Linh mục giáo phận Bùi Chu :đại tu nhà thờ "không dỡ ra thì sao sửa được" ( Cha, Sư thời nay rất cần tiền ! )

Thứ Tư, 01 Tháng Năm 20195:44 SA(Xem: 4831)
Linh mục giáo phận Bùi Chu :đại tu nhà thờ "không dỡ ra thì sao sửa được" ( Cha, Sư thời nay rất cần tiền ! )
bbc.com

Quanh việc 'đại tu' Nhà thờ Bùi Chu

Ben Ngô BBC Tiếng Việt

Bùi Chu Bản quyền hình ảnh Gpbuichu.org
Image caption Lễ Truyền dầu tại giáo phận Bùi Chu hôm 18/4

Linh mục đại diện giáo phận Bùi Chu nói với BBC rằng việc đại tu nhà thờ "không dỡ ra thì sao sửa được" và chương trình "theo kế hoạch thì ngày 13/5 tiến hành".

Trong khi đó, một kiến trúc sư nói với BBC rằng "cần công bố hồ sơ dự án cũng như phương pháp trùng tu Nhà thờ Bùi Chu, để các chuyên gia có thể phản biện khách quan".

Mạng xã hội dấy lên nhiều ý kiến quan ngại trước tin Nhà thờ Bùi Chu, một trong những nhà thờ lâu đời và đẹp nhất ở tỉnh Nam Định với 134 năm tuổi, do "xuống cấp" nên sẽ bị "hạ giải" theo cách dùng từ của giáo phận Bùi Chu, còn dư luận thì hiểu là "dỡ bỏ" vào ngày 13/5 để xây nhà thờ mới.


Trước đó, website chính thức của Giáo phận Bùi Chu cho hay: "Theo dự kiến của Đức cha, nhà thờ chính tòa sẽ được hạ giải vào ngày 13/5/2019. Do đó, có thể nói lễ Truyền dầu ngày 18/4 là lần cuối cùng các tín hữu sẽ được dự lễ tại nhà thờ cổ kính, gắn chặt với những thăng trầm của đời sống đức tin giáo phận suốt trên 100 năm."

Bùi Chu Bản quyền hình ảnh Gpbuichu.org

'Ngày 13/5 tiến hành'

Hôm 1/5, Linh mục Joseph Trần Hưng Đạo, giám đốc Caritas Bùi Chu nói với BBC qua điện thoại: "Việc trùng tu nhà thờ thì có vấn đề gì đâu, công trình nào cũng chỉ có một khoảng thời gian của nó."

"Sửa mà đại tu nhà thờ mà không dỡ ra thì sao sửa được?"

"Tuy vậy, nhà thờ cũng đang nghe ngóng thông tin từ bên ngoài."

"Công việc của Giáo hội thì ai hiểu được thì hiểu. Một vài người không đồng tình thì có thể họ không hiểu công việc phải làm."

"Nhà thờ này đã hơn 100 năm tuổi, xuống cấp thì phải sửa chữa, đại tu thôi, nhưng việc này thì chúng tôi không trả lời nhiều."

"Chương trình theo kế hoạch thì ngày 13/5 tiến hành".

Trước đó, một văn bản do Tòa Giám mục Bùi Chu phát đi hôm 11/3 do Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu ký có nội dung "Về việc trợ giúp đại tu Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu". Trích:"Trải qua hơn 130 năm, do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới, nhất là chống chọi với những cơn bão, nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường nhà thờ đã bị nứt nẻ nhiều chỗ, vôi vữa và gạch mái bị rớt xuống, ảnh hưởng không chỉ tới việc thờ phượng mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng của giáo dân."

"Để bảo vệ di sản quý giá, chúng tôi đoàn thuận theo đề nghị của đa số giáo dân, đã quyết định đại tu Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu..."

Hôm 1/5, BBC liên hệ Linh mục Trần Công Nghị, phó chủ tịch Liên đoàn Công giáo Việt Nam Tây Nam Hoa Kỳ để hỏi bình luận, nhưng ông hồi đáp qua email rằng "tôi ở xa không nắm vững các chi tiết nên không thể cho ý kiến về việc này."

'Tính đường dài'

Hôm 30/4, kiến trúc sư Sơn Đặng, người có kinh nghiệm với công tác trùng tu di sản ở Mỹ và Nhật, nói với BBC:

"Theo thông lệ quốc tế, muốn được cấp phép trùng tu các di sản, thì hồ sơ dự án có kèm theo phương pháp trùng tu và phương pháp thi công phải được công bố minh bạch trên website của các cơ quan quản lý và cấp phép."

"Việc này giúp mọi bên có liên quan có thể truy cập và phản biện rộng rãi. Giáo phận Bùi Chu thiết nghĩ cũng nên theo thông lệ này, công bố hồ sơ dự án để các chuyên gia trên cả nước có thể nghiêm túc đánh giá lại, và có ý kiến phản biện khách quan, nhằm tránh việc đập đi xây mới nhưng lại đánh đồng với việc đại tu."

"Bên cạnh đó, để tránh tạo thành tiền lệ xấu, thiết nghĩ nên cân nhắc xếp hạng di sản thế giới cho chuỗi nhà thờ cổ ở miền Bắc."

"Việc này không chỉ là cứu Nhà thờ Bùi Chu mà còn cứu những di sản quý khác khỏi số phận như nhà thờ Trà Cổ bị đập bỏ hồi tháng 3/2017."

"Cái này là tính đường dài cho việc bảo vệ di sản ở Việt Nam."

Cùng ngày, bà Hồ Diệu Phương, làm ngành xây dựng nội thất, nói với BBC:

"Theo tôi, một công trình cổ hơn 100 năm tuổi như Nhà thờ Bùi Chu không những có giá trị về lịch sử kiến trúc quá lớn lao mà còn có giá trị thiêng liêng về tinh thần đối với giáo dân nói riêng, và là một di sản quý giá nói chung."

"Tôi cho rằng, không nên hạ giải để làm mới, mà nên có một cuộc đại trùng tu để bảo vệ trạng thái kiến trúc nguyên thủy của di sản. Một đơn vị được lựa chọn để thực hiện việc đại tu này đặc biệt phải là đơn vị thi công có nhiều kinh nghiệm và thâm niên trong công tác bảo vệ trùng tu các di sản văn hóa cổ."

"Bản vẽ phối cảnh trước và sau trùng tu, vật liệu thay thế, quá trình thi công, các phương án thi công tháo dời và lắp đặt tái dựng nên được một hội đồng các chuyên gia thẩm định và thông qua trước khi bắt tay vào việc. Kỹ thuật trùng tu và phục hồi di sản không phải là việc dễ dàng ai, công ty cũng làm được."

Chúng ta cần kêu gọi hội đồng các nhà khảo cổ, hội kiến trúc sư, các tổ chức văn hóa di sản thế giới vào cuộc giúp sức để giữ lại một di sản Nhà thờ Bùi Chu cổ kính xứng tầm văn hóa nhưng vẫn an toàn cho giáo dân và giáo hội trong công việc phụng sự hằng ngày."

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn