Miếng dán siêu âm có thể quét nội tạng người

Thứ Năm, 11 Tháng Tám 20223:00 CH(Xem: 1357)
Miếng dán siêu âm có thể quét nội tạng người

Miếng dán siêu âm có kích thước bằng con tem sẽ giúp các bác sĩ nắm rõ hơn về sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: Felice Frankel/PA

Miếng dán siêu âm có kích thước bằng con tem sẽ giúp các bác sĩ nắm rõ hơn về sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: Felice Frankel/PA

Giáo sư Xuanhe Zhao tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cùng đồng nghiệp phát triển miếng dán siêu âm dùng chất kết dính sinh học (BAUS) với khả năng siêu âm một người khi họ đang thực hiện các hoạt động thường ngày. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science hôm 28/7.

BAUS nhỏ tương đương một con tem, có thể siêu âm mạch máu, hệ tiêu hóa và các cơ quan nội tạng trong 48 giờ, cung cấp cho bác sĩ bức tranh chi tiết hơn về sức khỏe bệnh nhân so với hình ảnh siêu âm nhanh thông thường. Trong thử nghiệm, nhóm nghiên cứu sử dụng miếng dán để theo dõi tim thay đổi hình dạng khi các tình nguyện viên tập thể dục, dạ dày giãn ra và co lại khi uống, cơ bắp chịu tổn thương nhẹ khi tập tạ.

BAUS có thể "cách mạng hóa" việc siêu âm vì các quá trình quét hiện tại rất ngắn, đôi khi chỉ kéo dài vài giây và thường phải thực hiện trong bệnh viện, theo Zhao. Zhao cho rằng trong tương lai, mọi người có thể mua các hộp miếng dán và sử dụng chúng với sự trợ giúp của thuật toán thông minh trên điện thoại. Họ có thể theo dõi tim, phổi, hệ tiêu hóa để phát hiện những dấu hiệu sớm của bệnh tật, theo dõi cơ bắp trong quá trình phục hồi hoặc rèn luyện thân thể.

Miếng dán chứa một loạt cảm biến tí hon chiếu sóng siêu âm xuyên qua da và đi vào cơ thể. Những sóng này sau đó sẽ dội trở lại từ các mạch máu, mô và cơ quan nội tạng. Hiện tại, miếng dán phải được kết nối với một công cụ biến sóng dội lại thành hình ảnh.

Nhóm nghiên cứu đang phát triển phiên bản không dây để hoạt động với phần mềm trên điện thoại và tin rằng sẽ thành công trong vài năm tới. Họ cho biết, kể cả không có phiên bản không dây, BAUS vẫn mang đến sự khác biệt lớn vì cho phép theo dõi bên trong cơ thể bệnh nhân ngay khi họ nằm trên giường, giống như các điện cực dán dùng để theo dõi hoạt động tim.

Siêu âm rất phổ biến, nhưng kỹ thuật này có một số hạn chế như đòi hỏi nhân viên y tế được đào tạo chuyên sâu phải đặt và định hướng thiết bị dò đúng cách trên cơ thể bệnh nhân để thu được hình ảnh chất lượng cao. Vì vậy, hầu hết các lần siêu âm đều diễn ra trong thời gian rất ngắn và bệnh nhân được yêu cầu nằm yên.

Miếng dán mới sẽ giúp khắc phục một số vấn đề trên vì chúng có thể được dán cố định và thu hình ảnh trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày, nhóm chuyên gia cho biết. Ngoài việc quét các cơ quan để tìm những dấu hiệu sớm của bệnh tật, miếng dán còn có thể theo dõi chức năng bàng quang, khối u và sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

Thu Thảo (Theo Guardian)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn