• Tiffanie Wen
  • BBC Worklife

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Kể từ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xảy ra, tôi đã ngạc nhiên trước số lượng cuộc gọi điện và cuộc gọi truyền hình mà tôi đã gọi và nhận được.

Tuần trước, tôi đã lên lịch cho các cuộc hẹn hò, hội nghị truyền hình qua FaceTime và nhận các cuộc gọi tự phát kéo dài từ một tiếng đồng hồ trở lên, điều tôi chưa bao giờ làm kể từ hồi còn ở tuổi teen đến nay.

Mà đâu chỉ có mình tôi. Với hàng trăm triệu người đang bị phong tỏa trên toàn thế giới, liên lạc bằng viễn thông đang gia tăng.

Những người mà tôi đã trò chuyện đã kết nối với nhau theo những cách giao lưu mới, tổ chức những bữa tiệc ảo, những giờ vui vẻ và họp mặt với những người bạn mà họ đã không liên lạc trong nhiều thập niên.

Mọi người đi chơi với nhau trên FaceTime trong khi làm các dự án riêng rẽ (như thể họ đang trong cùng một quán cà phê vậy), hoặc thậm chí tập hợp lại để cầu nguyện cùng nhau trong video về đêm Novena.

Nhưng điều gì gây nên sự gia tăng các cuộc gọi này và tác động của nó là gì, nhất là đối với những người không thoải mái để nói chuyện trên điện thoại hoặc qua video?

Nếu bạn không phải là tuýp 'người thích điện thoại' thì bạn nên đối phó cơn sốt kết nối hiện tại như thế nào?

Nhờ màn hình cứu

Trong hoàn cảnh bình thường, chúng ta thường tìm đến bạn bè và gia đình khi có cảm giác khẩn cấp hoặc khủng hoảng, Ami Rokach, nhà tâm lý học và chuyên gia về sự cô đơn ở ngoại ô Toronto, cho biết.

Và do nhiều người trong số chúng ta đang bị cắt đứt các tương tác xã hội thông thường, chúng ta tìm đến các cuộc điện thoại và cuộc gọi video như là lựa chọn tốt nhất khi không thể gặp được người khác.

Đại dịch, ông nói, có nghĩa là tất cả chúng ta đều có điểm chung gì đó để trao đổi, và điều này dẫn đến sự tái kết nối.

"Ngay cả khi bạn lơ là với ai đó trong nhiều năm, gần như chắc chắn mọi người sẽ nói chuyện với bạn ngay bây giờ nếu bạn nhấc điện thoại lên và gọi. Và do chúng ta có những cuộc trò chuyện sâu sắc, ý nghĩa hơn, chúng ta sẽ cảm thấy kết nối nhiều hơn với người mà chúng ta nói chuyện với."

Tuy nhiên, trong khi một số người sẽ có được sự thoải mái từ số lượng các cuộc gọi tăng lên, thì điều này lại có thể gây phiền hà cho những người khác.

Cũng như những người thích nhắn tin liên tục khác, tôi chắc chắn cảm thấy lo lắng về việc phải chuyển sang nói chuyện trên điện thoại. Tôi buộc mình phải thực hiện các cuộc gọi cho công việc nhưng sẽ tránh làm như vậy nếu có thể. Bây giờ tôi thấy mình phải thực hiện vài cuộc gọi xã hội một tuần, đôi khi nhiều cuộc gọi trong cùng một ngày.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

"Nỗi lo lắng phải dùng điện thoại là hậu quả của chứng rối loạn lo âu xã hội, vốn là một trong chứng rối loạn lo âu phổ biến nhất," Jean Kim, phó giáo sư lâm sàng về tâm thần học tại Đại học George Washington, người đã viết về nỗi ghét điện thoại, nói.

"Điều đặc trưng của nó là những người mắc chứng này cảm thấy sợ hãi trong các tình huống xã hội; họ có vô số những suy nghĩ tiêu cực tự động và tự chỉ trích."

Một số người bị khớp trước các tín hiệu xã hội khác nhau trên điện thoại, bà nói, trong khi đối với những người khác thì việc giờ đây ta có thể dễ dàng nhắn tin và gửi email khiến họ dần bỏ thói quen gọi điện thoại, và điều đó cũng dẫn đến tâm trạng lo lắng khi sử dụng một hình thức giao tiếp ít quen thuộc hơn.

Tara Nurin, một nhà báo tự do ở New Jersey, trước kia rất hay trò chuyện qua điện thoại, nhưng về sau trở nên lo lắng trước các cuộc gọi điện sau khi email và tin nhắn chiếm ưu thế.

"Nó bắt nguồn từ việc tôi sợ nói chuyện vụn vặt. Tôi sợ những cuộc trò chuyện kiểu như: 'Cô dạo này thế nào?' Nỗi sợ đó ngày càng lớn và cuối cùng mở rộng ra thành nỗi ghê tởm đối với chiếc điện thoại."

Việc cô miễn cưỡng gọi lại khiến gia đình và bạn bè bực mình, cô cho biết, và cô sẽ cảm thấy bất bình nếu có ai đó bất ngờ gọi đến.

Tuy nhiên, giờ đây, cô đã chấp nhận trò chuyện qua cuộc gọi video, một phần vì nó tái tạo trải nghiệm tiếp xúc trực tiếp và nó tạo cảm giác như ta dành một khoảng thời gian cụ thể nào đó cho việc giao tiếp xã hội.

"Đó là thời gian mà tôi và bạn bè gác lại mọi thứ khác để giao lưu với nhau. Giờ đây chúng ta không thể đi đâu, tôi đã hết sức thoải mái với nó."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Liệu điều này có thể giúp ích cho cô trong mối quan hệ với các cuộc điện thoại trong tương lai? Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, cô nói.

Kim nói rằng chúng ta có thể đang trải qua dạng trị liệu tiếp xúc vô thức. "Khi mọi người kiểm nghiệm trên thực tế những gì họ sợ, họ có thể nhận ra rằng bạn bè thích nói chuyện với họ, và điều đó cũng không khác gì so với khi họ từ nhà nói chuyện với các đồng nghiệp, và đây có thể một dạng trị liệu."

Việc chúng ta giao tiếp với nhau nhiều hơn bình thường cũng có thể giúp ích những người trước đây vốn né tránh điện thoại hoặc gọi điện video.

Mikaela Levy, một nữ hộ sinh hiện đang ở nhà với chồng và ba đứa con, nói rằng đứa con trai 13 tuổi của cô không thích nói chuyện với ông bà qua điện thoại vì nó không biết phải nói gì. Giờ đây khi nó đang học từ xa và trò chuyện video với bạn bè, nó đã nói chuyện với gia đình thoải mái hơn.

Không phải ai cũng muốn bắt máy

Nhưng có những người bắt đầu có ác cảm với tất cả các cuộc gọi - hoặc ít nhất là họ mong muốn cách giao tiếp mới này diễn ra với các giới hạn được xác định.

Teresa Lynn Hasan-Kerr, một giáo viên tiếng Anh ở Morocco, tự coi mình là người hướng nội và ghét nói chuyện trên điện thoại hoặc qua video.

Cô không thích những cuộc nói chuyện lúng túng vụng về, những màn tạm biệt dài lê thê, và những lúc đứng hình khi wi-fi bị chậm.

Giờ đây, hình thức làm việc từ xa đang buộc cô phải nhận cuộc gọi ở nhà, và cô cảm thấy điều đó xâm phạm đời tư.

"Có một Teresa của công việc, và có một Teresa khác nói chuyện với bạn trai và Teresa nói chuyện với bạn thân. Có thể đúng lúc tôi đang nói chuyện với bạn mình thì sếp gọi đến với những câu hỏi cần trả lời ngay lập tức, và điều đó không hoàn toàn cho phép chuyển đổi trạng thái tâm lý."

Video không làm mọi việc tốt hơn. "Tôi thường làm điều gì đó ngớ ngẩn như chơi với con mèo trong khi nói chuyện, và tôi không muốn bị người khác thấy." Và việc mọi người đều biết bạn đang ở nhà càng tạo thêm áp lực, bởi "không có cớ gì để không bắt máy cả".

Mặc dù có thể trân trọng việc bạn bè muốn hỏi thăm, nhưng một số người đang vật lộn để cân bằng số lượng cuộc gọi tìm đến họ.

Denise Naughton, nhà sản xuất và nhà tư vấn video, cho biết cô đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số cuộc giao tiếp qua điện thoại và video, cả trong công việc cũng như từ bạn bè và gia đình.

"Bạn bè tôi đã tôn trọng ranh giới, nhưng bây giờ tôi thấy các cuộc điện thoại và gọi video thêm nữa sau giờ làm việc đang làm cho tôi mòn mỏi," cô cho biết.

Cô quyết định giữ đúng giờ làm việc và dành các cuộc gọi cá nhân vào buổi tối. "Tôi vẫn cần phải tìm kiếm ranh giới cho cá nhân, để tôi có thể có thời gian cho riêng mình để tiếp năng lượng, điều tôi cần có trong suốt thời gian một mình."

Học cách thích nghi

Giáo sư tâm thần Kim gợi ý một chiến lược cho những người có vấn đề với nhiều cuộc gọi là dành ra thời gian nào đó cho các hoạt động như nói chuyện điện thoại và qua video.

Bà cũng nói rằng việc thảo luận ngắn gọn với gia đình và bạn bè về khi nào bạn có thể nói chuyện trong thời gian tới có thể giúp cho mọi người không cảm thấy bị lơ là hoặc bực bội.

"Thỉnh thoảng không nhấc máy nếu bạn cảm thấy quá bận rộn thì cũng không sao," bà nói. "Quản lý thời gian là một kỹ năng rắc rối đối với nhiều người. Chìa khóa ở đây là phải tập trung và có tính tổ chức càng nhiều càng tốt; bạn cần phải biết và nói cho mọi người biết về giới hạn của bạn."

Ngay cả Hasan-Kerr cũng cho rằng mối quan hệ của cô với các cuộc gọi điện có thể trở nên tốt hơn khi cô bắt nhịp và quy tắc về cuộc gọi được thiết lập. "Mọi người có thể học được rằng đối với một số người họ cần gửi tin nhắn cảnh báo trước."

Rokach, trong khi đó, hy vọng rằng một khi tình hình trở lại bình thường, chúng ta sẽ nhớ cách chúng ta ưu tiên kết nối với nhau.

"Trước khi virus corona bùng phát, chúng ta có thể đã xem tương tác xã hội của mình là điều hiển nhiên và là kiểu người nói rằng: 'Tôi rất dở trong việc giữ liên lạc'. Đột nhiên, mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì liên lạc với nhau. Dù là liên lạc qua điện thoại hay gặp trực tiếp, tôi hy vọng điều này sẽ vẫn còn ở lại với chúng ta sau khi chúng ta thoát khỏi đại dịch."