"Thật và Giả" - by Trần Văn Giang.

Thứ Tư, 20 Tháng Mười Một 20247:07 SA(Xem: 1232)
"Thật và Giả" - by Trần Văn Giang.
Made In China
“Chúng ta đang sống trong cái thế giới mà nước chanh để uống được làm bằng vật liệu và mùi vị nhân tạo; trong khi dầu lau bàn ghế tủ thì lại làm từ nước chanh nguyên chất!”

– Alfred E. Newman

*

Mọi người chúng ta dễ bị gạt gẫm mặc dầu đã hết sức đề cao cảnh giác. Thánh Phao-Lồ đã dặn dò là: “Đừng để ai lừa gạt mình (“Let no man deceive you by any means - 2 Thessalonians 2:3).” Nhưng sự lường gạt thấy nhan nhản từ mọi phía chung quanh chúng ta. Nói chuyện phải tránh thì lúc nào cũng dễ; nhưng làm lại rất khó. Đôi khi ngay chúng ta lại là diễn viên chính của sự lừa phỉnh chứ không không phải là nạn nhân đâu đấy!

Tâm trí chúng ta đặt hết vào chỗ cao mà tài sản, những gì quý báu, sự ao ước của chúng ta đang ngự trị. Chính các thứ cao quý oan trái này làm cho mắt của chúng ta bị mờ. Chúng ta chỉ thấy những cái mà mình muốn thấy. Những cái mà mình muốn thấy mới dễ lừa gạt chúng ta hơn những cái bình thường. Những lời căn dặn trong kinh Chúa, kinh Phật, các bài học ngụ ngôn chúng ta chỉ đọc cho vui cho yên tâm thôi; không hề đem ra dùng cho đời sống thật!

 
Giả được định nghĩa là: “Dùng một sự việc không có thật; rồi làm người khác tin đó là sự thật.” Sự việc đó có thể là giả dạng (giả hình dáng), một câu nói lừa phỉnh tuyên truyền hay một sự lôi cuốn khích động vô căn cứ. Hiển nhiên, sự “giả” không phải để chọc cười vô hại mà thường có ẩn ý vụ lợi, mồi chài, lường gạt, sự bất lương, một trò quỷ quyệt ma lanh ma bùn…

 

Địa bàn của đời sống xã hội đương thời không còn giới hạn ở “sau lũy tre xanh” nữa - nơi mà mọi người biết nhau khá rõ ràng và ở đó vấn đề giả mạo, lường gạt cũng không dễ dàng - Ngày nay, hàng ngày chúng ta phải tiếp xúc với rất nhiều người xa lạ không phải là bạn bè, thân thuộc, láng giềng, đồng nghiệp. Trên khía cạnh pháp lý, chúng ta bắt buộc phải căn cứ, phải tùy thuộc vào các yếu tố gọi là “hợp lệ” chẳng hạn như giấy khai sinh, giấy lý lịch căn cước cá nhân, giấy phép hành nghề, văn bằng tốt nghiệp... để có một niềm tin nào đó vào người mà mình phải gặp gỡ, làm việc chung.  Nhưng đời sống văn minh đã tạo cơ hội tốt cho mọi sự “dzỏm.”

 

Từ bé cho đến khi lớn khôn chúng ta đã học được rất nhiều cách để che dấu “bớt” sự thật về lý lịch, khả năng và tư cách của mình. Trường học và gia đình đã dậy dỗ chúng ta cách học thế nào để đóng vai trò của người khác chứ không phải của chính bản thân mình! Truyền thông (báo chí, TV, phim ảnh, internet…) quảng bá việc đóng vai trò của người khác rất rộng rãi. Những vở kịch, phim ảnh, “shows” trên TV làm chúng ta hoang mang cứ tưởng những chuyện hoang tưởng là “thật” trong đời sống! Quảng cáo thương mại đã tận lực trong việc làm chúng ta tưởng là mình đang là một người khác, đang ở một nơi nào đó đang làm việc không phải của mình và chẳng liên quan gì đến mình cả? Thí dụ: Bỗng nhiên trở thành đẹp đẽ vì biết trang điểm, nhuộm tóc; hay trở thành giầu đẹp trai vì đang lái các xe xa hoa đắt tiền; hay bổng nhiên cảm thấy thông minh tuyệt vời vì đang xử dụng các máy móc dụng cụ hiện đại, tối tân… Thêm vào đó, trí tưởng tượng của con người đã làm chúng ta “hổng cẳng” bay bổng theo các “fantasy” không thực và không phải của chính mình từ lúc còn bé (Halloween, makeups, quần áo mới, đồ chơi mới…)

 

Rất nhiều cơ nguyên có sẵn chung quanh chúng ta cố tình hay vô tình khuyến khích sự giả dối: mướn quần áo, mướn xe, dùng máy trả lời tự động, giải phẫu thẩm mỹ thay hình đổi dạng ngoài sức tưởng tượng…

 

Những trường hợp giả dối điển hình như là: làm gián điệp, thường dân đội lốt tu hành, dân di cư bất hợp lệ dùng giấy tờ giả mạo. FBI của Hoa kỳ đang giúp đỡ và tài trợ cho hơn 4000 người thay đổi tất các chi tiết về cá nhân từ hình dáng cho đến lý lịch, nơi cư trú trong "Chương trình Bảo vệ nhân chứng của chính phủ Liên bang (Federal Witness Protection Program)” để họ không bị trả thù sau khi làm nhân chứng ở tòa án tố cáo các tổ chức tội ác. Hoa kỳ có trên 500,000 người dùng bằng cấp và chứng chỉ tốt nghiệp giả mạo trong số đó có đến 10,000 y sĩ và y tá có bằng cấp gỉa. Cứ 3 người đi làm thì có 1 người đã sửa đổi kinh nghiệm và bằng cấp của mình một cách gian lận, vô căn cứ khi họ xin việc làm.

 

Người ta thường nói “từ thiện phải bắt đầu ngay từ chính nhà mình.” Vấn đề xã hội cũng vậy. Chẳng hạn chúng ta chính là diễn viên: từ sự việc sử dụng “software” lậu, nhờ người khác làm bài thi dùm, nhờ người khác thi bằng lái xe dùm cho đến việc dùng “cable TV” lậu, khai thuế gian (che dấu bớt các nguồn lợi tức, khai thêm các khoản lỗ lã không có thật) khoe khoang về các thành tích cá nhân do mình tự tưởng tượng ra… Hoặc là nạn nhân: bị lường gạt mua đồ "dzỏm," bị đòi phải trả những khoản tiền mà mình không hề mua hay nợ…

 

Vấn đề giả tạo hay gian lận về nguồn gốc hay tiểu sử dường như mỗi ngày một gia tăng phi mã. Gần đây nhất, chúng ta đã nhìn thấy “Phó đề đốc gỉả,” (một anh Mít chỉ ở cấp Hạ sĩ mà dám mang lon tướng một sao Hải quân Hoa kỳ), “Văn sĩ giả,” (văn sĩ viết hồi ký phịa để tự đánh bóng mình) “Ca sĩ giả,” (ca sĩ nhép môi lường gạt cả thế giới ở Olympic 2008 bên Trung quốc) “Người đẹp giả” (Cindy Thái Tài, Cát Tuyền, Hương Giang…), “Linh mục giả (Thụ phong LM ở 1 ngôi làng bên Phi luật tân?),” “Sư thầy giả (Đại úy công an trá hình?)…”

 

Tôi có biết một bà cụ là một con chiên công giáo rất ngoan đạo, thành tín và gương mẫu. Những năm trước đây, bà cụ hàng tháng đã trích một ngân khoản đáng kể từ phụ cấp tiền già nhỏ bé của mình để bảo trợ hàng tháng cho một người đang tu học ở nhà chung ở Việt Nam, sắp thành linh mục. Chuơng trình này đã được các nhà thờ Việt Nam rất đứng đắn tại Orange county khuyến khích trong các năm qua (!)  Năm 2005, khi cả gia đình cụ có dịp về thăm Việt Nam, vừa buớc ra khỏi phi trường Tân Sân Nhất, bà cụ không kể gì đến các em, các cháu chưa có dịp gặp gỡ cụ sau bao nhiêu năm xa cách, cụ phải đón xe đi thẳng đến thăm ông cha trẻ này ngay tức thì. Bà cụ không thể chờ lâu hơn chút nữa để xem kết quả của nhiều năm làm việc công quả thiêng liêng. Bà cụ đã rất ngỡ ngàng bẽ bàng khi phát giác ra ông cha trẻ đã “hồi tục” từ khuya, đã lấy vợ có con đầy đàn rồi (mà không có ai thèm thông báo chi cả!!!)

 

Plato đã viết là: “Những chuyện có thể gạt gẫm chúng ta dường như có chung một đặc điểm là làm cho chúng ta cảm thích thú hạnh phúc khi nghe hoặc nhìn thấy.” (“All that deceives may be said to enchant"). Chẳng khác gì hình ảnh một con nhện đói đứng trên mạng nhện mời mọc con ruồi là: Xin mời anh bước vào thăm nhà tôi. Căn nhà nhỏ bé này là căn nhà xinh nhất mà anh chưa từng thấy! Chúng ta thử nhìn lại chúng ta xem có khôn ngoan hơn con ruồi này hay không?

 

Đã biết vấn đề lương thiện khi phải tự khai báo trình bày nguồn gốc và tiểu sử thật của con người là trọng tâm của mọi sự trao đổi trong đời sống. Chúng ta luôn cầu mong là những người mà chúng ta giao dịch hàng ngày là người “thật,” luôn luôn nói sự “thật.” Sự thật là một tài nguyên xã hội rất cần thiết. Hàng ngày, chúng ta có thể mau chóng nhận ra lý lịch và công việc của người lạ mà mình phải tiếp xúc bình thường qua các nhãn quan như đồng phục, giấy chứng nhận…. Nhưng kỹ thuật điện tử ngày nay đã gần như vô hiêu hóa khả năng quyết đoán bằng nhãn quan của chúng ta. Kỹ thuật điện số đã giúp cho việc giả mạo (lý lịch chẳng hạn) dễ dàng hơn lúc trước.

 

Tóm lại, sự giả tạo đều có nguyên nhân và mục đích:

 

- Giả để được nhận các lợi nhuận chẳng có dính dánh gì đến mình.
- Giả để tránh bị hình phát tội phạm (cướp của giết người…)
- Giả (dạng) để bảo vệ đời tư và tài sản của mình.
- Gỉa để thỏa mãn các ước vọng dỏm mà mình không có khả năng đạt.
- Giả để đùa cho vui thôi.
- Giả để thử khả năng chặn xét của chính quyền và xã hội.
- Giả để phá hoại mà không bị nhận diện.
- Giả để xâm nhập (gián điệp) lấy tin tức…

 

Trong trường hợp “giả” và “thật” đứng sát bên cạnh nhau. Làm cách nào mình có thể phân biệt?  Phải công nhận đó là điều rất khó. Có người nói cho vui là người “thật” nên đứng ra đề nghị: “Để loại trừ người giả, xin quý vị đem xử tử cả 2 người cùng một lúc.” Thường thường bản chất của người giả là hèn nhát; hắn ta sẽ không dám “xin được sẵn sàng chết” để chứng tỏ mình là thật đâu, và họ sẻ rút lui có trật tự?!

 

Vài lời thô thiển.

Trần Văn Giang ( HNPĐ )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo