• David Robson
  • BBC Worklife

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Elizabeth Holmes

Truyền thông ngày nay nghe đầy chuyện những người dối trá.

Đó là Elizabeth Holmes, doanh nhân công nghệ sinh học, hồi năm 2015 được công bố là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất và giàu nhất. Cô ta hiện phải đối mặt án tù 20 năm vì tội lừa đảo.

Rồi vụ Anna Sorokin - hay còn gọi là Anna Delvey, người giả vờ là người phụ nữ được thừa kế tài sản ở Đức, rồi sau đó cuỗm hàng trăm ngàn đô la của giới thượng lưu New York.

Và Shimon Hayut, hay còn gọi là Simon Leviev - được gọi kẻ lừa đảo trên Tinder.

Điểm đặc trưng của tất cả những người này không chỉ là lời dối trá họ nói với người khác - mà còn là lời dối trá họ nói với chính bản thân mình.

Mỗi người đều tin hành động của họ bằng cách nào đó là chính đáng, và dù gì đi nữa họ cũng tin họ sẽ không bao giờ bị lật tẩy. Hết lần này đến lần khác, cá nhân họ dường như phủ nhận thực tế - và kéo người khác vào trò lừa đảo của họ.

Bạn có thể cho rằng kiểu hành vi này là chuyện tương đối hiếm, chỉ có ở vài trường hợp cực đoan. Nhưng tự lừa dối là vô cùng phổ biến, và nó có thể đã tiến hóa để đem lại lợi ích cá nhân.

Chúng ta tự dối mình để bảo vệ hình ảnh bản thân, để cho phép chúng ta hành động vô đạo đức nhưng vẫn giữ lương tâm trong sạch.

Theo nghiên cứu mới nhất, tự lừa dối thậm chí có thể đã trở nên đến mức giúp ta thuyết phục được người khác; nếu chúng ta bắt đầu tin vào lời dối trá của chính mình thì chúng ta sẽ khiến người khác dễ dàng tin vào lời dối trá đó hơn.

Nghiên cứu này có thể giải thích vì sao có rất những hành vi đáng nghi vấn trong nhiều lĩnh vực cuộc sống - nhiều hơn nhiều so với những vụ lừa đảo được giật tít trên mặt báo trong những năm qua.

Bằng việc hiểu rõ các yếu tố dẫn đến việc tự lừa dối bản thân, chúng ta có thể phát hiện khi nào nó có thể ảnh hưởng quyết định của mình và tránh được tình trạng bị những ảo tưởng này dẫn đi lạc lối.

Bảo vệ bản ngã

Bất kỳ nhà tâm lý học cũng sẽ nói với bạn rằng nghiên cứu khoa học về tự lừa dối rất nhức đầu. Bạn không thể chỉ hỏi ai đó là họ có tự lừa dối mình không, vì chuyện dối trá này xảy ra một cách vô thức. Cho nên, kết quả là các thí nghiệm thường rất rối rắm.

Hãy bắt đầu với nghiên cứu của Zoë Chance, phó giáo sư tiếp thị tại Đại học Yale.

Trong thí nghiệm tài tình từ năm 2011, bà chỉ ra rằng nhiều người vẫn tự lừa dối một cách vô thức để thúc đẩy cái tôi của họ.

Một nhóm được yêu cầu làm bài kiểm tra IQ, với danh sách đáp án in ở cuối trang. Đúng như bạn nghĩ, những người này làm bài tốt hơn nhiều so với nhóm không có đáp án.

Tuy nhiên, họ dường như không nhận ra họ dựa vào đáp án có sẵn nhiều tới mức nào - và họ đoán rằng họ cũng sẽ đạt kết quả tốt như vậy trong bài kiểm tra thứ hai với hàng trăm câu hỏi khác mà không có đáp án. Họ đã tự lừa dối bản thân khi nghĩ rằng họ biết câu trả lời chính xác cho các câu hỏi mà không cần giúp đỡ.

Để chắc chắn về kết luận này, Chance lặp lại toàn bộ thí nghiệm với một nhóm khác. Tuy nhiên, lần này, người tham gia sẽ được tiền thưởng nếu họ đoán chính xác kết quả của họ trong bài kiểm tra thứ hai, và sự tự tin thái quá dẫn đến trả lời sai có thể sẽ khiến họ bị mất đi khoản thưởng đó. Ta có thể đoán được rằng nếu như họ ý thức được hành vi của mình, thì hình thức khen thưởng này sẽ giảm bớt đi sự tự tin thái quá của họ.

Thật sự thì những gì xảy ra cho thấy nó không thể làm xẹp niềm tin được thổi phồng của họ; họ vẫn tự lừa dối mình rằng họ thông minh hơn thực tế, ngay cả khi biết mình sẽ mất tiền. Nó cho thấy niềm tin này chân thực và sâu sắc - và mạnh mẽ tới mức đáng kinh ngạc.

Không khó để thấy điều này diễn ra trong đời thực như thế nào. Nhà khoa học có thể thấy kết quả nghiên cứu của họ là thật, mặc dù họ dùng dữ liệu gian dối; sinh viên có thể tin rằng họ đáng vào được đại học tên tuổi, dù họ gian lận bài thi.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Sự chân thành đạo đức

Tự lừa dối để nâng cao hình ảnh bản thân đã được thấy trong nhiều bối cảnh khác.

Ví dụ, Uri Gneezy, giáo sư kinh tế tại Đại học California, San Diego, gần đây chỉ ra rằng nó có thể giúp chúng ta biện minh cho những xung đột lợi ích tiềm tàng trong công việc chúng ta.

Trong một nghiên cứu năm 2020, Gneezy yêu cầu người tham gia đóng vai nhà tư vấn đầu tư hoặc khách hàng.

Tư vấn viên có hai cơ hội để xem xét - mỗi cơ hội đi kèm với những rủi ro và sự đền đáp khác nhau. Họ cũng được cho biết họ sẽ có hoa hồng nếu khách hàng chọn một trong hai cơ hội đầu tư.

Trong một nhóm các thử nghiệm, các tư vấn viên ngay từ đầu đã được cho biết về phần thưởng tiềm năng này, trước khi họ bắt đầu xem xét các lựa chọn khác nhau. Dẫu làm ra vẻ như đưa cho khách hàng lựa chọn tốt nhất, nhưng nhiều khả năng họ sẽ giới thiệu lựa chọn có lợi cho chính họ.

Tuy nhiên, trong các thử nghiệm còn lại, các tư vấn viên chỉ được cho biết về phần thưởng tiềm năng sau khi họ đã được cho thời gian để cân nhắc được - mất của mỗi lựa chọn. Lần này rất ít người để cho quyết định bị ảnh hưởng bởi phần thưởng; họ trung thực với mục tiêu đưa ra lời khuyên tốt nhất cho khách hàng.

Đối với Gneezy, việc biết lợi ích cá nhân chỉ ảnh hưởng quyết định trong kịch bản đầu tiên cho thấy sự tự lừa dối của họ là vô thức; nó thay đổi cách họ tính toán lợi ích và rủi ro mà họ không nhận thức được sự thiên lệch, để họ có thể cảm thấy họ vẫn hành động vì lợi ích khách hàng.

Trong tình huống thứ hai, nó đòi hỏi thay đổi suy nghĩ hoàn toàn và sẽ khó mà biện minh hơn cho chính họ. "Họ chỉ không thể thuyết phục mình rằng họ hành động một cách hợp đạo đức," ông nói.

Bằng cách này, tự lừa dối là cách bảo vệ ý thức đạo đức của chúng ta, Gneezy nói. "Điều đó có nghĩa là chúng ta tiếp tục thấy mình là người tốt," ông nói - ngay cả khi hành động của chúng ta không phải là tốt hoặc tốt nhất.

Hình thức tự lừa dối này có thể thấy rõ ràng nhất ở mảng tư vấn tài chính, nhưng Gneezy nghĩ nó cũng có thể quan trọng đối với y tế tư nhân. Mặc dù có ý tốt, một bác sĩ có thể vô thức tự lừa dối mình rằng cách điều trị đắt hơn là tốt nhất cho bệnh nhân - mà thậm chí không nhận ra sự tự lừa dối, ông nói.

Thuyết phục mình, thuyết phục người

Có lẽ kết quả đáng ngạc nhiên nhất của tự lừa dối là trong cuộc nói chuyện của chúng ta với người khác.

Theo lý thuyết này, tự lừa dối cho phép chúng ta tự tin hơn vào những gì mình đang nói, và điều này làm cho chúng ta ăn nói thuyết phục hơn.

Ví dụ, nếu bạn muốn bán sản phẩm không ra gì, bạn sẽ làm cho người ta tin hơn nếu bạn thực sự tin rằng đó là món hời có chất lượng- ngay cả khi có bằng chứng cho thấy ngược lại.

Giả thuyết này lần đầu tiên được đưa ra cách đây nhiều thập kỷ, và nghiên cứu gần đây của Peter Schwardmann, phó giáo sư kinh tế học hành vi tại Đại học Carnegie Mellon, Mỹ, đem đến những bằng chứng thuyết phục cho ý tưởng này.

Giống nghiên cứu của Chance, các thí nghiệm đầu tiên của Schwardmann bắt đầu với bài kiểm tra IQ.

Người tham gia không được cho biết kết quả, nhưng sau khi thí nghiệm kết thúc, họ phải tự đánh giá họ nghĩ mình đã làm tốt tới mức nào. Sau đó, họ làm một kiểm tra về năng lực thuyết phục: họ phải đứng trước hội đồng các nhà tuyển dụng giả và thuyết phục họ về trí tuệ của mình - với phần thưởng tiềm năng là 15 euro nếu hội đồng tin họ nằm trong số thông minh nhất nhóm.

Một số người được cho biết về nhiệm vụ thuyết phục trước khi đánh giá sự tự tin của mình trong màn trình diễn, và một số người khác được cho biết sau đó.

Đúng như giả thiết, Schwardmann phát hiện điều này đã thay đổi cách họ xếp hạng khả năng mình: việc biết trước nhiệm vụ là phải thuyết phục người khác khiến họ tự tin thái quá về khả năng của mình, so với những người không được cho biết trước. Sự cần thiết phải thuyết phục người khác khiến họ nghĩ mình thông minh hơn.

Ông mô tả đây là một dạng 'phản xạ'.

Quan trọng là các thí nghiệm của Schwardmann cho thấy việc tự lừa dối đem lại kết quả xứng đáng; sự tự tin thái quá không có cơ sở thực sự làm tăng khả năng thuyết phục của họ trước các nhà tuyển dụng giả.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chọn bên

Schwardmann hiện quan sát thấy quá trình tương tự trong các giải đấu hùng biện. Tại các sự kiện này, người tham gia được đưa ra một chủ đề và sau đó được giao ngẫu nhiên một quan điểm để tranh luận - sau đó được cho 15 phút để chuẩn bị lập luận. Trong cuộc tranh luận, họ được đánh giá về cách bảo vệ quan điểm như thế nào.

Schwardmann kiểm tra niềm tin cá nhân của họ về các đề tài trước khi họ được giao lập trường, sau khi họ bắt đầu hình thành lập luận, và sau cuộc tranh luận.

Đúng như ý nghĩ rằng tự lừa dối đã đi lên đến mức giúp chúng ta thuyết phục người khác, ông thấy ý kiến cá nhân của mọi người đã thay đổi đáng kể sau khi được cho biết họ sẽ đứng về phía nào trong cuộc tranh luận. "Niềm tin cá nhân của họ đi về phía họ được giao chỉ 15 phút trước - để hợp với mục tiêu thuyết phục của họ," Schwardmann nói.

Sau cuộc tranh luận, họ cũng có cơ hội phân bổ các khoản tiền nhỏ cho từ thiện - được lựa chọn từ một danh sách dài các tổ chức. Schwardmann nhận thấy họ có xu hướng chọn tổ chức nào phù hợp với lập trường tranh luận của họ - ngay cả khi lập trường đó được chọn ngẫu nhiên từ đầu.

Nhiều ý kiến của chúng ta có thể được hình thành theo cách này. Trong chính trị, một nhà vận động được yêu cầu lấy ý kiến về một điểm nào đó thực sự sẽ thuyết phục bản thân ông ta rằng đó là cách nhìn nhận vấn đề duy nhất - không phải vì họ đã đánh giá cẩn thận các sự kiện, mà chỉ vì họ được yêu cầu đưa ra lập luận. Thật vậy, Schwardmann nghi ngờ quá trình này có thể đứng sau hầu hết sự phân cực chính trị mà chúng ta thấy ngày nay.

Ảo tưởng về sự vĩ đại

Với tất cả những cách này, bộ não chúng ta có thể đánh lừa mình tin vào những điều không có thật. Tự lừa dối khiến chúng ta thổi phồng cách chúng ta đánh giá khả năng của mình, để chúng ta tin rằng mình thông minh hơn mọi người xung quanh.

Điều đó có nghĩa chúng ta bỏ qua tác động hành động của mình đối với người khác, để chúng ta tin rằng nhìn chung mình làm việc có đạo đức.

Và bằng cách lừa dối bản thân về tính đúng đắn của niềm tin của chúng ta, chúng ta cho thấy mình tin tưởng nhiều hơn vào ý kiến của mình - điều này đến lượt nó có thể giúp chúng ta thuyết phục người khác.

Chúng ta không bao giờ có thể biết những gì đã diễn ra trong đầu Holmes, Sorokin hoặc Hayut và những kẻ lừa đảo khác - nhưng dễ suy đoán làm sao những cơ chế này phát huy.

Ít nhất, những kẻ lừa đảo này dường như đã đánh giá cao quá mức khả năng của chính họ và quyền có được những gì họ muốn - và họ vui vẻ rũ bỏ tác động đạo đức tiềm tàng của việc họ đang làm.

Nhất là Holmes dường như đã tin vào sản phẩm của mình, và cố gắng biện minh cho việc cô ta sử dụng số liệu gây hiểu lầm. Bất chấp tất cả các bằng chứng trái ngược, cô ta vẫn tuyên bố tại phiên tòa rằng "các công ty thiết bị y tế lớn như Siemens có thể sẽ dễ dàng lặp lại những điều mà chúng tôi đã làm".

Thế còn Hayut thì vẫn cho mình là 'quý ông tốt nhất', không hề làm gì sai.

Schwardmann đồng ý một số kẻ lừa đảo có thể sống trong những lời nói dối cực kỳ tinh vi. Ông chỉ ra rằng có kẻ thậm chí còn thể hiện sự tức giận chính đáng khi họ bị chất vấn, mà điều này khó mà giả tạo được. "Có lẽ đó là dấu hiệu cho thấy họ thực sự tin lời nói dối của chính họ," ông nói.

Mong muốn có địa vị xã hội dường như tăng xu hướng tự lừa dối. Chẳng hạn khi mọi người cảm thấy bị người khác đe dọa, nhiều khả năng họ thổi phồng cách họ tự nhìn nhận khả năng. Có thể là rủi ro càng cao, chúng ta càng lừa dối mình nhiều hơn.

Trong hầu hết trường hợp, sự tự lừa dối của chúng ta có thể không có hại - cho phép mình thấy tự tin hơn chút ít so với mức độ hợp lý.

Nhưng điều đáng nói là ta cần ý thức được xu hướng này - nhất là khi chúng ta ra những quyết định có thể làm thay đổi cuộc sống.

Chẳng hạn, bạn không muốn tự lừa dối về những rủi ro của việc làm vứt bỏ công việc hiện tại của bạn, hay khả năng thành công của một động thái mạo hiểm trong sự nghiệp.

Cách tốt để triệt tiêu tất cả các thiên kiến là 'xem xét mặt ngược lại' của kết luận của bạn.

Kỹ thuật này đơn giản như cách gọi của nó: bạn cố gắng tìm ra tất cả lý do mà niềm tin của bạn có thể sai, như thể bạn đang chất vấn chính mình.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra điều này khiến chúng ta có đầu óc phân tích nhiều hơn về một tình huống. Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, lập luận có hệ thống này chứng tỏ có hiệu quả hơn nhiều so với chỉ đơn giản là nói với mọi người 'suy nghĩ theo lý trí'.

Dĩ nhiên, điều này chỉ có thể nếu bạn có thể chấp nhận những thiếu sót của mình. Bước đầu tiên là thừa nhận vấn đề.

Có lẽ bạn nghĩ rằng mình không cần lời khuyên này; việc tự lừa dối chỉ làm tổn thương người khác, trong khi bạn hoàn toàn trung thực với chính mình. Nếu vậy, đó có lẽ sẽ là ảo tưởng lớn nhất của bạn.