Mối liên hệ giữa thuốc chống trầm cảm và nguy cơ tự tử ( Cập nhật )

Thứ Sáu, 24 Tháng Hai 202311:51 SA(Xem: 1093)
Mối liên hệ giữa thuốc chống trầm cảm và nguy cơ tự tử ( Cập nhật )
  • Andy Extance
  • BBC Future

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Sức khỏe tinh thần chưa bao giờ trở nên quan trọng như hiện nay, vậy nhưng việc thử nghiệm thuốc điều trị trầm cảm lại thường bỏ qua các đối tượng cần được giúp đỡ nhất. Giờ đây các nhà làm luật và một số nhà khoa học đang đặt câu hỏi liệu có nên thay đổi cách thức thử nghiệm các loại thuốc này hay không.

Cảnh báo: Bài viết có chứa nhiều chi tiết đề cập đến vấn đề tự tử

Vào một buổi chiều tháng 4/2018, tôi đã phải trả lời hàng loạt câu hỏi qua chiếc điện thoại để bàn vốn bỏ xó lâu nay.

Qua tín hiệu chập chờn của điện thoại cố định, một nhà nghiên cứu tại Đại học Exeter, Anh Quốc, thực hiện cuộc phỏng vấn để kiểm tra xem tôi có phải là đối tượng phù hợp cho một thử nghiệm lâm sàng hay không.

Cô thuộc nhóm nghiên cứu tính hiệu quả của ketamine - một loại thuốc gây mê an thần đang dự kiến được cải biến thành thuốc chống trầm cảm. Đây là phương thức điều trị dược lý đầu tiên dành cho chứng trầm cảm được khởi xướng trong vài thập kỷ gần đây.

Các nhà khoa học ở Exeter hy vọng loại thuốc này khi kết hợp với điều trị tâm lý có thể giúp người nghiện rượu tránh tái nghiện.

Các câu hỏi được nêu ra để làm rõ liệu tôi có phụ thuộc vào rượu hay không, điều này không có gì là ngạc nhiên vì tôi đăng ký tham gia thử nghiệm để đối phó với vấn đề uống rượu của bản thân. Nhưng ở đây có hai câu hỏi khiến tôi cảm thấy như bị lột trần, rất khó chịu.

"Có bao giờ anh nghĩ đến tự tử hoặc làm thứ gì đó gây tổn hại đến bản thân không?" nhà nghiên cứu hỏi.

Tôi vắt óc suy nghĩ vì sao cô ấy lại hỏi điều này. Tôi tự giả dụ là ai ai cũng đều từng có ý nghĩ như vậy vào một vài thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tôi không thể biết được câu trả lời có vai trò thiết yếu đến đâu trong cuộc phỏng vấn. Nhưng tôi ngần ngừ trả lời là "có".

Tiếp theo là hai câu hỏi: "Anh có thường hay nghĩ về điều đó không?" và "Anh đã từng lên kế hoạch tự tử bao giờ chưa?"

Tôi có ý nghĩ đó ngay vào đầu giờ sáng ngày hôm đó và vào nhiều ngày khác nữa, tôi nói, song không có kế hoạch cụ thể nào cả.

Nhưng trong lúc chuỗi câu hỏi này tạo cảm giác vừa kỳ cục vừa mang tính xâm lấn, xoi mói, thì điều mà sau đó tôi phát hiện ra lại vừa đáng thất vọng, lại vừa đáng bực mình - đó là chuyện những câu trả lời của tôi đã được diễn giải ra sao.

Không thử nghiệm lâm sàng trên người có nguy cơ tự tử

Tôi có vài người bạn là các nhà tâm lý học và một người đang thực hiện các thử nghiệm lâm sàng trong ngành dược. Họ nói với tôi một điều khiến tôi ngạc nhiên: các thử nghiệm lâm sàng cho thuốc chống trầm cảm thường loại bỏ sự tham gia của các bệnh nhân có nguy cơ tự tử.

Trên thực tế, đây là cách bảo vệ bệnh nhân và nó là điều rất quan trọng trong việc thử nghiệm một phương pháp điều trị mới.

Rất dễ thấy tại sao điều này lại quan trọng như vậy - các bác sỹ và nhà nghiên cứu không muốn làm tăng rủi ro cho nhóm các cá nhân dễ bị tổn thương bằng việc thử nghiệm loại thuốc mới lên họ. Đây cũng là lý do tại sao phụ nữ mang thai chẳng hạn thường không được đưa vào các chương trình nghiên cứu thuốc hoặc vaccine mới.

Thế nhưng dường như đây là một tiêu chí kỳ lạ dành cho chính loại thuốc sẽ được dùng để điều trị nhóm người có nguy cơ tự tử cao nhất.

Cũng không ngạc nhiên khi những người có thể cần đến thuốc chống trầm cảm trả lời "có" với những câu hỏi như vậy. Theo một số ước tính, khoảng 50-66% những người tự tử có biểu hiện một vài dạng rối loạn tâm trạng (dù vậy cũng nên biết rằng chỉ khoảng từ 2-4% những người được điều trị trầm cảm tìm đến tự tử mà thôi).

Liệu việc loại trừ những người này ra khỏi thử nghiệm có làm nảy sinh những vấn đề mới?

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Bảng câu hỏi thường được sử dụng để giúp lựa chọn tình nguyện viên phù hợp tham gia thử nghiệm thuốc

Mặc dù câu hỏi được tôi trả lời là "có", các nhà nghiên cứu từ Đại học Exeter vẫn lựa chọn tôi tham gia thử nghiệm của họ, và kết quả thử nghiệm đã được công bố vào tháng 1/2022.

Nhưng với tư cách là một cây bút về khoa học từng làm việc trong ngành dược và hiện chủ yếu chuyên viết về mảng này, tôi muốn tìm hiểu tại sao những người với ý nghĩ tự tử lại có thể bị loại ra khỏi thử nghiệm kiểu này.

Rủi ro cho bệnh nhân

Điều này cũng dẫn đến một câu hỏi quan trọng: liệu quy ước bất thành văn này có khiến bệnh nhân gặp rủi ro hay không nếu về sau chính họ được kê đơn loại thuốc được phê duyệt từ các thử nghiệm như vậy?

Khó mà phân định rành mạch trong vấn đề này. Một số cơ quan quản lý y dược nhận thấy cách làm trên có thể làm méo mó kết quả thử nghiệm liên quan đến tính hiệu quả và rủi ro từ việc sử dụng thuốc.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cách làm đó đồng nghĩa với việc những người tiến hành thử nghiệm có thể do có xung đột quyền lợi hoặc có thiên kiến trong việc ghi nhận kết quả mà coi nhẹ rủi ro phát sinh từ việc dùng thuốc.

Song những người triển khai thử nghiệm lâm sàng cũng là những người gánh trên vai trách nhiệm đạo đức đảm bảo sức khỏe, mà nhất là tính mạng bệnh nhân tham gia thử nghiệm.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu bắt đầu tự hỏi liệu việc loại bỏ nhóm bệnh nhân này ra khỏi những người tham gia thử nghiệm có phải là cách tiếp cận đúng đắn không, và liệu có cách nào khác để đưa họ vào thử nghiệm mà vẫn đảm bảo an toàn cho họ hay không.

Để thực hiện bước đầu tiên nhằm thoát ra khỏi mê trận đạo đức mà các chính sách này tạo ra, họ đang soạn thảo các chiến lược mới nhằm giúp đưa nhóm bệnh nhân phổ quát hơn tham gia thử nghiệm.

Đương nhiên, chúng ta kỳ vọng thuốc chống trầm cảm sẽ trở thành công cụ chủ chốt bảo vệ con người khỏi cảm giác chán sống. Tuy nhiên, mối lo ngại về loại thuốc này đã bắt đầu xuất hiện từ năm 1990.

Khi đó đã xuất hiện các báo cáo nói rằng loại thuốc cần kê đơn - được biết đến với công dụng ức chế tái hấp thụ serotonin có chọn lọc (SSRIs) - làm tăng ý định tự tử ở bệnh nhân dùng thuốc.

Trong nhóm thuốc SSRI có thuốc paroxetine, được bán dưới nhãn hiệu Paxil và Seroxat và nhiều tên khác, và thuốc fluoxetine, được bán dưới nhãn hiệu phổ biến nhất là Prozac.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các thuốc chống trầm cảm được sử dụng rộng rãi này gây phản tác dụng lên bệnh nhân.

Chương trình Panorama của BBC vào năm 2002 phát phóng sự, nêu vấn đề ra công luận. Vào năm 2004, các nhà khoa học Anh nhấn mạnh SSRIs có thể làm tăng rủi ro hành vi tự sát ở trẻ em và thiếu niên. Ngày nay, giới chức y tế cảnh báo rủi ro về ý muốn tự vẫn và tự làm hại mình, đặc biệt khi các loại thuốc này được dùng để điều trị cho người dưới 25 tuổi.

Eli Lilly, nhà sản xuất nhãn thuốc Prozac, nói rằng fluoxetine giờ đây nằm trong số "các loại thuốc được nghiên cứu nhiều nhất trong lịch sử" và rằng hãng đã nộp đầy đủ dữ liệu về an toàn thuốc cho các cơ quan quản lý nhà nước qua nhiều thập kỷ.

"Fluoxetine được phê duyệt bởi MHRA và FDA để điều trị trầm cảm ở trẻ em và tiếp tục được các nhà quản lý, dược sỹ và bệnh nhân coi là mang lại lợi ích tích cực cho bệnh nhân," người phát ngôn của hãng cho BBC biết.

Vấn đề trở nên rắc rối hơn khi một nghiên cứu vào năm 2014 chỉ ra rằng những khuyến cáo này đã làm suy giảm việc sử dụng thuốc chống trầm cảm, và việc này đến lượt nó dẫn đến tình trạng tỷ lệ tự tử gia tăng.

Sự cân nhắc của các cơ quan quản lý y dược

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khác lại phản biện kết quả này, trong đó có cả các nhà nghiên cứu làm việc cho Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).

Hoàn toàn dễ hiểu khi các nhà khoa học muốn tránh tình thế tương tự, điều có thể khiến những người dễ bị tổn thương gặp rủi ro.

Trong công việc của mình, các nhà nghiên cứu thực hiện thử nghiệm lâm sàng cần có phương pháp để đánh giá rủi ro tự tử trước và sau khi bệnh nhân dùng thuốc. Để giúp thực hiện điều này, họ phát triển một vài bảng câu hỏi để xếp hạng nguy cơ tự tử dựa trên các thang điểm không chênh nhau nhiều lắm.

Các câu hỏi mà tôi đã phải trả lời đến từ Thang điểm Columbia về Mức độ Nghiêm trọng của Tự tử (C-SSRS), bác sỹ tâm lý học Celia Morgan đến từ Đại học Exeter (bà là người chỉ đạo thử nghiệm mà tôi tham gia) giải thích với tôi thế.

Mọi thử nghiệm lâm sàng thực hiện ở Anh đều phải được chấp thuận bởi Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA) của Anh. Tương tự, mọi thử nghiệm thuốc điều trị mới ở Mỹ phải được phê duyệt bởi FDA.

Khi nhóm của Morgan nộp sản phẩm thử nghiệm ban đầu, MHRA yêu cầu họ nộp kèm C-SSRS, đây là thang điểm phổ biến trong các thử nghiệm trên thế giới.

Nhưng thang điểm đánh giá nguy cơ tự tử không được sử dụng để khảo sát người tham gia trong mọi thử nghiệm y học, Hugh Davies, nhà tư vấn đạo đức nghiên cứu cho Cơ quan Nghiên cứu Y tế của Anh, nói.

"Khi cảm thấy là có sự liên quan tới nguy cơ tự tử, quý vị cần phải xem xét mối liên quan đó và trả lời câu hỏi 'Liệu việc tham gia nghiên cứu có làm tăng rủi ro không? Lợi ích cụ thể là gì? Làm sao để đánh giá được những lợi ích đó?'," ông nói.

"Quý vị nên đưa ra thang điểm đối với mức độ rủi ro tự tử. Xem xét nguy cơ thực sự là gì, định lượng nó, và sau đó đưa ra đánh giá. Trên mức rủi ro này, ta phải loại họ ra khỏi thử nghiệm. Dưới mức đó, ta sẽ đưa họ vào."

Tình huống cũng tương tự đối với các thử nghiệm được giám sát bởi FDA ở Hoa Kỳ và Cơ quan Quản lý Dược phẩm ở Châu Âu.

Trong thực tiễn, điều này có nghĩa là các thử nghiệm dược phẩm ảnh hưởng lên não bộ cần áp dụng tiêu chuẩn đánh giá người tham gia dựa trên thang điểm nguy cơ tự tử.

Một số thử nghiệm thuốc chống trầm cảm vốn từng áp dụng cách đánh giá này nhưng không loại các đối tượng có nguy cơ tự tử cao ra khỏi quá trình thử nghiệm, nay bắt đầu áp dụng lại việc chấp nhận hoặc loại bỏ người tham gia. Tuy nhiên, các thử nghiệm như thế này vẫn khá hiếm hoi.

Dẫu vậy, với việc có quá nhiều thử nghiệm loại bỏ người tham gia dựa trên rủi ro tự tử, cách tiếp cận này liệu có thực sự bảo vệ người tham gia thử nghiệm không?

"Nguy cơ tự tử trong các thử nghiệm đã giảm xuống," Arif Khan nói, giám đốc y khoa tại Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng Tây Bắc ở Bellvenue, Washington, nói. Theo ông, đương nhiên là không có gì ngạc nhiên khi việc sàng lọc các bệnh nhân có nguy cơ đã dẫn tới tỷ lệ tự tử thấp hơn trong các thử nghiệm lâm sàng.

Năm 2018, một nghiên cứu do Khan và các đồng nghiệp thực hiện cho thấy số ca tự tử giảm từ 644 trên 100.000 bệnh nhân xuống còn chỉ 26 trên 100.000.

Con số các trường hợp tìm cách tự tử cũng giảm mạnh, ngay cả đối với những người được điều trị bằng giả dược thay vì thuốc chống trầm cảm.

Kết quả này được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ tự tử toàn cầu giảm 36% trong 20 năm kể từ năm 2000, nhưng riêng ở Mỹ tỷ lệ này tăng 46%.

Tuy không thể loại trừ khả năng việc thay đổi thiết kế thử nghiệm ảnh hưởng đến kết quả, nhưng Khan và đồng sự cho rằng đây có thể là do việc sử dụng các phương pháp như bảng câu hỏi C-SSRS.

"Các kết quả này có thể phản ánh quy trình tăng mức sàng lọc và loại bỏ một cách hữu hiệu các bệnh nhân có ý muốn tự tử khỏi việc tham gia thử nghiệm," họ viết.

Nhưng không phải tất cả đều cho rằng thử nghiệm đang trở nên an toàn hơn.

Nếu quý vị hoặc bất kỳ ai quý vị biết bị ảnh hưởng bởi những vấn đề nêu trong bài viết này, Hiệp hội Quốc tế Ngăn chặn Tự tử có các cơ sở trên toàn cầu có thể giúp đỡ ngay lập tức. Quý vị cũng có thể liên hệ với tổ chức Befrienders Worldwide.

Tại Anh và Ireland: The Samaritans mở 24h mỗi ngày, Hãy gọi 116 123 hoặc email jo@samaritans.org

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn