Tiểu nhiều có giúp giảm cân?

Thứ Hai, 10 Tháng Mười 20227:00 CH(Xem: 1866)
Tiểu nhiều có giúp giảm cân?

Đi tiểu nhiều lần trong ngày có thể khiến trọng lượng cơ thể một người thay đổi tạm thời, nhưng không giúp giảm cân.

Trong cơ thể người, hệ tiết niệu có nhiệm vụ loại bỏ chất lỏng dư thừa, chất thải. Hệ tiết niệu gồm thận, bàng quang, niệu đạo và niệu quản. Thận có chức năng lọc máu, tạo ra nước tiểu vận chuyển đến bàng quang. Khi bàng quang đầy, cơ quan này sẽ gửi tín hiệu thông báo tới não để đi tiểu.

Đi tiểu có liên quan đến cân nặng bởi hành động này đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa chất béo. Khi một người tiêu thụ lượng calo ít hơn nhu cầu của cơ thể, lượng chất béo dự trữ khắp cơ thể sẽ bị phá vỡ để sử dụng làm năng lượng. Quá trình này tạo ra các sản phẩm dư thừa, được bài tiết qua nước tiểu, mồ hôi, phân.

Việc đi tiểu cũng có thể tạo ra những thay đổi nhỏ về trọng lượng cơ thể. Khi một người uống nhiều nước, cân nặng sẽ tăng. Sau khi đi tiểu, trọng lượng cơ thể sẽ quay về mức ban đầu. Biến động về cân nặng sau khi uống nước là bình thường.

Đi tiểu nhiều không giúp một người giảm cân. Ảnh: Freepik

Đi tiểu nhiều không giúp một người giảm cân. Ảnh: Freepik

Nghiên cứu về các dấu hiệu sinh học hydrat hóa, lượng chất lỏng, nước tiểu của các nam sinh Đại học Thường Châu (Trung Quốc) năm 2017 do các chuyên gia của Đại học Bắc Kinh thực hiện cho thấy, việc tăng lượng nước uống hàng ngày có liên quan tới lượng nước tiểu được bài tiết ra ngoài cơ thể. Do đó, số cân nặng tăng hoặc giảm tạm thời trong ngày phụ thuộc vào lượng chất lỏng một người uống.

Người bình thường đi tiểu khoảng 6-7 lần/ngày. Bên cạnh việc uống nhiều nước, số lần đi tiểu của một người phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe (mắc bệnh tiểu đường, nhiễm trùng đường tiết niệu...), dùng thuốc điều trị và kích thước bàng quang.

Theo các nghiên cứu, uống nhiều nước có lợi cho việc giảm cân. Nghiên cứu về ảnh hưởng của việc tiêu thụ nước trước bữa ăn đối với việc hấp thụ năng lượng và cảm giác no ở người trẻ không béo phì, do bà Ji Na Jeong, Khoa Quản lý Y tế, Đại học Jeonju (Hàn Quốc) thực hiện năm 2018 cho thấy, việc uống nước trước bữa ăn có thể làm tăng cảm giác no, giảm cảm giác thèm ăn. Từ đó, lượng thức ăn một người tiêu thụ sẽ ít hơn bình thường.

Cùng với đó, khi một người điều chỉnh thói quen hàng ngày (tăng cường tập thể dục, tránh đồ uống có đường làm tăng calo...), cân nặng có thể giảm đáng kể. Nghiên cứu về đồ uống có đường và sự tăng cân ở trẻ em và người lớn năm 2013-2015 do các chuyên gia của Bệnh viện Rangueil (Pháp) thực hiện đã chứng minh việc tiêu thụ một số loại đồ uống có đường như soda, trà, nước trái cây... có thể làm tăng lượng calo cơ thể hấp thụ, dẫn đến tình trạng một người tăng cân khó kiểm soát.

Tóm lại, đi tiểu thường xuyên không giúp giảm cân về lâu dài, nhưng việc tăng lượng nước uống vào có thể hỗ trợ quá trình giảm cân. Khi cơ thể sử dụng chất béo để làm nhiên liệu, các sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa chất béo thường được bài tiết qua nước tiểu. Cùng với đó, uống nhiều nước có thể tạm thời thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giảm cảm giác thèm ăn.

Minh Thúy

(Theo Healthline)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn