Theo nghiên cứu trên 250.000 lính ở Nauy, những người con đầu trong gia đình thường có điểm IQ cao hơn hẳn những người là con thứ. Lý do là con đầu được cha mẹ chăm lo, nuôi dạy tốt hơn. Các nhà nghiên cứu cho biết sự khác biệt này là do những yếu tố xã hội, không phải yếu tố sinh học quyết định.
Frank Sulloway, trường Đại học California, Berkeley, ở Mỹ giải thích rằng những đứa con lớn trong gia đình có thể có chỉ số IQ cao hơn vì đôi khi chúng phải thay thế cha mẹ dạy bảo các em trong một vài trường hợp.
Một giải thích khác cho rằng bố mẹ có nhiều thời gian và dành nhiều nguồn lực hơn cho bé đầu tiên của mình. Do đó, con đầu thường được ở bên cạnh cha mẹ nhiều hơn và được tiếp xúc với sự thông minh của người lớn nhiều hơn.
Sulloway cho rằng các bậc phụ huynh có thể giúp nâng cao chỉ số IQ cho con thứ của mình bằng cách dành nhiều thời gian hơn cho từng bé. Con thứ sẽ có chỉ số IQ cao hơn nếu họ được nuôi nấng như con đầu.
Petter Kristensen, trường Đại học Oslo ở Nauy, và các đồng nghiệp của mình đã xem xét dữ liệu từ những người lính có độ tuổi 18, 19 phục vụ trong quân đội từ năm 1985 tới năm 2004. Bài kiểm tra chỉ số thông minh này là một phần của nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với họ.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã tìm hiểu hồ sơ khai sinh những người lính này để xem họ là con đầu hay con thứ. Ngoài ra, họ còn xem hồ sơ y khoa để biết thêm xem liệu họ có anh chị em mất ngay sau khi sinh hoặc mất khi còn rất bé không.
Phân tích cho thấy những con đầu có chỉ số IQ trung bình cao hơn 2.3 điểm so với những người là con thứ hai. Xu hướng này tiếp tục khi con thứ hai lại có chỉ số IQ cao hơn con thứ ba, và tiếp tục như vậy, con thứ ba sẽ có chỉ số IQ cao hơn con thứ tư.