Từ thời Trung Cổ đến kỷ nguyên hậu kháng sinh: Một vòng luân hồi của bệnh lậu

Thứ Năm, 19 Tháng Năm 20221:00 SA(Xem: 1943)
Từ thời Trung Cổ đến kỷ nguyên hậu kháng sinh: Một vòng luân hồi của bệnh lậu

Ngày 11 tháng 10 năm 1982, tại eo biển Solent nằm giữa đảo Wight và lãnh thổ chính của Vương Quốc Anh, hàng trăm ánh mắt háo hức đổ dồn vào chiếc cần trục nổi khổng lồ của công ty kỹ thuật xây dựng biển Howard Doris.

Đám đông bao gồm một nhóm thợ lặn, những kỹ sư hoàng gia, các nhà khảo cổ học và đặc biệt là sự có mặt của Thái tử Charles. Họ ở đó để chứng kiến một trong những sự kiện trục vớt hàng hải phức tạp và tốn kém nhất lịch sử nhân loại: Xác tàu Mary Rose.

Mary Rose là một tàu chiến lớp carrack của hải quân Anh được chế tạo và hạ thủy từ năm 1511. Nó đã phục vụ hải quân hoàng gia 34 năm, từ thời Vua Henry VIII cho đến khi bị đắm trong một trận hải chiến với Pháp năm 1545.

Con tàu chìm xuống eo biển Solent đã chôn vùi hơn 400 thủy thủ đoàn cùng hàng chục ngàn hiện vật trong suốt 4 thế kỷ.

Mary Rose vì vậy được ví như một viên nang của thời gian, nó gói ghém tất cả những vũ khí và công nghệ hiện đại nhất của thế kỷ 16, thứ cho phép các nhà khảo cổ học có một lăng kính để nhìn vào lịch sử cách đây cả nửa thiên niên kỷ.

Hơn 26.000 đồ tạo tác và mảnh gỗ đã được trục vớt cùng với Mary Rose kể từ đó đến giờ. Giữa những súng ống, đại bác, trang sức và nhạc cụ, các nhà khảo cổ còn chú ý đến những đồ vật mà họ tìm thấy trong một căn phòng được gọi là cabin của bác sĩ phẫu thuật cắt tóc (Barber-surgeon).

Bác sĩ thời Trung Cổ

Trong suốt thời Trung Cổ, hóa ra các bác sĩ chẳng bao giờ động đến dao kéo phẫu thuật. Họ coi đó là một công việc thấp kém vì chỉ đơn thuần là tác động cơ học lên cơ thể người. Hơn nữa, phẫu thuật còn gây ra tỷ lệ tử vong cao và các bác sĩ không muốn công việc này làm hỏng danh tiếng hàn lâm của họ.

Thủ thuật ngoại khoa, từ nhổ răng cho tới phẫu thuật cắt cụt chi và khoan sọ được đẩy cho thợ cắt tóc – những người đã sở hữu sẵn dao kéo trong bộ đồ nghề của mình.

Và trên một con tàu chiến như Mary Rose không thể thiếu những bác sĩ phẫu thuật cắt tóc như vậy. Họ chính là những người có nhiệm vụ chăm sóc và phẫu thuật cho những thương binh.

Nhìn vào cabin của bác sĩ phẫu thuật cắt tóc trên Mary Rose cho phép các nhà khảo cổ tái dựng lại được bức tranh y học của thế kỷ 16.

Họ đã tìm thấy tổng cộng 60 dụng cụ y khoa, trong đó có một chiếc vồ (dùng để đập xuống gáy dao cạo khi cắt xương), một chiếc bàn là đồng (có tác dụng làm cháy da thịt và dán miệng vết thương lại) và một chiếc khoan (dùng để đục lỗ trên hộp sọ nhằm giải phóng dịch não và máu ứ đọng).

Những dụng cụ y khoa thời Trung Cổ.
Những dụng cụ y khoa thời Trung Cổ.

Đó là cách mà y học của thế kỷ 16 đã hoạt động. Nhưng trong câu chuyện hôm nay, chúng ta hãy tập trung vào một chiếc ống tiêm bằng đồng có mũi kim rất dài này. Nó cũng được tìm thấy trong bộ dụng cụ của những bác sĩ phẫu thuật cắt tóc trên tàu Mary Rose.

Công dụng của chiếc bơm tiêm này là để điều trị bệnh lậu.
Công dụng của chiếc bơm tiêm này là để điều trị bệnh lậu.

1. Bệnh lậu trong kỷ nguyên tiền kháng sinh

Lậu là một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) gây ra bởi vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae. Đây là một vi khuẩn gram âm, được phân lập lần đầu tiên vào năm 1878 bởi bác sĩ người Đức Albert Neisser. Chính vi khuẩn lậu sau đó đã được đặt theo tên ông.

Nhưng bệnh lậu thì đã xuất hiện từ rất lâu cùng với lịch sử loài người. Nó có thể là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục được biết đến sớm nhất.

Cổ thư Đông Y Trung Quốc từng ghi nhận một căn bệnh giống với bệnh lậu xuất hiện trong thời đại Huang Ti (2.600 năm Trước Công nguyên). Book of Leviticus, quyển sách thứ ba trong Kinh thánh Do Thái và Cựu Ước, cũng từng đề cập đến bệnh lậu.

Hippocrates, cha đẻ y học phương tây gọi lậu là "thú vui của thần Vệ Nữ" trong những tài liệu mà ông viết khi sinh thời (khoảng những năm 460-375 Trước Công Nguyên). Nhưng thuật ngữ bệnh lậu hay "gonorrhoeae" thì mới được Galen, một bác sĩ Hy Lạp đặt ra vào khoảng năm 131-200 Sau Công Nguyên.

Gonorrhoeae

Gonorrhoeae là một từ ghép giữa "gono" trong tiếng Hy Lạp nghĩa là "tinh dịch" và "rhea" nghĩa là "dòng chảy". Căn bệnh được Galen mô tả là "sự tiết tinh dịch không mong muốn".

Trên thực tế, đó là một triệu chứng lâm sàng của bệnh lậu, nhưng Galen đã nhầm, thứ tiết ra từ dương vật của những người đàn ông mắc bệnh lậu không phải tinh dịch, mà dịch mủ gây ra bởi sự nhiễm trùng.

Các bác sĩ trong quá khứ đã cố gắng loại bỏ mủ này bằng cách dùng hai tay vỗ vào hai bên dương vật người bệnh. Hoặc thậm chí, họ có thể đặt dương vật lên một bề mặt cứng, rồi đập nó bằng một cuốn sách lớn để dịch mủ chảy ra.

Chính vì phương pháp điều trị cực đoan này, bệnh lậu còn được đặt cho một biệt danh là là "The Clap", nghĩa là bệnh phải vỗ.

Bệnh lâu còn có một biệt danh là The Clap

Các phương pháp điều trị lậu trở nên tiên tiến hơn vào thế kỷ 16, nhưng vẫn còn rất đau đớn. Như chiếc ống tiêm được tìm thấy trên tàu Mary Rose, nó được dùng để bơm thủy ngân vào trong niệu đạo những thủy thủ nhiễm bệnh lậu.

Bởi thủy ngân có tính diệt khuẩn, nó có thể giết chết vi khuẩn, nhưng trớ trêu thay, bản thân thủy ngân là một chất độc và việc tiêm nó vào niệu đạo cũng để lại nhiều tác dụng phụ khủng khiếp, từ viêm da, viêm niêm mạc cho đến tổn thương thận.

Vì vậy, đến thế kỷ 18, việc bơm thủy ngân vào dương vật đã được các bác sĩ thay thế bằng nước ấm. Hóa ra vi khuẩn lậu rất kỵ nhiệt độ cao, do đó, nếu mắc bệnh nhẹ với dịch tiết ít, các bác sĩ có thể chỉ cần dùng ống tiêm bơm nước ấm 46-50 độ vào niệu đạo cho bệnh nhân. Sau 2-3 ngày rửa liên tục như vậy, bệnh lậu có thể thuyên giảm.

Đến thế kỷ 19, nitrat bạc với tính diệt khuẩn và không để lại tác dụng phụ đã được dùng để điều trị những ca lậu nặng. Cùng với đó là mercurochrome, một dẫn xuất của fluorescein với brom và thủy ngân.

Nhưng dù dung dịch bơm là gì đi chăng nữa, việc điều trị bệnh lậu trước kỷ nguyên kháng sinh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác dụng phụ và gây đau đớn cho người bệnh.

Mọi chuyện chỉ thay đổi sau khi Alexander Fleming tìm ra Penicillin, loại thuốc kháng sinh đầu tiên cho con người.

2. Trong thời đại của những viên đạn bạc

Đó là cách người ta gọi kháng sinh trong thời hoàng kim của nó. Sau khi Penicillin được điều chế vào năm 1943, kháng sinh đã được sử dụng để điều trị mọi bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra.

Penicillin đã thể hiện một hiệu lực phi thường. Từ các vết thương nhiễm trùng nặng trước đây cần cắt cụt cả chi, đến những căn bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu như bệnh lậu, chỉ cần một đợt điều trị với kháng sinh vài ngày là sẽ khỏi hẳn.

Các bác sĩ bây giờ đã có thể tạm biệt những ống tiêm niệu đạo của họ, và kê một đơn kháng sinh chỉ vài ngày cho bệnh nhân lậu. Nhưng thời hoàng kim của kháng sinh hóa ra không kéo dài quá lâu.

Penicillin

Năm 1943, Penicillin được đưa vào sử dụng thì năm 1945, vi khuẩn kháng Penicillin đã xuất hiện. Đó là những chủng vi khuẩn đã tiến hóa trong môi trường kháng sinh để làm thuốc mất hiệu lực.

Đến năm 1946, ít nhất 4 trường hợp vi khuẩn lậu kháng Penicillin đã được báo cáo. Đến năm 1963, một kháng sinh mới là Ampicilin đã được dùng để thay thế cho Penicillin. Loại thuốc mới này có thể chữa khỏi tới 98% ca bệnh lậu.

Nhưng sự tiến hóa của vi khuẩn và kháng sinh luôn giống với trò chơi nhảy cừu. Khi con người tìm ra một loại thuốc kháng sinh mới và đưa nó vào điều trị, vi khuẩn kháng thuốc sẽ xuất hiện ngay sau đó. Kết quả là chúng ta lại phải vật lộn đi tìm một loại kháng sinh mới.

Lần lượt trong 6 thập kỷ, vi khuẩn lậu đã tiến hóa để kháng được gần như toàn bộ các loại kháng sinh của con người, từ cotrimoxazole, chlortetracycline, spectinomycin, cephalosporin cho đến erythromycin, và ciprofloxacin…

Bệnh lậu đang ngày càng kháng kháng sinh

Năm 2007, ceftriaxone được cho là "tuyến phòng thủ cuối cùng" của con người với bệnh lậu đã bị vi khuẩn kháng lại. Sau loại thuốc này, con người được xác nhận là không còn bất kể loại kháng sinh nào để chiến đấu với vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae.

Năm 2018, lần đầu tiên các nhà khoa học Anh Quốc báo cáo một ca nhiễm lậu không thể chữa khỏi. Đó là một người đàn ông nhiễm bệnh sau một chuyến du lịch đến Đông Nam Á.

Ông đã được kê 2 loại thuốc kháng sinh là azithromycin đường uống và ceftriaxone đường tiêm. Nhưng cả 2 loại thuốc đều không có hiệu quả. Kết quả là các bác sĩ phải theo dõi người đàn ông này chặt chẽ và cả bạn tình của ông ấy tại Anh để hạn chế siêu vi khuẩn lậu lây lan.

Nhưng vào tháng 2 năm nay, thêm 3 ca nhiễm siêu vi khuẩn lậu kháng kháng sinh không thể chữa khỏi khác đã được báo cáo ở Anh. Cùng với đó, các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha và Australia cũng phát hiện những ca nhiễm siêu vi khuẩn lậu này.

Vi khuẩn lậu

Biểu đồ bệnh lậu trên thế giới

Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 97% các quốc gia được điều tra từ năm 2009 đến năm 2014 đã phát hiện các dòng khuẩn lậu kháng thuốc. Trong đó, 66% các quốc gia này cũng báo cáo sự xuất hiện của khuẩn lậu kháng được loại kháng sinh điều trị cuối cùng.

Đây là dấu hiệu cho thấy kỷ nguyên vàng của kháng sinh đã lụi tàn, và chúng ta đang đứng ở mấp mé bờ vực mở ra giai đoạn đen tối được gọi là hậu kháng sinh.

3. Khi bệnh lâu lại không còn thuốc chữa

300.000 ca tử vong do bệnh lậu kháng thuốc mỗi năm, đó là dự đoán của Teodora Wi, một chuyên gia về bệnh lây truyền qua đường tình dục của WHO về những gì sẽ xảy ra trong thời đại hậu kháng sinh.

Con số thêm vào một dự đoán lên tới 10 triệu ca tử vong do tất cả các loại vi khuẩn kháng thuốc vào năm 2050. Ngay lúc này, con số đó đã là hơn 700.000 ca.

WHO cho biết ở thời điểm hiện tại, mỗi năm thế giới đã ghi nhận tổng cộng gần 80 triệu ca nhiễm bệnh lậu ở thanh thiếu niên và người trưởng thành. Con số thậm chí còn có thể cao hơn do nhiều quốc gia không thống kê được đầy đủ.

Bệnh lậu không được điều trị thành công sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn lậu kháng cả hai loại kháng sinh đầu bảng là azithromycin và ceftriaxone ở một số quốc gia có thống kê, như Trung Quốc là 3,3%. Con số cao hơn, 19% với vi khuẩn lậu kháng azithromycin và 11% với vi khuẩn lậu kháng ceftriaxone.

Bệnh lậu không được điều trị thành công sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn, vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae kháng thuốc khi xâm nhập ống dẫn tinh có thể gây ra tình trạng viêm mào tinh hoàn và vô sinh.

Hậu quả tương tự ở phụ nữ, khi vi khuẩn tấn công vào tử cung và ống dẫn trứng. Trẻ sơ sinh nhiễm vi khuẩn lậu từ mẹ trong khi sinh có thể bị mù, lở loét da đầu hoặc nhiễm trùng.

Ngoài ra, vi khuẩn lậu khi xâm nhập đường máu có thể lây lan tới các bộ phận khác của cơ thể và thường gây ra bệnh khớp, cứng khớp và sưng tấy. Tất cả sẽ thêm vào những gánh nặng bệnh tật diễn ra trên toàn cầu.

Bệnh nhân sưng khớp do biến chứng bệnh lậu

Để ngăn chặn những gì xấu nhất có thể xảy ra, chúng ta đang phát triển ít nhất 2 loại kháng sinh mới dành cho vi khuẩn lậu.

  • Loại thứ nhất được gọi là gentamicin, nhưng nó không phải lựa chọn lý tưởng. Gentamicin có tác dụng phụ ảnh hưởng tới thận và thính giác.
  • Loại thứ hai là meropenem, cùng dòng với ceftriaxone. Nhược điểm của loại thuốc này là nếu khuẩn lậu kháng được với ceftriaxone, nó cũng dễ dàng kháng meropenem.

Một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II vắc-xin chống vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae cũng đang được Đại học Oxford tiến hành. Tuy nhiên, thách thức với vắc-xin là con người lại không phát triển khả năng miễn dịch lâu dài với khuẩn lậu.

Vì vậy, trong khi chúng ta chưa thực sự có được một kháng sinh mới để chống lại khuẩn lậu, cách tốt nhất để đối phó với nó là phòng bệnh ngay từ đầu.

WHO khuyến cáo các biện pháp bao gồm: Không quan hệ tình dục với người mắc bệnh lậu, sử dụng bao cao su và các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, chậu, đồ lót… và mọi người nên đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ.

Hơn lúc nào hết, đây là lúc chúng ta cần cảnh giác với bệnh lậu, nếu không muốn phải trục vớt thêm những chiếc ống tiêm có từ thời trung cổ, và các bác sĩ phải học lại cách sử dụng chúng cho những ca nhiễm trùng không còn thuốc chữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn