“Ngôi mộ Tổng thống Mỹ nhỏ hơn ngôi mộ người nghèo ở làng tôi”

Thứ Năm, 08 Tháng Hai 20185:00 SA(Xem: 3839)
“Ngôi mộ Tổng thống Mỹ nhỏ hơn ngôi mộ người nghèo ở làng tôi”

RFA

Hòa Ái

Anh Nguyễn Quang Thạch viếng mộ Tổng thống John F. Kenedy tại nghĩa trang Arlington, Hoa Kỳ. Hình chụp ngày 27/01/18. Ảnh: Nguyễn Quang Thạch

Nguyễn Quang Thạch, người thành lập chương trình “sách hóa nông thôn” ở Việt Nam, chia sẻ về chuyến đi Mỹ lần đầu tiên của anh để nhận giải thưởng của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ “Literacy Award” năm 2017 về phổ biến tri thức.

Học hỏi cách truyền tri thức cho trẻ em ở Mỹ

Nguyễn Quang Thạch: Thứ nhất là ở Mỹ, người ta đã tạo ra một môi trường đọc sạch cho con trẻ ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Điều thứ hai nữa là qua quá trình học người Mỹ cách thúc đẩy khuyến đọc cho trẻ em, thì tôi thấy họ có 4 kênh: kênh thứ nhất là kênh nhà trường, là các thầy cô giáo; kênh thứ hai là cha mẹ học sinh; kênh thứ ba là thư viện công cộng; kênh thứ 4 là các tổ chức xã hội dân sự. Người ta tham gia vào tiến trình tạo chuẩn đọc, thúc đẩy việc đọc thường xuyên, nâng cấp việc đọc sách cho con trẻ lên khoa học hơn và chuyên nghiệp hơn để cho con trẻ vừa đọc sách vừa lĩnh hội tri thức, vừa thực hành tri thức; chẳng hạn thư viện có sân cho trẻ chơi, có các bảo tàng cho trẻ con thực nghiệm, thậm chí người ta có đưa tả hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rừng để con trẻ được trải nghiệm và xem, kết hợp giữa việc đọc sách tự nhiên, tạo ra các thảo luận về sách, tương tác với nhau đọc sách xã hội.

Hòa Ái: Trong các hình thức sinh hoạt liên quan đến thư viện gắn kết với trẻ em ở Mỹ như anh vừa chia sẻ, thì khi về lại Việt Nam anh có thể áp dụng được những gì trong bối cảnh hiện tại ở trong nước, thưa anh?

Nguyễn Quang Thạch: Đương nhiên với nền tảng sách hóa nông thôn đã xây dựng trong vòng mười năm qua trên vùng thực địa, tôi khẳng định với bạn là có đủ nền tảng để áp dụng những thứ mà người Mỹ đang làm; chẳng hạn như chúng tôi về thiết lập mạng lưới đọc sách cho trẻ em ở các nhà trẻ, các trường mầm non và tiếp tục thúc đẩy việc đưa sách đến từng lớp học. Vì ở Mỹ người ta có hệ thống thư viện trường học rất là tốt, nhưng người ta vẫn đưa tủ sách đến từng lớp học và việc đọc sách của trẻ thì không những là cán bộ thư viện đến đọc, rồi thầy cô giáo đọc cho trẻ nghe mà thậm chí người ta còn có các tình nguyện viên trong cộng đồng đến giúp trẻ. Cho nên về Việt Nam, tôi sẽ có rất nhiều thứ để làm, chắc chắn là sẽ áp dụng được nhiều thứ như người Mỹ đang làm.

Hòa Ái: Câu hỏi kế tiếp mang tính thời sự một chút xíu liên quan đến đội tuyển U23 của Việt Nam. Ngay sau trận banh chung kết giải U23 Châu Á vừa kết thúc, qua Facebook, anh Thạch kêu gọi mọi người ở Việt Nam cùng lập các tủ sách tại các trường học ở những làng quê của các tuyển thủ U23. Vì sao anh nảy sinh ra ý tưởng đó?

Nguyễn Quang Thạch: Việc đầu tiên là quê các cầu thủ thì đều là quê nghèo, là nông thôn cho nên việc thiếu sách là đương nhiên. Do đó, chúng ta phải đưa sách về các trường của cầu thủ và đó là cách mà chúng ta đáp lại những sự nỗ lực của họ trên sân bóng, để đưa lại những hình ảnh chiến thắng của người Việt trong khu vực Châu Á. Bên cạnh bóng đá đã tạo ra niềm cảm hứng cho xã hội, thì chúng ta phải cần thúc đẩy tri thức để  niềm cảm hứng xã hội đó sau này không phải ở bóng đá mà ở khoa học công nghệ, ở toán học, ở vật lý học hay là nhiều sáng kiến của người Việt để xây dựng đất nước của mình, đồng thời là đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại. Cho nên, chúng ta cần tận dụng cảm hứng của bóng đá để chuyển sang việc khai trí, góp phần tạo nên một xã hội Việt Nam nhân văn và sáng tạo trong dài hạn.

Vai trò của tổ chức xã hội dân sự

Hòa Ái: Quay trở lại trong chuyến đi Mỹ lần này, anh nhận xét về vai trò các các tổ chức dân sự ở Mỹ góp phần quan trọng ra sao trong việc nối kết với trường học và thư viện để phổ biến tri thức cho trẻ em?

Nguyễn Quang Thạch: Thứ nhất là tổ chức phi chính phủ ở Mỹ làm việc chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở chỗ là người ta tạo ra các mô hình khuyến đọc, gọi là giáo dục liên bang, được chấp nhận và được phổ biến đến cho các trường học; chẳng hạn tổ chức phi chính phủ đào tạo cho thầy cô giáo cách thức thế nào để đọc sách cho con trẻ tốt hơn, như chương trình “Intentional Read Aloud”, tức là đọc sách to có chủ đích để cho con trẻ nghe được sách và nhớ được lâu hơn. Đọc to rồi cùng nhau thảo luận sách để kiến thức đi vào trẻ được sâu hơn.

Hòa Ái: Sau gần 2 thập niên anh thiết lập mô hình tủ sách khuyến đọc nông thôn cho đến nay đã có nhiều hội, nhóm nhân rộng mô hình sách hóa nông thôn. Tốc độ lan tỏa cũng như hiệu quả như thế nào?

Nguyễn Quang Thạch: Điều mà chúng tôi thấy ngay đó là thứ nhất bây giờ cả khu nhà nước, trường học, phòng giáo dục, sở giáo dục và cả bộ giáo dục đã cùng nhau tham gia vào chương trình sách hoá nông thôn để tạo ra hàng chục nghìn tủ sách. Thật ra đây là sự dịch chuyển trong lịch sử, nghĩa là trong lịch sử chưa bao giờ có: hàng trăm nghìn người tham gia tạo ra hệ thống thư viện, mà có sự tham gia của chính quyền địa phương, của người xa quê, của học sinh về trường cũ, của cách thành viên các dòng họ, của các thành viên của các xứ đạo rồi người Việt ở Mỹ, Pháp, ở Ba Lan, ở Đức, Nhật đã đưa sách về trong nước. Đây là hiệu quả mà chúng ta thấy được là cả chính quyền và dân sự đang nắm tay nhau để xoá nạn đói sách ở nông thôn. Bây giờ có hàng chục nhóm đã đi làm tủ sách. Chương trình này đã làm gần 50 tỉnh thành trên cả nước, ngay cả Hà Nội người ta cũng áp dụng mô hình này.

Hòa hợp dân tộc ở Mỹ

Hòa Ái: Câu hỏi cuối dành cho anh là trong chuyến đi đến Mỹ đầu tiên nhân dịp nhận giải thưởng của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, anh có thể chia sẻ điều gì đọng lại trong anh nhất?

Nguyễn Quang Thạch: Thứ nhất là việc khuyến đọc dành cho trẻ em và cả người lớn ở Mỹ là có khắp mọi nơi mọi lúc. Người ta nắm tay nhau để cùng nhau tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận tri thức cho mọi đứa trẻ trong xã hội. Thêm điều ấn tượng nữa là khi tôi trình bày việc đi Ấn Độ thì làm tủ sách thì người Việt Nam tại Mỹ và người Mỹ đều rất ủng hộ và họ sẵn sàng chung tay góp tiền, góp sách để tôi sang Ấn độ làm tủ sách cho trẻ em bên đấy.

Thứ hai là ứng xử giữa người Mỹ, cách sống tiết kiệm của người ta. Chẳng hạn như tôi đi phỏng vấn khá nhiều người, thì người ta bảo đám tang ở Mỹ ít khi dùng địa táng, mà người ta thường là thiêu. Thiêu thường là ít tiền, khoảng 1000 đô. Đặc biệt, trước khi chết thì người ta có nguyện vọng là không có vòng hoa, mà chỉ góp tiền mua hoa cho một quỹ từ thiện nào đó. Người ta sống ý nghĩa đến mức đến cái chết của họ cũng ý nghĩa.

Hôm trước, tôi có đến thăm nghĩa trang Arlington thì tôi thấy ở đấy nó hay như thế này: ngôi mộ của một vị tổng thống rất nổi tiếng Kenedy, người có câu nói nổi tiếng là “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc”, thì thật ra nhỏ hơn ngôi mộ của người nghèo ở làng tôi. Người ta không coi cái câu chuyện làm nên một ngôi mộ lớn để ghi nhận, nhưng mà người ta thực hành tiết kiệm đối với ngay cả người lãnh đạo rất là cao.

Một cái điểm nữa là tôi đã đến thăm nơi tưởng niệm các chiến sĩ vô danh, tôi rất thích câu “họ là các chiến sĩ vô danh, nhưng hữu danh đối với Chúa”. Tôi quan sát việc người ta bồng súng đứng gác giấc ngủ của những người vô danh thì rất ấn tượng ở chỗ là mưa, bão, tuyết họ vẫn cứ đứng như thế 24/24, nhưng quan trọng hơn nữa là những người Mỹ vừa đến thăm nghĩa trang vừa đồng thời cùng nắm tay xây dựng một xã hội Mỹ tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ là cách tri ân những người đã khuất rất tuyệt vời.

Trong nghĩa trang Arlington có ngôi nhà của tướng Robert E. Lee, mà tôi biết tướng Lee là một tướng bại trận trong một cuộc nội chiến ở Mỹ. Trong nghĩa trang này có có các ngôi mộ của những người lính hai miền Nam Bắc nội chiến và tất cả đều được tri ân, được đặt vòng hoa và được đến thăm như nhau, thì tôi thấy người ta đã tạo ra một sự hoà hợp dân tộc ngay cả đối với người chết mà tôi rất là ấn tượng.

Hòa Ái: Cảm ơn thời gian của anh Nguyễn Quang Thạch dành chia sẻ với RFA. Và, cầu chúc cho những dự định anh ấp ủ sẽ được thành công.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn