Linda Nguyễn kể chuyện là nạn nhân của tội phạm kỳ thị người châu Á ra sao

Linda Nguyễn, trái, nạn nhân của các cuộc tấn công chống người châu Á, giơ biểu ngữ chống lại nạn thù hằn kỳ thị ở một sự kiện tại Fountain Valley Sports Park ở Mile Square Park ở Fountain Valley ngày 4/3/2021

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Người Mỹ gốc Việt biểu tình chống nạn kỳ thị dân châu Á tại Fountain Valley Sports Park ở Mile Square Park ở Fountain Valley ngày 4/3/2021

Các vụ kỳ thì mang tính thù hằn nhắm chống người châu Á tăng gần 150% vào năm 2020, hầu hết ở New York và Los Angeles, một báo cáo mới cho biết.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu về Nạn thù hằn và hành vi cực đoan tại Đại học California State University, San Bernardino (CSUSB) được công bố giữa lúc nhiều cuộc tấn công nhằm vào người lớn tuổi người Mỹ gốc Á đầu được truyền thông đưa tin trong những tuần gần đây.

Linda Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt, dân cư Garden Grove, California, từng là mục tiêu của nạn thù hằn người châu Á ở Mỹ, nói đến giờ bà vẫn 'ngại ra đường', và nếu phải ra ngoài, thì sẽ lầm lũi đi, ''không dám nhìn vào mắt ai'', để không thu hút sự chú ý.

Đó là hậu quả của việc bà bị chạm trán, dù rất nhẹ, với xu hướng ghét người châu Á tại Mỹ, hiện tượng mà bà cho là vì cách gọi virus cororna là 'China virus', khiến nhiều người xung quanh không ngần ngại bày tỏ ác cảm với người Á đông.

Nói chuyện với BBC News Tiếng Việt hôm 11/3, bà Linda Nguyễn cho biết sự kiện xảy ra cho bà, dù cách đây đã gần một năm, hiện vẫn để lại cho mình 'cảm giác không an toàn sâu sắc' mỗi khi phải ra khỏi nhà.

''Cuối tháng Ba năm ngoái, tôi đứng xếp hàng trả tiền tại tiệm Target, thì một có một cặp đứng gần. Hai người bỗng ho lên, rồi người đàn ông nói ''đừng đến gần ả ta, ổ virus corona đó''. Tôi nhìn phía sau thì không thấy ai, rồi quay lại thì mới nhận ra mình chính là người họ đang nói đến.''

"Họ nhìn thẳng vào mặt tôi với ánh mắt ghét bỏ. Lúc ấy tôi bị sốc nặng, không thể tin là việc này đang xảy ra.''

''Tôi sinh ra ở Mỹ, và sống ở Mỹ đã 40 năm, sống ở Santa Ana, Costa Mesa, Fountain Valley, những cộng đồng có nhiều người di dân, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai phải đối diện thẳng với nạn kỳ thị chủng tộc. Nếu điều đó xảy ra, thì cũng chỉ là những thì thào sau lưng. Tôi chưa bao giờ là mục tiêu bị trực tiếp nhắm vào,'' bà kể lại.

'Tự phong tỏa tối đa'

Linda Nguyễn kể thêm:

''Một lần cách đó không lâu, ngay tại sở làm, khi có tin quận Cam bị phong tỏa, một đồng nghiệp của tôi nói 'chuyện này xảy ra là vì China virus'. Ông nhìn thẳng vào mặt tôi, cười cười với mấy người xung quanh, rồi nói 'tại bà mà tụi tôi khổ.' Tôi cố gượng cười, xem như là ông ấy nói đùa. Nhưng thật ra rất ngượng ngùng. Hôm ấy về nhà tôi thấy rất bất an, và chán nản, có cảm giác như mọi người ai cũng ghét mình. Ngay cả những người mình làm việc chung hàng ngày, họ biết mình là người Việt, nhưng vẫn trách cứ, vì người Việt cũng là người Á đông.''

Bà tâm sự:

''Tôi làm việc ở một dưỡng đường, có hợp đồng với chính phủ để cung cấp dịch vụ xét nghiệm virus corona, nên đối diện với tình hình virus corona hàng ngày. Khi đại dịch trở nên tệ hơn, tôi càng sợ, vì không biết lúc nào thì mình có thể bị đánh hay trở thành nạn nhân của những sự căm ghét người châu Á ngoài kia. Cảm giác chán nản lo sợ khiến tôi không dám ra khỏi nhà, và còn cảm thấy mừng khi bị phong tỏa, vì khỏi phải ra đường.''

Được hỏi bà có nghĩ tình hình sẽ khá hơn khi sự lây lan virus corona đang giảm đi, Linda Nguyễn trả lời:

''Sự lạc quan sẽ khiến tôi trả lời là có, nhưng không biết là khi nào. Thú thật tôi vẫn chưa vượt qua được cảm giác bất an, sợ, và chán nản, rất chán nản, nhất là mỗi khi đọc tin về những người châu Á bị hành hung hay xô đẩy, hiện vẫn còn đang xảy ra.''

Hiện giờ khi ra đường, bà vẫn cắm cúi đi một mạch, tránh nhìn vào bất cứ ai, và tự phong tỏa một cách tối đa, Linda Nguyễn cho biết.

Linda Nguyễn không phải là nạn nhân hiếm hoi của nạn ghét bỏ người châu Á hiện đang gia tăng tại Mỹ.

Bà Linda Nguyễn, từng chạm trán với sự căm ghét người châu Á nói cho đến giờ vẫn hạn chế ra đường một cách tối đa

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Bà Linda Nguyễn, từng bị những kẻ thù ghét người châu Á nói gây ám ảnh khiến đến giờ bà vẫn hạn chế ra đường một cách tối đa

Tin về nạn nhân của tội ác chống người châu Á trong vài tháng vừa qua thường xuyên được truyền thông Hoa Kỳ đăng tải.

Hôm 16/2/2021, một phụ nữ Á châu 71 tuổi bị đấm vào mặt khi đứng chờ tàu ở một hệ thống điện ngầm ở New York. Nạn nhân kể rằng kẻ tấn công chẳng nói chẳng rằng, đến gần và đánh vào mặt bà.

Cùng ngày, một phụ nữ Mỹ gốc Á 52 tuổi bị tấn công ở Queens. Con trai nạn nhân đã đăng đoạn camera an ninh ghi lại cảnh mẹ bị đánh, người bị tung lên vỉa hè, gây nên vết thương trên trán, phải khâu nhiều mũi.

Trước đó, hôm 28/1, một người đàn ông Thái Lan, 84 tuổi, bị xô đẩy khi đang đi dạo trong khu phố ở San Francisco và thiệt mạng sau đó vài ngày.

Gần một tuần sau, ngày 3/2, Noel Quintana, 61 tuổi, bị chém khắp mặt từ tai này sang tai bên kia trên đường đi làm trên tàu điện ngầm, cũng ở New York.

Hôm thứ Hai, phóng viên của Guardian tại Hoa Kỳ, Vivian Ho, cũng có bài viết về sự gia tăng của tội ác chống đối người châu Á ở Mỹ.

Vivian Ho nhắc đến đoạn video quay cảnh một người đàn ông xô đẩy một người đàn ông châu Á 91 tuổi lên vỉa hè ở khu phố Tàu của Oakland đã lan truyền nhanh chóng vào cuối tháng 1 năm 2021.

Adrian De Leon, phó giáo sư nghiên cứu về sắc tộc và dân tộc tại Đại học University of Southern California, được trích lời nói rằng lịch sử phân biệt chủng tộc đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á đã có khuynh hướng giảm đi trong một thập niên qua.

Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu đại dịch, người Mỹ gốc Á ngày càng trở thành mục tiêu bị nhắm đến, và nhiều hành vi bạo lực công khai chống họ ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.

Những con số không khả quan

Báo cáo vừa được công bố của CSUSB cho thấy từ năm 2019 đến năm 2020, tỷ lệ tội ác căm thù nói chung đã giảm. Tuy nhiên, trong cùng thời gian, tội ác căm thù nhắm vào người châu Á tăng từ 3 lên 28 ở New York và 7 lên 15 ở Los Angeles, tăng 833%.

Los Angeles và Boston cũng có mức tăng đáng chú ý, lần lượt từ bảy lên 15 và sáu lên 14.

Mặc dù New York chiếm một phần đáng kể trong sự gia tăng, Ramakrishnan nói sự gia tăng ở các thành phố khác cũng không kém.

Một phân tích khác dựa trên thống kê của sở cảnh sát cũng cho thấy Hoa Kỳ, trong năm qua, tội ác hận thù chống người châu Á gia tăng đáng chú ý trên khắp các thành phố lớn.

Báo cáo của California State University, San Bernardino, được công bố trong tháng này là kết quả nghiên cứu tội ác thù hận ở 16 thành phố lớn nhất của Mỹ. Nghiên cứu tiết lộ rằng trong khi tội ác hận thù nói chung năm 2020 giảm tổng thể 7%, tội ác nhắm vào người châu Á tăng gần 150%.'Trung Quốc rõ ràng diệt chủng người Uighur'

Nguồn hình ảnh, PHYO MAUNG MAUNG/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ của một em nhỏ tại biên giới Myanmar và Trung Quốc

Phân tích hiện tượng này, Karthick Ramakrishnan, sáng lập viên và giám đốc dữ liệu nhân khẩu học, và nghiên cứu chính sách của tổ chức phi lợi nhuận AAPI Data, nhận định với đài NBC rằng sự gia tăng 'không hoàn toàn đến từ những tuyên bố bị cho là có tính phân biệt chủng tộc của chính quyền Trump về virus corona'.

Tuy nhiên, Ramakrishnam nói ông tin rằng việc cựu Tổng thống Donald Trump lặp đi lặp lại rằng virus corona có nguồn gốc từ Trung Quốc và, gọi Covid-19 là ''China virus'' đã góp phần thúc đẩy sự căm ghét với người gốc Á.

Về những con số do Trung tâm Nghiên cứu về Chủ nghĩa Thù hận và Cực đoan đưa ra, ông Ramakrishnam nhận định:

"Chúng tôi biết người nhập cư thế hệ thứ nhất có xu hướng ít báo cáo các hành vi phân biệt chủng tộc và tội ác căm thù hơn người thuộc thế hệ sau. Nhưng việc chúng ta đang nói về dữ liệu cho thấy có thể tội ác thực sự đã gia tăng nhiều hơn mức được báo cáo''.

Phân tích cho thấy, có khả năng là tội ác thù hận nói chung đã giảm đi do đại dịch nên thiếu tương tác ở nơi công cộng và các địa điểm tụ tập khác, như phương tiện giao thông công cộng, trường học và những nơi thờ phượng.

Đợt tăng đột biến đầu tiên về tội ác chống người châu Á xảy ra vào tháng 3 và tháng 4 năm ngoái, cùng với sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19, phân tích lưu ý.

Một nghiên cứu riêng biệt khác cũng cho thấy việc dùng "China virus" để nói về virus corona đã dẫn đến sự thay đổi nhận thức của một số người Mỹ về người Mỹ gốc Á.

Rucker Johnson, giáo sư chính sách công tại Đại học California, Berkeley, và đồng tác giả của báo cáo trên, nói: "Nghiên cứu cho thấy khi mọi người nhìn người Mỹ gốc Á như người 'ngoại quốc', họ thường có khuynh hướng bày tỏ thái độ thù địch và có các hành vi bạo đông và phân biệt đối xử hơn."

Ramakrishnan kết luận: "Có rất nhiều yếu tố phức tạp, nhưng thực tế rõ ràng là số người Mỹ gốc Á cảm thấy không an toàn đang ngày càng gia tăng.''