• Veronique Greenwood
  • BBC Future

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Trước kia, nước cam là món thết đãi mà mỗi lần muốn uống người ta phải tự vắt từng quả. Cách đây hơn một thế kỷ, việc bội thu cam trái đã giúp tạo ra loại đồ uống chủ lực phổ biến dùng cho bữa sáng được nhiều người ưa thích ngày nay.

Hộp nước cam to tướng từ lâu đã có mặt bên cạnh tách trà và cà phê trên bàn ăn sáng. Không mấy ai trong chúng ta nghĩ nhiều về thứ đồ uống này ngoài việc liên tưởng đến hàm lượng Vitamin C vượt trội của nó.

Thật đáng ngạc nhiên khi biết rằng chỉ mới gần đây nước cam chế biến sẵn mới trở thành thứ đồ uống hàng ngày.

Việc nước cam trở nên một một hiện tượng toàn cầu ngày nay là kết quả sáng tạo của các nhà tiếp thị thế kỷ 20, khi họ phải tìm cách đối phó với tình trạng dư thừa, cam nhiều chất đống nhưng không có nơi nào để đổ bỏ.

Vào đầu thập niên 1900, cam Florida và California đua tranh sự chú ý của người tiêu dùng Mỹ.

Cam được gửi đi khắp nơi, được ăn tươi hoặc vắt nước ở nhà, tạo ra một loại thần dược có màu mật ong thơm ngon.

Ở California chủ yếu là cam navel ruột vàng và cam Valencia, trong đó để vắt nước thì cam Valencia là tuyệt nhất.

Tuy nhiên, ở Florida người ta trồng bốn loại, đều thích hợp để vắt nước. Điều đó dẫn đến việc năm 1909, các nhà nông trồng cam đã họp mặt để giải quyết một vấn đề đang bùng phát - lượng cam tràn ngập ở mức quá dư thừa so với khả năng tiêu thụ của thị trường, và từ đó, việc chế biến nước cam ép thay vì khống chế sản lượng cam đã được đưa ra như một giải pháp khả thi.

Thời đó, nước cam được sản xuất thương mại chỉ được đóng gói duy nhất ở dạng lon thiếc. Hương vị nước cam lon không thể so được với nước cam tươi, và sự thờ ơ của người dân đã phản ánh rõ điều này.

Lượng nước cam lon tiêu thụ ở Mỹ năm 1930 chỉ là 0,01 pound, tương đương khoảng một thìa cà phê/người, so với lượng tiêu thụ cam quả là gần 19lbs (8,6kg)/người trong cùng năm đó, sử gia Alissa Hamilton viết trong cuốn sách có tên Squeezed (Nước ép quả).

Có thể vì thế mà một chiến dịch quảng cáo tích cực cho nước cam và các sản phẩm khác từ cam đã được những người yêu thích cam tiến hành vào thập niên 1920, khi việc phát hiện ra vitamin đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Vitamin C là một lý do hoàn hảo cho việc tiêu thụ nhiều cam hơn. Mọi thứ thực sự khởi sắc khi nhà dinh dưỡng nổi tiếng Elmer McCollum phổ biến rộng rãi thông tin về một căn bệnh bí ẩn mà theo lời ông có nguyên nhân do ăn quá nhiều thực phẩm "tạo ra axit" như bánh mì và sữa, gọi là chứng nhiễm toan (chứng nhiễm độc axit).

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Cho đến mãi gần đây nước cam vẫn còn là thứ bạn chỉ có thể thưởng thức ở nhà nếu tự tay vắt cam

Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng nhiễm toan, căn bệnh không thể được chữa trị bằng cách ăn rau xà lách và cam quýt như McCollum đã tuyên bố.

Tuy nhiên điều đó không khiến cho ngành công nghiệp nước ép trái cây họ cam ngừng trí tưởng tượng phong phú để tận dụng nỗi sợ hãi mới này.

Adee Braun, trong câu chuyện về Đại Tây Dương, đã trích dẫn từ một nội dung quảng cáo cho nước ngọt Sunkist:

"Estelle có vẻ thiếu sức sống, và cô không hề tham gia các trò vui giải trí gì cả; thế nên cô không phải là một phụ nữ hấp dẫn đối với đàn ông ...". 'Nhiễm toan' là câu cửa miệng của hầu hết các bác sĩ."

"Cách chữa trị rất đơn giản: Dùng cam dưới mọi hình thức, vào bất kỳ lúc nào có thể," Braun viết. "Và Sunkist đảm bảo với các độc giả lo sợ bị nhiễm toan rằng việc thừa cam trong cơ thể không đời nào xảy ra."

Tâm điểm chú ý sau đó nhanh chóng được dồn vào vấn đề vitamin, do những ý tưởng trên bị các bác sĩ phản đối, nhưng ý chí mãnh liệt muốn thúc đẩy việc tiêu thụ cam thì vẫn còn đó.

Nước trái cây vẫn được đóng lon vào thời điểm đó và chưa trở nên phổ biến. Nhưng chính phủ, đặc biệt là Cục Quản lý Trái cây họ Cam ở Florida, sẵn sàng đầu tư vào việc thử nghiệm.

Việc Quân đội Hoa Kỳ trong giai đoạn Thế Chiến II ráo riết săn lùng một dạng thực phẩm từ trái cây họ cam mà binh lính sẽ không lén bỏ ra khỏi khẩu phần ăn đã dẫn đến một chương trình nghiên cứu về nước cam ngon miệng.

Việc cố gắng làm cho nước cam trở nên cô đặc như sữa mang lại kết quả tồi tệ không thể quên nổi. "Nhiệt độ cao làm mất đi độ bóng của nước cam và tạo ra một hỗn hợp sền sệt, có màu hơi nâu, không hề có hương vị tươi ngon [trích nguyên văn]", sử gia Hamilton viết.

Nhưng khi dùng áp suất để làm bay hơi một phần nước, rồi trộn phần nước trái cây tươi trở lại vào thành phần đã cô đặc, sau đó làm đông lạnh hỗn hợp này thì kết quả thành công hơn.

Nước trái cây tươi đã cứu nguy chất cô đặc khó chịu. Nó tạo ra một thứ đáng uống, song vẫn còn kém xa so với nước cam tươi nguyên chất.

Giải pháp sáng tạo được đưa ra khi các nhà nông trồng cam ở Florida tìm cách xử lý tình trạng bội thu tới mức thừa mứa lặp đi lặp lại mỗi mùa.

Tuy nhiên, lời hứa hẹn về một phương pháp mới nhằm tạo ra nước trái cây có thể trữ đông rồi đưa trở lại trạng thái như tươi mới thúc đẩy họ sản xuất càng nhiều hơn nữa.

Họ trồng thêm nhiều cây cam vào thời thập niên 1940.

Cam được chế biến sang dạng cô đặc đông lạnh và cuối cùng là dạng nước trái cây ướp lạnh, một thuật ngữ chuyên ngành để chỉ sản phẩm cần được cất trữ trong tủ lạnh.

Nếu như có thể trữ được nước trái cây tươi cho đến khi người tiêu dùng đem ra uống thì điều duy nhất cần phải làm là kích cầu càng nhiều càng tốt.

Sự khác biệt giữa loại nước này với nước cam tươi không phải là vấn đề. Khi John McPhee vào một khách sạn ở Florida trong chuyến đi viết báo cáo cách đây hơn 50 năm, ông nhận thấy rằng ngay cả ở khu vực trồng cam nhiều nhất, người dân cũng chỉ còn ký ức mờ nhạt về thứ nước trái cây tươi.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Giải pháp sáng tạo đã được áp dụng khi những người trồng cam ở Florida tìm cách xử lý tình trạng thu hoạch dư thừa quá nhiều mỗi mùa

"Kế bên khách sạn là một nhà hàng với những cây cam trĩu quả nằm khắp bãi đậu xe," ông viết trong cuốn sách Oranges.

"Tôi vào nhà hàng ăn tối, và vì tôi sẽ ở đó một thời gian mà đây là nhà hàng duy nhất trong khu vực, cho nên tôi muốn tìm hiểu xem nhà hàng có nước trái cây tươi cho bữa sáng hay không. Từ trước đến giờ chưa hề có khách nào gọi nước cam tươi cả, cô phục vụ giải thích, có vẻ là không chú tâm vào thứ vừa được hỏi."

"'Cam tươi lúc thì quá chua, khi thì quá nhiều nước hoặc quá nhiều xơ chẳng hạn,' cô nói. 'Nước cam đông lạnh thì ngày nào chất lượng cũng y chang. Khách hàng muốn biết chắc những gì họ uống.' Có vẻ như cô ấy hiểu rõ công việc của mình, và tôi bắt đầu cảm thấy một điều mà hóa ra là sự thật - rằng tôi cũng có thể từ bỏ việc yêu cầu nước cam tươi, vì rất ít nhà hàng ở Florida phục vụ món này."

Nước cam đóng hộp chỉ trở nên phổ biến khi các công ty bắt đầu dùng các "gói hương vị", dầu và tinh chất có thể được thêm vào nước trái cây cũ để tạo ra hương vị tươi mới.

Trong khi cách chế biến này đã dẫn đến việc phát sinh một số vụ kiện về việc liệu sản phẩm thu được còn có thể được coi là "tự nhiên" hay không, thì tới lúc này người tiêu dùng Mỹ đã quen vị nước cam, đã được hoàn toàn thuyết phục rằng nước cam là món không thể thiếu cho một bữa sáng hoàn hảo, và họ không còn phải tự tay vắt trái cây nữa.

Lối sống bận rộn của thế kỷ 20 cũng chứng kiến việc các loại thực phẩm tiện lợi không cần mất nhiều công sức chuẩn bị được lựa chọn ngày càng rộng rãi, điều này có thể giúp cho nước trái cây đóng hộp trở nên hấp dẫn hơn.

Sau một vài thập kỷ, với sự trợ giúp của quảng cáo và công nghệ chế biến, bãi chứa cho những quả cam thừa mứa đã được tạo nên vững chắc như chính sản phẩm nước cam, vượt xa cam trái về doanh số bán hàng.

"Vào mỗi ngày bất kỳ, chỉ 5% người Mỹ ăn một trái cây thuộc họ cam (tính chung cả cam, quýt các loại)" một bản phúc trình của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ từ năm 2003 nói. "21% sẽ uống nước cam."