Ngay khi xâm nhập vào cơ thể người, virus cúm âm thầm nhân bản, tấn công hệ hô hấp, bắt đầu từ mũi, họng và có thể lan xuống phổi.
Cúm đang lây lan nhanh tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Theo tính toán của VnExpress dựa trên dữ liệu hệ thống giám sát cúm toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 44,5% trên tổng số 155 mẫu xét nghiệm từ hệ thống giám sát cúm quốc gia ở Việt Nam tháng 1/2025 dương tính với virus cúm. Tỷ lệ này cao hơn cùng kỳ năm trước 13%, và cao gấp 3 lần trung bình tháng 1 các năm trước dịch Covid-19.
Giai đoạn 2006-2025, đỉnh dịch cúm rơi vào tháng 9/2009 với tỷ lệ ca dương tính 55,4% do sự bùng nổ của đại dịch cúm lợn A/H1N1. Cúm gần như biến mất trong Covid-19, nhưng tăng nhanh trở lại từ giữa năm 2022, nhất là cao điểm mùa đông xuân và hè thu - phù hợp chu kỳ bùng phát theo mùa. Từ Tết 2025 đến nay, số ca mắc tăng trở lại, tuy nhiên chỉ tăng cục bộ và không có biến thể mới, theo Bộ Y tế.
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra, ở người gồm 3 loại A, B và C.
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, các chủng cúm rất khó phân biệt trên lâm sàng, bởi triệu chứng ban đầu đều là viêm long đường hô hấp gây sốt cao đột ngột, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, ớn lạnh, đau họng, ho khan, chảy nước mũi, nước mắt, chán ăn.
Virus cúm lây nhiễm qua đường hô hấp và tiếp xúc. Khi người hoặc động vật hít phải hay tiếp xúc với các giọt bắn chứa virus cúm do người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc thở mạnh. Hành động chạm vào bề mặt, đồ vật đã lây nhiễm, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng cũng tạo cơ hội cho virus xâm nhập vào cơ thể. Từ đây, virus kích hoạt hệ thống miễn dịch, tạo phản ứng gây viêm, thậm chí dẫn tới tử vong.
Nhiều quốc gia đang vật lộn với dịch cúm nghiêm trọng nhất trong nhiều năm. Tại Nhật Bản, số ca nhiễm cao nhất từ năm 1999, với 317.000 ca dương tính trong một tuần. Cúm cũng leo thang ở Hàn Quốc khi tỷ lệ ca nghi nhiễm tại các phòng khám tăng đột biến. Thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi là nhóm mắc nhiều nhất - cao hơn 17,6 lần - so với năm 2024.
Ở Mỹ, cứ 100.000 người có 14,4 người nhập viện do cúm - cao hơn tỷ lệ nhập viện trong giai đoạn cao điểm Covid-19 tháng 9/2021. Lần đầu tiên trong mùa cúm năm nay, mức độ nghiêm trọng được đánh giá là "rất cao". Cơ sở y tế kín chỗ, nhiều bệnh nhân nặng, tỷ lệ biến chứng thần kinh ở trẻ mắc cúm như co giật, viêm não hoại tử cấp tính gia tăng mạnh.
Tại Việt Nam, năm nay tỷ lệ nhiễm chủng cúm A/H3N2 có xu hướng tăng. Đây là chủng cúm A độc lực cao, thường liên quan đến các mùa cúm nghiêm trọng do lây lan nhanh và biến đổi liên tục.
Dấu hiệu đặc trưng của đợt cúm năm nay là biểu hiện "phổi trắng" trên phim chụp X-quang - mức tổn thương phổi nghiêm trọng. Đa số cúm thông thường không gây tổn thương phổi, tình trạng này thường xảy ra ở những bệnh nhân nặng, có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường. Sau khi hồi phục, bệnh vẫn có thể để lại di chứng nặng nề. Vaccine cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và nhập viện, cũng như các biến chứng nghiêm trọng.
Virus cúm bắt đầu nhân lên trong các tế bào đường hô hấp trên (mũi, họng, khí quản). Người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng lâm sàng cũng có thể lây nhiễm cho người khác.
Khuyến cáo: Nếu biết tiếp xúc với người bị cúm, hãy thận trọng và đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm.
Virus nhân lên nhanh chóng, gây viêm và tổn thương các tế bào trong mũi, họng và phổi. Để chống lại nhiễm trùng, hệ thống miễn dịch phản ứng bằng cách giải phóng nhóm protein mang tên cytokine, đồng thời gây ra sốt, đau nhức cơ, nhức đầu và mệt mỏi.
Khuyến cáo: Nghỉ ngơi, uống đủ nước, theo dõi triệu chứng, sử dụng thuốc không kê đơn để giảm sốt, đau nhức. Nếu thấy dấu hiệu bất thường, đến ngay cơ sở y tế.
Các triệu chứng đạt cường độ cao nhất. Viêm đường mũi và họng gây ra nghẹt mũi, đau họng nghiêm trọng. Ho khan cùng sốt cao dai dẳng, đau nhức mắt, sợ ánh sáng. Mức độ lây nhiễm rất cao.
Với người già, trẻ em, người có sức đề kháng yếu, virus cúm có thể gây tổn thương phổi, biến chứng viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tính.
Khuyến cáo: Tiếp tục nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng thuốc giảm triệu chứng. Nếu khó thở, đau ngực dai dẳng, chóng mặt, tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Hệ thống miễn dịch dần thắng thế, tải lượng virus giảm. Sốt và đau nhức cơ giảm bớt. Nhưng người bệnh có thể ho nhiều hơn, đau họng và khó chịu ở ngực khi hệ hô hấp phản ứng với tổn thương.
Khuyến cáo: Nếu triệu chứng không cải thiện, đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Người bệnh phục hồi dần, tuy nhiên, có thể còn ho khan dai dẳng, mệt mỏi và suy nhược. Virus dần được loại bỏ khỏi cơ thể, tình trạng viêm giảm. Hầu hết triệu chứng như sốt và đau nhức cơ giảm dần.
Khuyến cáo: Đeo khẩu trang ra ngoài nếu còn ho. Người có bệnh nền và suy giảm miễn dịch đề phòng nguy cơ biến chứng viêm phổi, viêm phế quản cấp tính, viêm cơ tim, viêm não, nguy cơ tử vong.
Khả năng lây nhiễm gần như không còn. Các triệu chứng biến mất, nhưng có thể để lại biến chứng hậu cúm như suy giảm chức năng phổi, viêm phổi hoặc mệt mỏi kéo dài.
Khuyến cáo: Thể dục nhẹ nhàng, nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý để cơ thể sớm hồi phục.
Virus cúm tồn tại quanh năm và khả năng biến đổi cao, do đó nên tiêm vaccine nhắc lại hàng năm. Theo bác sĩ, khó dự đoán chính xác thời điểm dịch cúm kết thúc. Tuy nhiên, cúm mùa thường suy giảm theo chu kỳ nên tình trạng có thể cải thiện vào mùa hè khi nền nhiệt cao, hoặc miễn dịch cộng đồng được củng cố. Cúm mùa thường tự khỏi, tuy nhiên với người có bệnh nền, nhất là người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính, dễ mắc các biến chứng nguy hiểm dẫn tới tử vong.
Nội dung: Mây Trinh - Lê Phương