California Governor Gavin Newsom surveys damage caused by the North Complex Fire in Butte County, California, USA, 11 September 2020

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Thống Đốc Newsom phát biểu sau khi khảo sát thiệt hại từ một trong những đám cháy chết người nhất trong lịch sử California

Tổng thống Trump bác bỏ những lo ngại về biến đổi khí hậu trong chuyến đến thăm California bị tàn phá bởi hỏa hoạn, và nói với một quan chức ở đó rằng trời sẽ "bắt đầu trở nên mát mẻ hơn".

Các đám cháy ở California, Oregon và bang Washington đã thiêu rụi gần 2 triệu hecta đất và làm ít nhất 35 người thiệt mạng kể từ đầu tháng Tám.

Là người hoài nghi về biến đổi khí hậu, ông Trump đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng là do quản lý rừng kém.

Trước đó, hôm thứ Hai, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã gọi ông Trump là "kẻ đốt phá khí hậu".

Ông Biden nói tại một sự kiện ở Delaware rằng thêm bốn năm nữa của Trump tại Nhà Trắng sẽ khiến ''nước Mỹ bốc cháy nhiều hơn".

Trong chuyến thăm tới miền Tây Hoa Kỳ, ông Trump lặp lại lập luận của mình rằng việc quản lý rừng kém là nguyên nhân gây ra hỏa hoạn khi ông gặp các quan chức California đang phấn đấu chống cháy rừng tại một điểm dừng gần Sacramento, ở trung tâm tiểu bang.

Bác bỏ lời cầu xin của một quan chức về việc không "phớt lờ khoa học" về biến đổi khí hậu, ông Trump nói: "Trời sẽ bắt đầu lạnh hơn, bạn cứ chờ xem... Tôi không nghĩ rằng khoa học thực sự biết."

2px presentational grey line

Biến đổi khí hậu trở thành tâm điểm chính trị

Anthony Zurcher

Ít nhất trong một ngày, biến đổi khí hậu trở thành trọng tâm của chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Trong chuyến đi thăm California bị tàn phá bởi những đám cháy, Donald Trump đã hạ thấp vai trò một hành tinh đang ấm lên có thể thúc đẩy sự tàn phá của hỏa hoạn, nói rằng nhiệt độ sẽ "bắt đầu trở nên lạnh hơn" và những trận hỏa hoạn gần đây là một vấn đề của việc quản lý rừng.

Trong khi đó, Joe Biden tiếp tục công kích, gọi tổng thống là "kẻ đốt phá khí hậu", người phớt lờ "cuộc khủng hoảng then chốt'' mà đất nước đang phải đối mặt.

Mặc dù môi trường thường là một vấn đề bên lề, ít được chú ý ngay cả trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, nhưng đây là chủ đề mà Trump và Biden rõ ràng có quan điểm trái ngược. Chính quyền Trump đã rút lại hơn 70 quy định về môi trường, trong đó có nhiều quy định đối phó với biến đổi khí hậu, đồng thời rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris.

Mặt khác, Biden đã nghiêng sang cánh tả về môi trường trong những tháng gần đây, mở rộng kế hoạch ban đầu là chi 1,7 tỷ đôla cho cơ sở hạ tầng và công việc xanh trong 10 năm lên 2 tỷ đôla trong 4 năm.

Bất chấp sự chú ý hôm thứ Hai, môi trường vẫn xếp sau các vấn đề như chăm sóc sức khỏe và kinh tế đối với hầu hết cử tri người Mỹ. Tuy nhiên, đây là một chủ đề quan trọng với các cử tri trẻ tuổi - một nhóm mà Biden rất háo hức muốn lôi kéo sự tham gia vào các cuộc bỏ phiếu vào tháng 11.

2px presentational grey line

Trump nói gì thêm về khí hậu?

Khi được một phóng viên ở California hỏi liệu biến đổi khí hậu có phải là một yếu tố gây ra các vụ cháy rừng lớn hay không, ông Trump trả lời: "Tôi nghĩ đây là một tình huống quản lý nhiều hơn."

Ông tuyên bố rằng các quốc gia khác đã không phải đối phó với mức độ cháy rừng tương tự, bất chấp thực tế của những trận hỏa hoạn lớn ở Úc và rừng nhiệt đới Amazon trong những năm gần đây mà các chuyên gia cho là vì khí hậu biến đổi.

"Họ không gặp vấn đề như thế này," ông nói. "Họ có những cây rất dễ nổ, nhưng họ không gặp vấn đề như thế này."

Ông nói thêm: "Khi bạn rơi vào tình trạng biến đổi khí hậu, liệu Ấn Độ sẽ thay đổi cách thức của họ chứ? Và liệu Trung Quốc sẽ thay đổi cách thức của họ? Còn Nga? Liệu Nga có thay đổi cách thức của họ không?"

Chụp lại video,

'Trông như ngày tận thế' - khói bụi vì cháy rừng làm trời California đỏ ối

Tình hình hiện giờ ra sao?

Giới chức ở California, nơi 24 người đã chết từ ngày 15/8, báo cáo rằng các nhân viên cứu hỏa đang tìm cách ngăn chặn 29 đám cháy rừng lớn trên toàn tiểu bang.

Họ cảnh báo rằng gió đông nam mạnh và dự báo độ ẩm bị thấp xuống hôm thứ Hai có thể làm tăng nguy cơ hỏa hoạn và có khả năng ảnh hưởng đến đám cháy North Complex, đã thiêu rụi 106.000 ha và mới chỉ được ngăn chặn khoảng 26%.

Map showing wildfires in Washington, Oregon and California (10-13 September 2020). Updated 14 Sept

Presentational white space

Cơ quan Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ cũng đưa ra "cảnh báo đỏ" cho các khu vực khác của miền Tây Hoa Kỳ, gồm Quận Jackson, Oregon, nơi đám cháy Almeda đã phá hủy hàng trăm ngôi nhà.

Văn phòng quản lý khẩn cấp của Oregon hôm Chủ nhật nói nhân viên cứu hỏa trong tiểu bang đang dốc hết nỗ lực để kiềm chế hơn 30 vụ cháy rừng đang diễn ra - lớn nhất trong số này là đám cháy hơn 89km rộng.

Ít nhất 10 người đã thiệt mạng ở Oregon trong tuần qua. Giới chức cho biết hàng chục người mất tích và cảnh báo rằng số người chết có thể tăng lên.

Một người đã chết ở Washington, nơi đã xảy ra năm đám cháy lớn hôm Chủ nhật.

Các chính trị gia nói gì?

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ với ông Trump hôm thứ Hai, Thống đốc California Gavin Newsom thừa nhận rằng "chúng tôi đã không làm tốt nhất trong việc quản lý rừng", nhưng ông nói rằng hơn một nửa diện tích đất ở California thuộc quyền kiểm soát của liên bang, không phải của tiểu bang.

"Độ nóng ngày càng nóng, độ khô của không khí ngày càng khô hơn." Ông nói. ''Chúng tôi đệ trình khoa học và bằng chứng quan sát hiển nhiên: rằng biến đổi khí hậu là có thật và điều đó đang làm trầm trọng thêm tình trạng cháy rừng."

Thống đốc Oregon Kate Brown cho biết tiểu bang của bà đang phải đối mặt với "cơn bão lửa hoàn hảo" và gọi thời điểm này là "thực sự là hồi chuông đối với biến đổi khí hậu ở miền Tây.''

"Và đây là một lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta rằng chúng ta phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để đối phó với biến đổi khí hậu."

Thống đốc Washington Jay Inslee mô tả tình hình là "ngày tận thế" và lên án lập trường của ông Trump về khí hậu.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Sáu trong 20 đám cháy lớn nhất được ghi nhận ở California đều đã xảy ra trong năm nay

Tại một sự cuộc vận động tranh cử ở Nevada hôm thứ Bảy, Tổng thống Trump nói đang cầu nguyện cho tất cả mọi người trên khắp miền Tây bị ảnh hưởng bởi cháy rừng.

Nhưng ông khẳng định hỏa hoạn liên quan đến việc "quản lý rừng", bao gồm tỉa cây và phát quang bụi rậm.

"Trước đây không bao giờ có bất cứ điều gì như thế này," ông nói. "Xin hãy nhớ kỹ lời nói, rất đơn giản, quản lý rừng."

Ông Trump đã quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, trong đó cam kết Mỹ và 187 quốc gia khác giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này ở mức dưới 2C (3,6F) so với mức tiền công nghiệp.

Biến đổi khí hậu đóng vai trò gì?

Phóng viên môi trường của BBC, Matt McGrath nói rằng trong khi các yếu tố tự nhiên như gió mạnh đã giúp lan rộng các đám cháy ở miền Tây, thì sự nóng lên cơ bản của khí hậu từ hoạt động của con người đang làm cho những đám cháy này lớn hơn và bùng nổ mạnh hơn.

9 trong số 10 năm ấm nhất thế giới được ghi nhận đã xảy ra từ năm 2005 và Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo trong tuần này rằng 5 năm từ 2016 đến nay rất có thể sẽ là khoảng thời gian nóng nhất chưa từng được ghi nhận. Cả Oregon và California đã ấm lên hơn 1C từ năm 1900.

Cái nóng kéo dài đã đưa đến việc sáu trong số 20 đám cháy lớn nhất được ghi nhận ở California đều xảy ra trong năm nay. Ở Oregon, đám cháy đã thiêu rụi gần gấp đôi số thiệt hại trung bình hàng năm trong một tuần.

Ở California, một đợt hạn hán kéo dài trong thập niên qua đã giết chết hàng triệu cây cối, biến chúng thành nhiên liệu mạnh cho các đám cháy. Các vùng núi thường mát hơn và ẩm ướt hơn đã khô nhanh hơn vào mùa hè, làm tăng thêm lượng nhiên liệu tiềm năng cho hỏa hoạn.