Trợ cấp liên bang sắp kết thúc, người thất nghiệp Mỹ sẽ lao đao?

Thứ Ba, 21 Tháng Bảy 20206:29 CH(Xem: 2439)
Trợ cấp liên bang sắp kết thúc, người thất nghiệp Mỹ sẽ lao đao?
voatiengviet.com

Trợ cấp liên bang sắp kết thúc, người thất nghiệp Mỹ sẽ lao đao?


Số tiền 600 đô la mà chính phủ liên bang trợ cấp thêm hàng tuần cho mỗi người thất nghiệp ở Mỹ trong mùa COVID sắp sửa chấm dứt vào cuối tháng 7 và điều này được dự đoán sẽ khiến cho nhiều người chưa thể đi làm trở lại vì dịch bệnh bị chới với.

Trong lúc này, lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ đang bàn thảo chi tiết một gói cứu trợ thứ hai, trong đó bao gồm tiếp tục cứu trợ những người thất nghiệp, nhưng triển vọng đạt được thỏa thuận giữa hai đảng vẫn chưa rõ.

Theo gói cứu trợ 2.200 tỷ được thông qua hồi tháng Ba, mỗi người dân Mỹ bị mất việc làm vì dịch bệnh COVID sẽ được lãnh thêm 600 đô la mỗi tuần trong vòng 4 tháng bên cạnh tiền trợ cấp của tiểu bang – dao động từ 200-300 đô la mỗi tuần.

‘Chờ mấy tháng nay’

Từ khu Little Saigon ở Quận Cam, bang California, ông Phạm Công, chủ hiệu ảnh Asia Studio trên đường Bolsa, nói với VOA rằng ông ‘không lãnh được cắc bạc nào’ từ tiền trợ cấp thất nghiệp này dù ông có làm đơn xin và công việc của ông bị ảnh hưởng nặng nề.

Cửa tiệm của ông chuyên chụp ảnh, quay phim cho các sự kiện hiếu hỉ chủ yếu của người Việt ở Little Saigon. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi giữa tháng Ba, thu nhập của ông đã giảm sút đến 85%, ông cho biết.

“Không ai vui vẻ gì mà đến chụp hình quay phim vào thời điểm dịch bệnh này. Thỉnh thoảng người ta chỉ đến chụp ảnh làm passport hoặc có người qua đời người ta đến lục lại hình cũ mà thôi,” ông than thở. “Công việc coi như là tê liệt.”

“Đám tang bây giờ nếu nhà quàn cần chụp ảnh thì họ dùng điện thoại. Còn đám cưới thì đáng lẽ qua năm nhiều đám lắm mà họ xin dời hết, đợi chừng nào hết dịch mới làm,” ông nói thêm.

“Tâm trạng của người dân lúc này là mạng sống rất quan trọng, chứ nếu đi đám tiệc, đám cưới mà cứ nhìn người khác một cách sợ hãi thì không ai muốn.”

Trong hoàn cảnh đó, người chủ tiệm ảnh này cho biết ông vẫn phải nai lưng ra trả tiền thuê mặt bằng là 2.500 đô la mỗi tháng do người chủ phố ‘nhất quyết không giảm tiền thuê’ dù nhiều hộ kinh doanh cùng ký đơn xin miễn, giảm tiền thuê.

Theo lời ông, do vậy mà nhiều người đã trả lại mặt bằng, riêng ông ráng cầm cự để chờ khi tình hình phục hồi.

Ông cho biết ông vừa lấy tiền dành dụm ra để trả 10.000 đô la tiền thuê cho bốn tháng qua, và phải chuẩn bị tiền để trả tiền thuê từ nay đến cuối năm. “Nếu không có tiền để dành thì không chịu nổi đâu,” ông nói.

Cũng như nhiều người khác, ông có lãnh được số tiền trợ cấp một lần của chính phủ hỗ trợ dân giữa đại dịch COVID là 1.200 đô la, còn tiền thất nghiệp ‘thì không’, ông nói.

“Riêng cá nhân tôi không hiểu làm sao đến giờ phút này tôi không nhận được số tiền nào hết nhưng mà Sở thất nghiệp cứ gửi thư về báo là cứ chờ họ cứu xét. Mấy tháng nay tôi cứ chờ như vậy,” ông nói.

“Họ bảo cứ chờ chứ không giải thích lý do. Gọi điện thoại cho họ thì không ai bắt máy mà họ cứ gửi email thôi,” ông nói thêm và cho biết ông cũng điền giấy tờ ‘đầy đủ giống như mọi người khác’ mà trong khi người khác nhận được tiền mà vợ chồng ông thì không.

‘Thế hệ sau sẽ gánh nợ’

Điều làm cho ông Công lo lắng nhất lúc này là đến hết tháng 7 gói cứu trợ thất nghiệp của liên bang chấm dứt thì coi như hoàn cảnh của ông sẽ không được cứu xét nữa.

“Nếu họ không trả lời thì tôi sẽ không được gì. Đằng này họ có trả lời mình thì chắc chắn họ sẽ giải quyết. Nhưng sau tháng 7 này, không biết họ có làm gì được hay mình có khiếu nại được nữa không,” ông bày tỏ lo lắng.

Trong khi đó, theo lời ông thì ‘có những người đã chết nhưng vẫn nhận được tiền thất nghiệp, có người còn nhận được hai lần’.

“Người chết mà còn được nhận đủ trong khi mình còn sống sờ sờ đây mà không nhận được đồng xu nào,” ông bức xúc.

Ông Công nói ông cũng nộp đơn xin được hỗ trợ trong gói cứu trợ dành cho tiểu thương ‘nhưng mà cũng không nhận được gì’. “Tiệm mình nhỏ quá, có những doanh nghiệp bự tiền bạc kếch xù, tiền họ có dư, không biết họ lobby thế nào mà ngân hàng lại cho họ vay (theo gói cứu trợ của chính phủ),” ông cho biết.

Khi được hỏi có tính chuyển sang ngành nghề khác không, ông nói rằng bây giờ ‘tất cả ngành nghề đều khủng hoảng hết’.

“Nếu tình hình kéo dài đến sang năm thì không biết như thế nào. Nhiều cửa tiệm dưới này đã đóng cửa hết rồi,” ông cho biết và nói ông định cầm cự cho đến hết năm nay.

“Bây giờ ra ngoài cảm giác như thành phố chết, hoang vắng lắm. Một tháng sau khi mở cửa trở lại có khôi phục chút xíu, nhưng giờ đây thống đốc đã ra lệnh đóng cửa lại nữa rồi,” ông nói về tình hình kinh doanh ở khu Little Saigon.

Khi được hỏi về gói cứu trợ sắp tới mà Quốc hội đang bàn thảo, ông nói: “Nếu ra thì tốt cho người dân nhưng tương lai thế hệ sau này phải trả nợ rất căng thẳng.”

Ông nói mặc dù bản thân ông rất mong muốn nhận tiền cứu trợ để có thể xoay sở với việc kinh doanh một thời gian, nhưng cảnh báo rằng ‘chính phủ Mỹ không nên tiêu xài hoang phí’.

“Tôi mong muốn làm sao khi gói cứu trợ ra thì số tiền này sẽ đi vào mục đích chân chính chứ không phải giúp những người làm biếng không chịu đi làm mà lại đổ cho dịch bệnh,” ông Công bày tỏ nỗi băn khoăn.

“Điều trớ trêu là những người không muốn đi làm họ ở nhà lãnh tiền còn nhiều hơn lúc đi làm, còn người muốn đi làm như tôi thì phải bỏ tiền mình ra để trang trải chi phí, không được hỗ trợ cắc bạc nào.”

Hai đảng bất đồng

Mặc dù người Mỹ thất nghiệp vẫn sẽ nhận được trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang, nhưng việc chấm dứt gói cứu trợ 600 đô la mỗi tuần của liên bang sẽ khiến hơn 25 triệu người thất nghiệp ở Mỹ mất hàng nghìn đô la mỗi tháng. Và nó sẽ phơi bày hơn nữa nỗi khốn khổ thực sự của thất nghiệp hàng loạt khi mà nhiều tiểu bang đang đóng cửa trở lại để chống dịch COVID.

“Trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp này đã nâng đỡ các gia đình và hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong vài tháng qua,” ông Kali Grant, nhà phân tích chính sách cao cấp tại Trung tâm Nghèo đói và Bất bình đẳng Georgetown, nói với CNN. “Chấm dứt sớm gói hỗ trợ sẽ đẩy lùi bất cứ sự hồi phục kinh tế nào vốn có thể đang diễn ra.”

Các nhà lập pháp của Quốc hội tuần này bắt đầu làm việc về gói kích thích kinh tế tiếp theo. Nhưng không chắc họ sẽ đồng ý có bước tiếp theo để giúp người Mỹ thất nghiệp trước cuối tháng Bảy này.

Ngay từ đầu, phần trợ cấp thất nghiệp từ liên bang đã gây tranh cãi, chủ yếu là vì mức chi trả 600 đô la cộng với tiền trợ cấp của tiểu bang là nhiều hơn tiền lương mà hơn 2/3 người làm công ăn lương nhận được, theo ước tính của các nhà nghiên cứu ở Đại học Chicago được CNN dẫn lại.

Nhưng Quốc hội cuối cùng cũng đã phê duyệt vào cuối tháng 3 trong lúc giới chức y tế không muốn người dân ra ngoài tìm việc làm.

Khi đó, Quốc hội chỉ muốn duy trì chương trình này trong bốn tháng do họ nghĩ rằng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng một khi nước Mỹ chiến thắng được virus corona (Trung Quốc chỉ mất hai tháng để kiểm soát dịch bệnh) và các doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Đảng Cộng hòa ở Thượng viện, vốn dự kiến sẽ đưa ra đề xuất của họ trong tuần này, nhìn chung không muốn kéo dài chương trình trợ cấp thất nghiệp này. Họ cảm thấy điều đó không khuyến khích mọi người quay trở lại làm việc. Thay vào đó, Đảng Cộng hòa đang xem xét giảm số tiền trợ cấp này xuống hàng trăm đô la và có gói kích thích những ai quay trở lại làm việc.

Ngược lại, Đảng Dân chủ muốn tiếp tục kéo dài gói trợ cấp thất nghiệp này cho đến năm 2021. Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã đưa điều khoản đó vào trong dự luật cứu trợ trị giá 3 nghìn tỷ đô la mà họ đã thông qua vào tháng Năm.

‘Đừng rút củi đáy nồi’

Black Knight, một công ty về dữ liệu mua bán nhà được CNN dẫn lại, cho biết 4,3 triệu người mua nhà ở Mỹ đã không thể thanh toán tiền nhà hàng tháng của họ trong tháng Năm, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Phần lớn các ngân hàng thực phẩm đang chứng kiến nhu cầu nhảy vọt vào đầu tháng 7 so với một năm trước, với trung bình có thêm 50% số người được giúp đỡ, theo Feed America, một mạng lưới các ngân hàng thực phẩm.

Trợ cấp thất nghiệp liên bang 600 đô la dẫn tới khoản chi tổng cộng hơn 15 tỷ đô la mỗi tuần cho 25 triệu người Mỹ, theo phân tích của Andrew Stettner, chuyên viên cao cấp tại Century Foundation. Nhiều người dùng số tiền này để trang trải tiền thuê nhà hoặc trả tiền mua nhà, mua thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác.

Cô Shanga McNair là một người pha chế rượu ở Jacksonville, Florida. Cô đã mất việc khi tiểu bang cô đóng cửa vào đầu mùa Xuân này và sau đó trở lại làm việc vào đầu tháng Sáu tại một quán bar với hai ca làm việc một tuần - giảm so với sáu ca mà cô làm trước đó. Tuy nhiên, tiểu bang Florida đã đóng cửa các quán bar một lần nữa vào cuối tháng 6 sau khi các ca lây nhiễm tăng đột biến, khiến cô thất nghiệp trở lại. Công việc phụ của cô là pha chế tại các bữa tiệc gia đình cũng không còn ai kêu nữa.

Khoản trợ cấp 600 đô la, cộng với 275 đô la trợ cấp của tiểu bang mà cô nhận được mỗi tuần, ít hơn số tiền cô kiếm được khi làm việc. Số tiền đó không đủ cho cô trả tiền thuê nhà nhưng phần nào giúp cô thanh toán các hóa đơn. Người phụ nữ 40 tuổi này tiên liệu rằng nếu Quốc hội không kéo dài gói trợ cấp thất nghiệp này, cô có ba tháng để tìm việc trước khi cô và hai đứa con gái khi bị đuổi ra khỏi nhà.

Cho đến nay, cô vẫn không gặp may mắn. McNair đã gửi đơn xin việc đến các nhà hàng, các công ty dịch vụ khách hàng và văn phòng, nhưng đều công cốc. Cô thậm chí đã điền đơn xin việc trong khi đang ăn tại cửa hàng thức ăn nhanh Popeye’s sau khi chứng kiến quản lý ở đây làm nhiều việc cùng một lúc nhưng được bảo rằng bây giờ họ đang ngưng thuê người.

“Tôi không muốn phụ thuộc vào chính phủ, nhưng mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi,” cô McNair được CNN dẫn lời nói. Cô đã viết thư cho các vị dân biểu lưỡng đảng đại diện cho địa phương của cô. “Quý vị không thể rút củi đáy nồi (pull the rug) vì mọi việc chưa kết thúc.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn