• Chloe Hadjimatheou
  • BBC News

Elderly South Korean job seekers sleep during an elderly persons' job fair on September 23, 2005 in Seoul, South Korea.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hàn Quốc là một trong những quốc gia thiếu ngủ nhất thế giới

Hàn Quốc là một trong những quốc gia thiếu ngủ nhất thế giới, và điều này đã ảnh hưởng lớn đến người dân nước này.

Ji-Eun bắt đầu khó ngủ khi giờ làm việc của cô căng đến nỗi cô không thể thư giãn được.

Trung bình, cô làm việc từ 7 giờ sáng tới 10 giờ đêm, nhưng vào những ngày bận rộn, nhân viên quan hệ công chúng 29 tuổi này phải ở văn phòng tới 3 giờ sáng.

Sếp của cô thường gọi điện vào nửa đêm và yêu cầu cô phải giải quyết việc gì đó ngay lập tức.

"Gần như tôi đã quên mất làm thế nào để thư giãn," cô nói.

Tại Phòng khám Dream Clinic điều trị bệnh mất ngủ ở quận Gangnam nhộn nhịp của Seoul, BS Ji-hyeon Lee, một bác sỹ tâm thần chuyên điều trị rối loạn giấc ngủ, cho biết bà thường khám cho các khách hàng phải dùng tới 20 viên thuốc ngủ một đêm.

"Thường thì phải mất một lúc mới ngủ được, nhưng người Hàn Quốc muốn ngủ ngay lập tức nên họ uống thuốc," bà cho biết.

Nghiện thuốc ngủ là một căn bệnh toàn quốc

Không có con số chính thức nhưng ước tính 100.000 người Hàn Quốc bị nghiện thuốc ngủ.

Khi họ vẫn không ngủ được, ngoài thuốc ngủ, họ thường tìm đến rượu bia - sự kết hợp có hậu quả nguy hiểm.

"Họ bị mộng du. Họ mở tủ lạnh và ăn nhiều thứ mà không nhận thức được, kể cả đồ ăn chưa nấu," BS Lee nói. ''Thậm chí có những vụ tai nạn ô tô ở trung tâm Seoul do bệnh nhân mộng du gây ra."

BS Lee quen với việc chứng kiến những người mất ngủ kinh niên vật lộn với trạng thái sang chấn tâm lý hưng phấn suy nhược (hypo-arousal). Một số bệnh nhân nói với bà đã hàng chục năm rồi họ không ngủ quá vài tiếng một đêm.

''Họ khóc nhưng vẫn có một tia hy vọng [khi họ tới đây]. Thật là một tình trạng đáng buồn," bà nói.

Làm quá nhiều, quá căng thẳng và thiếu ngủ

Hàn Quốc là một trong những quốc gia thiếu ngủ nhất thế giới. Nước này cũng có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước phát triển, tiêu thụ lượng đồ uống có độ cồn mạnh nhiều nhất và có số người dùng thuốc chống trầm cảm rất cao.

Có những lý do lịch sử đằng sau những con số thống kê.

Chỉ vài thập kỷ trước, đất nước này đi từ một trong những nước nghèo nhất thế giới lên một trong những quốc gia tiên tiến nhất về công nghệ. Hàn Quốc cũng giành được quyền lực mềm đáng kể, với ảnh hưởng ngày càng lớn lên văn hóa nhạc pop thế giới.

Các quốc gia với tốc độ phát triển tương tự, như Ả rập Saudi và Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, có thể tận dụng tài nguyên, nhưng Hàn Quốc không có tài nguyên như vậy. Nước này đổi mình dựa vào sự cống hiến tận tâm của người dân, được thôi thúc bởi lòng tự hào dân tộc khiến họ làm việc chăm chỉ hơn và nhanh hơn.

Và một trong các kết quả là mọi làm quá nhiều, quá căng thẳng và thiếu ngủ.

Giờ đây, hẳn một ngành công nghiệp đang phát triển để chăm sóc cho những người mất ngủ - với ngành công nghiệp giấc ngủ ước tính có trị giá 2.5 tỷ USD năm 2019.

Ngành công nghiệp trợ giúp giấc ngủ nở rộ

Ở Seoul, có những cửa hàng bách hóa chuyên bán các sản phẩm ngủ, từ ga trải gường hoàn hảo đến những chiếc gối tối ưu, trong khi các hiệu thuốc có những giá chất đầy các loại thuốc thảo dược hỗ trợ giấc ngủ.

Rồi lại có những sản phẩm công nghệ cho bệnh mất ngủ. Cách đây hơn hai năm, Daniel Tudor xây dựng một ứng dụng thiền - Kokkiri - nhằm giúp những người trẻ Hàn Quốc bị quá căng thẳng.

Mặc dù Hàn Quốc vốn là đất nước theo đạo Phật, giới trẻ coi thiền như hoạt động của người già, không phải là điều mà một nhân viên văn phòng ở Seoul làm. Daniel nói anh phải tái nhập và tái đóng gói thiền như một ý tưởng phương Tây để thu hút người trẻ Hàn Quốc.

Một số tổ chức truyền thống hơn cũng đã tham gia vào lĩnh vực này.

Hyerang Sunim là một nhà sư giúp quản lý một cơ sở retreat Ở tại Chùa ngay bên ngoài Seoul, nơi những người thiếu ngủ có thể tham gia tập thiền và nghe Phật pháp.

Trước kia, những khóa thiền mini như thế này chỉ dành cho những người đã nghỉ hưu muốn được học Phật pháp và cầu khấn. Giờ đây, những người đến với sơ sở này trẻ hơn, trong độ tuổi đang làm việc.

Nhưng những ngôi chùa này cũng bị chỉ trích vì kiếm lời từ những kỳ retreat như vậy.

''Tất nhiên là có ý kiến lo ngại…nhưng tôi nghĩ cái lợi nhiều hơn cái hại," sư Hyerang Sunim nói.

"Từ trước đến nay, hiếm khi thấy người trẻ đến tìm học Phật pháp. Và họ nhận được rất nhiều từ những gì họ trải nghiệm khi ở chùa."

Cần có sự thay đổi cơ bản

Lee Hye-ri, người đã đi dự một khóa retreat Phật giáo sau khi áp lực ở cơ quan trở nên quá sức, cho biết cô đã học cách chịu trách nhiệm cho stress của mình.

"Tất cả đều bắt đầu từ tôi, tất cả mọi vấn đề bắt đầu từ tôi. Đó là điều tôi học được ở đây."

Nhưng cho rằng giải pháp cho stress và mất ngủ là điều cá nhân có thể tự tìm được là có vấn đề.

Những người tin rằng gốc rễ của tình trạng này là do văn hóa làm việc và sức ép xã hội quá đáng đã chỉ trích phương pháp 'cá nhân tự giải quyết' và coi đó tương tự với việc đổ lỗi cho nạn nhân. Những người chỉ trích này nói thiền và thư giãn chỉ như lớp vôi vữa bên ngoài và giải pháp thực sự chỉ đạt được qua sự thay đổi căn bản của xã hội.

Ji-Eun bị thiếu ngủ và stress tới mức cô phải bỏ việc. Giờ đây cô làm freelance theo giờ giấc hợp lý hơn và đại dịch có nghĩa là cô có thể làm tại nhà. Cô cũng tìm đến phòng khám chữa mất ngủ của BS Lee để tìm cách đối phó với bệnh mất ngủ.

''Giờ đây đất nước Hàn Quốc đã phát triển, tại sao chúng ta phải làm việc quá sức?" Ji-Eun nói. "Chúng ta phải được thư giãn."