Vụ bồi thường 1,75 triệu đô và bài học cho các tiệm nail Việt

Thứ Tư, 05 Tháng Giêng 20222:00 SA(Xem: 2138)
Vụ bồi thường 1,75 triệu đô và bài học cho các tiệm nail Việt
voatiengviet.com

Vụ bồi thường 1,75 triệu đô và bài học cho các tiệm nail Việt

VOA Tiếng Việt

Các tiệm làm móng của người Việt ở Mỹ phải luôn chú trọng việc huấn luyện thợ cũng như các biện pháp vệ sinh và an toàn, một lãnh đạo hiệp hội ngành nói với VOA sau khi một tiệm nail ở Florida đã phải bồi thường 1,75 triệu đô la cho khách hàng.

Bà Clara Shellman 55 tuổi, đã đạt được thỏa thuận bồi thường với tiệm Tammy's Nails 2, theo hồ sơ tòa án ngày 16/12, hơn ba năm sau ngày xảy ra vụ việc. Hồ sơ không nêu rõ số tiền, nhưng luật sư của bà Shellman tiết lộ là 1,75 triệu đô la, tờ New York Post đưa tin.

Bị cắt chân

Vụ việc xảy ra hồi tháng 9 năm 2018 khi bà Shellman đến làm móng tại tiệm Tammy’s Nails 2 được cho là do người Việt làm chủ ở địa chỉ 2507 Đại lộ W Hillsborough, thành phố Tampa. Người thợ làm móng cho bà cắt phạm vào chân bà.

Vết cắt này sau đó bị nhiễm trùng, nhanh chóng lan ra và càng trở nên trầm trọng do bà Shella đã mắc chứng động mạch ngoại biên nặng từ trước. Cuối cùng bà phải cắt bỏ chân.

“Bà ấy choáng váng, bàng hoàng, khóc và chóng mặt cùng một lúc,” ông Paul Fulmer, luật sư của bà được tờ Tampa Bay Times dẫn lời nói.

Theo lập luận của luật sư này thì việc nhiễm trùng đã khiến Shellman gặp khó khăn trong cuộc sống hàng năm trời và khó khăn này vẫn sẽ tiếp tục. Gánh nặng chi phí y tế do phải cắt chân, bà Shellman – mẹ của một con gái trong độ tuổi tiểu học – đã mất nhà, mất việc. Không thể đi lại, bà cần người chăm sóc bản thân và hiện đang sống với họ hàng.

Vụ kiện của bà, được khởi kiện hồi tháng 5 năm 2020, cho rằng nhân viên tiệm nail đã sử dụng thiết bị và bộ đồ làm móng dơ đến mức gây nguy hại cho khách hàng. Tiệm nail này đã không tuân thủ các chính sách của chính họ, không huấn luyện nhân viên và bảo trì thiết bị đúng cách, theo đơn kiện được Tampa Bay Times dẫn lại.

Vụ kiện không nêu tên ai mà chỉ có tiệm Tammy’s Nails 2 là bị đơn.

Dàn xếp ngoài tòa

Phản hồi vụ kiện một tháng sau khi bị khởi kiện, Tammy’s Nails 2 cho rằng Shellman có lỗi trong việc bị cắt chân vì bà không đi khám ngay hoặc ‘không có nỗ lực hợp lý để ngăn nhiễm trùng lan rộng’, theo Tampa Bay Times.

Ban đầu tiệm nail này phủ nhận tuyên bố của Shellman rằng bộ thiết bị được sử dụng để làm móng cho bà ‘dơ bẩn’.

Luật sư Fulmer, thuộc công ty luật Morgan &Morgan, nói thân chủ của ông đáng được nhận toàn bộ số tiền bồi thường nhưng ông ngạc nhiên khi Tammy’s Nails 2 đồng ý trả 1,75 triệu đô la nếu xét đến việc bà Shellman đã bị bệnh từ trước.

Số tiền này đạt được từ sự dàn xếp của hai bên bên ngoài tòa án.

Luật sư Fulmer thừa nhận rằng bên bị đơn có thể dựa vào việc nguyên đơn mắc bệnh động mạch từ trước để phản công.

“Bên bị đơn có thể dùng điều này để đưa ra lập luận rất vững chắc,” ông Fulmer được AP dẫn lời nói. “Chỉ cần phân nửa số tiền bồi thường đó là chúng tôi cũng đủ vui.”

Ông sẽ nhận được tiền công của mình là khoảng 30-35% số tiền bồi thường đó, trừ chi phí pháp lý.

Bệnh động mạch ngoại biên là một chứng bệnh về tuần hoàn máu khi các mạch máu bị thu hẹp làm giảm lưu lượng máu đến các chi.

Tại địa chỉ của Tammy’s Nails 2 giờ là một tiệm làm móng thuộc một chuỗi khác có tên là Tampa Nails 10102 với một đại diện khác và hiện vẫn đang hoạt động, theo Tampa Bay Times.

Tiệm này và hai tiệm khác của Tammy’s Nails ở Tampa đã từ chối bình luận về vụ kiện hay không nhận điện thoại khi Tampa Bay Times gọi đến hỏi. VOA cũng đã nhiều lần gọi vào tiệm Tammy’s Nails 2 nhưng không có ai bắt máy.

‘Sức khỏe trên lợi nhuận’

Trao đổi với VOA, ông Tâm Nguyễn, chủ tịch Hiệp hội ‘Nailing it for America’ đại diện cho 11.000 tiệm làm móng của người Việt trên đất Mỹ, nói rằng ‘an toàn, vệ sinh và huấn luyện về cách phục vụ’ là ‘hòn đá tảng’ mà hiệp hội của ông tuân thủ.

“Khi những tiêu chuẩn đó không được tuân theo thì sẽ xảy ra hậu quả nghiêm trọng,” ông Tâm nói và cho biết mặc dù ông đã biết nhiều vụ kiện trong ngành nail, nhưng số tiền bồi thường nhiều như vậy thì ông ‘chưa từng thấy’.

“Chúng tôi kêu gọi ngành nail của người Việt cũng như các khách hàng tuân thủ các chuẩn mực cao nhất về an toàn, vệ sinh và cung cách phục vụ trong ngành công nghiệp làm đẹp,” ông nói thêm.

Ngoài ra, ông khuyến nghị các chủ tiệm nail nên tham gia vào các hiệp hội đại diện cho họ ‘để học hỏi lẫn nhau và phát đi tiếng nói chung’.

“Trong hội của tôi cũng có những luật sư có kinh nghiệm xử lý những vụ việc như thế này (vụ kiện ở Tampa) có thể hỗ trợ pháp lý cho các chủ tiệm,” ông cho biết.

Ông cũng chỉ ra rủi ro trong việc các chủ tiệm nail thuê mướn hoặc cho phép các thợ nail chưa được cấp bằng làm việc trong tiệm của họ theo hình thức ăn chia.

“Làm gì cũng phải đúng luật pháp. Mình phải luôn luôn mướn thợ có bằng nail, có đi học đàng hoàng, không mua giờ, phải biết tất cả về sát trùng, các biện pháp bảo vệ và luật pháp của tiểu bang,” ông Tâm Nguyễn nhấn mạnh.

Ông thừa nhận các chủ tiệm hiện nay gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thợ lành nghề có bằng cấp đàng hoàng nhưng cho rằng các tiệm nail không vì thế mà ‘đi tắt, không đặt lên hàng đầu chất lượng nhân viên’ vì ‘sẽ rất rủi ro’.

“Các tiệm nâng cao chất lượng dịch vụ và an toàn là những tiệm có tương lai tốt nhất,” ông khẳng định.

Đợt dịch COVID-19 đã làm các chủ tiệm nail ở Mỹ gặp rất nhiều khó khăn do việc phòng dịch làm chi phí của họ bị đội lên cao, thu nhập ít đi, cộng thêm các chi phí về thiết bị, vệ sinh các thứ sẽ là gánh nặng đối với nhiều tiệm nail, ông cho biết.

“Dù phải đầu tư nhiều hơn nhưng các chủ tiệm phải luôn đặt sức khỏe lên trên lợi nhuận,” ông nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn