Giá trị văn hóa Sài Gòn không bao giờ "thất thủ" ( Trần Văn Giang St )

Thứ Năm, 09 Tháng Bảy 202010:12 SA(Xem: 5486)
Giá trị văn hóa Sài Gòn không bao giờ "thất thủ" ( Trần Văn Giang St )

Giá trị văn hóa Sài Gòn không bao giờ "thất thủ".

1671757059976637676&th=173346304ea8acec&view=fimg&sz=s0-l75-ft&attbid=ANGjdJ-FMq0XD-z89Q1HTRvvVIoNXP1SeX8VuPFaqTzjdeQTjYkX_NoAngXh5FveuPTNgZni7ZpTMGvR3CYuB4kRjB968j1TSCGdKTDgWUhao8IOLSckxtpChxuubRY&disp=emb

Nơi trưng bày hình ảnh các ca nghệ sĩ một thời của Sài Gòn trước 1975

được dân chúng đặc biệt quan tâm.

(Hình: An Nam/Người Việt)

SÀI GÒN (NV) – Sau 30 Tháng Tư, 1975 bằng việc áp đặt ý thức hệ cộng sản thông qua hệ thống “quản lý văn hóa” của nhà cầm quyền, văn hóa Sài Gòn nói riêng và miền Nam Việt Nam nói chung, bị xóa bỏ bằng nhiều cách tàn bạo khác nhau. Từ đốt phá những tàng thư, nghiêm cấm lưu hành những sáng tạo giá trị cho đến ra quân dốc sức diễn dịch, quy chụp khối di sản này theo một hướng khác.

Nhưng liệu sức sống của văn hóa Sài Gòn có vì vậy mà bị thủ tiêu vĩnh viễn?

Sài Gòn không mất tên

Sử sách, giáo khoa cho đến những nghiên cứu của cả hệ thống cầm quyền đều dùng từ “giải phóng” để nói về sự kiện “30 Tháng Tư.”  Tuy nhiên, có một điều thú vị, chính những người trong một số hồi ức của những văn sĩ đồng thời là lính cộng sản miền Bắc gần đây đều thừa nhận rằng, họ ngỡ ngàng và choáng ngợp khi đi “giải phóng” cho một đô thị văn minh ngoài sức tưởng tượng.

Trong khi những kẻ cơ bắp đang vẫy cờ hân hoan và nghĩ ra các trò đập phá, thì cũng có những kẻ lặng lẽ đi tìm các kho sách, hãng băng đĩa, phòng trà, thư viện… để trong một thời gian ngắn ngủi, hiểu miền Nam là gì. Việc làm ấy mãi vài chục năm sau mới được tiết lộ cùng những tự vấn đại loại “Có thực sự miền Nam thất thủ?

Câu trả lời là không.  Khi đã có sự lùi lại để nhìn về toàn cảnh sự kiện chính trị này một cách khách quan.

Trước hết, hãy nhìn về sự thay đổi về địa danh hành chính, thủ đô Sài Gòn trở thành “Thành phố Hồ Chí Minh.” Bản chất sự thay đổi này, hẳn nhiên là nhằm đến mục đích tối hậu – Xóa Sài Gòn khỏi tâm tưởng, ký ức cộng đồng và mối dây liên hệ với quá khứ (không chỉ là quá khứ của thời Việt Nam Cộng Hòa).

Việc làm duy ý chí này tưởng làm cho “Sài Gòn mất tên” (theo ca từ của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn), đã cho thấy một sự bất khả. Người Sài Gòn, miền Nam cho đến hôm nay vẫn rất rạch ròi, họ buộc chấp nhận dùng tên “TP. HCM” cho thủ tục hành chính và họ vẫn gọi Sài Gòn một cách tự nhiên như một địa danh phổ quát, bao hàm ý nghĩa văn hóa, lịch sử.

Sài Gòn, tên gọi đó không mất đi trong lời ăn tiếng nói, văn chương báo chí chính thức, đến mức, có những thời điểm, trong cơn sôi máu hồng vệ binh của những nhà kiểm duyệt, đã từng xuất hiện các lệnh cấm dùng từ “Sài Gòn.” Nhưng rồi sau đó đâu lại vào đấy. Mệnh lệnh hành chính tài thánh gì cấm cản được khi lời ăn tiếng nói được kiến tạo từ tư duy, tâm thức sâu xa trong dân.

Tên Sài Gòn xuất hiện ngày một dày hơn trên các bìa sách, bằng cách này, cách khác. Các nhà làm sách cũng hiểu rằng, thực tế thị trường cho thấy nếu đặt hai chữ “Sài Gòn” vào một nhan đề sách, hẳn nhiên sẽ được độc giả thích tiếp nhận tốt hơn là gọi địa danh hành chính “TP. HCM.” Bởi ở đây, đơn giản, Sài Gòn không còn là một danh từ đơn thuần, mà hàm nghĩa phẩm cách và giá trị.

1671757059976637676&th=173346304ea8acec&view=fimg&sz=s0-l75-ft&attbid=ANGjdJ8wdWabrXgWg_AVcsEriap_4bEH3x421WTczP1ndIhG1TMT1w4f3K8jrgbtoRkkSBwP6EqZlGKozQ8vkX__QpcEDP_lx1Y9DYI8_ZXcSaXgBtFOSLMa3ByWyqI&disp=emb

Phòng trà ca nhạc hiện nay mô phỏng không gian Sài Gòn trước 1975.

(Hình: An Nam/Người Việt)

Không đơn giản nằm trên bìa sách

Nhưng vấn đề không chỉ dừng ở sự hiện diện của cái tên Sài Gòn trên những bìa sách. Vài năm gần đây, thị trường xuất bản Việt Nam chứng kiến sự sôi động trở lại của dòng sách viết về “Đô thị Sài Gòn trong quá khứ.”  Các tác giả: Nguyễn Đức Hiệp, Phạm Công Luận, Nguyễn Đình Đầu,… ít nhiều, theo những phương pháp riêng, có sự tiếp cận Sài Gòn với tham vọng chạm đến tầng sâu của đời sống, văn hóa đô thị này, phục hiện lại trên văn bản những điều từ lâu có thể không được chú ý, bị vùi lấp theo thời gian.

Còn biết bao cuộc tìm kiếm hình bóng quá vãng, dĩ vãng vàng son ẩn nhẫn, nhiệt tâm, thầm lặng, xem như là những cách thế hàn gắn những gì có thể được sau các đứt gãy tức tưởi mà lịch sử nghiệt ngã tạo ra trên số phận thăng trầm của một thành phố.

Một mảng sách khác, đó là “Đời sống Sài Gòn đương đại” kết nối trong tương quan với quá khứ, tìm kiếm cốt cách, phong vị Sài Gòn trong cuộc sống xô bồ đương đại cũng được nhiều tác giả trẻ hậu chiến như: Khải Đơn, Ubee Hoàng & Mạc Thụy, Đàm Hà Phú… quan tâm.

Những sách vở xuất bản trước 1975 tìm cách hợp thức hóa để công khai xuất hiện trở lại trên thị trường ở một tư thế bình đẳng, thậm chí áp đảo về giá trị so với những xuất bản phẩm mới, chính thống. Ngay trên con đường sách Nguyễn Văn Bình ở trung tâm Quận Nhứt, những hiệu sách cũ tự do bày bán trở lại sách Duyên Anh, Phạm Công Thiện, Nguyễn Mạnh Côn, Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan… với giá cao ngất ngưởng.

Những cuốn sách thoát khỏi mồi lửa của họa đốt sách một thời nay phục sinh với hình thái lộng lẫy. Có nhà sưu tập sách cũ, sách hiếm còn tổ chức photo những sách này bán với giá ngang với… sách mới. Sau đó, các nhà kinh doanh sách nhạy bén với xu hướng tìm về văn hóa, giá trị miền Nam cũng tìm cách giới thiệu lại những tác phẩm một thời của Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến, Lê Tất Điều, Trần Thị NGH… với sự trân trọng đặc biệt, dù biết trước, đây là con đường hẹp và không tránh được những rủi ro từ phía kiểm duyệt.
 

1671757059976637676&th=173346304ea8acec&view=fimg&sz=s0-l75-ft&attbid=ANGjdJ9y1AZQ2i6M3A-hLtmf7QkVQMKibHBLvbWVuegOS_4hJM4NdFyUO5kGr_jNg4ndy7lTIyjvSXrmzIvO62OVl0bWW3RWGs_59VEw7-CoJHhHTPSkiuwgmy_1UrY&disp=emb

Một cửa hàng kinh doanh sách xưa quý hiếm

mà phần lớn là của Sài Gòn.

(Hình: An Nam/Người Việt)

Phục hưng giá trị

Sài Gòn “phục hưng” không dừng lại ở sách vở. Giới mê phòng trà hẳn nhận ra sự trở lại của những phòng trà mô phỏng không gian Sài Gòn trước 1975, níu giữ cái lịch lãm trong sinh hoạt văn hóa đô thị một thời. Các nhạc phẩm của Lê Uyên Phương, Phạm Duy, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Lam Phương, Trầm Tử Thiêng… được trình diễn một cách tự do ở những tụ điểm này, không nhà quản lý văn hóa nào đủ ba đầu sáu tay để quản nổi.

“Boléro” được coi là dòng nhạc đặc sản trong sinh hoạt âm nhạc đại chúng miền Nam trước 1975 cũng sống lại một cách ngoạn mục trên các “Game show” truyền hình của các đài truyền hình miền Nam ngày nay với một thế hệ ca sĩ mới, một tâm thức hát mới.

Ngoài ra, thú chơi tờ bướm nhạc trước 1975 gần đây rộ trở lại. Những tờ nhạc lưu dấu kỷ niệm của nhiều người, được chuyền tay và trải qua biết bao thăng trầm thế cuộc nay được nâng niu, được các nhà kinh doanh gọi… giá trên trời.

Các quán cà phê đậm màu hoài niệm có thể tự do mở, nghe những ca khúc mà có thể nhà cầm quyền chưa cho phép lưu hành, trình diễn. Không hề chi, sức mạnh của văn hóa nằm trong dân chúng như dòng nước mạnh, mạng lưới kiểm soát không tài nào chặn được.

Tuy nhiên, những điều trên chưa phản ánh hết được sức sống phục hưng của văn hóa Sài Gòn trong đời sống đương đại. Sức sống mạnh mẽ nhất có lẽ vẫn nằm ở trong tâm tính, lối sống tự nhiên của thị dân. Có một điều mà sự kiện chính trị và lối cai trị mới không sao can thiệp được, là một tâm thức Sài Gòn bao dung, hào sảng chi phối trong từng chuyện ăn, chuyện nói, chuyện xuất xử ở đời.

Đâu đó còn dấu vết của sự tàn phá, băng hoại có bàn tay quyền thế chính trị nhúng vào làm méo mó những di sản, nhưng trong sâu xa, văn hóa thị dân Sài Gòn đủ mạnh để những điều tốt đẹp và chân giá trị sẽ không bao giờ “thất thủ.”

An Nam

April 27, 2017

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/gia-tri-van-hoa-sai-gon-khong-bao-gio-thu/

Trần Văn Giang (st)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn