Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện ra một gene mới có tên OSER1 quy định tuổi thọ. Bước đột phá này cung cấp thêm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu kéo dài tuổi thọ của con người.
Phát hiện trên do một nhóm các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về nhân giống và sử dụng hiệu quả tài nguyên côn trùng của Đại học Tây Nam Trung Quốc và các nhà khoa học nước ngoài thực hiện. Kết quả đã được công bố trên tạp chí học thuật quốc tế “Nature Communications”.
Theo đó, nhóm đã phát hiện ra gene mới OSER1 điều chỉnh tuổi thọ, đồng thời tìm ra được cơ chế trì hoãn lão hóa và kéo dài tuổi thọ của gene này trong các nghiên cứu trên nhiều loài như tằm.
Cơ chế hoạt động của gene OSER1 trong việc điều chỉnh tuổi thọ. (Ảnh minh họa: Đại học Tây Nam).
Được biết, FOXO là một trong số ít gene kéo dài tuổi thọ của con người đã được xác định đến nay. Nó ảnh hưởng đến tuổi thọ bằng cách điều chỉnh các con đường dẫn đến lão hóa, nhưng mục tiêu điều chỉnh những ảnh hưởng này phần lớn vẫn chưa được biết đến.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm can thiệp đối với 42 gene mục tiêu trực tiếp tiềm năng của gene FOXO ở tằm trên các gene đồng nguyên trực hệ của tuyến trùng và phát hiện ra rằng tuổi thọ của tuyến trùng đã rút ngắn rõ rệt khi biểu hiện của 7 gene trong số đó bị điều chỉnh giảm, trong khi tuổi thọ của chúng kéo dài đáng kể khi biểu hiện của 3 gene khác giảm. Trong đó, gene OSER1 có tác động rõ nhất đến tuổi thọ. Khi biểu hiện của nó giảm, mức độ rút ngắn của tuổi thọ là lớn nhất.
Phó Giáo sư Tống Giang Ba - đồng tác giả của chương trình nghiên cứu cho biết, gene OSER1 hiện diện trong bộ gene của nhiều loài khác nhau như tuyến trùng, tằm, ruồi giấm, cá ngựa vằn, chuột... và con người.
Các nghiên cứu thêm cũng cho thấy, khi gene OSER1 ở tằm, tuyến trùng và ruồi giấm có biểu hiện tăng đã giúp kéo dài đáng kể tuổi thọ của chúng.
Ngoài ra, theo ông Tống Giang Ba, các kết quả nghiên cứu trên người cũng đã xác nhận gene OSER1 đóng vai trò quyết định tuổi thọ của con người. Theo đó, trong các nghiên cứu tiếp theo phối hợp với các chuyên gia nước ngoài, thông qua sử dụng cơ sở dữ liệu giải trình tự mẫu máu của 200.000 người, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, khi so sánh với nhóm đối chiếu trẻ hơn, những người trên 90 tuổi có 49 biến thể nucleotide đơn phổ biến trong gene OSER1, trong đó có 7 biến thể có mối liên hệ rõ ràng với tuổi thọ.
Phát hiện này được đánh giá là có ý nghĩa trong việc tìm hiểu quá trình lão hóa và giúp phát triển các biện pháp can thiệp để tăng tuổi thọ ở các loài khác nhau, bao gồm cả con người.