Trung tâm VASC, dấu ấn sức mạnh văn hóa người Mỹ gốc Việt ở California

  • Tina Hà Giang
  • Gửi bài từ Nam California, Hoa Kỳ

VASC

Nguồn hình ảnh, Minh Đỗ cho BBC

Chụp lại hình ảnh,

Lễ hoàn tất Trung tâm VASC tại Santa Clara

Bụi tre. Khóm trúc. Con trâu. Cái cày. Chiếc nón lá. Những hình ảnh này đều khiến người Việt xa nhà nghĩ đến quê hương.

Các chi tiết này đã được đưa vào tiến trình thiết kế tòa nhà có tên VASC - Vietnamese American Service Center (Trung tâm Phục vụ người Mỹ gốc Việt), công trình xây dựng với phí tổn hơn 50 triệu đôla do quận Santa Clara đài thọ.

Là tòa nhà đầu tiên trên toàn quốc được chính quyền địa phương xây nên từ nền móng để phục vụ người Mỹ gốc Việt, lại do một kiến trúc sư gốc Việt thiết kế, VASC đánh dấu một bước tiến quan trọng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở vùng Vịnh, và là niềm hãnh diện chung cho người Việt khắp nơi.

Tọa lạc tại một trong những trục lộ chính của San Jose, gần Little Saigon, VASC cao 3 tầng, rộng hơn 3,400 mét vuông, là nơi chính quyền địa phương dự trù sẽ cung cấp dịch vụ y tế cho khoảng 3,000 cư dân mỗi năm.

Như nhiều thiết kế mới, VASC tràn ngập ánh sáng tự nhiên, nhưng tòa nhà sắc mà không lạnh. Với lớp da (cladding) mô phỏng những đốt tre màu xanh đậm, lạt, và tấm kính vĩ đại khắc hàng tre cao ngất từng xanh, VASC tạo được cảm giác gần gũi cho người Việt quen thuộc với hình ảnh quê nhà.

Trung tâm là kết quả một nghiên cứu của quận, do ông Dave Cotese, nguyên giám sát viên quận và nay là thượng nghị sĩ tiểu bang California, thực hiện năm 2011.

Kết quả của nghiên cứu kéo dài một năm cho thấy người Mỹ gốc Việt trong vùng phải đối mặt với những thách thức lớn về sức khỏe và là một cộng đồng không được phục vụ đúng mức (underserved) so với những cộng đồng khác. Nghiên cứu cũng cho thấy cộng đồng Việt có tỷ lệ nghèo cao so với những sắc dân khác, với tỷ lệ bệnh ung thư và tỷ lệ hút thuốc của nam giới cao hơn những nhóm dân khác trong vùng.

VASC

Chụp lại hình ảnh,

Bà Betty Dương, giám đốc điều hành trẻ tuổi của VASC và ông Thắng Đỗ, giám đốc hãng Aedis Architects nói chuyện về Trung tâm VASC

Đón chúng tôi hôm 18/10, Bà Betty Dương, giám đốc điều hành trẻ tuổi của VASC, và ông Thắng Đỗ, giám đốc hãng Aedis Architects, còn đội nón và áo an toàn, vì tòa nhà tuy đã xây xong, nhưng những chi tiết cuối cùng vẫn còn đang được hoàn tất.

Bà Betty Dương giải thích lý do của sự chênh lệch trong việc phục vụ:

"Một phần là vì đa số người Việt sống ở đây không biết là có những trung tâm chuyên lo phục vụ cho họ. Nghiên cứu khiến giới lãnh đạo quận thấy là cần phải tìm ra cách làm sao để người dân có thể tiếp cận các dịch vụ của quận dễ dàng hơn, ít e ngại hơn," bà nói.

"Người Việt chúng ta có những ngại ngùng, ngay cả khi chúng ta biết chính quyền có những dịch vụ đó nhưng cũng rất e ngại khi sử dụng, vì khung cảnh không hợp với văn hóa của người Việt. Quận Santa Clara nhìn nhận đó là một nhu cầu quan trọng," ông Thắng Đỗ tiếp lời.

Kể chuyện tham gia dự án vào năm 2015, ông nói:

"Là người Việt sống trong vùng, tôi nộp đơn đấu thầu, dù không nghĩ là mình sẽ dễ dàng thắng được những công ty sừng sỏ của Mỹ."

VASC

Nguồn hình ảnh, VASC

Chụp lại hình ảnh,

Trung tâm VASC nhìn từ bên ngoài

VASC

Nguồn hình ảnh, Minh Đỗ cho BBC

Chụp lại hình ảnh,

Một biểu tượng của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ

"Nhưng có lẽ Aedis Architects được chọn vì tôi là người Mỹ gốc Việt, vì một trong những điều kiện quan trọng của quận trong việc tuyển chọn là đội ngũ kiến trúc phải am tường văn hóa Việt Nam, quận dùng chữ 'culturally competent' tức tòa nhà phải có nét đặc thù của văn hóa Việt Nam."

Nỗ lực của cộng đồng, cho cộng đồng

Sau khi nhận ra tình trạng không được phục vụ đúng mức của khối cử tri gốc Việt đáng kể (140,000) tại San Jose, TNS Dave Cotese, lúc đó còn là giám sát viên của quận, và Giám sát viên Cindy Chavez đã vận động cho việc xây trung tâm, và được ủng hộ của nhiều vị đại diện gốc Việt tại đây.

Họ xin được ngân sách 33 triệu đôla cho công trình xây dựng, thêm 17 triệu đôla cho thiết kế, bàn ghế và trang trí nội thất, để khởi công từ cuối 2019.

Đem lại lợi ích chung không chỉ cho người gốc Việt

Được hỏi trung tâm sẽ cung cấp những dịch vụ gì, bà Betty Dương giải thích:

"Giúp sức khỏe cho cộng đồng, nhiều người trong cộng đồng mình vẫn chưa có bảo hiểm sức khỏe. Khi mọi người tới VASC thì điều đầu tiên là sẽ ghi danh xin bảo hiểm sức khỏe.

Chúng tôi có kỳ vọng là sẽ ghi danh thêm nhiều bệnh nhân mới vào hệ thống y tế của quận mỗi tháng. Một mục tiêu của chúng tôi là sẽ săn sóc cho 3,000 bệnh nhân mỗi năm. Tất cả những dịch vụ và tòa nhà sẽ được sử dụng 6 ngày một tuần từ thứ Hai đến thứ Bảy, từ 8 giờ sáng đến 8 giờ chiều."

"Cuối tháng 11 VASC sẽ bắt đầu mở cửa dần (soft opening)," bà Betty Dương nói thêm.

"Vào tháng Hai, trúng vào dịp Tết, trung tâm sẽ chính thức khai trương, lúc đó là tất cả các bác sĩ, y tá và chuyên gia đã dọn vào xong hết. Chúng tôi đã có sẵn kế hoạch cho một năm, ba năm và năm năm. Ngân quỹ hoạt động của VASC dự trù là hàng chục triệu đôla mỗi năm.''

Nhắc đến vai trò của bà Cindy Chavez, kiến trúc sư Đỗ Thắng kể:

"Bà Chavez nói 'tôi không cần phải là một người gốc Việt để phục vụ cộng đồng người Việt'. Bà ấy nói câu đó làm tôi suy nghĩ. Cộng đồng này không phải là không có dân cử gốc Việt đâu, nhưng mà không nhất thiết phải là người Việt mới phục vụ được người Việt, phải không? Tôi thì tôi nghĩ câu đó của bà rất thấm thía.''

VASC tuy có mục đích chính là phục vụ người gốc Việt, nhưng đồng thời sẽ phục vụ cho mọi sắc dân.

Tất cả các nhân viên của VASC sẽ phải hoặc nói được tiếng Việt hay tiếng Tây Ban Nha cho người gốc Mexico.

Nguồn hình ảnh, Minh Đỗ cho BBC

Chụp lại hình ảnh,

Bản đồ VN màu xanh dịp trong sảng VASC

Ông Tâm Nguyễn, cựu nghị viên thành phố San Jose tin rằng trung tâm mang đến nhiều lợi ích thực tế.

"Thứ nhất, trung tâm cung ứng được nhiều dịch vụ trong cùng một tòa nhà. Trước đây mọi người phải chạy quanh. Giờ đây họ chỉ cần đến một nơi là có thể được tiếp cận từ dịch vụ từ xã hội, đến nhà ở, đến y tế, và thậm chí lấy thuốc từ hiệu thuốc tây ngay tại chỗ," ông nói.

"Thứ hai, trung tâm tạo nhiều tiện ích tuyệt vời như nơi hội họp, giải trí và phòng tổ chức sự kiện, bữa ăn dinh dưỡng cho người cao niên..."

"Và cuối cùng, trung tâm nâng cao ý thức về bản sắc và tôn trọng sự hiện diện và đóng góp của cộng đồng gốc Việt, và đổi lại cộng đồng có được sự phục vụ.''

Quận Santa Clara muốn đây là mô hình kiểu mẫu cho những trung tâm tương tự ở các nơi khác.

Hình ảnh và di sản người gốc Việt trên đất Mỹ

Nhưng kiến trúc của tòa nhà lại là 'món quà' của văn hóa Việt Nam cho đất nước Hoa Kỳ, theo kiến trúc sư Thắng Đỗ, người đã lấy cảm hứng từ một bài ca của Phạm Duy:

"Bản Tình Ca của Phạm Duy có ba phần, tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi và yêu con người Việt Nam. Tiếng nước tôi thì tôi sử dụng chữ V. Để miêu tả đất nước thì tôi sử dụng rất nhiều thứ, chẳng hạn như bản đồ Việt Nam hình chữ S được vẽ dưới sàn nhà, ngay lối ra vào, từ mũi Cà Mau, cái nón lá trên trần nhà, hình ảnh của những đồng ruộng, con trâu, lưỡi cày.''

"Một câu hỏi cũng sắc sảo nữa của cộng đồng là: 'Những gì ông kiến trúc sư đang tả là nhắm vào người am hiểu về Việt Nam, nhưng còn những thế hệ sau thì sao? Như thế hệ con tôi, đến đây nó không biết gì về Việt Nam cả, thế thì làm sao để tiếp cận với họ?'"ông Thắng Đỗ kể.

Để đáp ứng nhu cầu này, ông vẽ một đồ hình di dân ở dưới đất, ngay ở cửa vào trung tâm. Đồ hình có ba vòng tròn nằm chồng lên nhau, vòng nhỏ nhất là quận Santa Clara, vòng thứ nhì là tiểu bang California, vòng thứ ba là nước Mỹ, ngoài ra còn có những vòng tròn ở xa đại diện cho những nước như Đức, Úc, Canada, là những nơi cũng đã cưu mang người Việt tị nạn.

Ngoài vòng tròn còn có những bục đá, trên mỗi bục có tấm bia bằng kính, ghi khắc những sự kiện quan trọng từ năm 1975 đến giờ, từ việc di tản, đến thuyền nhân, đến phong trào HO...

Ông nói về cảm tưởng sau khi hoàn tất công trình thiết kế mất gần hai năm:

"Dĩ nhiên là tôi rất hãnh diện. Nhưng quan trọng là dự án này thực sự đã kéo tôi về với lại cộng đồng. Tôi hành nghề kiến trúc từ thập niên 1980s , trong ngành này tôi thực sự không tiếp xúc nhiều với cộng đồng Việt Nam, mặc dù tôi có nhiều bạn hữu là người Việt.

Vì vậy ngoài sự thỏa mãn về mặt nghề nghiệp, việc thiết kế VASC đã kéo tôi trở với về xuất xứ của mình, rằng mình trước tiên là người Việt Nam. Tôi nghĩ mình làm dự án này cho cộng đồng, mà cũng cho mình nữa, vì mình cũng là người Mỹ gốc Việt, mình cũng là người sống ở đây."

Và nét Việt Nam cũng là điều những người dân sở tại chú ý.

Ông Hồng Nguyễn, một dân cư sống ở vùng Vịnh San Francisco nêu ý kiến:

"Việc Trung tâm Phục vụ Người Mỹ gốc Việt tại thành phố San Jose được một kiến trúc sư Việt Nam thiết kế là một minh chứng hùng hồn về sức mạnh chính trị của những lá phiếu cũng như sự phát triển về kinh tế, giáo dục và văn hoá của người Việt tại Hoa Kỳ.

"Điều đó cũng nói lên tài lực và sự cống hiến đáng kể cho sự thịnh vượng chung của thành phố của người Việt di dân trong xã hội này. Từ nay những sinh hoạt mọi mặt của cộng đồng người Việt sẽ được phổ biến rộng khắp và đều đặn hơn. Mong rằng trung tâm sẽ là nơi bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hoá của người Việt tại nước ngoài," ông Hồng nói.

Bài do tác giả thực hiện trong chuyến thăm đến Santa Clara trong tháng 10/2021. Tác giả là cựu biên tập viên báo Người Việt BBC News Tiếng Việt tại Bangkok, Thái Lan, hiện bà là cây bút tự do tại Nam California, Hoa Kỳ.