Kỷ Niệm 100 Năm Cục Gạch Bác Hồ - Kiếp Nạn Thùng Nhân.- Lê Bá Vận

Thứ Sáu, 04 Tháng Hai 20226:16 CH(Xem: 2614)
Kỷ Niệm 100 Năm Cục Gạch Bác Hồ - Kiếp Nạn Thùng Nhân.- Lê Bá Vận


Kỷ Niệm 100 Năm Cục Gạch Bác Hồ - Kiếp Nạn Thùng Nhân.

 Kỳ 2: Người thanh niên “không tuổi” trong ngôi nhà “bốn không”                          

Sự tích cục gạch hồng là bản thiên hùng ca vĩ đại chống băng giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tề danh truyền thuyết Nỏ thần An Dương Vương triều đại Âu Lạc (nước Việt cổ) giúp dân tộc ta chiến đấu giữ nước.

   

               “Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê. 

                 Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá." 

Hai câu thơ trên nổi tiếng của Chế Lan Viên từ xa báo hiệu loạt tin nhắn tuyệt vọng của cô gái Phạm Thị Trà My: “Con xin lỗi mẹ. Con đường đi nước ngoài không thành. Mẹ ơi, con thương mẹ nhiều, con chết vì con không thở được.” Cô chết tức tưởi trong thùng xe đông lạnh tại Anh quốc năm 2019 cùng nhóm di dân lậu cùng quê hương đồng hành. 

 

Sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, tác giả Trần Dân Tiên cho biết trong thời gian từ 7/1921 đến tháng tháng 3/1923, Nguyễn Ái Quốc ở trọ tại nhà số 9 ngõ Compoint, Quận 17, Thủ đô Paris. Cuộc sống của người thanh niên Việt được mô tả: “Ông trọ ở một phòng nhỏ trong một khách sạn rẻ tiền ở xóm lao động. Phòng chỉ vừa kê một cái giường sắt chật, một cái bàn nhỏ và một cái ghế.  Về mùa đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều về, ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào những tờ báo cũ rồi để xuống nệm cho đỡ rét”. Đó là nỗi gian truân, thảm cảnh của Bác trải qua để cứu dân cứu nước.

____   


Mùa đông xứ lạnh rét như cắt. Có khi đêm nhiệt độ xuống -20 độ âm, lệnh cảnh báo cực lạnh được thành phố ban hành, vẫn có một số không ít người vô gia cư (homeless) mặc nhiều lớp áo, chùm chăn kín thản nhiên ngủ ngoài trời dưới hiên dãy phố. Sở Xã hội cho xe chạy rảo quanh tìm bốc các người ấy đưa về các trung tâm sưởi ấm có đầy đủ tiện nghi.

Với kẻ nhất mực từ chối, thích ngủ ngoài đường thì được cấp phát thêm áo ấm, bao ngủ. Giá có ai nghĩ đến biếu gạch nung vài cục mỗi đêm!


Mấy hôm nay giữa tiết Đông trời rất lạnh, nhiều bạn chạnh nhớ đến bếp lửa ở quê nhà, những chai lít rót đầy nước nóng để sưởi ấm và nhất là các lồng ấp đan bằng tre, lớn bằng quả dừa, ở giữa đặt một cái niêu (trách) bỏ vào mấy cục than hồng được vùi trong tro để giữ ấm được lâu. 

Các ông già bà cả ôm giữ lồng ấp suốt ngày, lũ trẻ chỉ thỉnh thoảng đến xin hơ tay.


Các bạn ở Pháp, cũng trên mạng thì dí dỏm góp lời về cục gạch nung được Hồ Chí Minh khoe sử dụng lúc ở Pháp đúng một thế kỷ trước (1922 - 2022) vào mùa lạnh, ngậm ngùi về hệ quả kiếp nạn các con dân Việt Nam trốn chạy ra nước ngoài, một thế kỷ sau, liều mình ẩn núp trong các thùng xe tải đông lạnh -25 độ âm với khả năng chết cóng hoặc chết ngạt dễ xẩy. 


     Bản Tin Nóng: Phạm Thị Trà My và tin nhắn cuối cùng trong vụ 39 người chết  cóng - YouTube Tại sao "CỤC GẠCH BÁC HỒ" có lỗ ??? | Trương Quốc Huy - YouTube

       Trà My chết cóng trong thùng. Bác Hồ có cục gạch nung ngự hàn.

(Cục gạch đất nung kích thước 12 x 22 x 3,5cm, tỵ hàn, trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, TpHCM)

-------

Hai câu thơ Chế Lan Viên ca ngợi thành tích kiệt xuất Bác chiến thắng gió rét thành Ba Lê với cục gạch nung khiến nhiều người ham thích thử học tập bắt chước nhưng chuốc thất bại. 

Thằng Tang cắt ngang lời tôi, “Thì đó ông Tư! Hôm qua con bỏ cục gạch vô lò nướng, bật lên 400 độ C, nung hai tiếng xong mang ra bọc vô mấy lớp bao tải, xong cho vô cái mền bông dày cộm của con. Lát sau ngửi thấy mùi khét, mở ra mù mịt khói từ bao tải, làm còi báo cháy hú lên điếc cả tai.” (nhặt trên mạng). Cục gạch nhỏ cũng chỉ giữ nhiệt một, hai canh giờ, nguội hẳn dần.


Tuy nhiên những cục gạch nung chống rét thời trước ở Pháp là chuyện có thật, có từ thế kỷ 19 hoặc trước nữa. Hồi đó dụng cụ sưởi giường (bed warmer) thường dùng là những cái chảo có nắp đậy, chứa nước nóng hoặc cát, đá vụn, than hồng, để rà hơ ấm bộ nệm, gối, chăn, khăn trải giường, sưởi tay, sau đó vùi dưới nệm cuối giường để giữ ấm hai chân lúc ngủ. Chỉ vậy. 


‘Bed warmer’ lại có thể là những viên gạch bằng đất nung bình thường, màu nâu sẫm; đặc biệt nếu có đục 2 lỗ thủng để tiện móc kéo thì có khi được khắc chữ ‘Chauffeuse’ (gạch sưởi). Song gạch loại ‘đá xà phòng’ (soapstone, steatite) đẽo kích cỡ 20 x 25 x 2,5cm là giữ nhiệt lâu nhất. Đá này chứa silica, magnesia, màu trắng, xám, dùng tạc tượng, bia, vật dụng linh tinh.


Mọi giới, nhất là giới nghèo, giới trung lưu có nhà, có lúc cũng dùng gạch sưởi. Hai cha con cụ Phan Chu Trinh và nhiều người Việt khác sống ở Pháp chắc cũng thử qua. 

Ai ưa thì dùng, không thì thôi, chẳng sao, đây là điều bình thường, như ta dùng lồng ấp. 


Bởi thế không có lý do để tả oán, van khổ, huyền thoại hóa, ca tụng lố bịch: “Viên gạch hồng”, hay chính ngọn lửa hoài bão, ý chí trong tim đã thôi thúc Người vượt qua những “gió rét thành Ba Lê”, những “sương mù thành Luân Đôn” dài đằng đẵng... (SGGP, Thứ sáu 5/6/2020). 

Báo GD/ĐT thì nhắn nhủ: “Ta còn phải học Bác ở tinh thần vượt gian khổ để học tập.” 


Chỉ đơn giản với cục gạch là chống được cả mùa đông ư? Song Bác làm được, có 3 điều thuận lợi:    


1) Bác ở Paris, mùa đông nhiệt độ từ +3 đến +9, ít khi xuống -2 hoặc -3 độ âm. Ở London, Anh còn ấm hơn. Ở nước ta Lạng Sơn về mùa đông cũng có nhiệt độ âm và có tuyết. Các xứ lạnh nhiều như Canada, Nga, Bắc Âu, Triều Tiên… lắm khi có nhiệt độ dưới -40 độ âm song người ta mặc rất ấm. 


2) Tuổi của Bác. Lúc xin làm thẻ căn cước ở Paris ngày 4/9/1919 thì Bác khai tên Nguyễn Ái Quấc sinh ngày 15/01/1894. Như vậy Bác 25 tuổi là thời trai trẻ sung sức nhất để chịu lạnh tốt, chẳng cần cục gạch. Cụ Phan Chu Trinh sinh năm 1872, năm đó đã 47 tuổi, rất yếu, vẫn sống ở Paris, chịu lạnh, đến khi được cho phép về lại Sài Gòn năm 1925 thì qua đời năm sau 1926, thọ 54 tuôi.


3) Kinh tế của Bác. Phải nói Bác Hồ là trường hợp duy nhất làm cách mạng cứu nước (?) mà làm ra tiền gởi về cho thân phụ ở quê nhà, thân mẫu thì mất sớm. 

Hành trình trốn ra nước ngoài Bác được trả lương. Bác cũng đã hào hiệp góp tiền hưởng ứng lời kêu gọi về tài chính của Hội bảo trợ người da đen ở Mỹ (Universal Negro Improvement Trust).


Bác ở Anh Quốc 5 năm (1913-`1917), thoạt đầu lao động cào tuyết, đốt lò, sức trai việc này chẳng mấy nặng nhọc, đâu phải cuốc cày, bốc vác, sau đó nhanh chóng xin làm bồi bàn, đúng nghề và được cho ăn ở trong khách sạn, dành dụm tiền công, tiền ‘tip’ chắc cũng được số vốn đáng kể.


Lúc đó cụ Phan Chu Trinh gởi thư luôn hối thúc Bác trở về Pháp. Và Bác là Nguyễn Tất Thành rút cục đã về Paris cuối năm 1917 lúc Thế chiến 1 đang kết thúc. Về Paris Bác được bố trí ở tại nhà LS Phan Văn Trường (1876-1933) số 6, villa des Gobelins Paris 13e  là địa chỉ cư trú Bác khai trong thẻ căn cước ngày 4/9/1919. 


Học nghề từ cụ PC Trinh, song cụ Phan chỉ làm công, Bác rất khéo tay, với số vốn dành dụm đứng ra làm chủ, mở hiệu chụp, sửa ảnh tại Paris, quảng cáo, in danh thiếp để giao dịch. Từ nay Bác thuộc giới ngành nghề trí thức, tham dự các đại hội và giao lưu với các nhân vật nổi tiếng. (1).


Bác được kể cũng thuê trọ ở số 9 ngõ Compoint, Quận 17, Thủ đô Paris. Ngõ mà có khách sạn, dù là bình dân, (hiện tại loại 1, 2 sao có buồng đơn 9m2) và Bác ở một phòng đơn có bàn, ghế, tủ giường, vòi nước. Giường có trải nệm như Bác mô tả mỗi tối đặt cục gạch hồng xuống nệm.


Tiêu chuẩn nơi ăn ở của Bác như vậy cũng gọi là ước mơ của biết bao sinh viên, công nhân viên từ các tỉnh về Hà Nôi, Sài Gòn tìm việc phải thuê phòng trọ ở chung chật chội, có khi chỉ thuê một giường bố xếp để ngả lưng. 


Ở Paris, Pháp Bác độc thân không hề túng thiếu, xem ra thậm chí sung túc. Sáng đi làm ra tiệm ảnh ở số 3 phố chợ Depacteri'acsơ-Paris thì Bác luôn mặc áo vest, thắt ca vát chỉnh tề, chải chuốt, ăn diện đúng thời trang, thuốc lá sang Bác hút suốt ngày. (1).

Mùa rét thì Bác mặc đẹp và ấm, mũ phớt, khăn quàng cổ, áo măng tô, bao tay, điếu thuốc lá.


Nếu đúng theo báo Giáo Dục và Đào Tạo mô tả bi thảm hóa: “Thời gian Bác sống ở Paris, rất cực khổ… Cơm ăn với một con cá mắm hoặc một ít thịt, ăn một nửa còn một nửa dành đến chiều. Có khi một miếng bánh mì với một miếng phó-mát là đủ ăn cả ngày...” thì chế độ dinh dưỡng ăn uống kham khổ kéo dài này không thể giúp Bác làm việc tốt và chống rét lạnh khắc nghiệt mùa Đông. 


Tháng 6 năm 1923, Bác đến Moskva học tập tại trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông, được đào tạo chính quy về Chủ nghĩa Marx, tuyên truyền và khởi nghĩa vũ trang.[42]

Ngày 14/4/1924 Bác được đồng chí Pêtơrốp, Trưởng Ban Phương Đông, ký nhận chính thức làm cán bộ của Ban, có biên chế tức nhiên có lương bổng. Ở Moskva mùa đông lắm khi lạnh -40 độ âm song không nghe Bác kể nung cục gạch, hoặc sẽ phổ biến để toàn dân học tập chống rét sau này. 

 

Cục gạch 2 lỗ này là quốc bảo, đại ân nhân của dân tộc (?) là nỏ thần An Dương Vương đã đánh đuổi cả một mùa băng giá giúp Bác sống còn để hoàn tất sự nghiệp lẫy lừng xây dựng chủ nghĩa Xã hội bao cấp tiến lên Cọng sản tình đồng chí chia nhau cùng hưởng thụ.

 

Song le “Tạo vật đố toàn”, tạo hóa ghét sự hoàn toàn, lạ gì “Bỉ sắc tư phong”! 

Cục gạch nung đã đem lại quyền lực tuyệt đối, vinh hoa phú quý nơi này thì đồng thời tạo cảnh bóc lột áp bức nơi kia, đau lòng thảm cảnh kiếp nạn thùng nhân. Phạm Thị Trà My và mấy chục sinh mạng di dân lậu cùng nòi giống đã chết cóng và ngạt trong thùng xe tải lạnh -25 độ âm liều mình trốn chạy ra khỏi nước CHCNXHVN, “nghĩ thân phù thế mà đau!”

 

--------

 

Chuyện Đời Cái Sảy Nảy Cái Ung. 

-Trần Viên Viên (1624-1681) kỹ nữ, ái thiếp của tướng Ngô Tam Quế bị Lý Tự Thành chiếm đoạt. Sự kiện này đã làm sụp đổ triều đại nhà Minh vào tay nhà Mãn Thanh.

-Thái tử Áo-Hung bị ám sát ngày 28/6/1914, dẫn đến việc Áo - Hung tuyên chiến với Serbia [9][ Thế chiến 1 (1914-1918) khởi phát khốc liệt.

-Tri huyện Nguyễn Sinh Sắc tháng 01/1910 say rượu giết người bị giải chức dẫn đến Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn thành lập nước VNDCCH. Đất bằng bỗng nổi phong ba.

Có những sự việc tác hại cục bộ lại biến động thay đổi toàn diện lịch sử.

 

Giả sử cha không là cẩu quan, trái lại biết thương dân thì con đâu phải bỏ xứ ra đi và làm gì có sự kiện cục gạch nung thần kỳ cứu nước, gieo kiếp nạn thùng nhân tử biệt, đất nước hạn vận!

 

Tri huyện, một chức quan nhỏ, say rượu phạm pháp, chẳng là đại sự nghiêm trọng gì lại gây chiến tranh tương tàn Bắc Nam kéo dài giết chết 3 triệu sinh linh, miền Nam tự do, phồn thịnh bị hủy diệt, là chiến lợi phẩm và người say rượu gây án mạng được bên thắng trận tôn vinh thờ phụng! 

 

Tôi kẻ hậu sinh những mong học tập Bác chống một mùa băng giá. Cha mẹ ở tỉnh nhỏ, tôi xa nhà vào Huế, ra Vinh, vào Sài Gòn, ra Hà Nội học. Mẹ tôi đan cho tôi áo len ngắn tay, dài tay, dặn mặc nhiều lớp áo nên không cảm thấy lạnh bao nhiêu. 

 

Ban đêm tôi đắp mền (chăn). Giường nằm chỉ trải chiếu. Nếu lấy chiếu đắp lên người thì sẽ được ấm gấp bội. Tôi làm thử và thấy đúng như vậy song chưa thấy cần thiết. Ở tuổi Bác tôi không mơ tưởng thuê khách sạn ở dài ngày như Bác, mà ở trọ chung chạ với bạn bè, nằm, ngồi, viết, đọc, học hành lắm khi ngay trên giường hẹp của mình, sát cạnh giường bạn mà vẫn vui vẻ.

 

Lê Bá Vận.


 

                         RÉT THÁNG MƯỜI MỘT CON GÁI TỐT CŨNG... - Kết Nối Huế Thương | Facebook  -U9XxrpUrX7eteCUcyqt-8upAHvjuQ6w6fj61-qeFO8_1foqaddld2_quP2U_ngpI1WBPDp0HfUKg93v-dNWFLAVsQ0m5Cb--vqJZFuIN67BPHJiZG5OIEU6lL-npubcOjI67rM3

                         +1) Lồng ấp tre đan.  +2) Bác, âu phục sang trọng..

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn