Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (1/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Đài Loan mở văn phòng hỗ trợ người Hồng Kông

Đài Loan hôm nay đã mở văn phòng nhằm hỗ trợ cư dân muốn rời Hồng Kông để tới hòn đảo, sau khi Bắc Kinh cho thông qua luật an ninh quốc gia, theo Reuters.

Chính quyền Đài Loan cho mở Văn phòng trao đổi và dịch vụ Đài Loan – Hồng Kông tại hòn đảo hôm nay, nhằm giải quyết các đơn đăng ký của những người dân thành phố muốn ở lại Đài Loan vì “lý do chính trị”.

“Đây là cột mốc quan trọng để chính quyền Đài Loan hỗ trợ hơn nữa đối với nền dân chủ và tự do của Hồng Kông”, ông Chen Ming-tong, chủ tịch cơ quan chính sách về Đại lục của Đài Loan, nói với các phóng viên hôm nay.

“Chúng tôi cũng hoan nghênh các công ty đa quốc gia chuyển trụ sở của họ đến đây”, ông Chen nói, và thêm rằng Đài Loan đang xem xét các quy tắc của mình.

Trung Quốc siết 4 cơ quan truyền thông Mỹ

Chính quyền Trung Quốc hôm nay yêu cầu 4 hãng thông tấn của Mỹ cung cấp chi tiết về nhân sự và hoạt động tài chính tại nước này trong vòng 7 ngày, theo Reuters.

4 hãng thông tấn Mỹ bị Bắc Kinh nhắm đến là Associated Press (AP), United Press International (UPI), Columbia Broadcasting System (CBS) và National Public Radio (NPR).

Trước đó, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu cho biết trên Twitter rằng Bắc Kinh sẽ sớm công bố các biện pháp đáp trả động thái của Mỹ với các kênh truyền thông Trung Quốc tại Mỹ.

Hôm 22/6, chính quyền Trump đã bổ sung 4 hãng thông tấn của Trung Quốc vào danh sách các thực thể của chính phủ nước ngoài, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải chịu các quy định giám sát, thay vì có được những quyền tự do hoạt động mà báo chí được hưởng.

Bốn hãng thông tấn bị chế tài này là Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Dịch vụ Tin tức Trung Quốc (CNS), Nhân dân Nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu (Global Times). Chính phủ Mỹ xác định các tổ chức trên “không phải báo chí”, mà thực chất là các cơ quan tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Canada cảnh báo công dân ở Hồng Kông

Canada hôm nay cảnh báo công dân tại Hồng Kông rằng họ phải đối mặt với nguy cơ bị giam giữ tùy tiện và bị dẫn độ về đại lục sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia với đặc khu, theo AFP.

Cảnh báo của Canada cho thấy mối lo ngại ngày càng gia tăng của một số chính phủ phương Tây sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông.

Úc tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 200 tỷ USD trong 10 năm tới

Thủ tướng Scott Morrison hôm nay cho biết Úc sẽ tăng 40% chi tiêu quốc phòng, lên 270 tỷ AUD (186,5 tỷ USD) trong 10 năm tới, đồng thời xoay trục tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo Reuters.

Ông Morrison cho biết trước tiên Úc sẽ mua 200 tên lửa chống hạm tầm xa của Hải quân Mỹ trị giá 800 triệu AUD, và cũng sẽ xem xét tăng cường hệ thống tên lửa siêu thanh có thể di chuyển ít nhất gấp năm lần tốc độ âm thanh.

“Chúng tôi muốn một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương không có sự áp bức hay bá quyền. Chúng tôi muốn một khu vực mà tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, có thể tự do hợp tác với nhau và hành động theo các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”, ông Morrison cho biết trong một bài phát biểu tại Canberra.

Hàn Quốc kêu gọi Trump – Kim gặp mặt trước bầu cử Mỹ

Một quan chức Hàn Quốc hôm nay cho biết Tổng thống Moon Jae-in nói rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nên gặp lại nhau trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11, theo Reuters.

Tổng thống Moon Jae-in trong cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hôm 30/6 cho biết một hội nghị thượng đỉnh khác giữa ông Trump và Kim sẽ giúp nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân đình trệ.

“Tôi tin rằng Triều Tiên và Mỹ cần thử đối thoại một lần nữa trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ”, một quan chức Hàn Quốc dẫn lại lời Tổng thống Moon Jae-in.

“Các vấn đề về chương trình hạt nhân và lệnh trừng phạt sẽ phải được giải quyết qua đối thoại Mỹ-Triều”, vị quan chức này nói thêm, và cho biết Nhà Xanh đã truyền đạt lại quan điểm tới Washington và các quan chức đang nỗ lực thúc đẩy cuộc đàm phán.

Bộ trưởng Brazil từ chức sau 5 ngày tại nhiệm

Bộ trưởng Giáo dục Brazil Carlos Alberto Decotelli từ chức hôm 30/6, sau 5 ngày được Tổng thống bổ nhiệm, do bị cáo buộc khai man bằng cấp, theo AFP.

Tổng thống Bolsonaro bổ nhiệm ông Decotelli tuần trước, thay thế người tiền nhiệm Abraham Weintraub, người từ chức vào giữa tháng 6 sau khi liên quan một loạt tranh cãi.

Ông Decotelli khai báo ông có bằng Thạc sĩ của Brazil, bằng tiến sĩ tại Đại học Rosario của Argentina và bằng tiến sĩ tại Đại học Wuppertal, Đức.

Tuy nhiên, hiệu trưởng Đại học Rosario cuối tuần trước cho hay ông Decotelli không có bằng tiến sĩ ở trường này và chưa từng bảo vệ luận án tại đây. Trong khi đó, Đại học Wuppertal cũng cho biết không cấp tấm bằng nào cho ông Decotelli.

Ông Decotelli cũng bị cáo buộc đạo văn từ một số bài học thuật trong thời gian học tại Brazil. Đại học Brazil hôm qua cho hay Decotelli không phải giáo sư trường này từ năm 2016-2018 như ông nói.