California là bang đầu tiên của Mỹ tuyên bố sống chung với virus corona

Thứ Bảy, 19 Tháng Hai 20228:00 SA(Xem: 1891)
California là bang đầu tiên của Mỹ tuyên bố sống chung với virus corona
voatiengviet.com

California là bang đầu tiên của Mỹ xem COVID như ‘bệnh đặc hữu’

VOA

California trở thành bang đầu tiên của Mỹ chính thức chuyển sang phương sách ứng phó “đặc hữu” đối với virus corona, với thông báo của Thống đốc Gavin Newsom hôm thứ Năm về một kế hoạch chú trọng vào việc ngăn ngừa và phản ứng nhanh trước các đợt bùng phát hơn là việc bắt buộc đeo khẩu trang và đóng cửa các cơ sở kinh doanh.

Kế hoạch này chuẩn bị cho việc quay trở lại cuộc sống bình thường hơn với sự trợ giúp của nhiều sáng kiến và hàng tỉ đô la chi tiêu mới để phát hiện nhanh hơn các ổ dịch hoặc biến thể, thêm nhân viên chăm sóc y tế, tích trữ các bộ xét nghiệm và đẩy lùi những thông tin sai lạc về dịch bệnh.

“Chúng ta đang vượt qua giai đoạn khủng hoảng sang giai đoạn mà chúng ta sẽ nỗ lực sống chung với virus này,” ông Newsom nói trong một cuộc họp báo từ một nhà kho ở Fontana, phía đông Los Angeles, nơi chứa đầy nguồn cung ứng liên quan tới đại dịch.

Một căn bệnh chuyển sang giai đoạn đặc hữu khi virus vẫn tồn tại trong cộng đồng nhưng có thể kiểm soát được khi khả năng miễn dịch được hình thành. Tuy nhiên, thống đốc Newsom nói sẽ không có sự chuyển hướng đột ngột, không giống như quyết định hôm thứ Tư khi California dỡ bỏ các quy định về đeo khẩu trang trong nhà hoặc một thông báo sắp tới vào ngày 28 tháng 2 về thời điểm chính xác học sinh có thể ngừng đeo khẩu trang.

Và sẽ không có việc dỡ bỏ ngay lập tức hàng chục sắc lệnh hành pháp khẩn cấp còn lại đã giúp điều hành tiểu bang kể từ khi ông Newsom ban hành lệnh ở yên tại gia áp dụng trên toàn tiểu bang vào tháng 3 năm 2020.

“Đại dịch này sẽ không có một kết cục rõ ràng. Không có vạch đích,” ông Newsom nói.

Sự thay đổi này phản ánh số ca bệnh giảm và mức độ miễn dịch cao hơn trong tiểu bang mà 75% cư dân đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ và nhiều người đã nhiễm virus, theo Reuters.

Lý giải về quyết định của thống đốc trong việc ‘sống chung với COVID’, bác sĩ Ngô Bá Định từ Garden Grove thuộc miền nam California, người đã từng nhiễm COVID, nói thống kê về số ca nhiễm là thước đo để nhà chức trách y tế điều chỉnh hoặc dỡ bỏ những hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

“Trong đất nước mình, trong một cộng đồng mình, thành phố mình, quận hạt mình hay tiểu bang mình, cứ 100.000 người mà có 50 người bị dương tính [với COVID-19] thì theo khoa học mình có thể rút lại các quy định đeo khẩu trang ở trong nhà,” ông nói. “Tiểu bang California, xét nghiệm 100.000 người thì dưới 50 người dương tính và xét nghiệm 100 người thì dưới 8 người nhiễm, cho nên tôi nghĩ ông Newsom dựa vào con số đó đi đến quyết định này.”

“Nhưng mà những quận hạt hoặc học khu có con số trên mức đó thì tôi nghĩ ông ấy vẫn tôn trọng quyết định mang tính cách khu trú cục bộ của địa phương đó,” bác sĩ Định nói.

Kế hoạch của ông Newsom đặt ra các mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như tích trữ 75 triệu khẩu trang, thiết lập cơ sở hạ tầng để cung cấp tới 200.000 lượt tiêm chủng và 500.000 lượt xét nghiệm mỗi ngày trong trường hợp bùng phát dịch và bổ sung thêm 3.000 nhân viên y tế trong vòng ba tuần tại các khu vực có dịch bệnh.

Kế hoạch cũng bao gồm việc tăng cường giám sát tàn dư virus trong nước thải để theo dõi những dấu hiệu đầu tiên của một đợt bùng phát. Khẩu trang sẽ không bắt buộc đeo nữa nhưng sẽ được khuyến khích đeo trong nhiều khung cảnh khác nhau.

Bác sĩ Định, người tham gia điều trị cho các bệnh nhân COVID nhập viện từ đầu đại dịch tới nay, nói ở khu vực nơi ông sinh sống và làm việc – cũng là nơi có cộng đồng người gốc Việt tập trung đông đảo nhất nước Mỹ – nhìn chung người ta vẫn duy trì thói quen đeo khẩu trang ở những nơi đông người. Tuy nhiên ông nhận thấy các cuộc tụ tập trong không gian kín đang diễn ra nhiều hơn với nhiều người cởi bỏ khẩu trang, điều mà ông nhận xét là vẫn còn mang nhiều rủi ro trong giai đoạn hiện thời.

“Đại dịch chưa hẳn đi về hướng bệnh đặc hữu. Nên nhớ đại dịch cúm năm 1918 phải mất 11, 12 năm mới trở thành bệnh đặc hữu. Chết ít nhất là 50 triệu người trong khi thế giới chỉ có 1,5 tỉ người. May mắn cho mình là bây giờ có vaccine. Cho nên từ đại dịch sang bệnh đặc hữu giống như bệnh lao, bệnh cúm, sốt rét, hy vọng là mình đến đó càng sớm càng tốt.”

Kế hoạch mới nhất được đưa ra gần hai năm sau khi California, tiểu bang đông dân nhất của Mỹ với 40 triệu người, trở thành nơi đầu tiên áp đặt lệnh ở nhà trên toàn bang và bắt buộc các cơ sở kinh doanh đóng cửa từ đầu đại dịch vào tháng 3 năm 2020.

Kể từ đó, những hạn chế đối với đời sống kinh tế và xã hội trên khắp đất nước đã nhiều lần được nới lỏng rồi thắt chặt hơn qua nhiều đợt bùng phát virus làm thiệt mạng hơn 82.000 cư dân California và cướp đi sinh mạng của hơn 900.000 người trên toàn quốc.

Đầu tháng này, California đã cùng với một số tiểu bang thông báo kế hoạch dỡ bỏ các quy định đeo khẩu trang cho các trường học và các địa điểm công cộng khác khi đợt tăng COVID bởi biến thể Omicron đang giảm cường độ.

Bài viết sử dụng thông tin của AP và Reuters.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn