Người Việt ở Quận Cam và chiến dịch ‘Khẩu trang tình thương’ ( Thiết thực và đáng ca ngợi hơn là ngồi chửi ruả nhau...)

Thứ Bảy, 04 Tháng Tư 20207:47 SA(Xem: 3102)
Người Việt ở Quận Cam và chiến dịch ‘Khẩu trang tình thương’ ( Thiết thực và đáng ca ngợi hơn là ngồi chửi ruả nhau...)
voatiengviet.com

Người Việt ở Quận Cam và chiến dịch ‘Khẩu trang tình thương’

Ngọc Lễ

Một nhóm nghệ sỹ gốc Việt ở khu Quận Cam, tiểu bang California, phát động phong trào may và tặng khẩu trang cho những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 trong lúc các bệnh viện trên khắp nước Mỹ đang thiếu hụt nghiêm trọng khẩu trang và đồ bảo hộ y tế vì dịch virus corona bùng phát dữ dội.

Chiến dịch ‘Khẩu trang tình thương’ hay còn gọi là ‘Anh tiền tuyến, Em hậu phương’ kêu gọi cộng đồng người Việt ở đây cùng chung tay góp công sức và tài lực để may hàng chục ngàn khẩu trang cung cấp cho tuyến đầu.

‘Bệnh viện thiếu thốn’

Trao đổi với VOA, ca sỹ Quốc Khanh, người cùng với ca sỹ Nguyên Khang đưa ra lời kêu gọi trên mạng xã hội, nói rằng ý tưởng này bắt nguồn từ một người bạn của anh là tay trống Doanh Huỳnh.

Theo lời kể của ca sỹ Quốc Khanh thì sát nhà anh Doanh ‘có vài cô y tá làm trong bệnh viện’ và qua các cuộc trò chuyện sau khi các y tá tan sở, anh Doanh được biết rằng các bệnh viện hiện giờ rất thiếu khẩu trang.

Khi đó, anh Doanh được các cô y tá nói rằng do các y tá đã ưu tiên khẩu trang chuyên dụng N95 cho các bác sỹ - những người tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân và mỗi ngày xài đến 5, 6 khẩu trang – nên họ không có khẩu trang để đeo.

“Anh Doanh mới yêu cầu cho coi mẫu thì các y tá mới cho anh xem và nói họ muốn có khẩu trang làm bằng vải 100% cotton, được may như thế, có túi nhỏ để bỏ miếng lọc bụi vào,” anh Quốc Khanh kể.

“Mấy cô y tá đó hỏi anh Doanh nếu biết chỗ nào bán chỉ cho họ nếu 3 hay 5 đô một cái họ cũng mua,” anh nói thêm.

“Anh Doanh thấy thật vô lý khi những khẩu trang như vậy mà những người chống dịch trên tuyến đầu phải bỏ ra 3 đến 5 đô để mua,” anh nói và cho biết từ đó anh Doanh Huỳnh và một người bạn của anh đã ‘tự đi mua vải rồi kiếm người nhà nhờ may’.

Sau đó tay trống này đã gọi cho các ca sỹ Quốc Khanh và Nguyên Khang để nhờ họ lên mạng xã hội kêu gọi thêm người giúp vải, giúp cắt, giúp may, ca sỹ Quốc Khanh kể.

“Các anh cũng muốn tạo phong trào cho các tiểu bang khác là may khẩu trang cung cấp cho các bệnh viện xung quanh họ,” anh nói thêm. Từ đó ra đời phong trào ‘Anh tiền tuyến, Em hậu phương’.

‘Cần thêm thợ may’

Ca sỹ Quốc Khanh cho biết kể từ khi ra lời kêu gọi trên Facebook, phong trào của anh đã được sự ‘hưởng ứng rất tốt’.

“Có nhiều người quyên góp một lần hơn 3.000 đô la để mua vải. Có người tình nguyện làm tài xế chuyên chở số vải đó đến phân xưởng để cắt và chuyển số vải đã cắt đến cho những người may,” anh cho biết.

Theo lời anh thì hiện giờ đã có ‘mấy chục cô chú đang giúp may’, còn ‘anh em nghệ sỹ lo việc lấy vải, cắt và phân phối đến chỗ những người tình nguyện may ở nhà’.

Về việc mua vải, anh cho biết ngoài những người quyên góp tiền cũng có người gọi thẳng đến tiệm vải để đặt và nhóm các anh chỉ việc đến tiệm vải lấy về.

Theo lời anh kể, có vị mạnh thường quân đã lớn tuổi từ San Diego cách đó hai giờ lái xe, vì không dám ra đường vào mùa dịch nên nhờ các anh xuống lấy số tiền là 5.000 đô la để trang trải chi phí mua vải. “Số tiền đó mua được lượng vải rất lớn,” anh nói.

“Bây giờ việc kêu gọi thêm thợ may là quan trọng nhất,” anh nói thêm và cho biết mỗi ngày các anh có được từ 1.000 đến 2.000 chiếc ‘khẩu trang tình thương’ từ các thợ may.

“Có người làm cho hãng may, dịch phải nghỉ ở nhà thì họ tình nguyện tham gia may. Có mấy cô chú bác có máy may ở nhà hoặc có tiệm may họ cũng đăng ký tham gia,” anh Quốc Khanh nói về thành phần các thợ may. Anh nói rằng để tiện cho việc đi lại giao vải và nhận khẩu trang, hiện giờ anh chỉ giới hạn trong phạm vi các thợ may ở gần xung quanh.

‘Không tụ tập’

Khi được hỏi làm công việc cung ứng khẩu trang như thế có vi phạm khuyến cáo của chính quyền là giữ khoảng cách xã hội hay không, ca sỹ Quốc Khanh nói: “Theo tình trạng chung bây giờ không ai được tụ tập thì anh em làm rất kỹ lưỡng. Mạnh ai ở nhà người đó may và khi giao vải thì người may ra lấy và may xong thì chỉ cần để trước nhà sẽ có người tới lấy.” (1:05)

Trong khâu phân phối vải đã cắt, anh kể rằng vải đã cắt được tập kết ở một chỗ mà không có hơn hai người cùng làm việc một lúc. Họ sẽ phân phối những miếng vải đã cắt vào bao để đem giao tới nhà các thợ may.

Bằng cách đó, những người tham gia vào dự án ‘không bao giờ tiếp xúc gần mặt đối mặt’.

“Hai tuần vừa rồi rất cực khổ. Đi kiếm vải đã cực. Đa số các tiệm đều đóng. Kiếm loại vải 100% cotton theo yêu cầu của y tá còn khó hơn nữa. Mới 5 ngày trước mới kiếm được nguồn vải do tiệm bán vải đó vẫn còn mở cửa.”

Trước khi kiếm được chỗ cắt vải, anh cho biết mọi người ‘phải cắt tay từng tấm vải’. Nhóm anh cũng mới kiếm được công ty cắt vải bằng máy còn mở cửa chỉ hai ngày trước.

Theo lời anh thì bây giờ bên anh phải trả chi phí cắt vải cho công ty. Còn chi phí mua vải thì ngoài việc các mạnh thường quân tài trợ, các chủ tiệm vải cũng không lấy lời theo kiểu ‘vừa bán vừa cho’.

‘Ưu tiên cho bệnh viện’

Về việc phân phối các khẩu trang này, anh cho biết hiện giờ số lượng làm ra còn ít nên nhóm anh chỉ ‘ưu tiên cho những người trên tuyến đầu chống dịch’ như những người làm việc ở vòng ngoài các cơ sở y tế như y tá tiếp nhận bệnh, người lau dọn, tiếp tân… vốn đã phải nhường khẩu trang chuyên dụng cho các bác sỹ.

Do đó, các khẩu trang này ‘không phải để phục vụ cho những bác sỹ hay y tá tiếp xúc trực tiếp cho các bệnh nhân nhiễm virus’.

Hiện giờ, nhóm của anh chỉ phân phối cho các bệnh viện lân cận ở khu vực Quận Cam hay gần Los Angeles, anh nói, theo cơ chế ai yêu cầu trước thì giao trước.

“Có bệnh viện cử người tới lấy. Có chỗ họ quá bận rộn thì anh em nghệ sỹ chúng tôi sẽ giao khẩu trang theo yêu cầu của các bệnh viện là họ cần bao nhiêu,” anh nói.

“Chúng tôi làm tình nguyện chỉ có mấy chục người, Mỗi người may mấy chục cái mỗi ngày thì số lượng làm ra chỉ đủ cho các bệnh viện. Sau này nếu mà nhiều người nữa cùng tham gia để giúp may thì chúng tôi mới bắt đầu phân phối ra những nơi khác.”

“Người Việt ai cũng có món nợ cuộc sống đối với nước Mỹ. Từ các cô, chú, bác thế hệ đi trước cho đến tôi đều được nước Mỹ cưu mang và cho chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống. Giờ nước Mỹ gặp nạn thì tất cả chúng tôi làm được điều gì đó nho nhỏ cho nước Mỹ thì chúng tôi đều muốn góp sức” anh Khanh chia sẻ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn