Mất kiểm soát tiểu tiện sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt

Thứ Sáu, 06 Tháng Tư 20181:30 SA(Xem: 5983)
Mất kiểm soát tiểu tiện sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt
voatiengviet.com
Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Thính giả tên Xuân Hoành ở North Carolina hỏi về mất kiểm soát tiểu tiện sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Bịnh nhân nam 73 tuổi (North Carolina), từng được mổ ung thư tuyến tiền liệt cách đây một tháng, hỏi về những phương pháp trị chứng nước tiểu bị dò rĩ, đi tiểu không kiềm chế được.

Tuyến tiền liệt (prostate) là một tuyến ngoại tiết của bộ phận sinh dục nam, tuy nhiên gần đây người ta cũng đăt tên lại cho một số tuyến tương tự ở phái nữ là tuyến tiền liệt nữ (female prostate).

Ở phái nam, tuyến nằm dưới và nằm ngay trước ngõ nước tiểu đi ra của bàng quang (bọng đái, bladder), từ đó được đặt tên khoa học là prostate, có nghĩa là “đứng [pro] trước [stat], giữ cửa”, từ tiếng Việt tiền liệt cũng theo nghĩa đó. Trước đây, chúng ta còn gọi là “nhiếp hộ tuyến”. Tuyến tiết vào tinh dịch (semen) một số thành phần giúp nuôi dưỡng các tinh trùng.

Tuyến tiền liệt bao quanh, ôm lấy niệu đạo (urethra) là ống dẫn nước tiểu thoát ra từ bọng đái, Nếu tuyến lớn quá (phì đại, hypertrophy), hoặc có ung bướu, tuyến có thể bóp nghẽn đường đi ra của nước tiểu và làm khó tiểu hoặc bí tiểu.

Ở Mỹ, trong năm 2015 có chừng 220.000 người được định bịnh ung thư tiền liệt. Chừng 40% sẽ chọn giải phẫu. Sau khi mổ cắt bỏ bướu tiền liệt, bịnh nhân không ít thì nhiều mất kiểm soát đường tiểu (urinary incontinence) của mình, không nín được tiểu theo giờ giấc, ý muốn của mình, tuỳ theo báo cáo mức bị són tiểu sau phẫu thuật cắt bỏ tiền liệt (Post-prostatectomy Incontinence/PPI) là 5-72%, số liệu thay đổi nhiều vì định nghĩa PPI không thống nhất. Các phương pháp phẫu thuật mới dùng "robot" (robotic surgery) ít xâm phạm hơn là phương pháp mở (open surgery) và gây ra PPI ít hơn (vd từ 7-40 % xuống còn 4-31%)(1).

Hai nguyên nhân chính của sự mất kiểm soát này; một số trường hợp gồm cả hai nguyên nhân. Bác sĩ niệu khoa đo áp suất trong đường tiểu bịnh nhân (urodynamics=niệu động học) để xác định nguyên nhân.

1) Bọng đái (là một loại cơ/muscle) co thắt (spasm) quá nhiều, quá nhạy cảm , tạo áp suất cao trong bọng đái, thúc dục đẩy nước tiểu ra quá sớm.

2) Cơ vòng (urinary sphincter) bao quanh cỗ bọng đái bị hư hại trong khi mỗ, và không còn giữ nổi nước tiểu lúc áp suất dâng cao như lúc bịnh nhân ho, rặn,cười, làm việc nặng.

Nếu nguyên nhân chính là bọng đái co thắt quá nhiều, bác sĩ có thể:

1) dùng thuốc làm bọng đái “relax”, ‘thư giãn” bớt. Thuốc thường dùng là Ditropan XL, Detrol LA, là những thuốc bào chế đặc biệt, để chỉ cần uống một lần mỗi ngày. Vì thuốc chống hệ thần kinh đối giao cảm (chống cholin, anticholinergic) nên có thể gây khô miệng, bón, mờ mắt,; đặc biệt những người bị cườm nước (glaucoma) không được dùng. Oxytrol patch (thuốc dán) có tác dụng tương tự, thuốc đi qua da, vào máu, mỗi tuần thay 2 lần, ít phản ứng phụ hơn thuốc uống.

2) InterStim “bladder pace maker” chạy bằng pin gắn dưới da mông, máy gởi dòng điện vào dây thần kinh điều khiển bọng đái, kích thích bọng đái và làm cho nó ‘thư giãn”.

Nếu nguyên nhân là cơ vòng cỗ bọng đái bị thương tổn, bs niệu khoa có thể dùng:

Dùng cơ vòng nhân tạo (artificial urinary sphincter, AUS) bọc chung quanh niệu đạo, nếu muốn tiểu bịnh nhân điều khiển AUS bằng cách bóp một cái bơm để trong bìu dái (scrotum), cái bơm này làm AUS mở ra.

Male sling procedure: bs lấy một giải làm bằng mô kết của xác chết (cadaveric connective sling), gắn từ phải qua trái, đè lên phía dưới niệu đạo bịnh nhân, sling được gắn vào hai bên xương chậu.

Một công bố trong tạp chí y khoa JAMA của Hội Y Khoa Mỹ (Patricia Goode, University of Alabama-Birmingham, Jan 12, 2011)(2), tường trình về kết quả khả quan của những phương pháp trị liệu tập tính (behavioral therapy) kéo dài 8 tuần ở 208 người đàn ông bị chứng mất kiểm soát tiểu tiện sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt. Bịnh nhân được dạy cách tập các bắp cơ ở sàn xương chậu (pelvic floor), tập nín tiểu, không uống cà fê (cà fê làm tiểu nhiều) và phân phối nước uống thành nhiều phần nhỏ trong ngày (để nước tiểu được taọ ra điều hoà trong ngày), không uống quá nhiều nước. Sau tám tuần tập luyện, và ngay cả lúc theo dõi sau một năm, kết quả cho thấy những lần són tiểu giảm đi chừng 50%.

Tập cơ sàn chậu: đây là những cơ được vận dụng, ‘nhíu” lại lúc người bịnh cố nín tiểu và nín trung tiện, không nên lầm lẫn với cơ bụng và cơ mông. Có thể tập ở tư thế nào cũng được.

Hai loại động tác: co nhanh (quick contraction) và co chậm (giữ lâu, nín 10 giây đồng hồ, slow contraction). Bắt đầu: 10 co nhanh x 3 sets, 10 co chậm x3 sets, hai lần/ ngày, tăng dần đến 15 co nhanh x 3 sets + 15 co chậm x 3 sets, làm 3 lần/ngày.

Tóm lại, bịnh nhân có thể tham khảo với bs để tìm hiểu thêm về những biện pháp đơn giản có thể giúp ích ít nhiều, nhất là tập các bắp cơ sàn xương chậu, và về những thuốc làm thư giãn cơ bàng quang nếu bs thấy có thể có ích trong trường hợp của mình.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ văn Hiền

Ngày 27 tháng 3 năm 2018

References:

1)Post-Prostatectomy Incontinence: Evaluation and Management; Edited by Ajay Singla, Craig Comiter. Springer International Publishing. 2017

Behavioral Therapy With or Without Biofeedback and Pelvic Floor Electrical Stimulation for Persistent Postprostatectomy Incontinence, A Randomized Controlled Trial

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn