Nữ bác sỹ gốc Việt 'thách thức dân biểu Cộng hòa'

Thứ Năm, 02 Tháng Mười Một 20175:58 SA(Xem: 6395)
  • Tác giả :
Nữ bác sỹ gốc Việt 'thách thức dân biểu Cộng hòa'
bbc.com
Mai Khanh, ứng cử viên, dân biểu Bản quyền hình ảnh Mai Khanh Tran
Image caption Bác sỹ nhi khoa Trần Thị Mai Khanh ứng cử vị trí Dân biểu liên bang, Địa hạt 39, tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Bác sỹ nhi khoa Trần Thị Mai Khanh, sang Hoa Kỳ năm 1975, hy vọng có thể vượt qua ông Ed Royce, một trong những dân biểu lâu năm nhất của Mỹ, trong bầu cử Hạ viện Mỹ 2018.

Trước đó, như nhiều ứng cử viên khác, bà Khanh, theo đảng Dân Chủ, tổ chức gây quỹ cho cuộc tranh cử vị trí dân biểu liên bang địa hạt 39, tiểu bang California.

Theo truyền thông Mỹ, người thân của bà Khanh thậm chí mang vàng từ thời vượt biên để ủng hộ cho quỹ .

Có khoảng 31% người châu Á sinh sống tại địa hạt 39, tiểu bang California. Người Mỹ gốc Việt lớn tuổi sống tại hạt 39 từng bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa trong nhiều thập kỷ, nhưng con cái họ phần đông ủng hộ đảng Dân Chủ.

Nếu chiến thắng, bà Mai Khanh sẽ thay thế ông Ed Royce, thành viên đảng Cộng Hòa, đã ở trong Quốc hội từ 1993.

Tị nạn

Sinh ra tại Việt Nam, năm 1975, khi mới chín tuổi, bà Mai Khanh theo ba mẹ và ba anh trai tới Mỹ theo diện tị nạn.


Mai Khanh, ứng cử viên, dân biểu Bản quyền hình ảnh Mai Khanh Tran
Image caption Bà Khanh theo gia đình sang Mỹ theo diện tị nạn năm 1975 và nay là bác sĩ

Năm ngoái, một phụ nữ gốc Việt khác là bà Stephanie Ngọc Dung Murphy, đảng viên Dân Chủ, đã đánh bại chính trị gia kỳ cựu John Mica thuộc đảng Cộng Hòa cho vị trí dân biểu liên bang địa hạt 7, Florida, trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Hạ viện Mỹ.

Người gốc Việt đầu tiên vào Quốc hội Mỹ là ông Joseph Cao (Cao Quang Ánh), từng là dân biểu Địa hạt 2 của tiểu bang Louisiana tại Hạ viện Hoa Kỳ từ năm 2009 đến 2011.

Cuộc tranh cử vào các chức dân biểu liên bang quy tụ nhiều nhà khoa học, tập trung vào các chủ đề chính như chăm sóc bệnh nhân nghèo hiện đang hưởng chương trình y tế vừa túi tiền (Affordable Care Act), còn gọi là quỹ ObamaCare, do cựu Tổng thống Obama sáng lập. Dưới thời của ông Trump, quỹ này có nguy cơ bị xóa sổ.

Theo truyền thông Mỹ, từ khi ông Trump lên nắm quyền, đã có hơn 6.000 nhà khoa học liên lạc với tổ chức 314 Action, nơi hướng dẫn họ tranh cử vào các vị trí chính trị.

Ước tính, hiện nay phụ nữ chiếm dưới 20% Quốc hội Mỹ và dưới 25% tại tất cả các cơ quan lập pháp tiểu bang. Chỉ có sáu thống đốc bang là nữ trong tổng số 50 tiểu bang tại Hoa Kỳ.

Cuộc bầu cử Hạ viện Hoa Kỳ năm 2018 tại California sẽ diễn ra vào thứ Ba, ngày 6 tháng 11, chọn ra 53 dân biểu của 53 quận. Sự kiện này trùng với các cuộc bầu cử khác trên toàn nước Mỹ như bầu cử tổng thống, bầu cử Hạ viện, Thượng viện tại các bang khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn