MUỒI TẬN MẠNG ĐẾN TOI MẠNG - TRĂNG MẬT CÁ LEO _ ANH PHƯƠNG TRẦN VĂN NGÀ

Thứ Sáu, 04 Tháng Mười 20248:15 SA(Xem: 930)
MUỒI TẬN MẠNG ĐẾN TOI MẠNG - TRĂNG MẬT CÁ LEO _ ANH PHƯƠNG TRẦN VĂN NGÀ
407s
LỜI NÓI ĐẦU - Tôi viết lại chuyện tình lâm ly mà bi đát của loài Cá Leo. Đây là chuyện thật cách đây hơn 80 năm lúc tôi mới hơn tám tuổi cùng gia đình còn sinh sống tại vùng nhà quê - ấp Bà Bài, dọc theo bờ kinh Vĩnh Tế - Châu Đốc, chỉ cách biên giới Miên một cây số rưỡi. Vùng đất này là cái nôi cá nước ngọt, Ba tôi vừa làm ruộng vừa làm nghề đánh bắt cá và làm giàu cũng nhờ trúng mùa cá linh liên tiếp hai ba năm.
Một dịp, tôi xin theo một toán bốn thanh niên đang làm cho Ba tôi đi rượt, nôm bắt cá leo đang làm tình quằn quại (oằn oại?) trên vùng nước cạn mới leo qua bờ ruộng. Tôi nghe kể lại cách bắt cá leo sao quá tàn nhẫn đối với sự âu yếm mần tình của loài Cá Leo rất rô măng tíc. Câu chuyện Muồi Tận Mạng tuần trăng mật Cá Leo đưa đến cái chết bi thảm toi mạng cũng chỉ lụy vì tình.
Tôi viết theo trí nhớ (ông lão 90) nhằm giúp thế hệ kế thừa hiểu biết cách bắt cá nước ngọt ở miền Tây - Việt Nam thời xa xưa vô cùng phong phú đa dạng, độc đáo. Và cũng có thể nói trên toàn quốc kể cả vài tỉnh vùng biên giới Miên Việt cũng có thể ít có cách bắt cá độc đáo như quê tôi, ấp Bà Bài, xã Vĩnh Nguơn - Châu Đốc. Ngoài cách bắt cá có dụng cụ như chài, lưới, xây rọ, giăng câu hay dùng vó gạc vó càng... Còn nhiều cách đánh bắt cá đơn giản khác như nằm tum đâm cá bông, bắt cá chốt (nắm râu) bằng tay, câu cá he bằng hột bông gòn, câu cá rô bằng trứng kiến vàng...

Miền Nam Việt Nam, một năm chỉ có hai mùa: mưa, nắng. Khi mưa, như trút nước, mưa rồi tạnh, rồi lại mưa, kéo dài đến gẩn sáu tháng cũng là mùa nước nổi ở các tỉnh có cùng biên giới với xứ Chùa Tháp - Campuchia. Đó cũng là mùa cá tôm sinh sản phát triển, vùng đất ruộng nào có nước tràn vào là có cá. Hơn sáu tháng còn lại khô ráo, nắng chói chang, nhưng dễ chịu vì có gió, đỡ oi bức hơn miền Trung miền Bắc.
Mưa ít, nước lên chậm, gọi là nhích, bò lên bờ. Mưa nhiều, nước leo nhanh lên bờ còn gọi là nước nhảy bờ khi mưa già liên miên cùng với nước từ thượng nguồn Biển Hồ (Tonlésap- Cao Miên) chảy xuống mạnh, nhận chìm đất cát, đồng ruộng dưới làn nước phù sa của miền Tây Việt Nam qua hai chi nhánh-hai con sông Tiền và Hậu. Các tỉnh vùng biên thuỳ Miên Việt như là biển cả mênh mông cũng là thời kỳ cá, tôm từ Biển Hổ đổ xuống vùng đất thấp sinh sản phát triển hàng trăm chủng loại. Đó là mùa cá nước nổi, chỗ nào có nước là có cá tôm tha hồ mà bắt kể cả bắt cá bằng tay không cần dụng cụ gì hết...
Hàng trăm loại cá, tôm từ dòng nước Biển Hồ xứ Chùa Tháp đẩy trôi xuống miền Châu Đốc và các tỉnh biên thuỳ... sinh sản phát triển theo cấp số nhân.
Khi nước tràn bờ kinh rạch vào ruộng rẫy trũng thấp, đó là thời điểm lý tưởng hưởng tuần trăng mật của cá leo.
Các cô cậu cá leo làm tình muồi mẫn, quần nhau cho bằng thích, rượt đuổi nhau tung tóe nước lấp lánh dưới ánh trăng bàng bạc.
Sau này đến tuổi lớn khôn, AP thắc mắc tự hỏi:
- Tại sao người ta lại đặt tên là cá leo mà không đặt tên khác?
 Mỗi cái tên của con người, con vật, thực vật, cá đều có nguyên nhân nguồn gốc của nó. Đặt tên cho con, cháu, cha mẹ, ông bà thường gởi gắm hoài bão, ước vọng hay giao phó một trách vụ gì đó để con cháu có thể thực hiện, hoàn thành. Cái
 tên nhiều khi cũng có ảnh hưởng, đi liền với cuộc đời, số phận của một người cho đến ngày lâm chung.

 Được gọi tên là cá leo (tên khoa học Wallago Attu, theo Google) vì nó thích leo, chạy trên nước cạn mỗi khi đi tìm sự sung sướng, hạnh phúc lứa đôi. Chúng không chịu ở vùng nước sâu như các loài thủy tộc khác "mần tình". Hình dung từ leo cũng cho mọi người biết khái niệm về đặc tính của loài cá này.
Như cá bông, mình có bông, rằn ri, cá linh, một loại cá mà người sa viên (người đánh bắt cá chuyên nghiệp) thường làm miếu thờ Thần Cá và Thần Hoàng Bổn Cảnh Đất Đai Nhơn Trạch ở trước cửa vào miệng rọ, miệng đáy, vó gạc, vó càng. Loài cá này theo các sa viên tin tưởng, rất linh, muốn cho ai giàu to hay sạt nghiệp cũng được. Cá linh có vẩy cũng là loài cá trắng như cá leo (không vảy - da trơn) nhưng, cá linh rất nhỏ bé so với cá leo, và cá linh nhiều vô số kể, thường dùng làm mắm hay ủ làm nước mắm có khi còn phơi khô làm phân bón vì quá nhiều. Thật đúng với câu: Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá. Nghề đánh bắt cá còn gọi là nghề hạ bạc. Còn đâm hà bá có nghĩa là làm nghề thủy sản, nơi hà bá ở dưới nước sâu. Giàu cũng nhanh mà mạt cũng mau. Vì cá linh giúp cho các sa viên chuyên nghiệp giàu nhanh...
Cá leo là một loại cá chỉ ở vùng nước ngọt (hay nước lợ), có nhiều ở tỉnh Châu Đốc, Kiến Phong, Kiến Tường nằm sát biên giới Việt-Miên. Cá leo mình dẹp, dài, đầu to, miệng móm, môi trớt, không vẩy, thịt cá ăn ngon; cá lớn có thể nặng đến ba, bốn kí lô hay có con nặng trên chục ký hay vài chục ký. Cá leo cùng một họ hàng với cá trèn, cá kết, dân gian có ca (phong) dao về loài cá miệng móm méo, trớt môi:
Cá lưỡi trâu, sầu ai méo miệng,
Cá trèn bầu nhiều chuyện trớt môi.
Câu phong dao trên đây đã mô tả rõ hai loài cá này: cá lưỡi trâu với cái miệng méo và dẹp như lưỡi trâu, còn cá trèn bầu cũng như cá leo, miệng trớt (quớt), môi dưới (hàm dưới) dài hơn hàm trên.
Cá leo làm tình sôi nổi và dữ dội nhất trong các loài cá mà người ta được biết. Cũng như mèo, một loài vật khi làm tình thì phải kêu, gào, la hét, cào rớt ngói, làm hư mái lợp lăn lộn rầm rầm. Đôi khi từ trên mái nhà cao rơi tủm xuống đất mà chúng vẫn không buông ra, dính như sam.
Gia đình của nhiều cư dân ở ấp Bà Bài, chuẩn bị rượt bắt cá leo vào giữa tháng năm đến giữa tháng sáu; nhưng tính kỹ lại chỉ chừng một tuần mà thôi. Khi nước nhảy bờ qua những kinh rạch chằng chịt, nước tràn vào đồng ruộng, chỗ nào trũng thấp, nước tràn vào trước, cá leo cũng theo vào để hưởng tuần trăng mật, muồi tận mạng cũng có thể đến ngày tận số.
Rượt bắt cá leo bằng những cái nôm và đôi khi còn trang bị thêm một cây "chĩa búp" có ba mũi hay năm mũi lại có ngạnh nữa, thường là những thanh niên khỏe mạnh và rất nhanh nhẹn mới có cách rượt bắt cá leo kiểu này. Hai tay hai cái nôm (nhỏ hoặc vừa vừa, không lớn), còn nôm lớn chỉ có một cái, còn cây chĩa để gần chỗ đứng. Trường hợp sử dụng cây chĩa khi cả hai con cá leo, cá cái và cá đực đang làm tình "muồi tận mang" ở xa không thể dùng nôm lao nhanh đến chụp bắt mà phải dùng chĩa phóng tới chỗ cá leo đang làm tình quằn quại, may ra sẽ trúng một con, còn trúng cá cặp cũng có mà rất hiếm.

Trời mưa lất phất, trên nền trời có trăng non là thời điểm thuận lợi nhứt để rượt bắt cá leo. Người ta đứng yên một chỗ như một thân cây trên đồng ruộng, vây quanh một vùng nước cạn nơi có nhiều cá leo di chuyển, thường đứng bốn gốc. Hai tay hai nôm, hay một cái nôm to chuẩn bị sẵn sàng ra quân.
Cô cậu cá leo từ dưới kinh rạch phóng lên, mơn trớn chạy rượt nhau tung tóe nước trắng xóa, chạy đến đâu người ta đều nhận biết đến đó. Không phải một cặp mà hàng chục cặp rượt đuổi nhau thật hào hứng. Chỗ nào nước hơi sâu chỉ thấy được đường dợn sóng của cá leo đang di chuyển. Còn chỗ nước cạn, nông, kỳ, lưng cá leo bày lên khỏi mặt nước chạy ngờ ngờ trông đã con mắt. Nhiều khi cô cậu mải mê rượt đuổi, quần nhau chạy rướn leo lên bờ, mắc cạn lại càng nguy to cũng chỉ vì quá yêu.

Thế là tới số, muốn trở lại nước chúng phải mất đôi giây phút. Những tay thiện nghệ rượt bắt cá leo làm sao để chúng chạy thoát được. Đó là cơ hội bằng vàng của người săn bắt cá leo, cô cậu đành chịu số phận hẩm hiu, cuộc tình dang dở, đành nằm gọn trong nôm, sau đó vào giỏ. Lụy vì tình là như vậy đó, vọng cổ có câu xuống xề: một khi đã lậm với tình... chết xuống tuyền đài chưa tan.
Muốn bắt được cá leo, người ta chọn vùng nước cạn và không rộng lắm, nếu rộng quá cá leo chạy tứ tung khó chận bắt được. Rượt bắt cá leo đi từng nhóm hai, ba người và bốn người là lý tưởng nhứt. Mỗi người đứng một gốc cách nhau độ mười, mười lăm mét. Cá leo chạy rượt nhau đàng này rồi chúng đổi hướng sang đàng khác. Gần ai nhứt thì người đó ra tay thật nhanh mới chụp nôm được cô cậu. Có khi được cả hai cô cậu chung tình cho đến chết. Khi chỉ nôm được một cô hay một cậu, cô, cậu còn lại teo bu-gi chạy chết bỏ xuống kinh rạch. Tội nghiệp, âm dương chia cắt, hai ngã chia ly.
 Người ta ra tay đúng lúc khi cô cậu đang quằn quại, sướng tuyệt vời, ngã nghiêng, phơi bụng trắng toát. Cô cậu phải thúc thủ không tài nào né tránh được. Thời gian muồi rệu này chỉ trong nhấp nháy. Hạnh phúc chóng tàn, cái chết đến liền.
Mỗi loài cá có đặc tính riêng. Sự mơn trớn, ve vuốt, làm tình của cá lia thia rất dịu dàng, êm ái. Con trống, con mái đâu mỏ vào nhau, tỏ tình yêu thương. Cá trống (đực) giương xòe kỳ vi, khoe màu sắc, lắc mình uốn cong bao quanh cá mái nằm bất động lim dim chỉ có đưa miệng lên mặt nước để thở, nhả bọt. Đây là giây phút mê ly của loài thủy tộc này. Trái lại, cá leo được mang tên leo nên leo thật sự vào nước cạn để lao vào cuộc tình sôi nổi và cũng có thể chuốc họa vào thân.

Một cặp trứng cá leo, loại cá lớn để đầy một dĩa khá lớn. Khi trứng nở thành con có đến hàng trăm hàng ngàn con lận. Trứng cá leo, dân quê thường muối sương, nướng hoặc chiên, món ăn rất hấp dẫn. Trứng cá leo còn được chiên hoặc nướng tươi, nghĩa là không có muối để ăn với nước mắm tỏi ớt, có pha giấm hoặc vắt chanh. Nước mắm ăn trứng cá leo hay cá leo nướng, chiên tươi phải là nước mắm pha loãng. Trứng, thịt cá ngập trong nước mắm mới thấm, ăn ngon hơn. Ở nhà quê, có nhiều bông súng, bông điên điển sống hoặc làm dưa chua chấm vào nước mắm dầm cá chiên ăn thật bắt. Cá leo càng lớn càng ngon, thịt nhiều và dai. Phần thịt ngon nhứt là từ cổ cúc đến hai phần ba thân cá, còn phía sau, đuôi dẹp lép ít thịt hơn. Cá leo lớn, to sù có con vài chục ký, thường gặp cá leo lớn trên dưới mười ký.
Cá leo chế biến nhiều món ăn: chiên, nướng, hấp, nấu canh chua, kho, và người ta còn làm khô, làm mắm nữa.
Giòng họ cá leo có cá kết, cá trèn. Cá kết lớn hơn cá trèn, nhỏ hơn cá leo hình dáng giống như cá leo, cũng môi trớt, mình dẹp nhưng trắng hồng, còn cá leo thì trắng xam xám; cá kết nhỏ con hơn cá leo nhiều. Cá trèn có hai ba loại, cá trèn bầu, trèn đém, còn loại cá trèn nhỏ thân mảnh thường dùng làm mắm cũng là loại mắm khá đắt hơn nhiều loại mắm khác, thường dùng để ăn sống với thịt ba rọi luộc và bún, rau dưa...
 Cá kết như là thục nữ ẻo lả, mảnh khảnh, trắng hồng, nhỏ thó hay là một tiểu thơ khuê các ở thành thị. Còn cá leo thì vạm vỡ, gân guốc như một thôn nữ khỏe mạnh, đầy sức sống. Còn cá trèn như những bê bi.
Thịt cá kết ngon thơm hơn thịt cá leo, ngọt và mềm hơn. Cá kết cũng được làm các món ăn như cá leo, và làm khô, mắm. Ở xứ Chùa Tháp, Biển Hồ là nơi sản sinh và tích chứa cá gồm nhiều chủng loại khác nhau, cá sống quanh năm không phải chỉ có một mùa nước lớn (nước nổi) như ở Việt Nam. Cá kết, người Miên làm khô kiểu đặc biệt, xỏ thành từng xâu, một chục con hay một tá xếp lại thành hình cái quạt, phơi và xông khói để dành được lâu và ăn rất ngon. Nhậu với khô cá kết nướng, chiên thật tuyệt cú mèo. Khô cá kết xông khói còn làm gỏi trộn với bông lá sầu đâu nữa, nhậu rất bắt.
Có ba bốn loại cá trèn: cá trèn thường thấy, cá trèn bầu, cá trèn có đém ở gần ngạnh cá và cá trèn nhỏ nhứt (tương tự như tôm và tép, cá trèn loại nhỏ không tài nào nuôi thành cá trèn lớn cũng như tép không thể nuôi thành tôm). Cá trèn có loại lớn con, loại nhỏ con. Cá trèn nhỏ con, người ta thường làm mắm, gọi là mắm cá trèn. Mắm cá trèn cao cấp, giá cả mắc hơn mắm thái (mắm cá lóc xắt, xé nhỏ trộn với đu đủ bào).
Cá trèn nhỏ, dân quê thường ăn bằng món kho tiêu, kho mặn. Còn cá trèn lớn hoặc cá trèn bầu thì cũng được chế biến làm thành nhiều món ăn như cá leo, cá kết. Trong giòng họ nhà cá nầy, cá trèn bầu ngon nhứt mà chỗ ngon của cá trèn bầu chính là cái bầu, cái nọng của nó, thịt nhiều, béo ngậy.
Ngoài món cá trê, cá lóc, cá rô kho tộ, người ta còn có món cá trèn bầu, cá trèn lớn hoặc cá trèn nhỏ kể cả cá kết, cá leo cắt khúc kho tộ "rắc" thêm nhiều hành, tiêu lên trên mà ăn với cơm gạo nàng hương chợ Đào - Tân An, ngon hết ý.
Người dân quê ở ấp Bà Bài có hàng chục cách đánh bắt cá. Một cách bắt cá rất độc đáo:
Những vùng nước cạn, dòng rạch nhỏ cạn hoặc những cái đìa lạn rộng, người ta đắp những cái tàu từ bờ đất bên này sang bên kia để cá nhảy vào đó mà bắt.
Cái tàu là gì nhỉ?
Hình dáng cái tàu, bề ngang chừng một mét hay hơn một chút, chiều dài từ bên bờ này sang bên bờ kia của cái lũng, vũng nước cạn, chặn giữa vũng nước để chận đường cá qua lại. Người ta kéo lục bình, rau muống hoang, ngổ, nghễ, cỏ mục, cỏ khô cỏ tươi đắp thành cái tàu. Trên mặt tàu đắp thêm một lớp bùn, đất vừa trét lòng tàu tránh cá chui ra vừa làm cho nặng để tàu có chân trùng xuống, không có lỗ hổng ở dưới nước. Hai bờ tàu cao hơn lòng tàu chừng một gang tay, chạy suốt chiều dài.
Cái tàu vắt ngang vũng nước, chia ra hai khu vực khác biệt. Tối đến, như thường lệ, cá di chuyển đi đó đây, tìm mồi hay đi tìm đào, tán mái. Gặp vật cản, gây trở ngại, chúng tức giận nhảy từ bên này qua hay bên kia nhảy lại, có con thì rớt mắc kẹt trên tàu, có con rớt lại xuống nước. Chúng tiếp tục nhảy, nhảy riết, lòng tàu có đủ loại cá, cá lóc, cá bông, cá trê nhiều nhứt vì chúng nhảy khỏe. Người ta thường nằm ngủ gần chỗ đắp tàu để giữ tàu. Một là nếu để cá lâu trên tàu, chúng có thể lại nhảy xuống nước, hai là sợ người khác đến lượm bắt mất cá đi vì làm đắp tàu rất cực, mất nhiều công sức. Thứ đến cá để lâu trên tàu chúng sẽ chết, bán không có giá và cũng không rộng để dự trữ được.
Dân nhậu thường rủ vài ba người đem nóp theo ngủ, không quên mang theo vài lít đế cũng như rau, dưa, nước mắm... mà người ta gọi là đồ tẩm liệm để ăn cá nướng trui. Nhiều khi người ta còn đờn ca tài tử - vọng cổ nữa để tận hưởng thú ăn cá tại chỗ giữa đồng nội vào ban đêm. Có những cái tàu gặp những nơi có nhiều cá, một cái tàu dài chừng năm, bảy mét, một đêm có thể bắt được vài giỏ cá tha hồ mà ăn, làm khô, làm mắm.
Một điều lưu ý là loài cá cũng rất khôn, đắp được cái tàu cũng rất tốn công mệt sức, nhưng chỉ dùng được một đêm đầu, mấy đêm sau rất ít cá vì chúng biết đó là nơi tử lộ nên không nhảy vào nữa.
Những cách bắt cá khác như đâm cá bông bằng mũi xà búp, chĩa sa di năm mũi có ngạnh; mũi chĩa thành bó bằng cây kèo dù để đâm cá nhái (cá lìm kìm)... Muốn bắt cá được nhiều, người ta "làm chà", đặt đáy, chào rào, lọp, lờ, lưới, giăng câu, xây rọ, vó gạc, đặt vó càng... Ba cách: xây rọ, đặt đáy, vó gạc là bắt được nhiều cá nhứt, tính bằng tấn chứ không tính bằng hàng chục, trăm kí lô như các loại cách bắt khác.

Cá leo ngoài cách rượt nôm nhưng bắt chẳng được bao nhiêu, mỗi lần như vậy chỉ bắt được năm, ba con cá lớn. Cá leo cũng cùng chung số phận như các loài thủy tộc khác qua hàng chục cách đánh bắt cá mà người dân quê càng ngày càng có kinh nghiệm và phát huy sáng kiến độc đáo hơn bắt được nhiều cá.
Từ thập niên 60 trở về sau này, giống cá leo ít dần và chúng ta hy vọng giống cá nầy không bị tiệt chủng.

Anh Phương Trần Văn Ngà - 3.10.2024 (Bài viết này dựa bài gốc Rượt Cá Leo của cùng tác giả trong hai tập Bút Ký Chuyện Đồng Quê I đã xuất bản cách nay 25 năm (1999). Tập Chuyện Đồng Quê II cũng xuất bản trên 15 năm, nay còn một ít.)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo