Làm sao nhận biết kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái?

Thứ Tư, 27 Tháng Bảy 20221:46 CH(Xem: 1667)
Làm sao nhận biết kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái?

WASHINGTON, DC (NV) — Ước tính về trị giá tổng sản lượng nội địa (GDP) của chính phủ từ Tháng Tư đến Tháng Sáu dự trù công bố vào Thứ Năm, 28 Tháng Bảy có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào định nghĩa suy thoái, tuy nhiên một số nhà kinh tế không đồng ý vì thị trường việc làm của Mỹ vẫn đang ổn định, theo AP.

Định nghĩa suy thoái được chấp nhận rộng rãi nhất là định nghĩa của Cơ Quan Quốc Gia Nghiên Cứu Kinh Tế (NBER). Theo đó suy thoái được định nghĩa là sự suy giảm đáng kể của các hoạt động kinh tế trên khắp nền kinh tế và kéo dài hơn một vài tháng.

TS-Powell-072722
Chủ Tịch Fed Jerome Powell. (Hình: Mandel Ngan/AFP via Getty Images)

Mặc dù GDP có thể giảm trong hai quý liên tiếp, thế nhưng các nhà kinh tế chưa cho rằng suy thoái bắt đầu. Vì nền kinh tế Mỹ vẫn tạo thêm 2.7 triệu việc làm trong sáu tháng qua, tiền lương cũng tăng. Điều này khiến Cơ Quan Dự Trữ Liên Bang (Fed) tăng lãi suất thêm 0.75% vào Thứ Tư, 27 Tháng Bảy.

Trước những ý kiến trái chiều này, vậy thì nền kinh tế Mỹ thực sự đang gặp vấn đề gì với những tín hiệu hỗn loạn hiện nay? Dưới đây là một số câu trả lời:

Có phải nền kinh tế đang đi xuống?

Điều này đúng trong ba tháng đầu năm, vì GDP giảm 1.6% so với tốc độ hàng năm. Các nhà kinh tế suy đoán rằng vào Thứ Năm, 28 Tháng Bảy, chính phủ sẽ ước tính nền kinh tế có thể tăng trưởng với tốc độ hằng năm chỉ dưới 1% trong quý từ Tháng Tư đến Tháng Sáu. Nếu dự đoán này chính xác, thì tức là nền kinh tế, trên thực tế, không hề suy thoái.

TS-FedBuilding-072722
Huy hiệu trước trụ sở Fed ở Washington, DC. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

Ngay cả khi tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp, thì giới chức Fed và chính phủ Biden vẫn có thể dẫn ra chỉ số “tổng thu nhập nội địa” (GDI). Theo thời gian, GDP và GDI sẽ tương ứng với nhau, nhưng trong ngắn hạn thì hai chỉ số này có thể khác biệt. Trong quý một, GDI tăng 1.8%, tốt hơn rất nhiều so với mức giảm 1.6% của GDP.

NBER sẽ xem xét mức trung bình của hai chỉ số này để đánh giá liệu nền kinh tế có suy thoái hay không. Và trong quý đầu tiên, chỉ số trung bình là 0.2%.

TS-Supermarket-072722
Khách hàng bên trong một siêu thị. (Hình minh họa: Joe Raedle/Getty Images)

NBER còn theo dõi điều gì khác?

Các dữ liệu khác mà NBER nghiên cứu bao gồm thu nhập, việc làm, chi tiêu được điều chỉnh theo lạm phát, doanh số bán lẻ và sản lượng nhà máy.

Chỉ số này tính tổng thu nhập từ tất cả người lao động, do đó dữ liệu sẽ tăng lên khi người thất nghiệp tìm được việc làm hoặc người lao động hiện tại được tăng lương. Trong Tháng Tư và Tháng Năm chỉ số này tăng nhẹ.

Nhiều người nghĩ suy thoái đang đến gần?

Đúng thật như vậy, vì nhiều người cảm nhận được gánh nặng về tài chánh.

Vì lạm phát kéo dài, giá nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu cũng như tiền thuê nhà làm túi tiền của người Mỹ cạn kiệt nhanh. Theo báo cáo của Walmart, người dân hiện tại đang phải giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu như quần áo mới. Hay nói cách khác mức chi của người tiêu dùng, động lực chính thúc đẩy nền kinh tế, đang suy yếu.

TS-WallStreet-072722
Khu vực phố Wall ở thành phố New York. (Hình: Spencer Platt/AFP via Getty Images)

Việc Fed tăng lãi suất khiến lãi suất thế chấp trung bình tăng gấp đôi so với một năm trước, làm doanh số bán nhà và xây dựng giảm mạnh. Lãi suất cao cũng khiến các doanh nghiệp e dè hơn khi mở thêm nhà máy hoặc mua thiết bị mới. Khi đó tuyển dụng cũng chậm lại, hoặc thậm chí dẫn đến sa thải nhân viên. Thất nghiệp sẽ khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu hơn nữa.

Dấu hiệu cho biết suy thoái sắp diễn ra là gì?

Theo các nhà kinh tế, dấu hiệu dễ thấy nhất là tình trạng mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Nhiều nhà kinh tế còn theo dõi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mỗi tuần. Tuần trước số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên 251,000 đơn, mức cao nhất trong Tháng Tám. Mặc dù là một dấu hiệu đáng lo ngại, nhưng đó vẫn là mức thấp trong lịch sử.

TS-Foodline-072722
Người dân sắp hàng chờ đến phiên nhận thực phẩm miễn phí ở Oakland, California. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Một số dấu hiệu khác?

Nhiều nhà kinh tế theo dõi thay đổi trong các khoản thanh toán lãi suất, lợi tức, trên các trái phiếu để tìm tín hiệu suy thoái được gọi là “đường cong lợi suất đảo ngược.” Điều này xảy ra khi lợi suất 10 năm của ngân khố thấp hơn lợi suất ngắn hạn của cơ quan này. Đây là điều bất thường vì thông thường lợi suất dài hạn phải cao hơn để ràng buộc nhà đầu tư trong thời gian dài hơn. Mặc dù vậy có thể mất đến 18 đến 24 tháng kể từ khi đường cong đảo ngược xuất hiện cho đến khi suy thoái bắt đầu.

Trong hai tuần qua lợi tức trái phiếu ngân khố trong hai năm cao hơn lợi tức mười năm. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết so sánh lợi suất ba tháng và lợi suất mười năm sẽ đưa ra thông tin chuẩn hơn. Hiện tại tỷ lệ hai chỉ số này không bị đảo ngược.

Fed có tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi nền kinh tế đã chậm lại?

Các dấu hiệu hỗn loạn của nền kinh tế, bao gồm tăng trưởng chậm lại nhưng việc làm tăng, khiến Fed rơi vào tình cảnh khó xử. Ông Jerome Powell hướng đến “hạ cánh mềm,” tức là làm nền kinh tế suy yếu đủ để làm chậm tốc độ tăng trưởng mà không gây ra ra suy thoái.

Nhưng bản thân ông Powell thừa nhận việc này ngày càng khó đạt được. Nếu cần, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi nền kinh tế suy yếu nếu điều đó cần thiết để kiềm chế lạm phát. (V.Giang)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn