Ở vùng nông thôn miền Nam, bạn dễ dàng gặp hình ảnh cái “Cầu Cá” (hình ở trên). Nó có cái tên gọi rất tượng thanh là “Cầu Tõm” (“Nghe như tiếng Boác rớt!?”). Tuy nhiên tên phổ biến hơn gọi là “Cầu Cá Tra.”
*
Đó chỉ là một cái “cầu tiêu” kiểu đơn giản, tạm bợ gồm một khung che gác trên bốn cây cọc cắm lơ lửng trên ao cá hoặc sông rạch và nối với đất liền bằng một cái cầu nhỏ. Vật liệu làm cầu thì rất đa dạng, kiểu "có gì xài nấy.” Cầu và cọc đỡ có thể là một khúc cây gòn sống, các nhánh cây tre tầm vông, hoặc các thanh gỗ; hoặc sang hơn là mấy thanh cọc bằng bê tông cốt thép. Còn phần "Nhà cầu" thì thực chất là cái vành che cao vừa đủ, chừng bằng hoặc nhích hơn đầu gối người lớn một chút. "Nhà cầu" đôi khi có thể chỉ là cái thùng phi cắt ngang khoảng 1/3 chiều cao, hoặc bốn tấm ván gỗ; hoặc mấy tấm tôn kẽm ghép lại nghèo hơn thì che chắn bằng lá dừa nước; hoặc bất kỳ vất liệu phế thải nào lượm lặt được. Nhà nào sang một chút thì làm thêm mái che phía trên để che nắng tránh mưa. Cầu cá tra trông xa xa giống như một nhà sàn nhỏ hoặc một nhà thủy tạ cỏn con, không có sàn đáy...
Dễ dàng và đơn giản, “người đi cầu” cứ việc bước qua “cầu dẫn,” ngồi vào “nhà cầu” và sau đó, cứ tự nhiên ngồi giữa trời sáng, gió mát, lơ lửng trên không trung và “vô tư” xả xuống cầu các chất thải trong người vào cái "thể giới dưới chân mình." Phía dưới ao, người dân thường nuôi cá vồ, cá tra, cá trê phi... để chúng "tận dụng" chất thải người và qua một quá trình biến đổi sinh học - hoá học phức tạp (mà còn lâu các nhà khoa học làm được) thành một dạng chất đạm, chất béo mới trong cơ thể sống của chúng. Người đi cầu có thể ngồi xa, xa hẳn các tiếng loa phường vô bổ, trong giây lát, ngắm mây trời thoáng đãng, hít cái không khi thôn dã, đọc nhật báo hoặc ngó xuống đàn cá tranh nhau các thứ "rơi rớt" của mình một cách thơ mộng… Thiên đàng chắc cũng chỉ đến thế thôi hè! Xả xong "bầu tâm sự,” người ta chỉ việc nhẹ nhàng đi ra mà không phải bận tâm về chuyện dội cầu cho sạch gì cả...
Có lẽ không ai biết người đầu tiên phát minh ra kiểu nhà cầu này độc đáo này. Thật ra, cầu ao cá tra là một bước tiếp nối các kiểu "Cầu Tõm" trên sông và trên thuyền ghe. Dân Việt mình trong quá trình Nam tiến, cứ đi dọc theo chiều dài đất nước, dừng chân lại ở những nơi có nguồn nước, bờ biển, dòng suối, cửa sông… Phương tiện đi xuống miền Nam chủ yếu là ghe xuồng. Sống trên ghe, ăn uống, sinh hoạt trên ghe và cũng thải xuống nước từ chiếc ghe xuồng của mình. Khi lên bờ làm nhà định cư, dân mình vẫn còn mang theo tập quán đó mà làm; nên cái cầu cá. Chữ "cầu" được dùng lập đi lập lại... Một số nhà văn, nhà báo còn coi đi cầu cá tra như một “Đặc thù văn hóa sông nước miền Nam...”
Có người hỏi là sao bà con ta lại thích xài cầu cá quá vậy? Ai nấy đều cười, giải thích gọn lại như thế này:
- Thứ nhất, phần đông nông dân đều nghèo, nhà ở không đủ chắc chắn, con cái không đủ tiền học thì lấy đâu có đủ tiền để mua vật liệu làm một nhà cầu hợp vệ sinh.
- Thứ hai, người dân họ ưa sự tự do thoáng mát, ít ai chịu nhốt mình trong bốn bức vách chật hẹp hôi hám và ruồi bọ.
- Thứ ba, họ coi việc "xử lý chất thải người" để nuôi cá như là một nguồn thu nhập phụ mà ít vốn đầu tư (?).
- Thứ tư, loại cầu này không cần phải tốn sức dội, tốn nước, nhiêu khê.
- Thứ năm, và cuối cùng, một số người xem chỗ đi cầu là nơi "gặp gỡ, giao lưu" nói chuyện với người cùng xóm; hoặc là nơi thư giãn, xem cá tranh ăn,...
Có khá nhiều chuyện buồn cười quay quanh cái cầu cá tra. Xuống thăm, hay đi công tác vùng nông thôn, chiều chiều rảnh chuyện, khề khà lai rai, một cái ly rượu xoay tua với mấy bác và mấy anh nông dân; rồi bắt chuyện cầu cá, ai cũng xem đó là bình thường, tự nhiên. Có bác từng hứng chí tuyên bố:
- Ờ đời sướng nhất là “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật,” nay cần bổ túc thêm là “Lãnh lương Mỹ và ... ỉa cầu cá ‘Dồ’ Việt Nam.”
Chuyện khác, một hôm có một đoàn ca sĩ thành phố xuống một vùng nông thôn nọ diễn, trong đoàn có một cô ca sĩ loại "siêu sao" đang lên. Cô này bữa trước ăn uống sao đó không biết, bụng dạ không ổn, bí chỗ quá mới chạy đến một cầu cá vồ bên đường. Trẻ con, đàn bà hiếu kỳ, hay được chuyện này (!), kéo đến bu đông nghẹt để coi "Ngôi sao ngồi ỉa" có khác với người thường hay không (?) Cô này hoảng quá, muốn đứng dậy nhưng kẹt nỗi cô đang vận chiếc quần “Jean” chật cứng, nếu đứng lên thì... sẽ “lộ hàng hiếm” hết ráo. Ngặt quá, cô phải móc điện thoại di động gọi mấy người trong đoàn đến tiếp cứu; nhờ người đem tấm khăn lớn che kín để cho cô này đứng dậy... kéo quần. Thì ra, “Siêu sao” cũng phải… kéo quần? Hết biết!
Thêm một chuyện nữa. Mấy thầy cô giáo trẻ xuống nông thôn dạy học, sáng sớm phải giải quyết vấn đề vệ sinh. Dù không hẹn nhau nhưng cả cô lẫn thầy đều gặp nhau một chỗ ngoài cầu cá tra. Mấy thầy, mấy cô sượng sùng ngồi quay mặt ra đường, học trò đi ngang qua, em nào cũng vòng tay cúi đầu: "Chào thầy ạ!” "Chào cô ạ!” Còn mấy phụ huynh đi qua thì tự nhiên hỏi thăm: "Ông thầy khoẻ chớ?” "Cô giáo dậy sớm dữ ha?"… thật sự làm mấy cô thì đỏ mặt, mấy thầy lúng túng. Nhưng sau đó quen dần, cái e thẹn, mắc cỡ cũng bớt đi vì ai trong làng cũng thấy đây là chuyện bình thường thôn quê...
Đất nước đã “mở cửa,” “đổi mới,” “kinh tế đã định hướng thị trường!” Nông thôn nay có ít nhiều đổi thay. Có điện - đường - trường - trạm được xây lắp, một số nhà của nông dân cũng được cất khá hơn; nhưng cái cầu cá tra vẫn là cái cầu cá. Trẻ con Việt kiều, các ông Tây bà đầm lạ lẩm với các thứ cá dưới cầu. Họ không quen kiểu ngồi xổm như dân quê ta. Có ông Tây đi thử cầu cá tra; vừa ngồi kiểu lom khom, vừa cười khùng khục, rồi mở máy hình ra chụp lia lịa mấy con “Catfish” của ao cá Việt Nam. Chẳng may cầu đột ngột gãy, có lẽ vì chịu không nổi cái thân hình béo trên dưới “180 pounds.” Ông này té sụp xuống ao cá, la hét ầm ĩ: "Help..., Help me!!!” Mấy đám con nít, thanh niên theo coi, vội vàng kéo ổng lóp ngóp lội vô bờ. Cả quần áo, giấy tờ, máy ảnh… đều ướt bẩn và hôi hám. Ông Tây này miệng cứ “só rì, só r ì (sorry!)” rồi liên tục “thanh kiu (thank you),” Mấy đứa nhỏ giúp ổng leo lên bờ, dẫn đến lu nước bên hông nhà dội rửa áo quần chân tay. Dù hơi xót bụng vì lu nước mưa dành cho ăn uống mà ông Tây không biết cứ tự nhiên xối rửa, các bà già quê Nam bộ vẫn dễ dãi, còn chép miệng:
- "Thiệc tội nghiệp... cái thằng Tây. Ở bển đang sướng, qua đây đi cầu cá tra mần chi cho khổ vậy?”
Còn mấy bà sồn sồn vừa kể chuyện, vừa vạch áo cho con bú, vừa ôm bụng cười vì đâu có biết ổng Tây hét kêu cứu cái con khỉ gì đâu (?):
- "Chèng đéc ơi! Thiệt là khùng! Té xuống ao cá 'Dồ' mà cứ la ‘Heo Heo’ hoài! Có 'Heo' nào ở đó mà kiu?!!”
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là Việt Nam càng lúc dân số càng đông, mật số nhà cửa gia tăng san sát thì cầu cá tra đang trở thành một vấn đề lớn về môi trường, đôi lúc nghiêm trọng. Ngày xưa, khi mới khai hoang lập ấp, đất rộng người thưa, vấn đề vệ sinh môi trường không bị ảnh hưởng nhiều vì khả năng tự làm sạch của nước trong tiến trình tự nhiên còn dễ dàng. Bây giờ, với dân số gia tăng, ruộng vườn chia năm xẻ bảy, nhu cầu về nhà cửa lớn hơn, lượng chất thải sinh hoạt nhiều hơn thì dịch bệnh do nguồn nước ô nhiễm càng tăng – vì “water-born disease.” Hiện tại, đời sống của người dân có khá lên hơn lúc trước một chút; nhưng tỉ lệ cầu cá tra trên ao vẫn còn cao. Có khá nhiều báo cáo của ngành y tế, vệ sinh dịch tễ, môi trường về các bệnh đường ruột như tiêu chảy, thương hàn, kiết lỵ,... và các bệnh như ghẻ ngứa, phụ khoa,... xảy ra ở nông thôn do nguồn nước bị nhiễm phân, nhiễm rác. Năm 1994, ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là Thủ tướng, có ký “Chỉ Thị 200 Ttg” cấm các hình thức cầu tiêu làm trên sông; nhưng thực tế, kết quả thi hành không như ý muốn. Chung quy là do người dân nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long còn nghèo, thói quen sử dụng cầu cá tra còn khá phổ biến, nhận thức về vệ sinh còn sơ sài và chưa có mô hình nào thay thế ít tốn kém phù hợp; cũng như thiếu các tài liệu hướng dẫn cần thiết…
Người làm công tác phát triển nông thôn nên chú ý vận động và giúp bà con nông dân xây các nhà vệ sinh tương đối rẻ tiền và hợp lý về mặt vệ sinh. Dầu sao, nhà vệ sinh riêng biệt mang vẻ văn minh và thẩm mỹ hơn. Việc xây nhà vệ sinh gia đình cũng là một cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc vệ sinh phụ nữ, góp phần cho việc bình đẳng giới. Hiện nay, có một số tài liệu đã được biên soạn, mặc dầu chưa nhiều, vì ít ai muốn xen vào lãnh vực xem ra ít nhiều tế nhị này.
Trần Văn Giang (ghi lại)
Là người Bắc , tôi thừa hưởng những tinh hoa văn vật ; kinh qua từ Pháp thuộc đến cs Việt Minh . Đời tôi có nghe dân gian ví von : " Thứ nhất ỉa đồng _ Thứ nhì quận công "; nghiệm ra sai toét , các cụ chỉ bịp .... làm quận công sướng đấy ,quyền uy, dinh thự, nhưng vẫn bị trách nhiệm ràng buộc , vẫn bị trên gõ xuống đầu .
Ỉa đồng sướng hơn quận công là đúng. gió thổi hiu hiu mát mông mát người , mát cả tâm hồn, ngồi nghịch chiều gió ... ngưỉ toàn hương nồng cỏ dại ,ngất ngây ngây ngất
Bỗng ngứa bỗng ngáy ... thót mình như kim chích mông, đập vội ,đập mạnh ... đã làm sao xòe tay xem , một chú muỗi nát đen lẫn máu đỏ lòm ... ơ kìa , sao đầu ngón tay có gì sền sệt vàng nâu ? Hoá ra tay đụng vàng dẻo ... vì say mê diệt thù .
Từ đó mới biết quận công chắc sướng hơn nhiều. Các bạn có tin rằng , thằng tôi, nhà cửa không đến nỗi nào , có ăn có mặc .... ấy thế mà một trong tứ khoái phải chùi bằng đất cục , bằng lá cây , ở quê vườn luôn được cuốc lên , vun luống trồng khoai , nên đất cục tha hồ nhặt !!! Giời ơi lý luận thế nào đây ?
Rôì ta thắng điện biên phủ , chia hai đất nước . Vào Nam mới văn minh ra , mới hết dùng đất , hết dùng lá cây thay giấy ! Đúng như tác giả bài viết này ; dân ta Nam tiến bằng xuồng , xứ gọi Thủy Chân Lạp , không đi vào bằng xuồng , ghe chẳng lẽ bằng ngựa voi ?
Thế nên sau này dọc bờ sông nào cũng có cầu tiêu dã chiến và ghe xuồng nào cũng có một chòi cầu tiêu phía sau ; trên đất liền dân Nam tận dụng đào ao nuôi cá tra , gọi bình dân là cá dzồ , trên mỗi mặt ao đều có cầu tiêu dã chiến , có giấy để sẵn mời mọc khách vãng lai quá bộ .... cho cá ăn dùm, cám ơn .
Thằng tôi lần đầu tiếp xúc với văn minh , rất thích , ngày nào cũng không quên "nghĩa vụ" một hoặc hai lần ra ngắm cá ! Vừa ị vừa run , vì có con nhảy vọt lên cao giành mồi ... thiếu điều chạm củ lẳng !! Cá to bằng bắp chân người lớn , chứ đâu nhỏ gì ; nghĩ mà ớn càng . Khoảng 59,60 ao cá dzồ thưa dần và mất hẳn , không còn cầu dã chiến cá dzồ.
Kịp đến 75 , rộ lên Ao Cá Boác Hồ mọi phường mọi xã thi đua đào AO CÁ BOÁC HỒ , thế là cầu tiêu dã chiến tái sinh , dân ta gọi tiến hoá ngược , cũng như ĐỔI MỚI tức là quay về nền kinh tế thị trường xưa cũ ... sau hai mươi năm máu đổ xương phơi ... cứ lòng vòng kiến bò miệng chén, tội nghiệp !!!
Sau năm 1975 tôi xuống Cà mau trốn cải tạo, dân Cà mau không nhà nào có toilet, 100% già trẻ đều ị ở cầu cá tra
mà dân Cà mau gọi là AO CÁ BÁC HỒ, đương nhiên tôi cũng phải ị nơi đây khi cần. Nó rất thoán mát và có dịp tiếp
cận với dân bản xứ nhất là mấy bà góa ngồi cầu kế sát bên, đa phần đàn ông Cà mau là Việt cọng bị lính Cộng hòa cứa cổ.
Dân Cà mau gọi cầu cá tra là AO CÁ BÁC HỒ nên khi ngồi trên sàn cầu ị chất thải xuống tôi nghe BÁC táp đùng đùng ... tôi biết
và thông cảm cho BÁC đã bị các đồng chí bỏ đói !!!
Bây giờ tôi đang sống ở Mỹ, ăn cơm tự nấu, ở nhà Mỹ, lãnh tiền hưu, ị toilet Mỹ ... nhưng vẩn
thích ị AO CÁ BÁC HỒ như xưa ...