳ tung bay suốt ngày đêm. Hiện hữu chỉ có Đền Tổ Hùng Vương và Đền Đức Thánh Trần chứ không có Đình. Ban Điều Hành là những nhân sĩ cao niên gồm 11 người tình nguyện, đó là cựu Đại tá Hứa Yến Lến, Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, cựu HQ Trung Tá Đinh Mạnh Hùng, ông Đinh Hùng Chấn, Dương Đình Long, bà Nguyễn Quốc Lâm, Nguyễn Võ Phụng, ông Phạm Thanh, ông Trần Đình Khải (TTK) bà Trần Ni ( thủ quỹ), và tôi Bùi Đức Ly là thủ từ lo nhang khói.

PV Trẻ: Xin anh cho biết việc khởi công xây dựng Tổ Đình ban đầu có khó khăn gì không từ việc mua đất, xin giấy phép và chi phí xây dựng.

A. Đức Ly: Khu đất hơn nửa mẫu trên một gò cao, có nhiều cây cổ thụ bao quanh xanh đẹp là tài sản riêng của gia đình tôi cúng hiến. Vì không phải là tôn giáo nên không có tổ chức gây quỹ rầm rộ mà chỉ phổ biến trên báo chí hay diễn đàn điện tử các sinh hoạt lễ nghi cổ truyền và chỉ thực hiện xây dựng từng phần khi có đủ ngân khoản.

to-dinh-viet-nam-o-seattle3
Lễ húy nhật tại Tổ Đình Việt Nam

PV Trẻ: Tổ Đình được xây dựng năm nào và các mạnh thường quân địa phương cũng như đồng hương ở Seattle đóng góp ra sao?

A. Đức Ly: Tổ Đình Việt Nam chia ra nhiều dự án, kế hoạch nhỏ từ năm 1995 để dễ bề thực hiện, nên thời gian kéo dài. Sau khi có đất, công tác xây dựng đầu tiên là Tượng Đài Đức Thánh Trần. Gia đình ông bà HQ Thiếu Tá Đặng Vũ Lợi từ Paris, Pháp quốc được tin đã gọi điện thoại và xin hiến tặng một pho tượng Đức Thánh Trần bằng đá hoa cương cao 2 mét. Đồng hương đến thăm viếng nhìn ra sự việc và phát tâm đóng góp. Vì làm từng phần nhỏ nên giấy phép cũng dễ dàng. Gia đình Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng cúng $20,000 để xây dựng Đài Tử Sĩ VNCH và Kỳ Đài; Đền Thờ Đức Thánh Trần do gia đình tôi cúng tiền xây dựng và Đền Thờ Quốc Tổ Hùng Vương thì kêu gọi mọi người đóng góp trong đó có Chùa Việt Nam, Giáo Xứ Thánh Tử Đạo Seattle, Thánh Thất Cao Đài Seattle và đồng hương khắp nơi. Tất cả danh sách có niêm yết vĩnh viễn tại đây.

PV Trẻ: Xin anh cho biết việc trang trí và thờ phụng tại Tổ Đình như thế nào?

A. Đức Ly: Đền Thờ Quốc Tổ Hùng Vương lớn hơn Đền Thờ Đức Thánh Trần. Việc trang trí và thờ phụng tại ngôi Đền Thờ Tổ gồm có 2 cấp. Cấp trên gồm bài vị Quốc Tổ Hùng Vương, cấp dưới thấp hơn gồm có 2 bài vị hai bên. Bên phải là Bài vị Nam: Anh Hùng Chi Vị và bài vị Tử Sĩ Hoàng Sa; bên trái là Bài vị Nữ: Anh Thư Chi Vị. Lá cờ ngũ hành tương sinh to lớn được đặt phía sau bàn thờ Tổ. Có tàn lọng và câu đối. Tại cổng vào Đền Thờ Tổ có đặt 2 con rồng chầu to lớn màu vàng bằng đá marble bên cạnh hai câu đối do cựu Đại tá HQ Đỗ Kiểm ở Louisiana: “An Bang Hổ Phục Thương Nguồn Xây Miếu Việt /  Đắc Địa Rồng Bay Nhớ Gốc Dựng Đền Hùng”.

to-dinh-viet-nam-o-seattle
Ban tế lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Sự trang trí Đền Thờ Đức Thánh Trần, bên trong Đền có tượng ngồi của Ngài, tay trái cầm Binh Thư, tay phải cầm thanh kiếm bạc. Có tàn lọng và bát bửu, 8 vũ khí thời xa xưa. Bên ngoài cửa Đền có 2 cọp trắng ngồi chầu bằng đá marble và đôi liễn: “Bạch Đằng Vang Tiếng Bậc Anh Hùng / Hải Ngoại Phụng Thờ Đức Thánh Nhân”. Đặc thù là tại cổng của hai Đền thờ có Hổ Phù; đó là điểm khác biệt với các ngôi chùa Phật giáo.

Chen giữa 2 ngôi đền và phía trước ở trung tâm gò cao là Tượng Đài Đức Thánh Trần bằng đá cao 2 mét, đứng trên đài cao, có hai rồng chầu hai bên. Xung quanh tượng đài là hồ nước bao quanh. Đi ra thêm phía trước là hai trụ cổng chào bằng đá marble có 2 câu đối của nhân sĩ Nguyễn Bá Triệu ở Canada gởi về Tổ Đình: “Đất Khách Không Quên Nòi Lạc Việt / Quê Người Vẫn Nhớ Giống Tiên Rồng”. Phía sau trụ cổng này cũng có ghi 2 câu đối của một nhân sĩ địa phương là thi sĩ Hoàng Hà Vũ Quang Hân: “Thăng Long Nổi Tiếng Vì Văn Miếu / Ngọc Bích Lừng Danh Bởi Tổ Đình”.

PV Trẻ: Chùa có Phật tử thăm viếng thường xuyên, trong khi Tổ Đình thường tổ chức vào những ngày vía trong năm, kinh phí bảo trì và những chi phí tổ chức, Tổ Đình tìm kiếm từ nguồn thu nào?

A. Đức Ly: Khác với các cơ sở tôn giáo là có giáo dân hay Phật tử thường xuyên về hằng tuần và nhiều cách để gây quỹ. Mặc dầu là nơi thờ tự Quốc Tổ là chung của người dân Việt, nhưng rất ít người Việt biết trách nhiệm công dân hay thờ ơ lạnh lùng vì đức tin tôn giáo riêng tư. Cũng may còn một số ít đồng hương biết sử Việt và trách nhiệm công dân đã ngồi lại để tổ chức các ngày Quốc Lễ. Hiện tại Tổ Đình Việt Nam kêu gọi sự đóng góp $5 một tháng để làm kinh phí bảo trì cơ sở thờ phượng của đồng hương.

to-dinh-viet-nam-o-seattle1
Một nhà sư Tây Tạng viếng Tổ Đình

PV Trẻ: Giới thanh niên trẻ tại Seattle có quan tâm đến văn hoá truyền thống Việt Nam nhiều không anh và anh có tâm tư gì về vấn đề này?

A. Đức Ly: Thật tình mà nói, giới trẻ hiện hữu ít biết về văn hoá truyền thống Việt Nam vì trẻ lo đi học, cuối tuần thì được gia đình dẫn đi nhà Chúa, nhà Chùa mà hai nơi tôn giáo này thì có bao giờ nói đến Văn Hoá truyền thống, cội nguồn Việt Nam (?). Thời gian rất hiếm hoi ở quê này. Cha mẹ thờ ơ không hướng dẫn thì con em làm sao biết. Nói vậy cũng không dám quơ cả nắm, bởi vì một nhóm trẻ Seattle đã đến Tổ Đình VN làm phóng sự video vào ngày 19-1-2018 đúng vào ngày Giỗ Tử Sĩ Hoàng Sa. Văn hoá là cái gốc con người. Dù có sanh bên Mỹ, tên Mỹ, nói tiếng Mỹ nhưng mình vẫn là người Việt. Do đó là bậc phụ huynh, chúng ta phải cố gắng dành thì giờ hướng dẫn con em mình biết về cội nguồn, biết văn hoá cha ông, tự nhiên tình tự dân tộc sẽ tự phát sinh và sự bảo tồn cơ sở Văn Hoá Việt sẽ tiếp nối đời này sang đời khác.

to-dinh-viet-nam-o-seattle2
Chụp hình lưu niện tại buổi lễ Giỗ tổ Hùng Vương

PV Trẻ: Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ địa phương có quan tâm đến các sinh hoạt của Tổ Đình?

A. Đức Ly: Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ địa phương thì hầu như họ để ý đến các sắc dân địa phương vào dịp bầu phiếu. Như ông cựu Thị trưởng Mike McGinn đến viếng thăm Tổ Đình vào dịp Tết cổ truyền VN vừa qua.  

PV Trẻ: Việc bảo trì Tổ Đình hiện nay có gặp khó khăn gì không anh Đức Ly?

A. Đức Ly: Hiện tại có sự việc là: Bảo trì các ngôi Đền và Kỳ Đài: Tổ Đình Việt Nam kêu gọi toàn thể con dân Việt mọi nơi đóng góp $5 một tháng để nhang đèn, hương khói. Tìm kiếm ngân khoản trải nhựa cho khu đậu 30 chiếc xe. Công tác dự trù $80,000.

PV Trẻ: Cảm ơn anh Đức Ly cho cuộc phỏng vấn và cung cấp hình ảnh sinh hoạt của Tổ Đình.

NL

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn