Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân chính thức có hiệu lực

Thứ Bảy, 23 Tháng Giêng 20216:00 SA(Xem: 2375)
Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân chính thức có hiệu lực
rfi.fr

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân chính thức có hiệu lực

Thanh Phương

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres : Ảnh chụp tại New York, ngày 04/02/2020.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres : Ảnh chụp tại New York, ngày 04/02/2020. Angela Weiss AFP/Archivos

Hôm nay, 22/01/2020, Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân chính thức có hiệu lực, một sự kiện được Liên Hiệp Quốc và giáo hoàng Phanxicô hoan nghênh.

Ngày 24/10/2020, quốc gia thứ 50 đã phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân và đúng theo quy định, hiệp ước này có hiệu lực 90 ngày sau, tức là hôm nay. Hiệp ước này cấm sử dụng, phát triển, sản xuất, thử nghiệm, tàng trữ và đe dọa sử dụng các vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước đã được khoảng 100 nước thông qua, nhưng cho tới nay vẫn chưa có chữ ký của các quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trong một thông cáo, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Hiệp ước này là một bước quan trọng trên con đường tiến đến một thế giới không có vũ khí nguyên tử và cho thấy là các sáng kiến giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương được sự ủng hộ mạnh mẽ”.

Về phần giáo hoàng Phanxicô, ngài cũng cho rằng hiệp ước vừa có hiệu lực là “một công cụ đầu tiên mang tính ràng buộc pháp lý cấm các vũ khí hạt nhân, mà việc sử dụng sẽ tác động một cách không phân biệt đến số đông người trong một thời gian ngắn, và tàn phá môi trường rất lâu dài”

Theo hãng tin AFP, những nhà hoạt động nhằm giải trừ vũ khí nguyên tử hy vọng là hiệp ước này sẽ không chỉ mang tính biểu tượng, mà sẽ thúc đẩy những quốc gia sở hữu các vũ khí này phải thay đổi tư duy.

Hiện giờ trên thế giới có tổng cộng 9 quốc gia đang nắm giữ vũ khí hạt nhân, trong đó Hoa Kỳ và Nga nắm giữ đến 90% các vũ khí này. Bảy nước còn lại là Trung Quốc, Pháp, Anh Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Bắc Triều Tiên. Đa số các nước này vẫn khẳng định là kho vũ khí nguyên tử của họ chỉ nhằm mục đích răn đe và họ vẫn ủng hộ Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân nhằm ngăn chận việc phát tán các vũ khí hạt nhân sang những nước khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn