Tác hại của cô đơn

Thứ Ba, 25 Tháng Mười 20223:00 CH(Xem: 1597)
Tác hại của cô đơn

Cô đơn đẩy sự lão hóa sinh học nhanh hơn hút thuốc, thói quen ăn uống xấu hay căng thẳng.

Cô đơn là gì? Tiến sĩ khoa học thần kinh Stephanie Cacioppo của ĐH Chicago (Mỹ) giải thích, đó là sự khác biệt giữa những gì bạn có và những gì bạn muốn từ các mối quan hệ của mình.

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Lão khoa của Mỹ, so với một người cùng tuổi có một tâm hồn hạnh phúc, người cô đơn trông già hơn 1,65 tuổi.

Ảnh minh họa: Aboluowang

Ảnh minh họa: Aboluowang

Một nhóm nhà khoa học đến từ Hong Kong và Mỹ đã đo tình trạng tuổi sinh học của khoảng 12.000 người bằng cách sử dụng mô hình thống kê "đồng hồ lão hóa". Nghiên cứu xem xét các vấn đề sức khỏe tâm thần bao gồm trầm cảm, khó ngủ, cô đơn, không hạnh phúc và cảm giác kỳ vọng thấp. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phân tích địa vị xã hội, tình trạng hôn nhân và nơi cư trú của đối tượng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 4 lý do lớn nhất để rút ngắn tuổi sinh học là "cô đơn", "hút thuốc", "hôn nhân" và "vấn đề về giấc ngủ".

Các nghiên cứu cho thấy những đối tượng có mức độ cô đơn cao, xuất hiện cystatin C (một chất ức chế protease, có liên quan chặt chẽ đến bệnh thận) rõ ràng hơn trong cơ thể, cho thấy những tác động tâm lý của sự cô đơn tới thể chất.

Ngoài ảnh hưởng đến tuổi sinh học, nghiên cứu đăng trên tạp chí Diabetologia còn khẳng định cảm xúc cô đơn sẽ ảnh hưởng đến việc tiết cortisol, từ đó dẫn đến thay đổi hệ thống tim mạch của cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra trong kết quả thống kê, những đối tượng thường xuyên cảm thấy cô đơn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp đôi so với những người khỏe mạnh. Họ cũng dễ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các biến số như tuổi tác, giới tính và hôn nhân.

Tác giả nghiên cứu, Roger E. Henriksen, cho biết sự cô đơn kích thích phản ứng căng thẳng của cơ thể, có thể dẫn đến những thay đổi trong hệ thống tim mạch cũng như nồng độ cortisol tăng cao. Cortisol, còn được gọi là "hormone căng thẳng", có thể dẫn đến ăn quá nhiều, gây tăng lượng carbohydrate trong cơ thể và làm tăng khả năng kháng insulin.

Nên làm gì để không cô đơn?

Henriksen tin rằng mọi người có xu hướng bỏ qua tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần vì công việc, gia đình... Kể từ sau đại dịch Covid-19, việc thực hiện các chính sách giãn cách xã hội đã khiến công chúng ngày càng chú ý đến những rủi ro phụ do cô đơn gây ra, chẳng hạn như khó ngủ, trầm cảm hay tiểu đường. Ông kêu gọi công chúng tăng cường sức khỏe tinh thần hàng ngày, bao gồm ngủ đủ giấc, ra ngoài trời, tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, kết nối với gia đình và bạn bè, thực hành chánh niệm và lòng biết ơn.

Theo các chuyên gia, đừng phủ nhận cảm xúc của mình. Hãy giải thích cho chính bạn, ai cũng có lúc rơi vào tâm trạng như vậy. Thay vì chối bỏ nó, nên thừa nhận và tìm hướng đối phó.

Các chuyên gia khuyên bạn, khi cô đơn, hãy nhớ về những điều đẹp đẽ từng khiến bạn mỉm cười và biết ơn. Nên tham gia các hoạt động tình nguyện để có được cảm giác tích cực hơn. Hãy dành nhiều thời gian hơn cho những người xung quanh, tham gia các hoạt động xã hội.

Ngoài ra, chìa khóa là hãy sống chậm lại một chút và tập trung vào điều gì đó bạn thực sự yêu thích hoặc điều gì đó bạn luôn muốn làm nhưng chưa bao giờ làm. Sống thật với chính mình giúp bạn vượt qua những phút cô đơn nhất.

Thùy Linh (Theo Aboluowang)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn