Khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên

Thứ Sáu, 21 Tháng Mười 20225:00 CH(Xem: 2419)
Khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên

Các chuyên gia cho biết khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên dễ dẫn đến tăng huyết áp, trầm cảm, lạm dụng rượu bia và suy yếu sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu mới của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), Mỹ, cho biết người dân từ 50 tuổi trở lên tại các nền kinh tế lớn trải qua cuộc "khủng hoảng tuổi trung niên". Nghiên cứu đánh giá dữ liệu của khoảng 500.000 người tại Mỹ, Canada và Anh.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng biểu hiện của tình trạng này thường là giảm mức độ hài lòng trong cuộc sống, gia tăng căng thẳng trong công việc, tăng ham muốn tự tử, khó ngủ, nghiện rượu, trầm cảm cùng những yếu tố khác.

Cuộc khủng hoảng này tồn tại âm thầm, dù thực tế là nhiều người trung niên đang ở những năm thu nhập đỉnh cao, ít gặp vấn đề về sức khỏe, sống trong những khu vực an toàn, giàu có. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là "nghịch lý đáng lo ngại".

Các nhà khoa học phát hiện nhiều người có "mức độ căng thẳng công việc cao nhất" ở tuổi 45. Các nghiên cứu trước đó cho thấy đây là yếu tố dự báo tăng huyết áp, trầm cảm và suy yếu sức khỏe tâm thần.

Các chuyên gia đã ghi nhận "mô hình ngọn đồi" nhất quán, xảy ra khi mọi người bước vào độ tuổi trung niên. Theo đó, ở giai đoạn giữa cuộc đời, các mọi người có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng lâm sàng như ngủ ít, hay quên. Họ bắt đầu cảm thấy quá tải trong cuộc sống, căng thẳng với sự nghiệp. Các mô hình tương tự cho thấy nhiều người trở nên phụ thuộc vào rượu, bị chứng đau nửa đầu, thậm chí nuôi dưỡng ý định tự tử khi bước vào tuổi trung niên.

Những vấn đề này được ghi nhận cả với người giàu có, dù phần nhiều đang ở thời kỳ sự nghiệp đỉnh cao, chưa bị bệnh. Ở khắp các nước phát triển, mô hình ngọn đồi xảy ra bất kể giới tính, quốc tịch, dù họ có con nhỏ hay không.

Một người phụ nữ trung niên ngồi bên cửa sổ. Ảnh: Freepik

Một người phụ nữ trung niên ngồi bên cửa sổ. Ảnh: Freepik

Thực tế, khủng hoảng tuổi trung niên trở thành giai thoại truyền miệng từ lâu. Báo cáo của NBER cũng được xây dựng theo dự đoán trước đây của Elliott Jaques, một nhà tâm thần học người Canada. Ông đã đặt ra thuật ngữ "khủng hoảng tuổi trung niên" vào năm 1965, dựa trên lý thuyết rằng mọi người sẽ bắt đầu học cách "đối mặt với ngày mình lìa xa thế giới" sau tuổi 35. Tâm lý đó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.

Báo cáo vẫn còn một số hạn chế. Các chuyên gia chưa rõ liệu khủng hoảng tuổi trung niên có phải giai đoạn không thể thay đổi, yếu tố tiềm ẩn trong tâm lý của con người, hay chúng chủ yếu là hệ quả của việc sống trong xã hội sung túc và hiện đại.

Các nghiên cứu trước đây đã cố gắng trả lời cho câu hỏi này. Phân tích năm 2012 chỉ ra rằng tinh tinh và đười ươi cũng gặp tình trạng suy giảm sức khỏe ở độ tuổi trung niên, cho thấy yếu tố sinh học đứng sau các cuộc khủng hoảng.

Theo nghiên cứu năm 2000, các vấn đề như lão hóa, ly hôn, nghỉ việc hoặc mất người thân không phải nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng tuổi trung niên.

Theo các chuyên gia của NBER, đây là "câu hỏi cơ bản" dành cho các nhà kinh tế và khoa học hành vi, nhằm định hướng chính sách xã hội. Dù ở trong điều kiện thoải mái, nhiều người lao động ngày nay vẫn không hài lòng với cuộc sống hiện đại. Cuộc khảo sát năm 2021 cho thấy mức độ hài lòng về công việc của người Mỹ giảm từ 84% xuống còn 68%.

Độ tuổi khủng hoảng của mọi người dường như thấp hơn sau năm thứ ba Covid-19 lây lan. Các lao động trẻ nghỉ việc ngày càng nhiều trong thời kỳ đại dịch do căng thẳng gia tăng. Xu hướng "bỏ việc trong yên lặng", tập trung duy trì cân bằng giữa công việc và cuộc sống, quyết tâm "không làm thêm giờ" trở thành một hiện tượng văn hóa trong năm nay.

Thục Linh (Theo Insider)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn