CHUYẾN VỀ QUÊ & ĐƠN VỊ CŨ BẤT THÀNH - ANH PHƯƠNG Trần Văn Ngà ( Chúc Mừng !!! )

Thứ Hai, 20 Tháng Mười Hai 20217:48 SA(Xem: 3387)
CHUYẾN VỀ QUÊ & ĐƠN VỊ CŨ BẤT THÀNH - ANH PHƯƠNG Trần Văn Ngà ( Chúc Mừng !!! )

CHUYẾN VỀ QUÊ & ĐƠN VỊ CŨ BẤT THÀNH

                                                                                          ANH PHƯƠNG Trần Văn Ngà

Một tai họa nguy hiểm khôn lường giáng xuống cuộc đời tôi lúc mới có 86 cái "hoa niên" - cuộc giải phẩư lớn về bệnh tim hồi trung tuần tháng mười năm 2021. Camau - Soctrang.JPG

Sau khi đặt xong ba bypasses khá dài gần sát đường dẫn máu như "ngã ba biên giới" vào tim, mất hết 6 giờ, kết quả đặt bypass thành công tốt đẹp, nằm dưỡng bịnh tại bệnh viện Mercy, "công tử nhà quê Bà Bài" chờ ngày ra khỏi viện. 

(H: Tại Hồ Tịnh Tâm cũ năm xưa của Thị Xã Sóc Trăng - nay thay đổi hoàn toàn - điểm du lịch vui chơi của Thành Phố Sóc Trăng bây giờ).

Bổng trời đất nổi cơn thịnh nộ vì cái tánh ngang bướng, cái tội của tôi ỷ lại vào sự chịu khó tập thể dục hàng ngày từ nhỏ cho tới bây giờ, già khú đế mà còn "làm siêng" chịu trồng tưới bông hoa cây kiểng, rau xanh hàng ngày. Tôi cứ tưởng rằng lao động năng nổ như thế, chứng đong máu, mỡ trong các mạch máu chào thua. Nào ngờ..., dù già U90, tôi lại thích ăn thịt heo quay phải có mỡ cơ - ăn phở phải có thêm gầu, gân và nước béo hành trần mới đủ bộ và ăn steak phải có mỡ mới ngon, tha hồ xực tôm hùm... nên bị trời phạt. Tôi chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, nếu giải phẩu suôn sẻ chỉ năm bảy ngày, tôi được xuất viện như bao người đã đặt bypass, cho biết như vậy. Tôi gặp trường hợp ngoại lệ, đang nằm bệnh viện lại gặp biến chứng chân to như chân voi, vết mổ "cắt gân" (vein) làm bypass, từ mắc cá đến sát bên trái đầu gối chân trái, dài trên dưới 3 tấc "làm độc", bầm đen, cứng như gỗ và đau nhức dễ sợ, nay vẫn còn bầm sau gần hai tháng dưỡng bịnh tại nhà. Thế là tôi có cơ duyên ở lại bệnh viện điều trị tiếp. Chân trái vừa trị yên yên lại bị biến chứng khác, sình bụng và không đi tiêu được làm no hơi đẩy mạnh lên vết mổ dài từ ức đến bụng bị rách. May là ban ngày, buổi trưa, máu ở giữa bụng phun lên như vòi nước nhỏ, ướt cả quần áo, lan tràn cả giường nằm và rơi vải xuống nền nhà. Tôi lại có duyên bị tiếp tục được giữ lại ở bệnh viện điều trị, chỗ vết rách phải khâu ba mũi. Tưởng đâu tai họa cuộc đời tôi tới đây chấm dứt, bệnh viện Mercy sẽ "đuổi" tôi về nhà dưỡng bệnh có y tá chăm sóc và cũng như có chuyên viên hàng tuần đến nhà hướng dẫn vật lý trị liệu, chỉ cách mình đi đứng phải đi bằng walker, tập làm quen với cuộc sống mới sau cuộc đại giải phẩu đổi đời vĩ đại.

Bác sĩ cho biết, tôi sẽ xuất viện sau cuộc khám lại vết thương và các biến chứng (khám toàn diện cơ thể) có tiến triển tốt hay không?. Thế là tôi được đưa xuống tầng 1, từ tầng 3. vào một cái phòng "quang tuyến" to sù. Về lại phòng, vài tiếng đồng hồ sau, có bác sĩ chuyên khoa về phổi đến gặp tôi, cho biết là phổi tôi có nước (khoảng 2-3 giờ trưa) cần phải lấy ra gắp để cho khỏi bệnh hẳn, tôi mới được xuất viện. Thế là, sau đó nhân viên bệnh viện Mercy đưa máy móc tới phòng tôi chuẩn bị cho chuyện lấy nước trong phổi ra, bác sĩ cho biết, phổi bên trái đầy nước. May lúc đó có con gái tôi đã vào thăm và làm thông dịch viên, tôi mất tinh thần, nghe tiếng Mỹ như tiếng Campuchia ù ù cạt cạt vì hết biến chứng này đến biến chứng khác, quá chán nản. Bác sĩ cứ hẹn ngày mai xuất viện, cái kiểu hẹn ngày mai ăn bánh khỏi trả tiền đến với tôi ba lần rồi. 

Một cái máy soi đặt trên cao, bác sĩ nói với con gái tôi được con dịch lại, tôi nghe văng vẳng, mũi kim đâm vào phổi hút nước ra, đúng chỗ rất tốt. Quanh bác sĩ có đến bốn cô y tá, có cô phụ tá cho bác sĩ, có cô đến quan sát học hỏi...Chừng hơn 10-15 phút, cuộc lấy nước trong phổi ra hoàn tất, tôi nằm ngữa trở lại, bác sĩ đưa tôi xem một bịt (túi) nylong đầy nước pha máu, màu nhờ nhợ, tương tự như máu từ cái "rô bi nê" giữa bụng tôi phun ra. Túi nylong đó, to ít nhứt cũng có trên một lít nước (+ máu).

Nhờ ơn Chúa, Phật, ông bà cha mẹ tôi phù hộ, tôi thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Chiều ngày mai, chúa nhựt, tôi được con đón về nhà, sau gần đúng 17 ngày, trải qua những ngày nằm phòng ICU, thở ốcxy, ăn vạ bệnh Mercy. Đội ngũ bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện Mercy, Kaiser luôn phục vụ bệnh nhân với tinh thần lương y như từ mẫu, rất đáng trân trọng kính phục.

Trước đây, tôi đã xin bác sĩ gia đình không uống aspirine thường xuyên vì tôi thuộc loại có máu loãng, tôi tin như thế. Mười sáu năm trước, tôi được đặt một cái stent (nong mạch máu vì có máu đong và mỡ) - đối diện với 3 cái bypass mới đặt, dù bác sĩ không nói tại vì tôi không uống aspirine thường xuyên. Tôi tạm hiểu, đó là lý do mạch máu dễ bị máu và mỡ đóng lại trong mạch. Theo lời bác sị, những người từng đặt stent và bypass cần phải uống aspirne thường xuyên. Bác sĩ còn cho biết hiện tôi đang điều trị uống aspirine độ cao trên dưới 300 (đơn vị). Khi về điều dưỡng tại nhà, tôi phải uống aspirine từ đây đến hết cuộc đời còn lại, nhưng uống loại aspirine 81 - viên aspirine nhỏ xíu mà vô cùng có ích lợi to lớn cho những ai đã đặt stent, bypass và những ai muốn đề phòng bị đong máu, mỡ...trong mạch máu.Gross Anatomy Of The Human Heart Poster

(H: Human Heart trên Google).

Với vài biến chứng chết người, tưởng đâu, đầu tôi quay về quê hương ấp Bà Bài - Châu Đốc sum họp với ông bà cha mẹ, anh chị em tôi đã về định cư tại ấp Bà Bài chôn nhau cắt rún này từ khá lâu rồi. Gia đình họ Trần ở xứ quê mùa này có 11 anh chị em cùng một hệ chánh quy - đã có 5 anh chị em chết hồi nhỏ, tôi không nhớ mặt, tôi là người cuối cùng và may mắn "thọ" nhứt trong gia đình tôi. Sau gần đúng 17 ngày nằm bệnh viện Kaiser Permanente và Mercy General Hospital ở Sacramento, đã được cứu tử, chận được "cơ may hiếm có" của tôi trở về với quê hương sum họp với gia đình mà khỏi phải mua vé máy bay và xin Visa nhập cảnh Việt Nam.

Tôi viết bài này với cách nhập đề lung khởi, dài dòng lê thê cũng là cách giải tỏa được ức chế sau gần 2 tháng tôi chỉ nằm trong phòng bệnh viện hay về nhà, nằm riêng một phòng rất cô đơn, chỉ có nhìn tường bao quanh, trần nhà mà tôi tưởng là bầu trời trong xanh, tôi mượn lời ca của bài Sầu Vương Biên Ải mà Vua vọng cổ Út Trà Ôn ca mùi tận mạng: "nhìn trời hiu quạnh - rừng đêm giá lạnh, chốn quê nhà chạnh nỗi niềm riêng... ơ ơ ơ...tắt đèn màu cái bựt, giống hệt như tiếng bựt báo hiệu lòng ngực tôi bị mổ banh ra, bác sĩ làm việc, đặt bypass.

Trước  khi có cuộc đại giải phẩu, tôi bị gây mê, có lẽ mê chưa đạt đích 100%, mới có 99.9%, tôi nghe một cái bựt (cảm nhận là kéo hay dao cắt cái ức tôi ra). Thế là tôi có cảm nhận hồn tôi lìa khỏi xác, tôi viết lại sự kiện này về Hồn và Xác của con người qua kinh nghiệm bản thân của tôi trước ngưỡng cửa sanh tử của đời người và tôi có dậm mắm dậm muối cho thêm đậm đà.

Bác sĩ chuyên khoa tim ở General Hospital Mercy cho biết, dù tôi tuổi cao mà sức khỏe chung chung còn tốt, phổi tim tốt, đầu óc minh mẫn...Tôi nghĩ, nhờ tôi chịu đi gym, tập thể dục, bơi lội cũng như hàng ngày "lao động chân tay" chăm sóc vườn rau, bông hoa cây cảnh nên giúp tôi yêu đời và còn viết lách linh tinh nữa nên tôi mới có đủ nghị lực sức khỏe vượt qua đại hoạ.

Cuộc trở về quê hương Bà Bài - Châu Đốc và đơn vị cũ Quân Đoàn IV - Cần Thơ, tôi hoàn toàn thất bại, không có ai đón nhận tôi về sum họp với đại gia đình họ Trần ở quê xưa cũng như đơn vị phục cũ, tôi không có gặp giới chức nào cả để tôi xin phục vụ trở lại.

Vì hai lý do trên, tôi vội quay gót trở về Hoa Kỳ nên quý vị độc giả đọc được bài viết mới của tôi sau 2 tháng trị và dưỡng bịnh. Tôi cố gắng ngồi gõ phiếm viết bài Hồn có thật không ở dưới đây:


HỒN CÓ THẬT KHÔNG?

HỒN & XÁC TUY HAI MÀ MỘT

Một chiều thu se lạnh, trung tuần tháng 10.2021, con gái út tôi đã lấy hẹn với hệ thống pharmacy CVS - Sacramento, đến nhà chở Ba Mẹ đi chích ngừa COVID 19 mũi booster - mũi thứ ba của Moderna, lúc ấy khoảng hơn 3 giờ chiều. Đến pharmacy CVS đường Mack Road gần DMV, nơi đây cho biết chúng tôi phải qua một pharmacy CVS khác ở vùng Laguna. Tôi bảo con gái hãy chạy đến bệnh viện Kaiser Permanente ở đường Bruceville gần đó, "thả" tôi xuống khu cấp cứu của bệnh viện để tôi khám bệnh và con chở mẹ đi chích ngừa một mình, Ba sẽ đi chích ngày khác. Chuyen Dong Que 2 - Khu dat noi sinh cua TV.jpeg.jpeg

(H: Bến ghe xuồng năm xưa của gia đình tôi ở bờ kinh Vĩnh Tế - vùng đất Bà Bài).

Lúc bấy giờ như có người "khuất mặt khuất mày" nào đó mà tôi nhở ở nhà quê thường nói cụm từ này - xúi bảo tôi đi khám bệnh Emergency ngay chiều đó, mà thật sự trong người tôi cũng cảm thấy bình an như mọi ngày. Nếu duy tâm, tin có cõi trên như bảo rằng tôi "phải" vào Emergency khám bệnh và xem coi viện này có làm tốt hơn các bệnh viện khác trước đây? mà tôi có nhiều kinh nghiệm tự đi khám emergency. Bệnh nhân tự đến "nạp" mình phòng Emergency phải chờ dài cổ. Trừ phi, bệnh nhân vào chỗ chờ đợi lăn đùn ra nằm bất tĩnh mới có cơ may được đưa ngay vào phòng cấp cứu, hay từ nhà gọi 911 đưa đi cấp cứu mới được đưa thẳng vào nơi cấp cứu. Đi cấp cứu cũng nhiêu khê lắm. Cái lý cớ thứ hai tôi đi khám bệnh Emergency, trước đó 2 ngày, một buổi trưa, sau khi tập trên các trợ huấn cụ tay chân, bụng lườn xong tôi xuống hồ bơi của gym 24hours fitness đường Bruceville - Sheldon bơi 3 vòng như từ  khi tôi trở lại tập ở gym trong mùa đại dịch COVID 19. Ở gym này, tôi đã đi tập thường xuyên lúc ban đầu (18 năm trước) bơi được 20 vòng với 4 thế chánh thức của làng bơi chánh quy: bơi sãi, ngữa, bướm và bơi ếch. Nay qua tuổi U90, hết xí quách và nghỉ bơi cũng chừng 5 năm, nay còn bơi được 3 vòng. Ngày hôm đó, tôi bơi chưa hết 1 vòng cảm thấy mệt, cố gắng bơi đúng 1 vòng thì vội vã lên bờ ngay và qua hồ Spa nước nóng vì tôi cảm thấy như nhói tim và sợ nước (dù hồ bơi trong nhà có điều hòa nhiệt độ nên nước không lạnh như các hồ bơi ngoài trời).

Khi vào phòng cấp cứu cũng xếp hàng lấy tài, sau chừng hơn 5 phút tôi được gọi đến khai trình mọi thứ về chứng bịnh gì đó mới vào đây. Tôi khá lanh trí, khi sắp đến bệnh viện, nói con gái tôi gọi bác sĩ gia đình Timothy Ngô (người Việt - quê ở Huế - Kaiser Permanente) nói về triệu chứng nhói tim...mà bác sĩ Ngô đã cho tôi thuốc uống trị bịnh liên quan đến tim và huyết áp kể cả đường cao (3 cao: cao máu, cao mỡ, cao đường). Qua cô y tá, Bác sĩ Ngô bảo tôi đến khám bệnh ngay và ông gởi gắm bác sĩ trực khoa cấp cứu là bạn thân với ông sẽ giúp tôi...Có phải vì biết trước, có bệnh nhân về tim đến khám cấp cứu mà bác sĩ (Mỹ trắng) đến khám sơ khởi và nói bác sĩ Ngô có gọi cho biết tên tôi. Chờ đợi thêm hơn 5 phút, tôi được đưa vào khu cấp cứu nằm trên giuờng đa dụng, chờ tới lượt xét nghiệm, chụp X - Ray, bác sĩ cho biết, tôi phải ở lại Kaiser đêm nay để xét nghiệm nhiều thứ kể cả thử máu và các xét nghiệm cần thiết cũng như thông tim...Sáng hôm sau, sau bữa ăn sáng, tôi được bác sĩ nữ - gốc Ấn Độ của Kaiser đến gặp tôi nói tôi bị chứng đong máu mỡ cần phải đưa đến một bệnh viện khác - Mercy general hospital ở đường J (chuyên khoa điều trị bệnh tim rất nổi tiếng ở Sacramento). bà bác sĩ hỏi tôi có đồng ý hay không? hay còn chờ hỏi lại gia đình. Tôi đồng ý liền, một xấp giấy tờ được một y tá đưa đến, bảo  tôi ký tên nhiều chỗ, đặc biệt liên lạc khẩn cấp liên lạc với ai, tôi cho tên và số điện thoại của 2 đứa con gái vì chúng là công chức, dạy học nên tiếng Anh khá lưu loát.

Sau các xét nghiệm mới cũng như chụp X - Ray xong đâu đó, một bác sĩ gốc Hồng Kông đến cho tôi biết, máu và mỡ đong trong mạch máu tại một vùng "ba biên giới" đi vào tim bị nghẹt khá dài, cần phải giải phẩu ngay, để lâu hay bị chậm trể, bị vỡ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Tôi nói OK và thủ tục giấy tờ cũng chóng vánh. Một nhân viên nam đến xin phép tôi cho anh ta "mần lông" hai bên rừng thưa của thằng nhỏ, tôi nói "no problem", anh ta nói hai chỗ cạo lông này năm bảy ngày sẽ mọc lại như xưa mà cũng hoe hoe bạc bạc như tóc của ông vậy. Tôi tủm tỉm cười, nói thầm sá gì ba cái lẻ tẻ đó, thằng con yêu quý của tôi còn nguyên vẹn mà cũng co đầu rút cổ cũng chẳng làm nên cơm cháo, trò trống tích sự gì hết. Thật chán cái mớ đời!

Con gái tôi, sau giờ dạy học, 4 giờ chiều chạy vào bệnh viện thăm tôi và cháu hỏi bác sĩ chừng nào, bác sĩ cho biết phải mổ ngay, tôi sắp được có bác sĩ gây mê đến gặp tôi. Khi ông hỏi tôi tên gì, sanh ngày tháng nào, ông chích thuốc mê hồi nào tôi chẳng biết mà tôi cảm thấy mình không còn biết, không nghe gì được nữa.

Hồn vía tôi (ba hồn - bảy vía) đang phiêu diêu quanh quẩn đâu đó, bổng nghe một cái bựt, đánh thức trí ức báo cho biết hồn lìa khỏi xác. Lúc bấy giờ, tôi có cảm nhận, hồn tôi như con chuồn chuồn hay như bây giờ là chiếc drone nhỏ tí tẹo bay lơ lửng ngòai không gian vũ trụ, cứ bay về hướng trái ra biển Thái Bình Dương. Bổng thần trí tôi cảnh báo con chuồn chuồn hay chiếc drone hồn tôi nhỏ xíu làm sao chống chọi với giông bão cấp bốn đang hoành hành dễ sợ ở vùng vịnh Mexico (khoảng 20 - 25 tháng 10.2021). Thần trí vừa mới nghĩ, sợ siêu bảo đánh tan xác hồn tôi đang bay lơ lửng về quê hương yêu dấu của tôi - Ấp Bài , xã Vĩnh Nguơn, trên bờ kinh Vĩnh Tế - Châu Đốc.

Thật quá bất ngờ, thần trí đang suy nghĩ vẩn vơ, trong tíc tắc, bổng đâu đầu kinh Vĩnh Tế hiện ra rực rỡ màu sắc lung linh (bờ kinh Vĩnh Tế bên phải, sâu chừng 1 cây số rưỡi sẽ giáp giới với xứ Chùa Tháp Cao Miên - bên trái đầu kinh Vĩnh Tế là khu hảng rượu Vĩnh Phong Long, cũng đánh dấu vòng châu vi Thị Xã Châu Đốc). 

Hồn tôi về Bà Bài, bay dọc theo con kinh Vĩnh tế, mà tôi thấy màu sắc xanh trắng đỏ, đủ bảy màu cầu vòng rực rỡ quá đẹp quá tuyệt vời chớ không phải như tôi biết hai bên bờ kinh Vĩnh Tế từ đầu kinh đến Bửng Cây Mít - qua khỏi ấp Bà Bài chừng 4 cây số, nhà cửa đìu hiu, xiêu vẹo, nghèo khổ tận mạng. Nay, sao nhà cửa khang trang, đủ sắc màu huyền diệu của cõi trên. Như ánh chớp, hồn tôi bay về đến đầu ấp có ngôi chùa Bồng Lai của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương vô cùng tráng lệ, đẹp quá chừng chừng. Một cái rẹt hồn đến nhà tôi, bây giờ nhà lại to lớn màu sắc chói mắt, cây cảnh sum suê cao nghệu và nhìn ra đồng lúa vàng bát ngát mênh mông đến tận chân trời đến đất Miên, không phải màu vàng của trần thế mà màu vàng của cõi trên. Lúa trổ bông cao khỏi đầu người, không phải lúa sạ, nổi và sống theo con nước lên xuống như năm xưa, không có bông lúa vàng trĩu nằm rạp trên đất ruộng, màu sắc technicolor. Lúa ở cõi trên, và cái gì của cõi trên cũng đẹp và huyền bí tuyệt vời, hoàn toàn khác biệt với thế gian trần trụi này.

Cứu cánh của hồn tôi là muốn về thăm quê hương đất nước - ấp Bà Bài muôn vàn kính yêu - là vùng đất tự do màu mỡ nhứt tỉnh, nhà ở không cần đóng cửa, rất an bình hạnh phúc mà cả dòng họ nội ngoại của tôi sanh sống lớn lên và chọn đất Bà Bài làm tổ ấm sau khi lìa đời. Tôi về đến ấp Bà Bài là muốn gặp ngay Ông Bà nội & ngoại và Ba Má anh chị em tôi. Nhưng, rất tiếc, cảnh cũ hoàn toàn thay đổi ở cõi trên đẹp quá, mà người xưa ông bà cha mẹ anh chị em tôi đều vắng bóng, không có một người đón tiếp tôi.

Tôi tiu nghỉu, rời nơi chôn nhau cắt rún ngay tức vì buồn quá, hồn lại từ giả quê hương và "cứ hẹn mà đừng về nhé", tôi tự nhũ không bao giờ trở lại nữa và quyết gởi hồn xác tôi ở lại Sacramento của tiểu bang vàng California - Hoa Kỳ. Và chỉ một "sát na" cái rẹt, tíc tắc, hồn tôi đáp xuống sân cờ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 và Vùng IV Chiến Thuật cũng có cờ Tướng Tư Lệnh bay phất phơ - Đại lộ Hòa Bình Cần Thơ. Cờ xí - màu vàng ba sọc đỏ treo rợp trời cả Bộ Tham Mưu của Quân Đòan IV và kể cả bên kia đại lộ Hòa Bình, đối diện với cổng chánh BTL/QĐ4 là Khối chiến Tranh Chánh Trị Quân Đoàn IV, tôi không gặp một mống, chiến hữu nào hết, chỉ có một mình thằng tôi. Buồn năm phút, tôi vào khu Miếu Tiên Sư, cuối BTL/QĐ4 - sát đường Pasteur và tường rào trường Trung học Phan Thanh Giản - Cần Thơ, hai bên có hai dảy cư xá sĩ quan độc thân và có gia đình, mà vợ chồng chúng tôi ở đây, từ hồi còn  độc thân  cho đến lúc thành vợ chồng - nhiều năm, trên 6 năm và sanh hai đứa con lờn cũng được nuôi dưỡng trong cư xá độc thân này.

Quả thật buồn tình, mình về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn để sum hợp với gia đình không gặp ông bà cha mẹ, anh chị em nào hết. Bay về Cần Thơ, chỗ làm việc tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV, phục vụ ngành thông tin báo chí Quân Đội những năm dài mà tôi yêu nghề cho đến bây giờ và cho đến chết. Chẳng gặp sếp lớn sếp nhỏ và nhân viên nào hết mà anh em phe ta cùng ngành chiến tranh chánh trị đã có nhiều mạng thuyên chuyển về Vùng V Chiến Thuật rồi. Cái buồn này da diết thật, tôi đi bộ một vòng từ Khối chiến Tranh Chánh Trị, nơi tôi làm việc năm xưa, đến câu lạc bộ sĩ quan của Quân Đoàn mà tôi có nhiều lần ăn tiệc mừng thăng lon thăng chức của nhiều sếp và bạn bè từ các đơn vị xa về Quân Đoàn có việc cần cũng thường nhờ tôi "bút" phòng trước (câu lạc bộ sĩ quan có phòng ngủ rất ít)C:\Users\Owner\Music\Pictures\Ban Do Mien Tay.png

(H: Bản đồ Miền Tây vẽ lại sau năm 1975 , thêm tỉnh mới là Long An - mất 6 tên tỉnh cũ: Gò Công - Kiến Tường - Sa Đéc - Kiến Phong - Châu Đốc và Chương Thiện).

 Có thể nói, tại Bộ Tham Mưu Quân Đoàn IV, tôi là thổ địa của Thị xã Cần Thơ nên nhiều người ngoài Quân Đoàn, bên tòa hành chánh hay các quán ăn , khách sạn cũng biết tôi nhiều. Sau khi ghé thăm lại câu lạc bộ sĩ quan, tôi băng qua bên kia đường, gần sân tennis có quán ăn nổi tiếng về món trứng chiên "omelette & sur plat", làm theo  kiểu cách "gout francais". Và từ đó - đường Nguyễn Trải, đến ngã tư đường gần Tòa Án. Nếu đi ngang qua Tòa Án và đi thẳng xuống bờ sông gặp quán nhậu nổi tiếng Vĩnh Ký với các món ăn độc đáo: rùa, rắn, lươn, ếch chiên bơ, chim ốc cao, chằng nghịt, mỏ nhác rô ti, cơm tay cầm ngon bá chấy, chúng ta sẽ nhậu quắc cần câu và chắc chắn là quên đời... Đến ngã tư, thay vì đi thẳng, tôi quẹo trái ra Bến Ninh Kiều ngắm cảnh dập dìu tài tử giai nhân, trên bến dưới thuyền luôn luôn tấp nập ngược xuôi trên dòng sông Hậu. Hồn tôi đi qua quán (tiệm) bán sách báo gần như độc nhứt của Thành Phố Cần Thơ - Văn Nhiều - mà hàng ngày vào các buổi chiều có rất nhiều quân nhân, giáo chức, sinh viên... thường la cà mua sách báo hay đọc nhựt báo cọp... từ Sài Gòn mới chở về. 

Sở dĩ Cần Thơ được mang danh là Thủ Đô của Miền Tây - Đồng bằng sông Cửu Long với sự quản trị rộng lớn địa bàn của 16 tỉnh , 92 quận của Miền Tây năm xưa, trước năm 1975. Tại đây có Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV & Vùng IV Chiến Thuật (sau đổi tên là Quân Khu 4). Tại đầu nào Miền Tây có Tòa Đại Biểu Chánh Phủ Miền Tây (Tư Lệnh QĐIV & Vùng IV Chiến Thuật kiêm nhiệm chức Đại Biểu Chánh Phủ) - đài truyền hình Cần Thơ - số 7 (đài TV Sài Gòn mang số 9) - đài phát thanh (từ Ba xuyên dời về Cần Thơ) và đủ các cơ cấu tổ chức quân sự hải lục không quân. Bên hành chánh với các nha sở quan trọng đều hiện diện, đóng đô tại Cần Thơ. Ngoài ra tại Cần Thơ còn có một tờ nhật báo - Nhựt báo Miền Tây, tòa soạn, in ấn và phát hành tại Cần Thơ phân phối khắp các tỉnh miền Tây trước năm 1975. Tờ nhựt báo Miền Tây ban đầu với sự chủ trương của nhà văn nhà báo, cựu Thiếu tá phế binh QLVNCH Nguyễn Bính Thinh (bút hiệu An Khê và anh đã qua đời tại Pháp trên dưới 10 năm), tờ nhựt báo này chết yểu. Sau có người khác (từ năm 1970, tôi đã rời khỏi Cần Thơ thuyên chuyển về Khối Thông Tin  & Giao Tế Dân Sự thuộc Bộ Tham Mưu Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị ở số 2 Ter đại lộ Thống Nhất - Sài Gòn, nên không rõ tên chủ nhiệm và tên tờ báo) cũng không thọ lâu và chết trước 30.4.1975.


Từ Bến Ninh Kiều lái xe ngang cầu Cái Răng, tôi lại bắt gặp đài phát thanh Cần Thơ - gần cầu Đầu Sấu, Chợ Nổi Cần Thơ ở Cái Răng và cây cầu dài hiện đại, đẹp nhất Việt Nam bắt qua sông Hậu. Tôi dự trù tôi đến tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng) thăm lại cảnh cũ người xưa của đài phát thanh Ba Xuyên, đặc biệt đến quận lỵ Bãi Xàu (Châu Thành - Mỹ Xuyên) ăn đuông chà ngon hết xẩy tại các quán nhậu giữa trời, có nhiều tiếp viên nữ xinh đẹp, ăn diện thiếu vải, khoe "3 vòng chiến thuật" giết đám ông như chơi. (H: Chợ nổi Cần Thơ nổi tiếng sầm uất nhứt Miền Tây). Khi quay trở lại Cần Thơ, tôi sẽ ghé qua mua một ít "mè láu - bánh pía - lạp xưởng Quảng Trân" ở Vũng Thơm...những món ăn ngon khoái khẩu của đời lính của tôi. Chợ Nổi Cái Răng - Cần Thơ.png

Tôi lái xe mới tới ngã ba lộ tẻ đường đi vào tỉnh Chương Thiện, thấy bình xăng cạn, tôi tấp vào cây xăng năm xưa, trước năm 1970 đơn độc buồn hiu. Nay, hồn tôi thấy tại đây có xây dựng một bệnh viện hiện đại nhiều tầng và đường vào Chương Thiện, binh đinh mọc lên như nấm. Tôi bước xuống đưa tiền cho chủ cây xăng, có nhân viên đổ xăng giúp mình.

Bổng có một vị bác sĩ, mặc trang phục trắng tinh có thêu bảng tên và hình biểu tượng của ngành Y, trên cổ áo có đính miếng vải nhung đen như là cái nơ, tượng trưng của các Linh Mục Thiên Chúa Giáo La Mã khi mặc y phục thường. Như vậy vị bác sĩ này cũng là vị Linh Mục nữa. Tôi đang chờ đổ xăng xong, sẽ lên xe lái về hướng Sóc Trăng. Ông bác sĩ đi xâm xâm lại tôi, chào hỏi, có phải ông là TVN vừa trải qua cuộc đại phẩu về bịnh tim ở Mỹ. 

Ối giời ơi! tôi lạnh xương sống, cả người nổi da gà, thật quá bất ngờ, tại sao ông bác sĩ này biết  tôi đến đây. Hồn tôi nghĩ thầm chỉ có người khuất mặt khuất mày, cõi trên hay Nam Tào Bắc Đẩu hoặc Thánh Thần Chúa Phật mới biết rõ mọi chuyện của trần gian. Hồn tôi cũng nổi da gà, kinh ngạc vô cùng tại sao ông ta biết tôi trị bịnh tim suýt chết qua 3 biến chứng. Vị Bác sĩ-linh mục mời tôi qua văn phòng làm việc của bệnh viện, cách cây xăng vài chục mét. Tôi đồng ý lên xe, lái sang bệnh viện, vị bác si-linh mục vụt biến mất, thần trí báo hồn tôi cũng nổi da gà lần nữa, rùng mình vì ngoài sức tưởng tượng. Tôi cũng cố gắng đến cửa bệnh viện, đã có 2 nhân viên cũng trang phục trắng tinh đứng chờ mở cửa mời tôi vào gặp Giám đốc bệnh viện cũng là vị bác sĩ-linh mục mà tôi đã gặp tại cây xăng. Ông Giám Đốc đang ngồi chễm chệ tại bàn làm việc to tổ chảng. Bác sĩ vội vã đứng dậy đến bắt tay tôi mời tôi lại xô pha ngồi đàm đạo. Cái xô pha êm ru bà ru mà ở thế gian cở tỷ phú Amazon Bezos hay tỷ phú Bill Gates cũng chào thua vì quá đắt mà ở trần gian làm gì có, chỉ cõi trên mới có mà thôi. Tôi ngồi xuống sướng tê gân, rất đã cho cái mông lép xẹp của một ông già 86 tuổi mà bị bịnh tim "bỏ ăn" hay biếng ăn gần đúng 17 ngày ở bệnh viện chỉ còn da bọc xương.

Bác sĩ-linh mục mở đầu câu chuyện hấp dẫn, ông cho biết ông theo dõi từ lúc tôi nhập viện Kaiser khám bịnh emergency. Tôi đã tự ý đi khám bịnh emergency dù chưa có dấu hiệu bệnh tật nào cả, giới y khoa nói ngừa bịnh hơn trị bịnh và tôi vui vẻ mau mắn trả lời đồng ý thông tim - một quyết định sáng suốt, đúng lúc kịp thời cứu mạng sống. Sau đó Kaiser phát hiện 3 đường dẫn máu của tôi gần sát trái tim như vùng "ngã ba biên giới" bị máu mỡ "đắp mô", phải cắt bỏ, nếu nhỡ bị bể chỉ một trong 3 mạch máu bị bể thì cũng nguy to. Bác sĩ Kaiser nói, bệnh của ông khá nguy hiểm cần phải giải phẩu ngay, bác sĩ hỏi tôi có đồng ý hay còn hỏi lại gia đình?. Con gái tôi vốn là giáo chức, cháu rất cẩn thận, gọi điện thoại dặn dò tôi trước, khi nào bác sĩ hỏi Ba về giải phẩu, Ba cho con biết (cháu sợ tiếng Mỹ của tôi nghe ba trật bốn vuột, không chắc ăn). Tôi không đắn đo suy nghĩ, trả lời cái rụp liền "đồng ý - OK".  Nữ BS tim ở Kaiser còn cho biết, ở đây không mổ ca tim này được, sẽ chuyển đến Mercy General Hospital - tôi cũng OK liền.

Dễ sợ làm sao, bác sĩ-linh mục biết tôi đặt bypass suôn sẻ, sau đó bị ba biến chứng đều nguy hiểm nhờ tôi có sức khỏe tốt của giới cao niên nên vượt qua được. Ông Giám Đốc bệnh viện khen tôi nức nở, tôi có tinh thần cởi mở, nhạy bén, quyết đoán nhanh như một bác sĩ ở cõi trên. Ông nâng "quan điểm" gọi tôi là bác sĩ. Tôi thưa rằng, tôi không dám nhận vì ở trần gian , tôi chỉ là một nhà giáo, vào Quân Đội thành phóng viên chiến trường, thành nhà báo Quân Đội, chuyên viên phát thanh và viết bài cũng như cộng tác với những tờ báo Nhựt và vài tờ báo Việt...

Vừa nói tới đây, mộng ước thăm viếng Sóc Trăng của tôi bất thành, tôi nghe tiếng động của chiếc giường tôi nằm chạm vào thang máy đưa tôi lên phòng ICU của bệnh tim ở lầu 3 - Mercy General Hospital (đường J Sacramento), đánh thức, tôi giựt mình tĩnh dậy, cũng chấm dứt câu chuyện kiểu giả tưởng, cõi trên, hồn lìa khỏi xác. Nay hồn trở về nhập lại xác phàm của tôi. 

Hồn tôi bay một cái rẹt về Việt Nam - Châu Đốc - Bà Bài - Cần Thơ và dự định đi xe ô tô về Sóc Trăng... mất mấy chục ngàn cấy số đi về Việt Nam và trở lại Mỹ mà mất chừng chục phút, đúng với các truyện thần tiên, ở cõi trên 1 phút bằng thời gian ở thế gian cả mấy ngày, tuần... Tôi muốn đi Sóc Trăng nhằm trở lại nơi làm việc năm xưa trong Quân Đội (Trung Đoàn 33 - Sư Đoàn 21 BB) và thời gian tôi quán xuyến chương trình phát thanh Tiếng Nói Vùng IV Chiến Thuật trên làn sóng đài phát thanh Ba Xuyên. Và đặc biệt lúc đó, có nhà thơ nổi tiếng Tô Thùy Yên phụ tá tôi (TTY, khóa 16 Thủ Đức - Thiếu tá Đinh Thành Tiên, đã qua đời ở Houston - Texas cách nay vài năm).

LỜI KẾT

Cái buồn cười và thắc mắc của tôi, tại sao ông bệnh viện Mercy chặt đẹp. Trong lúc tôi còn khỏe mạnh chưa mổ xẻ gì hết, chuyển tôi từ Kaiser về Mercy với một xe ambulance, không có y tá nào ngồi gần trong chỗ bệnh nhân nằm mà hai nhân viên Mercy có nhiệm vụ đưa tôi đi về Mercy, ngồi trước, một ông lái xe và một ông ngồi tán gẩu. Chừng 15 phút, xe tải thương từ Kaiser về đến Mercy mà sau này, khi xuất viện, bill thông báo gởi về nhà tính cuốc xe "kim cương" đó lên đến 8 ngàn (hay tính lộn 8 trăm?). Nếu tôi đi taxi (sức khỏe có thừa) tốn chừng trên $20. Ôi! tội nghiệp cho ông Nhà Nước - Medicare!!!. Còn tôi nằm bệnh suốt gần 17 ngày với ca mổ đặt bybass mất 6 tiếng cùng với 3 biến chứng, có hàng chục bác sĩ, y tá  thường xuyên chăm sóc, tôi nhẩm tính chắc sơ sơ cũng đến mấy trăm ngàn hay nửa triệu đô la Mỹ. Như vậy, tôi thuộc loại "súp be" giới đại gia, vua chúa, chịu chơi không phải chơi chịu để ông Nhà Nước "cô vơ" hết các cái. Hay ở chỗ mình hưởng thụ mà có người (medicare & medical) è lưng ra gánh chịu, hèn chi người ta nói nước Mỹ là Thiên Đường của hạ giới.

Thú thật, tôi rất cảm kích sự chăm sóc chửa trị bệnh tình tôi có nhiều trắc trở mà các nhân viên bệnh viện Kaiser và Mercy cũng như đội ngũ bác sĩ chuyện khoa và y tá tận tuỵ phục vụ hết lòng, đúng với câu lương y như từ mẫu, tôi xin bái phục và bái phục. Khi nằm điều trị, cứ chừng 2 giờ, ngày cũng như đêm các y tá (nurses) đến thăm viếng, đặc biệt đo huyết áp trồi sụt bất thường dễ sợ, từ gần 200 xuống 90 của độ cao và và độ thấp của huyết áp lên xuống không quá chênh lệ. Còn nhịp tim nhảy loạn cào cào châu chấu (có lẽ hồi trai trẻ tôi yêu lung tung nhiều quá, nay tim thích nhảy tuýt). Các cô nurses của Mercy vô cùng dễ thương cho tôi uống, chích gân thuốc liên tục hay thay thuốc khác. Hai cánh tay và mu bàn tay trái, phải, bị chích gân có đến gần cả trăm lần, cho nên gân sợ lặn mất. Vì vậy nhiều lần chích phải điều chỉnh kim hai ba lần, đau quá trời. Tôi phá tan cái sợ đau, thường nói đùa với cô gốc xẩm: nị dách lầu - ngộ xập lầu - nghĩa là cô số 1, tôi số 10 mà xập lầu còn hàm ý là tôi dễ chết lắm vì lầu bị sập. 

Tôi có nhiều kính trọng và biết ơn đội ngũ bác sĩ y tá và nhân viên bệnh viện Mercy đã hết lòng phục vụ giúp và an ủi tôi trong cơn thập tử nhứt sinh. Ban đêm hay ban ngày, bất cứ lúc nào tôi bấm vào nút cần gặp y tá có một hay hai người tức tốc chạy đến phục vụ tôi, như thay quần áo vì tè ước quần và cả drap... hay đi cầu, tôi khỏi phải "chùi đít", có chút nước tiểu vung vải, có nhân viên đến lau sạch ngay, cần nước uống có người đưa ly đến tận miệng...Tôi nói đùa với con gái, Ba làm đại gia, làm vua tại Mercy hơn 2 tuần quá đã. Nhưng mà, Ba không muốn trở lại đâylần nữa. Tôi quá cảm kích tinh thần phục vụ của nhân viên bệnh viện Mercy, mình nói lời cám ơn cũng chưa đủ, phải có một nghĩa cử gì đó chứng tỏ mình là người Việt Nam có văn hóa biết kính trọng công việc làm cao đẹp của họ. 

Trước khi được xuất viện, tôi xin phép trước mua pizza mời hết các nhân viện đội ngũ bác sĩ y tá ở lầu 3 chuyên trị tim (tôi đoán cũng khá đông 30 - 40 người hay hơn) "dùng lấy thảo" với một bệnh nhân gốc Việt. Khi con gái tôi và nhân viên đẩy xe lăn ra khỏi phòng, dọc hành lang, các cô nurses đứng lên trong các quày hay văn phòng trực, các cô vỗ tay tiển đưa chào tôi, như mừng sự ra về bằng an của tôi, đủ thứ ngôn ngữ từ giả: Tây, Tàu ,  Nhựt, Phi, Việt, Mỹ đều có đủ, quả thật làm ấm lòng chiến sĩ già chưa chịu giả từ vũ khí, còn yêu đời sẽ còn sống thêm dài lâu.@

Anh Phương TRẦN VĂN NGÀ - Sacramento - Mùa Giáng Sinh năm 2021

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn