Từ Ghép Và Láy Trong Tiếng Việt Có Đặc Điểm Gì? - Lê Bá Vận.

Thứ Bảy, 08 Tháng Tám 20208:43 SA(Xem: 5866)
Từ Ghép Và Láy Trong Tiếng Việt Có Đặc Điểm Gì? - Lê Bá Vận.
KK0bCN-IC9DZjr4KlEDlpJP6cmXgnOxmABi1k6Ipemh_Fg-0et-dRxUJqrydZQCAoZxMs4IPBcbd7jLU2pQChIct4s-qJtjG6pHG_m0pKuFZPDk1N2LkCTdZfCB3vRjD7p21Hxbxh9F83w2Uqg

       Từ Ghép Và Láy Trong Tiếng Việt Có Đặc Điểm Gì?

                                  Từ ghép là gì? Vai trò của từ ghép trong câu 

Tiếng Việt đơn âm tiết, số lượng từ hữu hạn, muốn làm giàu phải trông cậy nhiều vào các từ ghép.

I) Giới Thiệu Mở Đầu. Từ “đơn” và “phức”.

+Từ “đơn” nội địa và ngoại lai.

    -Từ nội địa, xưa, gồm 1) từ Nôm, vd: vợ, con. 2) từ Hán Việt, vd: thê, tử. 3) từ riêng, thuộc dân tộc thiểu số, vd: họ Kbôr, tên Djrueng, dân tộc Jrai (tỉnh Gia Lai).

    -Từ ngoại lai, mượn từ thời Pháp thuộc, chủ yếu từ Pháp, Anh, vd: xăng, len, kem, fax.

+Từ “phức” kết nối nhiều từ đơn để tạo một nghĩa chung, vd: phú quý (2 từ), tất tần tật (3 từ), cha căng chú kiết (4 từ)… Trong từ phức thì từ đôi, (kết hợp 2 từ đơn), chiếm tuyệt đại đa số.

Từ đôi chia thành:

     -Từ ghép, là từ đôi ghép nghĩa, theo ngữ nghĩa. Từ vô nghĩa ít khi sử dụng.   

     -Từ láy, là từ đôi ghép âm, theo ngữ âm. Để láy phải sử dụng từ vô nghĩa.   


II) Từ Ghép.

1)  Cấu Trúc: Thuần và Lai.

     1.1-Từ ghép thuần. 

        a- thuần Nôm, vd: đất nước, xinh đẹp, ăn nói .

        b- thuần Hán, vd: giang sơn, tráng lệ, hữu tình.                          

        c- thuần Pháp, Anh, vd: lò xo, va li, cà rốt, mít tinh, ra đa (có thể là từ đơn đa âm tiết).

     1.2-Từ ghép lai. 

        a- lai Nôm-Hán: thầy giáo, lính thủy, trưởng lớp, sự việc, thất thiệt, xét xử, bác/bãi bỏ…

        b- lai Nôm-Pháp, Nôm-Anh: bơ sữa, đèn pin, bia hơi… chạy sô, quần soọc, xe gíp ... 

        c- lai Hán-Pháp, Hán-Anh: trực gác, trưởng ga, kính lúp… tiền típ, nhạc rốc, vôn kế…

   Từ lai (hybrid) là từ ghép khác gốc vd: television, tele gốc Hi Lạp, visio gốc Latin.

2) Phân Loại: Chính và Phụ.

      2.1- Từ ghép “chính chính” (đẳng lập).

Cả 2 từ trong từ đôi chính-chính quan trọng ngang bằng: giữa chúng có thể viết “và/hoặc”.

Chúng kết hợp theo ngữ nghĩa: 

a) liên quan (đa số): búa rìu, rừng núi, danh lợi, triển khai, đắng cay, cảm thông, thù hận. 

b) đồng nghĩa: chọn lựa, say mê, điên khùng, lạ kỳ, thăm viếng, kết nối, kiêng cữ; 

c) đối nghĩa: thu chi, đêm ngày, ít nhiều, rủi may, hay dở, phải trái, vui buồn.

Chúng cùng từ loại: danh từ, động từ hoặc tính từ. Đảo từ khá dễ, vd: mưa gió/gió mưa.

Chúng khái quát hóa, tổng hợp nghĩa, tạo ẩn dụ, vd: “sóng gió” chỉ cuộc đời chìm nổi.

     2.2- Từ ghép “chính phụ”, gồm từ gốc và từ bổ ngữ có liên quan giải thích, xác định.

Từ gốc đứng trước, từ bổ ngữ theo sau, quan trọng hơn, phù hợp văn phạm tiếng Việt.

Giữa 2 từ có thể đặt câu hỏi “gì?”. Ví dụ: xe đạp, tàu thủy, sâu đo, bọ gậy, lò ga… cướp biển.

     2.3- Từ ghép “phụ chính” áp dụng cho các từ đôi thuần Hán để phù hợp văn phạm tiếng Hán, là từ bổ ngữ, quan trọng, đứng trước từ gốc. Ví dụ: phi cơ (máy bay), hỏa tiễn (tên lửa), bạch hạc (hạc trắng), phó cáo (cáo phó, phó=tin buồn)… 

Các từ ghép có quan hệ chính, phụ không thể đảo từ, vd: xe máy khác máy xe. Chúng phân loại nghĩa, vd: xe ca, xe khách, xe lam, xe ôm… bạch mã, bạch vân, hải tặc, không tặc. 

2.4- Từ ghép “tự do”, chứa một, hoặc hai từ vô nghĩa, hoặc biến nghĩa, hoặc từ cổ xưa đã mất, vd: bếp núc, bồ kết, bù nhìn, chợ búa, già nua, giấy má, gió máy, góa bụa, búa xua, bâng quơ, tắc kè, iàu sụ… Chúng giống từ láy (xem dưới) về thành phần vô nghĩa nhưng thiếu yếu tố láy.

Có khi cũng có thể xem chúng là loại từ đơn đa âm tiết và đề nghị viết dính liền nhau, vd: “giànua”, “xecộ” tuy có khi cũng phải cẩn thận, vd: “đồngáng” có thể đọc 2 cách, chọn một.

Tiếng Trung Quốc la tinh hóa (pinyin=bính âm), cũng viết dính liền các từ đôi: 

Nóngshì = nông sự = đồng áng. Chēliàng = xa lượng = xe cộ.  Yuènán = Việt Nam.


III) Từ Láy.

1) Định Nghĩa. 1. Láy, 2. Láy từ và 3. Từ láy. 

  1.1- “Láy” là lặp lại, là phát âm lại, viết lại.

     1.2- “Láy từ” là láy phần trước của từ (chiếm đa số) hoặc láy phần sau của từ, hoặc cả hai.

Ví dụ từ “lấm”. Phần trước là phụ âm “l”, phần sau là vần “ấm”. 

Phần trước của từ, thông thường là một phụ âm; nếu là nguyên âm thì bất kỳ.

Phần sau của từ là vần của từ, kể cả dấu thanh.

Phải lặp lại đúng hoàn toàn 1 trong 2 phần ấy, vd: lấm lét (láy âm) hoặc lấm tấm (láy vần).

Từ láy “lăm lẳm” là láy phụ âm “l”, không láy vần vì vần “ăm” khác vần “ẳm”. 

Láy toàn bộ, vd: chang chang, choi choi, khăng khăng, lâng lâng, tà tà, thao thao… cũng hợp lệ.

Các từ láy toàn bộ này là do những từ vô nghĩa tạo lập và phải là từ vô nghĩa, nếu có nghĩa thì đó là từ ghép chính chính, sao chép lại từ, vd: ào ào, đen đen, lùn lùn, nao nao… 

     1.3- “Từ Láy” là từ vô nghĩa láy từ theo từ đứng trước, có nghĩa hoặc không. (1).

a) Từ Nôm, vd: “gặp gỡ, hớ hênh, sợ sệt, tròn trịa, vùng vằng…” (từ gốc, đứng trước có nghĩa) và: “chễm chệ, khề khà, lởn vởn, luộm thuộm, na ná, xúng xính…” (từ gốc vô nghĩa).

Nếu 2 từ đều có nghĩa thì đó là từ ghép, vd: buôn bán, đày đọa, gom góp, lỗi lầm, sa sút…    

b) Từ Hán Nôm, vd: bạc bẽo, dư dả, đãi đằng, hậu hĩnh, hiểm hóc … kỳ quặc, mỹ miều, não nề, ngại ngùng, ngạo nghễ … tập tành, thực thà, tục tằn/tĩu, túy lúy, văn vẻ… 

Các từ Hán tạo từ láy: “bạc, dư, hội, hung … khách, khát, khinh, khuyến… lạc, tạp, túy, văn” xem như trùng với từ Nôm (Việt hóa), và các từ Nôm láy theo thì chữ Hán không thể viết ra.

Trên thực tế chúng ta dùng nhuần nhuyễn các từ láy ấy mà không cần thiết biết là Hán Nôm.

Nói chung sự láy từ trong các từ láy là tích cực và sáng tạo tuyệt mỹ, ngoại trừ các trường hợp thụ động, sao chép lại một từ có nghĩa sẵn, vd: kè kè, luôn luôn, oang oang, rành rành, vù vù…

2) Luật Đồng Nhóm. (Trầm Bổng). 

Luật “trầm bổng” bổ túc, bảo đảm tính hài thanh của từ láy. Nhóm thanh trầm (âm vực thấp) gồm 3 dấu: “huyền, ngã, nặng”; nhóm thanh bổng (âm vực cao) gồm 3 dấu: “không, hỏi, sắc”. 

Các từ láy tuân thủ luật đồng nhóm, chỉ kết hợp trong nhóm.

Ví dụ nhóm “huyền ngã nặng”: gần gụi, gần gũi, kèo nèo, lỗ chỗ, trọ trẹ, vội vã, sỗ sàng.

Ví dụ nhóm “không hỏi sắc”: rách rưới, rác rưởi, lăng nhăng, thỏ thẻ, xúm xít, hả hê, vu vơ. 

Để minh họa thêm, vd: âm ỉ/ầm ĩ, bấp bênh/bập bềnh, chơi vơi/chới với, lửng lơ/lững lờ, năn nỉ/nằn nì, rên rỉ/rền rĩ, thẩn thơ/thẫn thờ, thiết tha/thiệt thà, vất vả/vật vã, vơ vẩn/vờ vẫn… 

Luật đồng nhóm là cơ sở giúp xác định dấu “hỏi ngã” trong tiếng Việt, vd: giữ (giữ gìn), gửi (gửi gắm), nghĩ (nghĩ ngợi), nhảy (nhảy nhót), cãi (cãi cọ), dễ (dễ dàng)…


IV) Các Nhận Xét Về Đặc Điểm.

1) Từ Vô Nghĩa. Trong tiếng Việt, số lượng từ vô nghĩa rất nhiều, là nguyên liệu để tạo từ láy.

Ví dụ: “tươi, tười, tưới, tưởi, tưỡi, tượi” có 4 từ vô nghĩa “tười, tưởi, tưỡi, tượi”.

Trong từ láy có từ vô nghĩa thực thụ (đứng riêng vô nghĩa), ví dụ: “tưởi” trong “tức tưởi” và từ vô nghĩa chức năng, vd: “sủa” trong “sớm sủa”; “sủa” có nghĩa riêng, khác nghĩa của từ láy. 

Từ gốc cũng vậy, vd: “lật đật”= gấp. Lật có nghĩa riêng (lật lọng). Trong “săn sóc” thì cả hai từ đều biến nghĩa vì “săn sóc” không có nghĩa lùng bắt con sóc. 

Để phân biệt hữu hiệu, phải xem từ có thể đứng độc lập hay không, vd: từ “rỡ” là vô nghĩa vì phải kết hợp trong “rực rỡ, rạng rỡ, mừng rỡ, càn rỡ”.

Sự phân biệt này lắm lúc khó, đòi hỏi tra cứu. Vd: “mải mê”, là từ ghép vì mải=chăm chú. 

“Tham lam”, mặt ngoài thấy là từ láy song từ Hán có 贪婪 tānlán, đọc là tham lam.

Bồi hồi, châm chích/chước, hàm hồ, hoảng hốt, hống hách, liên miên, mê man, mưu mô, phản phúc, phảng phất, xa xỉ… cũng là các từ Hán hoàn toàn. “Hoàn toàn” cũng vậy, là từ ghép, viết được bằng chữ Hán.

Từ vô nghĩa hữu dụng trong tiếng Việt. Chúng được ghép với một từ có nghĩa để nới rộng ý, vd: già nua, bực dọc… nếu có thêm yếu tố lặp từ thì được gọi là từ láy, vd: già giặn, bực bội. Hai từ vô nghĩa láy kết hợp tạo những tân từ tuyệt tác, vd: bịn rịn, man mác, thổn thức, tỉ tê, ỡm ờ.

Xác định được từ vô nghĩa hoặc có nghĩa là quan trọng và giúp lập bảng từ ghép và láy:

Bảng từ ghép và láy. Chữ viết tắt N= từ có nghĩa, V= từ vô nghĩa.

1) 1N + 1N --> a) không láy = từ Ghép, vd: nắng mưa, bẩm báo, cá cơm, ruộng đồng.

                         b) có láy = từ Ghép (dạng láy), vd: khàn khàn, luôn luôn, phì phì, sơ sơ.

2) 1N + 1V --> a) có láy = từ Láy, vd: chậm chạp, khéo léo, rầu rĩ, tức tối, ngỡ ngàng.

                         b) không láy = từ Ghép tự do, vd: góa bụa, già khằn, cũ rich, chán phèo.

3) 1V + 1V --> a) có láy = từ Láy, vd: băn khoăn, bép xép, lẽo đẽo, thỉnh thoảng, khư khư. 

Nếu là danh từ định tên, vd: kền kền, tò vò = từ láy hoặc từ đơn đa âm tiết dạng láy.

                         b) không láy = ghép tự do, vd: bâng quơ, cà tửng, mè nheo, tắc kè.

2) Nhận Diện Từ Láy. Phải kiểm tra chặt chẽ 3 tiêu chí: 1) vô nghĩa. 2) láy từ. 3) nhóm thanh.


     2.1- Từ láy phải vô nghĩa, là điều kiện tiên quyết, có khả năng chỉnh sửa để nhại theo từ gốc làm mẫu. Tiếng Việt đơn âm tiết, có nhu cầu ghép từ, khi ta nói: “buồn” thì ghép thêm chữ “rầu” hoặc láy thêm chữ “bã” để tạo đôi lứa hài hòa.

-Các từ “bắt buộc, buồn bực, lầm lỡ, mềm mỏng, vung vãi…” chỉ là các từ ghép “chính chính”.

-Cũng vậy, các từ “bươm bướm, đo đỏ, lia/lìa lịa, nhè nhẹ, luôn luôn, khùng khùng…” có thể xem cả 2 từ đều có nghĩa, tức là ghép chính chính. Lý do nếu gặp 2 từ vần trắc thì từ đầu sẽ biến vần, thành vần bằng: “đỏ đỏ” đổi thành “đo đỏ”, nghe thuận tai hơn, ngoại trừ được lặp lại là một từ đôi vd: từ đôi ghép “đỏ đen” lặp từ sẽ thành “đỏ đỏ đen đen”.

     2.2- Từ láy phải láy đúng âm hoặc đúng vần. 

  a) Ở đầu từ, do có cùng cách đọc, các phụ âm “c= k= q”; “g” là “gh”, “ng’ cũng là “ngh”.

  Vd: kèn cựa, quẹo cọ, kỳ quặc và gồ ghề, ngông nghênh.

  b) Ở cuối từ, các nguyên âm kép của “u” như “ua, uă… uy” đọc là “a, ă… i” hoặc “oa, oă…i”.  

 Vd: bâng khuâng, lính quýnh, loanh quanh, loăng quăng, lớ quớ.

  c) Nếu là nguyên âm đầu từ (khuyết phụ âm) thì chúng láy bất kỳ với nhau, vd: “inh ỏi, ủ ê ”.  

     2.3- Từ láy phải đồng nhóm thanh (hài thanh), trầm hoặc bổng.

Các từ “dư dật, lơ là, la cà, lươn lẹo, phiền phức, sơ sài…” là kết hợp vi phạm nhóm thanh. 

     2.4- Khả năng đảo từ của từ ghép chính chính, vd: “ép nài/nài ép” giúp ích tốt tuy không toàn hảo hoặc đặc hiệu, vd: “non sông, gò bó” không thể đảo từ “sông non, bó gò”. Một số từ láy vô nghĩa loại láy âm đảo từ được, vd: bềnh bồng, dạt dào, khắt khe, lơi lả, miệt mài, ngạt ngào, sụt sùi, tả tơi, thẫn thờ, thiết tha, thơ thẩn, thướt tha, vất vơ, vơ vẩn, xạc xài, xạc xờ… 

3) Các sai phạm tiêu chí. 

     3.1- Vị trí từ. Từ có nghĩa đặt sau, trái với định nghĩa từ láy. 

Vd: bàu nhàu, khù khờ, lom khom, ngao ngán, nhút nhát, rắc rối, san sát, trớ trêu…

Đúng đắn thì từ có nghĩa phải đặt trước và từ láy là từ bổ ngữ, do quan hệ “chính phụ” có vị trí bắt buộc, là phải đứng sau, theo văn phạm tiếng Việt. 

Thí dụ với từ “nhỏ” ta có các từ láy: “nhỏ nhắn, nhỏ nhẻ, nhỏ nhen, nhỏ nhít, nhỏ nhoi…

Cũng như với từ “cá”, ta có các từ ghép: “cá biển, cá heo, cá gỗ, cá ngựa, cá voi v.v…

Lưu ý: Nhiều từ láy thực ra là từ ghép, vd: khắc khổ (2 từ Hán), chênh chếch/vênh, vày vò… 

     3.2- Nhóm thanh, kết hợp ngoài nhóm. Sai phạm này chiếm đa số (khả dĩ khoan dung?). 

Vd: bền bỉ, chói lọi, li bì, nài nỉ, niềm nở, phỉnh phờ, sa sầm, sóng soài, trơ trọi, ve vãn…

4) Hướng giải quyết các sai phạm. Có luật tất có vi phạm và ngoại lệ.

Trước tiên cần tìm hiểu nguyên nhân các sai phạm.

+ Sai phạm vị trí: từ có nghĩa đặt sau. Theo nguyên tắc thì từ có nghĩa không thể láy, vì bất biến. Do rất tình cờ, một từ có nghĩa có sẵn các điều kiện để láy đúng nên được sử dụng (và giữ nguyên hoặc đổi nghĩa), vd: bối rối, gãy gọn, bồn chồn (chồn không có nghĩa con chồn).

Và cũng có điệp từ, sao chép lại các từ có nghĩa như: đùng đùng, khàn khàn, luôn luôn, lù lù… 

+Sai phạm nhóm thanh. Trong thi phú luật gieo vần linh động, vd: vần “ang” láy đúng với ang/àng song có thể láy với “ưng/ường v.v…” Tương tự, các từ láy : “bền bỉ, hồ hởi, sơ sài, vỏn vẹn…”  dù kết hợp sai nhóm song phát âm nghe vẫn thuận tai (hài thanh) là chấp nhận được

Luật nhóm thanh chủ đích cũng chỉ để hài thanh. Kết hợp ngoài nhóm coi như hôn nhân dị chủng, không được hoan nghênh, toàn hảo song cũng là hôn nhân.

Có 2 khả năng giải quyết các sai phạm: 

     4.1- Chấp nhận ngoại lệ: khoan thứ: a) từ láy đỗ vớt, hoặc b) từ láy thứ cấp (phó bảng). 

     4.2- Phủ nhận ngoại lệ; gọi là từ giả láy, đặc biệt trường hợp sai phạm nhiều lỗi, vd: bí tỉ, bơ phờ, búa xua, cộc lốc, gọn lỏn, im lìm, tào lao, thao láo, thờ ơ, um tùm, xô bồ...  

Nếu vậy tập thể từ ghép đón nhận và sắp xếp chúng vào mục từ ghép tự do.

Tổng số các từ mang dấu hỏi ngã là 1270. Số lượng các từ láy là khoảng hai ngàn rưỡi, trên danh sách. Song còn rất nhiều từ bị bỏ sót, vd: bịn rịn, bê bối, cọc cạch, cự nự, đìu hiu, độc địa… lớ xớ, ngót nghét, sọm sẹm, võ vẽ, xét nét, xì xồ, xỉa xói… Các từ láy hợp lệ chiếm tuyệt đại đa số.

Từ láy có 1 hoặc cả 2 từ vô nghĩa, do đó số lượng từ vô nghĩa được sử dụng lên đến vài ngàn. 


V) Lời Kết.
Trong tiếng Việt, từ đơn nội địa số lượng ít thay đổi; nhiều từ cũ không còn dùng, bù lại xuất hiện một số từ mới, đa số tiếng lóng: chảnh, nổ hoặc từ cũ nghĩa mới: bèo, cháy, chui… 

Từ ngoại lai thì vẫn được du nhập đều dặn, đặc biệt các từ ngữ về khoa học, kỹ thuật.

Từ ghép là nguồn cung cấp vô tận từ ngữ mới trong mọi lĩnh vực. Từ Hán Việt đóng góp vô cùng quan trọng. Vd: Trước đã có “giải thich, giải nghĩa”, nay có thêm: “kiến giải, giải trình, lý giải”.

Các thí dụ khác: trải nghiệm, quẹt thẻ, kích cỡ, sự cố, vấn nạn, thang cuốn, rửa tiền...

“Hồng hồng, tuyết tuyết. Mới ngày nào chửa biết cái chi chi… ” (Ca trù - Dương Khuê).

“Nao nao dòng nước uốn quanh. Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang…” (Kiều).

Những điệp từ các từ có nghĩa trên làm tăng tính chất thơ và khả năng biểu cảm. 

Hầu như mọi từ đều có thể lặp từ. (Tự tình - NCTrứ) (2). 

 “Lom khom dưới núi tiều vài chú, Lác đác bên sông rợ mấy nhà. (Bà huyện Thanh Quan”. Cùng với (Kiều càng) sắc sảo, mặn mà, rào rạt, tha thiết, thẹn thò, não nùng, xào xạc… các từ láy này biểu đạt thần tình nội tâm, âm thanh và ngoại cảnh, gây cảm xúc, ấn tượng. 

Các từ “xấu, nhỏ” thì “xấu xí, nhỏ nhắn” mô tả ngoại hình, “xấu xa, nhỏ nhen ” chỉ tâm hồn.

Từ ghép thì có xấu tốt, xấu đẹp, xấu bụng, xấu mặt… nhỏ to, nhỏ mọn, nhỏ nhẹ, nhỏ con…  

Từ láy là tuyệt tác, phong phú song đáng tiếc, không tạo thêm. Nguồn từ mới, chính là từ ghép.

Lê Bá Vận. (HNPD)


Chú Thích.

(1) Các từ láy có đối tượng tính từ, động từ và từ vô nghĩa, vd: khéo thì khéo léo, vụng thì vụng về, gầy thì gầy gò, mập thì mập mạp, lại còn “đẹp đẽ, xấu xí, méo mó, tròn trịa, đỏ đắn, trắng trẻo, vàng vọt, xanh xao... chạy chọt, nhảy nhót, lôi thôi lếch thếch”.  

Danh từ ít thích hợp cho láy từ, số lượng các danh từ được láy theo là giới hạn, vd: bạn bè, cây cối, mùa màng, máy móc, nợ nần, giặc giã, đất đai, chùa chiền, tuổi tác, gốc gác, chim chóc, ruột rà, thịt thà, xương xảu… đều có nghĩa khái quát, tổng hợp. 

Trường hợp danh từ đôi định tên, gồm 2 từ đơn vô nghĩa, thì đó là tên được đặt như vậy, vd: “ba ba, bòng bong, kền kền, chích chòe, chôm chôm, thuồng luồng, tò vò, thò lò...” có thể là từ láy, song  nên sắp xếp chúng vào loại từ đơn đa âm tiết dạng láy. 

Tên người thì có “Băng Băng, Doanh Doanh, Trân Trân, Ánh Anh…” đều là từ Hán ghép.

(2) Tự tình - Vất vất vơ vơ cũng nực cười! Căm căm cúi cúi có hơn ai ?
  Nay còn chị chị anh anh đó, Mai đã ông ông mụ mụ rồi.
  Có có không không, lo hết kiếp, Khôn khôn, dại dại chết xong đời.
  Cho bằng láo láo lơ lơ vậy, Ngủ ngủ, ăn ăn, nói chuyện chơi. (Nguyễn Công Trứ?).

Các từ đôi: “vất vơ, căm cúi… ăn ngủ” điệp từ thành từ phức bốn từ, láy hoặc ghép tùy sự hiện diện từ vô nghĩa vd:  “vất vất vơ vơ”= láy và “ông ông mụ mụ”= ghép chính chính. 

--------


      KK0bCN-IC9DZjr4KlEDlpJP6cmXgnOxmABi1k6Ipemh_Fg-0et-dRxUJqrydZQCAoZxMs4IPBcbd7jLU2pQChIct4s-qJtjG6pHG_m0pKuFZPDk1N2LkCTdZfCB3vRjD7p21Hxbxh9F83w2Uqg
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn