Khám phá nước Mỹ theo cách mới trên lối mòn cũ

Chủ Nhật, 02 Tháng Giêng 20227:00 SA(Xem: 1955)
Khám phá nước Mỹ theo cách mới trên lối mòn cũ
Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Ryan Gardill từng thích đi du lịch bụi. Đi ra ngoài và bước trên đường đất là một trong những việc làm yêu thích của người đàn ông gốc vùng Lancaster, Pennsylvania.

Nhưng khi các khớp và lưng của người cựu lính thủy đánh bộ Mỹ 29 tuổi này bắt đầu thấy oải khi phải cõng chiếc ba lô, anh quyết định đã đến lúc chuyển sang xe đạp.

Điều đó mở ra một thế giới hoàn toàn mới.

"Tôi luôn mơ ước đi bộ đường dài hoặc đạp xe xuyên suốt hành trình," anh nói. "Một anh bạn đồng nghiệp nói về một tuyến đường mòn từ Pittsburgh đến DC. Tôi nói: "Nghe thật hấp dẫn!'."

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Trong năm ngày, Gardill và bạn anh đã đạp xe 350 dặm qua những quãng đường đẹp như tranh và những đoạn đường mòn từ tây Pennsylvania tới Washington DC

Dự án 30 năm

Thế là vào tháng Tám, Gardill và anh bạn đồng nghiệp lên đường, bắt đầu một hành trình dài 350 dặm rong ruổi đạp xe trên những tuyến trước đây từng là đường sắt, nay được cải tạo thành đường dành riêng cho người đi xe đạp và người đi bộ, nối từ phía tây Pennsylvania đến Washington DC.

Chạy qua Pennsylvania, Maryland và DC, chuyến đi của Gardill tưởng chừng như một thành tích phi thường. Thế nhưng thật ra thì đó chỉ mới là một phần nhỏ của con đường mới, chưa từng tồn tại trước đây, với quang cảnh tuyệt đẹp chạy suốt chiều ngang nước Mỹ, nối từ bờ bên này sang bờ bên kia đất nước.

Tuyến đường sắt được cải tạo thành đường mòn chạy suốt chiều ngang nước Mỹ này ('Great American Rail-Trail') là sáng kiến làm đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ tham vọng nhất mà nước Mỹ từng có.

Chạy dài với một khoảng cách ấn tượng là 3.700 dặm từ thủ đô băng qua 12 bang đến Thái Bình Dương, phía tây Seattle, nó là một ý tưởng được nhắc đi nhắc lại trong 50 năm.

Tuyến đường này sẽ kết nối lại với nhau hơn 125 lối đi đa dụng, đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp, đường mòn và đường ven sông hiện có.

Tuyến đường chính thức đã được Rails-to-Trails Conservancy (RTC), tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington DC, tích cực vận động xây dựng và công bố trước công chúng vào tháng 5/2019, khi nó đã được hoàn thành được hơn một nửa.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Khi hoàn thành, tuyến đường The Great American Rail-Trail sẽ có tổng chiều dài 3,700 dặm, từ DC chạy qua 12 bang, tới bờ Thái Bình Dương

"Việc quyết tâm làm tuyến đường này là hành trình kéo dài 30 năm," Brandi Horton, Phó Chủ tịch RTC phụ trách truyền thông, cho biết.

Tuyến đường phần lớn được xây dựng ở trên hoặc bên cạnh các tuyến đường sắt đã bỏ hoang (do đó mới có tên như vậy) với bề mặt được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau, từ đá dăm đến rải nhựa đường phẳng phiu.

Những hành lang đường sắt hoang phế được biến thành đường mòn này chiếm hơn 24.000 dặm trong tổng chiều dài đường mòn đa dụng dọc ngang khắp nước Mỹ.

Một khi nó được hoàn thành trọn vẹn - người ta ước tính là đến năm 2040 - sẽ có khoảng gần một phần sáu tổng số người Mỹ sống trong vòng 50 dặm quanh tuyến đường, và nó sẽ đem đến trải nghiệm không gì sánh được về nước Mỹ mà chúng ta không thể thấy từ trên máy bay hoặc qua cửa sổ xe hơi.

Hoàn cảnh đại dịch

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Thời điểm không thể tốt hơn. Theo một nghiên cứu RTC, vào mùa xuân, công suất sử dụng đường mòn trên khắp nước Mỹ đã tăng vọt 200%, chủ yếu là do đại dịch virus corona.

Với việc mọi người hầu như không còn nghĩ đến các môn thể thao đồng đội và tập thể hình trong thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai gần, sự bùng nổ của các hoạt động ngoài trời có giãn cách xã hội như đạp xe và đi bộ đường trường dự kiến sẽ kéo dài trong hàng năm nữa.

"Tôi nghĩ rằng đại dịch đã chứng minh cho rất nhiều quan chức rằng việc tiếp dận được tới các hoạt động ngoài trời thực sự là điều then chốt. Việc tạo ra những kết nối này thực sự rất quan trọng," Horton giải thích.

Tuy nhiên, tầm nhìn về tuyến đường mòn nối từ bờ bên này sang tới bờ bên kia của đất nước không chỉ là để tiện dụng; đó là cách để cho thấy làm sao các cộng đồng đa dạng của Hoa Kỳ hòa hợp với nhau và bằng cách nào quá khứ của đất nước kết nối với hiện tại.

"Tôi muốn tuyến đường ray-đường mòn này trở thành con đường cái quan của nước Mỹ," David Burwell, người đồng sáng lập RTC nói vào năm 2006.

Đạp xe hay đi bộ đường trường thong thả chậm rãi qua các thành phố, thị trấn và miền quê không chỉ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về các cộng đồng và văn hóa địa phương, mà nó cũng giúp phơi bày những câu chuyện lịch sử ít người biết vốn góp phần tạo nên bản sắc của đất nước.

Ở Bờ Đông, tuyến đường bắt đầu ở trung tâm thành phố DC, đi ngang qua các Bảo tàng Smithsonian và Bãi cỏ National Mall cách một khoảng không xa lắm, trước khi hướng về phía tây bắc qua Maryland.

Ở đó, những người đi bộ đường dài và đi xe đạp có thể qua đêm tại một loạt nhà nghỉ bên sông thế kỷ 19 dọc theo Kênh Chesapeake và Ohio, một kỳ quan của Cách mạng Công nghiệp vốn đóng vai trò then chốt trong việc tiếp tế cho quân đội trong cuộc Nội chiến Mỹ.

Vào thời thập niên 1800, những tòa nhà này là nơi ở của những người coi cửa sông, chuyên làm nhiệm vụ thu phí qua kênh đối với gỗ và than khai thác từ vùng núi Appalachia để nuôi dưỡng quá trình tây tiến của nước Mỹ.

Theo Gardill, cũng có hàng chục khu vực dành riêng cho hoạt động cắm trại, với giếng nước và nhà vệ sinh dọc theo đoạn băng qua nông thôn của đường bờ Kênh đào C&O, trải dài 184,5 dặm giữa khu Georgetown ở DC và Cumberland, Maryland.

Con đường lịch sử

Đối với Gardill và người bạn cùng đạp xe với anh, một ngày đi trên tuyến đường này bắt đầu vào khoảng 07:00 với cà phê và bữa sáng. Sau đó, họ sẽ đạp đến 11:00 trưa, đi vào một thị trấn địa phương để ăn trưa.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội uống bia, vì vậy cuối cùng chúng tôi đã ghé qua năm xưởng làm bia," anh cho biết. Họ quay lại đường mòn và tiếp tục đạp cho đến bốn giờ chiều rồi nghỉ, dựng trại và ngủ lại một đêm dưới bầu trời sao.

Ryan Gardill

Nguồn hình ảnh, Ryan Gardill

Chụp lại hình ảnh,

Gardill và người bạn đã đạp xen hơn 6 tiếng mỗi ngày, cắm trại ngủ đêm dưới trời sao

Trong chuyến đi này, Gardill đã băng qua Đường Phân chia Lục địa phía Đông, gần với Đường Hầm Kênh đào Paw Paw dài 3.118 bộ ở hạt Allegany, Maryland.

Tám mươi dặm về phía tây, bên bờ sông Potomac và Shenandoah cắt xuyên qua dãy núi Blue Ridge, là thị trấn Harper's Ferry dốc đứng với những con đường lát sỏi thuộc bang West Virginia, nơi nhà đấu tranh bãi bỏ chế độ nô lệ John Brown đã có nỗ lực nổi tiếng nhằm phát động cuộc nổi dậy của nô lệ vào năm 1859.

"Nó đẹp vô cùng, giống như là thời gian không hề đụng vào thị trấn kể từ những năm 1700," Gardill nói.

"Con đường này đã kết nối tôi với lịch sử cách mạng và công nghiệp của Hoa Kỳ, vì mỗi thị trấn đều có đầy các địa điểm lịch sử," Gardill nói thêm. "Hầu hết các thị trấn nằm dọc tuyến đường đã từng là những nơi quan trọng đối với tương lai nước Mỹ và đã bị lãng quên theo thời gian."

Đối với anh, một phần sức hấp dẫn của đạp xe đường dài là sự đơn giản của nó. Bên cạnh lều và túi ngủ, Gardill còn mang theo một cái bếp di động để nấu thức ăn khô, chai nước và thiết bị lọc nước.

"Nếu bạn có lều, túi ngủ và một chiếc xe đạp, bạn thực sự đã sẵn sàng," anh nói. Anh cũng khuyên mang theo lốp xe dự phòng, bộ đồ nghề vá săm và sửa xe.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Còn những ai đi về hướng tây, tuyến đường băng qua trung tâm vùng Swartzentruber Amish ở bang Ohio, một cộng đồng hoàn toàn tránh xa công nghệ hiện đại và tiếp tục nói tiếng Đức Pennsylvania như tiếng mẹ đẻ.

Tại các thị trấn trống vắng thuộc Vành đai Gỉ sét vốn đang chiến đấu để vực dậy trở lại, tiếng vọng của các cộng đồng sản xuất thịnh vượng từng được liên kết với nhau bằng đường sắt ở tây nam Pennsylvania và Indiana kể câu chuyện về chủ nghĩa tư bản bùng nổ và đổ vỡ.

Xa hơn về phía tây, tại Moline, Illinois, con đường băng qua sông Mississippi vốn được nhiều người biết đến là đã truyền cảm hứng cho Mark Twain và từ lâu đã định hình lịch sử và văn hóa nước Mỹ, trước khi vắt qua Đường Phân chia Lục địa ở Montana.

Ở Idaho, những cuộc chạm trán với nai sừng tấm và các loài động vật hoang dã khác không phải là hiếm dọc theo con đường mòn lịch sử Coeur d'Alene vốn được những người tìm vàng tìm kiếm vận may vào giữa thế kỷ 19 đào đá núi mà thành.

Giúp hồi sinh kinh tế

Gần điểm cuối tuyến đường, chuyến phà băng qua Puget Sound ở Seattle là một điểm nhấn khác, khi lữ khách đi qua khu vực từng là nơi có các khu định cư Suquamish, Duwamish, Nisqually, Snoqualmie và Muckleshoot một thời phồn vinh của người Mỹ bản địa trước khi lách qua rìa phía bắc của Công viên quốc gia Olympic, một trong những khu rừng mưa ôn đới lớn nhất nước Mỹ. Sóng biển vỗ bờ của Thái Bình Dương chào đón chúng ta tại La Push, bang Washington.

Mặc dù lợi ích sức khỏe rộng lớn của việc dành thời gian ngoài trời đã được ghi nhận rõ ràng, nhưng những đường mòn dọc theo tuyến 'Đường mòn Mỹ Vĩ đại' ('Great American Rail-Trail'), như cách mọi người gọi nó, đang đóng vai trò then chốt để giúp hồi sinh nền kinh tế ở hàng chục thị trấn hậu công nghiệp trên khắp vùng đất giữa lòng nước Mỹ: Steubenville và Dayton ở Ohio; Muncie ở Indiana và Joliet ở Illinois, tất cả đều có nhiều quán bia mọc lên gần tuyến đường.

Rails-to-Trails Conservancy ước tính con đường có thể tạo ra tới 138 tỷ đô la cho các cộng đồng vốn dựng các khu cắm trại, nhà hàng cũng như các công ty du lịch khác dọc tuyến đường.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Thị trấn Perry, bang Iowa, với dân số 7.676 người, là một trong những nơi như vậy.

Được xây dựng xung quanh một tuyến đường sắt vốn được mở vào năm 1869 và đóng cửa chưa đầy một thế kỷ sau đó, tuyến đường sắt ở đây kể từ đó đã được chuyển đổi mục đích để dành cho đi bộ và đạp xe giải trí.

Tuyến đường mòn Mỹ vĩ đại hiện đi qua trung tâm thị trấn và các đoạn trong tương lai kết nối nó với các bang Illinois và Nebraska lân cận, và điều đó khiến người dân địa phương hy vọng nó có thể góp phần giúp hồi sinh thị trấn.

"Đó là điều lớn lao và sẽ thu hút nhiều người nữa đến Perry," Betsy Peterson, người quản lý một doanh nghiệp nghệ thuật và đồ gốm cách tuyến đường 5 phút đi bộ, cho biết.

Công việc bộn bề

Phía dưới con đường, Khách sạn Pattee lịch sử, tòa nhà nổi bật ở Perry, có khu vực để xe đạp trong nhà cũng như trạm sửa chữa ở phía trước. "Khi mọi ra ngoài đạp xe, điều quan trọng là họ có thời gian thư giãn. Tôi nghĩ Perry là một nơi tuyệt vời để dừng chân, uống bia, dùng bữa và thư giãn," Peterson nói thêm.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Tuy nhiên, bắt tay vào một công trình lớn như vậy không hề dễ dàng. Nhiều đoạn lớn của tuyến đường, đặc biệt là đoạn qua Wyoming, vốn chỉ mới hoàn thành 2%, vẫn chưa được xây dựng hoặc phác thảo.

Rails-to-Trails Conservancy đã thực hiện công việc đồ sộ là làm việc với các nhà quy hoạch tuyến đường, các giới chức bang và địa phương, các quan chức dân cử và các văn phòng thống đốc dọc theo tuyến đường, bao gồm 250 cuộc họp được tổ chức trong vòng 18 tháng trong năm 2018 và 2019. Khoảng 300 đồ án quy hoạch đường mòn đã được nghiên cứu để xác định tuyến đường.

"Chúng tôi muốn chắc chắn rằng tuyến đường đáp ứng nhu cầu tại chỗ và của bang, nhưng cũng muốn rằng nó sẽ thực sự kết nối," Horton nói. "Đó chắc chắn là công việc tâm huyết."

Trong khi ở một số bang miền Tây còn nhiều việc phải làm, thì ở những bang như DC, Maryland, Illinois và Pennsylvania, hơn 86% tuyến đường đã được mở.

Chính những con đường rừng yên tĩnh này là nơi mà Gardill đi được trung bình 60 dặm một ngày trên xe đạp. Năm ngày và hai giờ sau khi khởi hành, anh đến bãi cỏ National Mall ở trung tâm DC.

"Đi trên con đường này đã cho tôi thấy rằng nước Mỹ có đầy những người tử tế nhất mà bạn có thể hy vọng gặp được," anh nói. "Lúc nào anh cũng chỉ cần đi một vài dặm là đến một nhà hàng ngon và có một cuộc trò chuyện thú vị."

Anh ấy sẽ làm gì tiếp đây? Sẽ lại đi một chuyến nữa.

Rốt cuộc thì, anh nói, "Tôi không thể chỉ đi có một lần rồi thôi."

Ý kiến bạn đọc
Thứ Hai, 03 Tháng Giêng 20227:36 CH
Khách
lính thủy đánh bộ Mỹ.việt cộng
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn