Tranh cãi về thiết bị tạo 'cái chết êm dịu'

Thứ Hai, 17 Tháng Giêng 20229:00 SA(Xem: 1894)
Tranh cãi về thiết bị tạo 'cái chết êm dịu'
TP - Cách đây không lâu, Thụy Sĩ đã phê duyệt thiết bị “An lạc tử” hay “cái chết êm dịu” (Tiếng Anh: euthanasia) SARCO và sẽ chính thức được đưa vào sử dụng trong năm nay. Thiết bị này có thể giúp kết thúc sự sống của người sử dụng trong vòng 30 giây.

SARCO khác với các phương pháp “an lạc tử” trước đây là không sử dụng thuốc, thay vào đó, oxy trong cabin được loại bỏ ngay sau khi công tắc được bật, sau đó một lượng lớn khí nitơ sẽ được đưa vào. Người dùng sẽ chết một cách không đau đớn, thậm chí cảm thấy phấn khích vào những giây phút cuối cùng. Người ta có thể đặt nó qua mạng, có thể tự nhấn công tắc kích hoạt máy, toàn bộ quá trình đều là “tự mình”. Nếu muốn có một cảm giác khác lạ, khách hàng có thể đặt mua một cabin trong suốt và yêu cầu chuyển SARCO đến một nơi họ thích, có thể là trong rừng, ven biển hoặc đồng cỏ…

Để thiết kế ra một sản phẩm như vậy, Philip Nitschke, người sáng chế ra SARCO đã phải trải qua rất nhiều gian nan. Ông là người Australia đã có bằng tiến sĩ nhưng lại học tiếp để trở thành bác sĩ vì rất quan tâm đến y học. Năm 1996, Chính phủ Australia đã thông qua Dự luật quyền về bệnh nan y, cho phép sử dụng ma túy để chấm dứt cuộc sống đau khổ cho những người mắc bệnh nan y trên 50 tuổi. Philip Nitschke, người đang nghiên cứu y học, ngay lập tức nộp đơn xin trở thành bác sĩ đầu tiên có thể thực hiện hành vi “An lạc tử” (euthanasia) một cách hợp pháp và trở thành người hâm mộ số một của “euthanasia”.

Tranh cãi về thiết bị tạo 'cái chết êm dịu' ảnh 1

Ông Philip Nitschke và thiết bị SARCO

Năm 1997, ông đã giúp 4 bệnh nhân nan y chấm dứt sự đau khổ vì bệnh tật của họ. Nhưng trong thời kỳ này, nhiều người trẻ hoặc những người khỏe mạnh đã tìm cách tự tử bằng việc đánh lừa các bác sĩ. Chính phủ Australia thấy có điều không ổn: họ muốn giúp bệnh nhân nặng chấm dứt đau khổ, nhưng tại sao nhiều người lại muốn tự tử? Vì vậy, họ đã lập tức yêu cầu dừng lại và bãi bỏ luật liên quan. Philip Nitschke vẫn kiên trì đấu tranh cho quyền được chết nhẹ nhàng. Vì vậy, Nitzke đã tự mình thực hiện cho bệnh nhân “an lạc tử” và bí mật thành lập một “tổ chức giải thoát”.

Vào năm 2014, Braley, một người đàn ông 45 tuổi đã giả mạo tuổi của mình và tự nhận là bị bệnh nan y, Nitschke đã đưa cho ông ta thuốc để “an lạc tử” mà không xem xét kĩ thông tin. Vài ngày sau, cảnh sát tìm thấy thi thể của Braley. Sau khi kiểm tra một số thông tin, mới phát hiện ra rằng Braley là một “ác quỷ” với nhiều vụ giết người. Hắn ta đã giết vợ cũ và sự biến mất của một người bạn gái cũng có liên quan đến hắn.

Nhưng Braley đã trốn tránh pháp luật bằng cách lừa dối Nitschke và kết thúc cuộc đời hắn một cách không đau đớn. Gia đình người bị hại đã rất phẫn nộ và cộng đồng đã chú ý đến Philip Nitschke, người đã giúp Braley tự tử, ông bị kiện ra tòa. Cuối cùng, Hội đồng Y khoa Australia đã yêu cầu ông không được tuyên truyền về “an lạc tử” ở nơi công cộng suốt đời và tước quyền thực hiện “an lạc tử” cho bệnh nhân.

Tranh cãi về thiết bị tạo 'cái chết êm dịu' ảnh 2

Thiết bị trợ giúp An lạc tử SARCO

Philip Nitschke đốt bằng bác sĩ và tức tốc đến Hà Lan ngay trong đêm. Trước khi đi, ông không quên nhắn nhủ những người phản đối: “Khi đã già rồi thì đừng có đến tìm tôi”. Hà Lan là quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa “an lạc tử”, nhưng phải từ 12 tuổi trở lên. Ở Hà Lan, Philip Nitschke như “cá gặp nước” và đã phát huy trí thông minh để nghiên cứu ra SARCO.

Sau khi chiếc máy giúp “an lạc tử” này ra mắt, nhiều người lo lắng liệu SARCO sẽ lại gây ra tranh chấp xã hội? Bởi khi Hà Lan hợp pháp hóa “an lạc tử” vào năm 2001, cộng đồng quốc tế đã có phản ứng mạnh mẽ. Trên khắp thế giới đã có những hoạt động ca ngợi lẫn biểu tình phản đối, thậm chí nhiều tổ chức quốc tế còn so sánh luật “an lạc tử” của Hà Lan với chính sách giết người Do Thái của Đức Quốc xã. Cho đến hiện nay, cuộc tranh cãi về nó trong các tầng lớp xã hội vẫn chưa dừng lại.

Ở Thụy Sĩ, chính phủ không thành lập các cơ cấu “an lạc tử” mà là các tổ chức tư nhân thực hiện. Để duy trì vận hành, họ phải tìm ra cách để tạo ra lợi nhuận. Vì vậy, chi phí cho “an lạc tử” rất cao, trước tiên người muốn chết nhẹ nhàng phải trả tiền để đăng ký thành viên, thẩm tra xác nhận họ đang bị bệnh nan y và chỉ còn sống được từ 3 đến 6 tháng.

Có tư cách được chết, còn phải có tiền. Thụy Sĩ được mệnh danh là “Trung tâm tự tử” toàn cầu và rất nhiều người nước ngoài đến đây để xin chết nhẹ nhàng. Theo thống kê, từ năm 2002, có hơn 250 người Anh đã tới Thụy Sĩ để được “an lạc tử” với chi phí trung bình là 7.000 bảng Anh/người (tương đương khoảng 210 triệu VND). Nếu ai muốn dịch vụ trọn gói phải chi 10.000 bảng Anh (khoảng 300 triệu VND), nơi trợ tử có thể hỏa táng và vận chuyển tro cốt đến nơi theo yêu cầu.

Ngay cả khi một ngày nào đó, “an lạc tử” trở nên “giá phải chăng”, thì làm thế nào xác định được đó là sự đồng ý chủ quan hay sự lựa chọn thụ động? “Euthanasia” (an lạc tử) và “euthazed” (bị an lạc tử) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nếu ai đó có âm mưu làm điều sai trái, đe dọa hoặc tẩy não để buộc người khác “an lạc tử” thì có bị coi là cố ý giết người không? Nếu một người giàu có cần cấy ghép nội tạng, liệu ông ta có sử dụng “an lạc tử” để làm hại mạng sống của người khác? Điều gì sẽ xảy ra nếu có những đứa con sa đọa về đạo đức không muốn trả tiền thuốc men cho cha mẹ? Đó là tư duy đáng sợ!

Rốt cuộc, cái chết không chỉ là một cái công tắc. SARCO như con dao hai lưỡi đối với bệnh nhân, dùng tốt thì bệnh nhân có thể ra đi đàng hoàng, không phải chịu đau đớn; nếu không sử dụng đúng cách nó sẽ bị các phần tử vi phạm pháp luật lợi dụng, tùy tiện tước đoạt quyền sống của người khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn