Bầu cử Khu vực 7 San Jose ‘căng thẳng’ ( Giao Chỉ mà lên tiếng ủng hộ ai, coi như người đó...thất cử)

Chủ Nhật, 28 Tháng Mười 201810:09 SA(Xem: 6114)
Bầu cử Khu vực 7 San Jose ‘căng thẳng’ ( Giao Chỉ mà lên tiếng ủng hộ ai, coi như người đó...thất cử)

Bùi Văn Phú


Chỉ còn ít hôm nữa là đến ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống. Cử tri khắp nơi sẽ bầu lại toàn thể Hạ viện với 435 ghế và một phần ba trong số 100 nghị sĩ Thượng viện. Kết quả sẽ là hàn thử biểu chính trị đo lường ý muốn của cử tri có tán đồng những chính sách của Tổng thống Donald Trump đưa ra trong hai năm qua hay không.

Nước Mỹ đang chờ đợi làn sóng xanh, nếu Đảng Dân chủ vùng lên chiếm được đa số ở Quốc hội, hay làn sóng đỏ vẫn trào dâng, nghĩa là Đảng Cộng hòa tiếp tục nắm đa số.

Riêng tại khu vực San Jose làn sóng xanh chắc chắn vẫn tiếp tục vì từ mấy thập niên qua ở vùng này, và đa số các địa hạt ở California, đã là thành trì vững mạnh của Đảng Dân chủ.

Những lời hứa ủng hộ cộng đồng Việt của ứng cử viên Maya Esparza trong một tờ rơi vận động tranh cử. (Ảnh: Bryan Đỗ)

Những lời hứa ủng hộ cộng đồng Việt của ứng cử viên Maya Esparza trong một tờ rơi vận động tranh cử. (Ảnh: Bryan Đỗ)

Đối với nhiều cử tri gốc Việt ở San Jose kỳ bầu chọn sắp đến đáng chú ý nhất là chức nghị viên Khu vực 7, với nghị viên đương nhiệm Nguyễn Tâm đang gặp thử thách lớn từ một ứng viên gốc Mexican là bà Maya Esparza.

Bốn năm trước, trong kỳ bầu sơ bộ vào tháng Sáu 2014, trong số bốn ứng viên với 3 gốc Việt và một gốc Mexican, Tâm Nguyễn đã về nhất và Maya Esparza về nhì để hai ứng viên vào chung kết sau đó. Khi đó, đã có những nhận định là nếu chỉ với một ứng viên gốc Việt duy nhất thì người đó đã được trên 50% và khỏi cần bầu vòng nhì. Điều đáng chú ý về các ứng viên trong kỳ bầu chọn này là cả ba nữ ứng viên Vân Lê, Bửu Thái và Maya Esparza đều đã có kinh nghiệm chính trường, là ủy viên của các hội đồng giáo dục trong khu vực. Riêng Tâm Nguyễn lần đầu tiên tranh cử và chưa có kinh nghiệm chính trường.

Kết quả chung kết vào tháng Mười Một 2014 là Tâm Nguyễn thắng Maya Esparza với tỉ số mong manh 50.8% (6,942 phiếu) và 49.2% (6,733 phiếu).

Bốn năm sau, kỳ bầu sơ bộ vừa qua có 7 ứng viên tranh cử, trong đó có 4 gốc Việt, 2 gốc Mỹ Latinh và một da trắng. Bốn ứng viên gốc Việt là nghị viên đương nhiệm Tâm Nguyễn, Vân Lê, Thomas Dương và Hoàng Chris Lê. Maya Esparza cũng ra tranh cử.

Kết quả vẫn là Tâm Nguyễn về nhất, Maya Esparza về nhì và sẽ vào chung kết trong ngày 6 tháng Mười Một tới đây.

Trong kỳ bầu cử sơ bộ, các nghị viên đương nhiệm ở Khu vực 1, 3 và 5 đều được trên 50% nên coi như thắng ngay vòng đầu, không phải bầu vòng nhì.

Tại Khu vực 9, dân cử đương nhiệm không tái tranh cử và không ứng viên nào được trên 50% nên sẽ có hai ứng viên vào chung kết.

Khu vực 7 với Nghị viên Tâm Nguyễn tuy về đầu, nhưng chỉ được 30% (3,560 phiếu) và đối thủ là Maya Esparza được 25% (2,952 phiếu), khác biệt là 608 phiếu và hai ứng viên này cũng sẽ vào chung kết.

Đến nay những ứng viên gốc Việt thua cuộc không thấy tuyên bố ủng hộ Tâm Nguyễn. Một lần nữa lại có nhận định là nếu không có những ứng viên gốc Việt khác thì Nghị viên Tâm Nguyễn đã được trên 50% số phiếu để không phải vào chung kết.

Nghị viên Khu vực 7 Tâm Nguyễn. (Ảnh: FB Tam Nguyen)

Nghị viên Khu vực 7 Tâm Nguyễn. (Ảnh: FB Tam Nguyen)

Trong một thể chế dân chủ thì việc tự do ứng cử là quyền của mỗi công dân. Và mỗi công dân cũng có quyền bầu chọn cho những người phản ánh được ý nguyện của mình. Nhưng sinh hoạt chính trị Mỹ cũng có những ứng viên được cho là “political spoiler”, là những ứng viên biết mình không thắng nhưng ra tranh cử với mục đích giúp cho đối thủ của đối thủ mình thắng.

Trong kỳ bầu sơ bộ, qua những phát biểu và tranh luận giữa bảy ứng viên, các ứng viên gốc Việt đều nhắm vào Nghị viên Tâm Nguyễn để tấn công và chỉ trích. Cuộc vận động tái tranh cử lần này của Nghị viên Tâm Nguyễn rất căng thẳng. Trước hết là những quan điểm khác biệt trong cộng đồng người Việt, được phản ánh trên truyền thông trong những tuần qua, với sự ủng hộ và không ủng hộ cho Nghị viên Tâm.

Thêm vào nữa, từ hai năm qua, kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump lên nhận chức, đã có những chính sách bất lợi cho người di dân nên khối cử tri gốc Mỹ Latinh đang thức tỉnh.

Theo ông Bryan Đỗ, một nhà tham vấn chính trị và cũng là người hoạt động cộng đồng trong nhiều năm qua tại San Jose, thì con số cử tri gốc Mỹ Latinh trong Khu vực 7 đã ghi danh đi bầu là 12,227 và cử tri gốc Việt là 12,067 – theo số liệu mới nhất mà ông có được. Ông cũng đưa ra số liệu cho thấy cử tri gốc Mỹ Latin hăng hái tham gia bỏ phiếu nhiều hơn trong kỳ tổng tuyển cử so với các cuộc bầu cử sơ bộ. Như trong bầu sơ bộ hôm 5 tháng Sáu vừa qua Khu vực 7 đã có 3,229 cử tri Mỹ Latin đi bầu, trong khi đó số cử tri gốc Việt tham gia bỏ phiếu là 4,878.

Điều đáng chú ý khác là ứng cử viên Maya Esparza lại chính thức được sự ủng hộ của cựu Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, nguyên Tự lịnh Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hoà. Ứng cử viên Maya đã có những quảng bá in hình Tướng Bình và lời phát biểu của ông, có những truyền đơn vận động bằng tiếng Việt với những lời hứa với cộng đồng người Việt là nếu đắc cử sẽ đưa ra một nghị quyết ủng hộ lá cờ vàng ba sọc đỏ.

Ở phía khác, cựu Đại tá Vũ Văn Lộc, một cư dân của San Jose từ hơn 40 năm qua, hiện là Giám đốc Bảo tàng Việt Nam Cộng hòa và Thuyền Nhân, lên tiếng ủng hộ Nghị viên Tâm Nguyễn. Ông Lộc có nhận xét là trong bốn năm qua Nghị viên Tâm đã hết lòng phục vụ cư dân, làm được nhiều việc từ hốt rác làm sạch thành phố, cứu giúp nạn nhân lũ lụt hay hỏa hoạn, tạo dựng được trung tâm sinh hoạt cho cộng đồng Việt, thúc đẩy việc xây dựng Vườn Văn hóa Việt và đưa ra được Nghị quyết 8.3 cấm treo cờ cộng sản nơi công ốc một thành phố lớn ở nước Mỹ với cả triệu cư dân thì đó là việc làm rất thành công.

Cả hai vị cựu chỉ huy trong quân đội Việt Nam Cộng hoà hiện nay đều là cư dân của Khu vực 7.

Đối với người Việt ở San Jose thì không phải đến giờ thì việc bầu chọn đại diện cho Khu vực 7 mới gây ồn ào và chú ý. Từ hơn một thập niên qua đây là khu vực với nhiều sóng gió chính trị.

Mười bốn năm trước đây, khi nghị viên của khu vực này đã phải từ chức vì bị cáo buộc nhận hối lộ là những vé xem thể thao, những chai rượu vang, từ đó mở ra cơ hội cho người gốc Việt có đại diện trong nghị trường thành phố lớn thứ 10 của nước Mỹ.

Cô Madison Phương Nguyễn, lúc đó mới được bầu chọn vào hội đồng giáo dục địa phương đã được cộng đồng khuyến khích và ủng hộ ra tranh cử nghị viên. Cùng lúc cũng có một cô gái Việt khác là Linda Hàn Nguyễn cũng ra tranh cử. Trong cuộc bầu cử điền khuyết tuy cũng có những ứng cử viên sắc dân khác, nhưng hai cô đã vào chung kết và cuối cùng Madison Nguyễn được bầu chọn và là nghị viên gốc Việt đầu tiên trong hội đồng thành phố San Jose.

Nhưng rồi bão bùng lại nổi lên cho Nghị viên Madison không bao lâu khi cô vừa vào chính trường, vì sự việc đặt tên cho khu phố Việt mà cô đã không chọn tên Little Saigon như mong muốn của nhiều người. Quyết định đó của cô đã đưa đến nhiều cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng.

Cộng đồng chia làm hai phe, ủng hộ và phản đối và đã đưa đến một cuộc bầu cử truất nhiệm. Nhưng cuối cùng Madison Nguyễn vẫn chiến thắng và sau lần tái tranh cử cô vẫn giữ được chiếc ghế nghị viên Khu vực 7 tất cả là 10 năm, cho tới khi Nghị viên Tâm Nguyễn được bầu chọn bốn năm trước đây.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn