Nhìn nhận chứng mất ngủ theo Trung Y

Thứ Hai, 20 Tháng Ba 20237:00 SA(Xem: 1772)
Nhìn nhận chứng mất ngủ theo Trung Y

Tây Y trong điều trị chứng mất ngủ, bất kể nguyên nhân gì, bất kể bệnh nhân già hay trẻ, các bác sĩ đều chỉ biết kê toa thuốc ngủ. Các sách giáo khoa y học dạy chúng ta rằng thuốc ngủ chỉ thích hợp dùng trong thời gian ngắn (một đến hai tuần), không khuyến nghị dùng lâu dài. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều bệnh nhân trở nên lệ thuộc hoặc ỷ lại vào thuốc ngủ, nên phải uống trong thời gian dài, thậm chí có thể cả đời. Quan điểm về chứng mất ngủ của Trung Y thời cổ đại khác với Tây Y hiện nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem Trung Y thời cổ đại nhìn nhận chứng mất ngủ như thế nào, từ đó gợi mở được điều gì cho con người ngày nay không?

Nguyên nhân của chứng mất ngủ 

Vì sao người ta bị mất ngủ? Sách Hoàng Đế Nội Kinh thời cổ đại giải thích rất chi tiết, nhưng đối với người hiện đại thì có phần phức tạp, bởi vì nó liên quan rất nhiều đến nhận thức của Trung Y. Hoàng Đế hỏi Kỳ Bá rằng nguyên nhân nào khiến người ta bị mất ngủ? Kỳ Bá trả lời rằng do vệ khí không nhập được vào âm phận (nội tạng), mà thường lưu lại nơi dương phận (thể biểu), khiến dương phận bị đầy; dương phận bị đầy thì làm cho mạch dương kiểu thịnh, nếu vệ khí không nhập vào được âm phận thì âm khí sẽ bị hư, làm cho mắt không nhắm lại được để ngủ”. (Trích Hoàng Đế Nội KinhLinh khu, thiên Đại hoặc luận).

Mất ngủ là một thuật ngữ hiện đại, thời cổ đại người ta gọi là mắt không nhắm được, không ngủ, không nằm được, không ngủ được. Vệ khí là khí dương bảo vệ thân thể người, ban ngày khi chúng ta thức thì vệ khí chạy ở bề mặt thân thể (thể biểu); ban đêm khi chúng ta cần ngủ thì vệ khí sẽ chạy nhập vào ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận) và kết hợp với âm khí. Mạch dương kiểu là một mạch trong kỳ kinh bát mạch, là mạch phân ra từ kinh túc thái dương bàng quang, có chức năng quản lý việc nhắm mở mắt. Khi vệ khí chạy ra thể biểu thì mạch dương kiểu sẽ thịnh khiến mắt mở thanh tỉnh; khi vệ khí chạy nhập vào nội tạng thì mạch âm kiểu sẽ thịnh làm người ta nhắm mắt lại ngủ.

Mất ngủ ở người cao tuổi 

Ảnh: Freepik.

Sách Hoàng Đế Nội Kinh còn đề cập đến việc vì sao người già dễ bị mất ngủ. Đặc điểm sinh lý của người già và người trẻ không giống nhau, người trẻ khí huyết hưng vượng, doanh khí và vệ khí vận hành thông suốt, cho nên ban ngày tinh thần sảng khoái, ban đêm ngủ ngon giấc; còn người cao tuổi do khí huyết suy nhược, doanh khí và vệ khí vận hành không thông suốt, hơn nữa khí của ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận) không kết hợp được với nhau, do đó ban ngày tinh thần không được sảng khoái, ban đêm không nhắm mắt ngủ được. (Trích Hoàng Đế Nội KinhLinh khu, thiên Doanh vệ sinh hội)

Chứng âm hư gây mất ngủ 

Ngoài chứng mất ngủ do bệnh, mất ngủ ở người cao tuổi, chứng mất ngủ do âm hư cũng rất phổ biến. Chứng âm hư là tên gọi chung cho trường hợp tinh huyết bất túc hoặc tân dịch hao tổn mà dẫn đến âm dương mất cân bằng, vậy vì sao âm hư lại dẫn đến mất ngủ? Trong thân thể người mối quan hệ giữa âm và dương có tính tương đối, ví như nếu âm đại biểu cho hàn thì dương đại biểu cho nhiệt; âm hư khiến âm không chế được dương, dương khí trở nên thịnh, dẫn đến chứng nhiệt, hoả, cũng gọi là chứng âm hư hoả vượng, biểu hiện trên lâm sàng là thể trạng gầy còm, miệng ráo họng khô, mất ngủ, triều nhiệt ra mồ hôi trộm, táo bón, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác v.v… Trương Trọng Cảnh, y học gia thời Đông Hán, trong cuốn Thương hàn luận đã đề xuất dùng bài thuốc hoàng liên a giao thang để chữa chứng mất ngủ do âm hư. Tác dụng của bài thuốc hoàng liên a giao thang là tư âm giáng hoả với các vị thuốc như hoàng liên, hoàng cầm giúp thanh tâm giáng hoả, kê tử hoàng chủ trị dưỡng tâm âm, dưỡng tâm huyết, a giao chữa tư thận âm, tư thận thuỷ; a giao là loại dược liệu được nấu từ da lừa gọi là cao da lừa, còn kê tử hoàng là lòng đỏ trứng gà.

Mất ngủ do âm hư thường do căng thẳng và các bệnh về tinh thần, các phản ứng cảm xúc thái quá (vui, buồn, giận, lo, sợ) sẽ gây tổn hại đến ngũ tạng. Sách Hoàng Đế Nội Kinh viết: “can tàng huyết, nộ thương can”, nghĩa là tạng can là nơi chứa giữ máu, phẫn nộ sẽ làm hao tổn máu huyết chứa trong gan, từ đó tổn thương gan; sách còn nói rằng: “thận tàng tinh, khủng thương thận”, nghĩa là thận chứa giữ thận tinh, sợ hãi sẽ làm hao tổn tinh được chứa trong thận, từ đó tổn hại thận. Do đó những căng thẳng và phản ứng cảm xúc thái quá sẽ làm hao tổn can huyết và thận tinh, gây ra chứng âm hư hoả vượng dẫn đến mất ngủ.

Chứng mất ngủ và nguyên thần 

Y học gia thời nhà Minh Trương Cảnh Nhạc đã từng chỉ ra mối quan hệ giữa nguyên thần và chứng mất ngủ như sau: “Bởi vì mị (ngủ) vốn thuộc âm do thần làm chủ, thần yên thì ngủ được, thần không yên thì không ngủ được, vì thế nếu ngủ không yên thì một là do tà khí quấy rối, hai là do doanh khí không đủ”. (Cảnh Nhạc toàn thư – Bất mị). “Thần” mà Trung Y nói, trong Đạo gia gọi là “nguyên thần”. Cơ sở của giấc ngủ nằm ở âm huyết, do nguyên thần làm chủ; nguyên thần an định thì có thể ngủ được; nguyên thần không an định thì không thể ngủ được; nguyên thần không an định có hai nguyên nhân: một là do tà khí quấy rối, hai là do doanh khí không đủ. Sách Hoàng Đế Nội Kinh viết: “tâm tàng thần”, tâm là chỗ cư ngụ của nguyên thần, cũng gọi là thần thất (nhà của nguyên thần); nguyên thần thuộc dương, nguyên thần cần âm huyết nuôi dưỡng thì mới có thể an định, nhờ thế người ta mới ngủ được.

Điều trị chứng mất ngủ 

Giữa chứng mất ngủ và tinh, khí, thần – tam bảo của sinh mệnh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sách Hoàng Đế Nội Kinh nói về mối quan hệ giữa chứng mất ngủ và vệ khí, chính là có liên quan đến khí; Trương Trọng Cảnh nói về chứng mất ngủ do âm hư (hay do tinh khí không đủ), chính là có liên quan đến tinh; Trương Cảnh Nhạc bàn về mối quan hệ giữa khí và nguyên thần, chính là có liên quan đến thần. Kỳ thực muốn điều trị chứng mất ngủ thì chỉ cần vận dụng tốt tinh, khí, thần là được, mà con người sinh ra đã có sẵn tam bảo này rồi. Phương pháp tốt để dưỡng thần mà sách Hoàng Đế Nội Kinh đề cập đến chính là sống điềm đạm vô tư, xem nhẹ danh lợi, trừ bỏ tư tâm, chú trọng đến việc công ích, tu dưỡng đạo đức. Tập luyện khí công cũng nói về trọng đức, đồng thời còn là một phương pháp rất tốt giúp bảo dưỡng tinh, khí, thần, nhờ vào việc xem trọng đạo đức kết hợp với kiên trì luyện công, như thế chứng mất ngủ cũng dần dần không thuốc mà khỏi.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn