Thượng viện Mỹ bỏ phiếu giới hạn quyền lực chiến tranh của Trump ở Iran

Thứ Sáu, 14 Tháng Hai 202012:43 SA(Xem: 3180)
Thượng viện Mỹ bỏ phiếu giới hạn quyền lực chiến tranh của Trump ở Iran
bbc.com

Thượng viện Mỹ bỏ phiếu giới hạn quyền lực chiến tranh của Trump ở Iran


President Trump Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Tổng thống Trump dự kiến sẽ phủ quyết dự luật này khi nó được đưa ra Nhà Trắng

Hành động gây chiến với Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bị giới hạn bởi một dự luật của Thượng viện do chính các thành viên đảng Cộng hòa của ông thông qua.

Nghị quyết về quyền lực chiến tranh ở Iran được thông qua với 55 phiếu thuận, 45 phiếu chống - vài giờ sau khi ông Trump cảnh báo rằng nó sẽ khiến Mỹ kém an toàn hơn trước Iran.


Hạ viện đã thông qua một phiên bản của dự luật này vào tháng Một, sau khi ông Trump ra lệnh giết tướng hàng đầu Iran.

Ông Trump dự kiến sẽ bác bỏ dự luật này ngay khi nó được đưa ra Nhà Trắng.

Hôm thứ Năm, tám đảng viên Cộng hòa đã cố gắng thuyết phục đảng của ông Trump, hiện chiếm đa số trong Thượng viện, bỏ phiếu buộc ông Trump phải hỏi ý kiến Quốc hội trước khi có hành động quân sự với Iran.

Một ngày trước cuộc bỏ phiếu, ông Trump viết trên Twitter: "Điều rất quan trọng đối với an ninh quốc gia là Thượng viện Mỹ không bỏ phiếu thuận cho Nghị quyết Quyền hạn Chiến tranh Iran."

"Chúng ta đang giải quyết tình trạng Iran rất tốt và đây không phải là lúc để thể hiện sự yếu đuối... Nếu tôi bị trói tay, Iran có thể sẽ lấn tới. [Điều này] gửi đi một tín hiệu rất tồi tệ. Đảng Dân chủ chỉ làm điều này như một nỗ lực để làm muối mặt đảng Cộng hòa."

Nghị quyết yêu cầu những gì?

Nghị quyết yêu cầu ông Trump phải điều đi các lực lượng tham chiến với Iran trừ khi Quốc hội tuyên bố chiến tranh hoặc thông qua một nghị quyết cho phép dùng biện pháp quân sự.

Nghị quyết cũng nói rằng không có phần nào trong nghị quyết này "sẽ được hiểu là nhằm ngăn cản không cho nước Mỹ tự bảo vệ khỏi các cuộc tấn công sắp xảy ra".

Nghị quyết về Quyền hạn Chiến tranh được Thượng viện thông qua vài giờ sau khi Hải quân Mỹ thông báo đã thu giữ các vũ khí được cho là do Iran thiết kế và sản xuất ở Biển Ả Rập.


Trong một văn bản, quân đội Mỹ nói hàng không mẫu hạm USS Normanday đã tịch thu "150 tên lửa dẫn đường chống tăng Dehlavieh" cùng với "ba tên lửa đất đối không, và một số vũ khí khác.''

Các Thượng nghị sỹ phản ứng như thế nào?

Thượng nghị sỹ tiểu bang Virginia Tim Kaine, cổ vũ việc thông qua nghị quyết.

"Nếu chúng ta yêu cầu các binh sỹ nam nữ trẻ tuổi mạo hiểm mạng sống và sức khỏe của họ trong chiến tranh, thì việc này phải được cân nhắc cẩn thận," ông nói.

Thượng nghị sỹ bang Mississippi Roger Wicker bày tỏ sự phản đối trên Twitter: "Vào thời khắc quan trọng này, Tổng thống cần có quyền hành động tức thì và không bị Quốc hội kiểm soát"

Thượng nghị sỹ Utah Mike Lee, người ủng hộ dự luật, nói dự luật này thích hợp với các ưu tiên của ông Trump.

"Tôi ủng hộ điều Tổng thống đang làm với các chính sách ngoại giao của chúng ta," ông Lee nói.

"Đối với tôi, đây là vấn đề liên quan đến việc ủng hộ Tổng thống Trump trong chính sách đối ngoại, và nỗ lực của ông để đảm bảo rằng chúng ta không dính vào bất cứ cuộc chiến tranh nào một cách quá dễ dàng, quá nhanh, một cách vi hiến. Điều này hoàn toàn phù hợp với chính sách của ông ấy."

Mối quan hệ Mỹ-Iran ra sao?

Việc Mỹ tiêu diệt tướng hàng đầu Iran, Qasem Soleimani tháng trước, đã khiến căng thẳng giữa hai nước thêm nghiêm trọng và gây ra lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện có thể xảy ra.

Iran trả thù bằng việc tấn công căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, khiến 109 lính Mỹ bị chấn thương sọ não.

Washington và Tehran từ lâu đã là kẻ thù của nhau.

Tranh chấp có thể bắt nguồn từ ít nhất là năm 1979, khi lực lượng shah do Mỹ hậu thuẫn ở Iran bị lật đổ và đất nước này trở thành một nước cộng hòa Hồi giáo.

Năm đó, giữa lúc cuộc cách mạng nổ ra, hàng chục người Mỹ đã bị bắt làm con tin bên trong đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran. Quan hệ hai nước băng giá kể từ đó.

Đã có những dấu hiệu của sự tan băng ngoại giao vào năm 2015, khi Iran đồng ý một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này, khiến quốc tế bớt lo ngại. Việc này nhằm để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế hà khắc.

Tuy nhiên ông Trump đã bãi bỏ thỏa thuận này năm 2018 và lại áp lệnh trừng phạt lên Iran.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn