• Aysha Imtiaz
  • BBC Worklife

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nghỉ ngơi là điều ai cũng muốn, phải không?

Chúng ta làm việc vất vả, vì vậy chúng ta muốn chơi cho đã. Chúng ta mong tới thời gian xả hơi, tin rằng chúng ta nghỉ ngơi nhiều, cuộc sống sẽ càng tốt hơn. Tận hưởng thời gian đó - hoặc thỏa mãn với mục tiêu sau cùng đáng khao khát - nên đến một cách tự nhiên.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy để có thời gian nghỉ và quyết định dành thời gian đó như thế nào là chuyện rất căng thẳng.

Một số người cảm thấy rất bị áp lực trong việc cần tối đa hóa thời gian nghỉ của họ với những lựa chọn tốt nhất: tìm hiểu thêm, chi tiêu nhiều tiền hơn.

Nhưng, như dữ liệu chứng tỏ, áp lực tối đa hóa niềm vui có thể cản trở việc tận hưởng bản thân thời gian nghỉ.

Cạnh đó, có một số người chật vật trong việc coi nghỉ ngơi là điều đáng giá. Những người này - thường làm các việc căng thẳng cao, lương cao - đặt nặng công việc đến mức không có thời gian nghỉ ngơi, và kết quả thường có hại cho sức khỏe tâm thần của họ.

Cho dù gặp vấn đề khác thế nào trong nghỉ ngơi, cả hai dạng người này đều gặp khó khăn trong việc tận hưởng thời gian nghỉ vì cùng lý do: cách chúng ta nhìn nhận và trân trọng việc nghỉ ngơi đã thay đổi theo chiều hướng không ổn.

Hiểu được sự tiến triển này và tìm cách thay đổi thái độ của chúng ta có thể có ích cho tất cả mọi người - và giúp mọi người bắt đầu tận hưởng cuộc sống trở lại.

Quan niệm nghỉ ngơi thay đổi

"Chuyện nghỉ ngơi đã biến chuyển đáng kể qua nhiều thế kỷ trong nhiều nền văn hóa," Brad Aeon, phó giáo sư Trường Khoa học Quản lý thuộc Đại học Québec ở Montréal, nói. "Tuy nhiên, điều không đổi là nghỉ ngơi luôn đối lập với làm việc."

2000 năm trước, các khái niệm công việc và nghỉ ngơi gắn với nô lệ và tự do.

Ở Hy Lạp cổ đại, Aeon giải thích, hầu hết công việc đều được do nô lệ làm, trong khi các tầng lớp giàu trong xã hội làm các hoạt động khác.

"Nghỉ ngơi là trạng thái tâm lý tích cực. Nghỉ ngơi tốt có nghĩa là chơi thể thao, học nhạc lý, đàm luận với những người có trình độ và nghiền ngẫm triết học. Việc nghỉ ngơi đó không hề dễ dàng, nhưng nó được cho là giúp con người thỏa mãn."

Aeon tin rằng thay đổi xảy ra khi người La Mã bắt đầu xem nghỉ ngơi là cách phục hồi sức lực để chuẩn bị làm nhiều việc hơn, sự chuyển đổi được đẩy mạnh qua Cách mạng Công nghiệp.

Cho đến những năm 1800, dạng nghỉ ngơi thể hiện địa vị cũng thay đổi; người giàu ăn không ngồi rồi thấy rõ. Một ví dụ phổ biến là mô tả của triết gia Walter Benjamin về cách ăn mặc khoảng năm 1893: dạo bước qua các lối đi có mái vòm tay cầm dây dắt rùa.

Anat Keinan, phó giáo sư tiếp thị ở Trường Kinh doanh Questrom thuộc Đại học Boston, đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về giá trị biểu tượng của thời gian.

Bà giải thích ngày nay chúng ta đang thấy một chuyển đổi khác: có ít thời gian nghỉ ngơi hiện được xem là biểu tượng của người có địa vị đầy quyền lực.

"Trên Twitter, người nổi tiếng 'khoe khoang khiêm tốn' họ 'không có cuộc sống' và 'cần nghỉ ngơi biết chừng nào'," bà nói. Ở công sở, tham gia vào văn hóa làm việc nhiều giờ vẫn được nhiều người coi là điều đáng hãnh diện.

Thực ra, những người có nhiều tiền nhất để chi cho thư giãn rất có thể cũng là những người làm nhiều giờ nhất.

"Những người trình độ học vấn cao (như bác sĩ phẫu thuật, luật sư, CEO) thường làm những việc lương cao vốn đòi hỏi ứng viên làm việc hiệu quả sẵn sàng làm nhiều giờ," Aeon giải thích.

"Điều này có nghĩa những ai càm ràm nhiều nhất rằng họ không có đủ thời gian rảnh đều giàu có và có học thức."

Điều đó dẫn tới ý nghĩ rằng chúng ta phải tận dụng tối đa 'công dụng hưởng thụ' khi thực sự có thời gian xả hơi - và để cho mỗi giờ nghỉ ngơi đều đáng giá.

Những người thích chơi

Các kinh tế gia gọi ý nghĩ cần phải tận dụng tối đa thời gian nghỉ là sự tăng giá trị thời gian nghỉ.

Trong cuốn sách của mình, 'Tiêu thời gian: Tài nguyên quý nhất', nhà kinh tế học Mỹ Daniel Hamermesh giải thích rằng "khả năng chúng ta mua và tận hưởng hàng hóa, dịch vụ đã tăng nhanh hơn nhiều so với lượng thời gian chúng ta có để tận hưởng chúng".

Áp lực này thể hiện trong các quyết định của chúng ta.

"Chúng ta cảm thấy mình phải tiêu thời gian và tiền bạc sao cho đáng," Aeon giải thích. "Bởi vậy chúng ta bỏ tiền nhiều hơn vào việc nghỉ ngơi. Cần nghỉ ở khách sạn tốt hơn, xem phim với những tính năng trải nghiệm mạnh mẽ hơn - như xem IMAX hoặc Netflix ở chế độ 4K - mọi thứ đều tốt hơn."

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Những điều này khiến ta bỏ hàng giờ nghiền ngẫm các đánh giá, bình luận dịch vụ để lên kế hoạch cho các hoạt động nghỉ ngơi. Điều này không nhất thiết là xấu, các nhà nghiên cứu nhận thấy, vì đón đầu trước chuyến đi là phần quan trọng để có kỳ nghỉ dưỡng vui vẻ.

Nhưng chuẩn bị kỹ quá có thể khiến ta rơi vào trạng thái có một kỳ nghỉ không có thời gian. Nghiên cứu mới cho thấy chúng ta đánh giá các sự kiện tích cực trong tương lai là vừa lâu hơn lại vừa ngắn hơn những sự kiện tiêu cực hay vô hại, khiến chúng ta cảm thấy như kỳ nghỉ đã chấm dứt ngay khi vừa mới bắt đầu.

Tương tự, cách chúng ta theo đuổi những trải nghiệm thư giãn đỉnh cao khiến việc nghỉ ngơi trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Những mong đợi, kỳ vọng cao có thể đối nghịch với trải nghiệm thực tế, khiến ta như bị tuột mất cảm xúc hưng phấn, và việc cố gắng sắp xếp để có một kỳ nghỉ hay một hoạt động giải trí tuyệt vời nhất có khi lại dẫn đến tình trạng khiến ta chú tâm khoe khoang về kỳ nghỉ đó.

Trong nghiên cứu của mình vào năm 2011, Keinan trước hết cho rằng một số người tiêu dùng tìm cách có được những trải nghiệm bất thường, mới lạ hoặc cực đoan, vì nó giúp họ đánh giá lại việc nghỉ ngơi của mình là hiệu quả. Bằng cách lên đầy đủ danh sách việc cần chuẩn bị thay vì chỉ tận hưởng thời gian nghỉ, bà viết, chúng ta tạo nên "bản sơ yếu lý lịch trải nghiệm" của mình.

Và cũng như bản sơ yếu lý lịch truyền thống, nơi chúng ta thể hiện những gì tốt nhất của mình, bản sơ yếu lý lịch trải nghiệm này có thể trở thành nơi gây ra sự cạnh tranh.

Keinan tin rằng mạng xã hội làm trầm trọng thêm việc chúng ta tập trung vào nghỉ ngơi hiệu quả. Nhắc đến một nghiên cứu hồi năm 2021, bà cho rằng mọi người đang xoay chuyển sang hình thức khác để thể hiện địa vị và thành tựu - trong trường hợp này là cách sử dụng thời gian nghỉ của họ.

"Người ta đăng các slide show được chăm chút cẩn thận cho thấy họ băng qua các vạch đích marathon và leo lên đỉnh Machu Picchu. Xài tiền từng là cách để mọi người phô trương tiền bạc qua những món hàng xa xỉ, khan hiếm. Giờ đây, họ khoe khoang cách họ dành thời gian quý báu của họ chỉ để cho các hoạt động thực sự có ý nghĩa, hiệu quả hoặc ngoạn mục," bà cho biết.

Những người ghét nghỉ ngơi

Một số người chật vật trong việc tận hưởng thời gian nghỉ ngơi. Một số người tìm cách 'tấn công' thời gian nghỉ bằng cách áp dụng các kỹ thuật năng suất, Aeon nói, chẳng hạn như nghe podcast khi chạy bộ hay xem Netflix với tốc độ gấp đôi bình thường.

Một số người khác có thể thực sự không hề nghỉ ngơi. Ví dụ, chỉ có 14% người Mỹ đi nghỉ hai tuần liên tiếp, phù hợp với văn hóa làm việc quá sức. Cũng nghiên cứu đó cho rằng đến năm 2017, 54% người lao động Mỹ không dùng hết ngày phép, khiến còn 662 triệu ngày dành nghỉ không được sử dụng.

Một phần lý do, nghiên cứu cho thấy, là chúng ta tiếp thu toàn diện đến mức nào suy nghĩ rằng nghỉ ngơi là lãng phí.

Selin A Malkoc, phó giáo sư tiếp thị tại Trường Kinh doanh Fisher thuộc Đại học bang Ohio và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết một số người cảm thấy giải trí là vô giá trị, ngay cả khi nó không cản trở họ theo đuổi các mục tiêu khác. Những niềm tin tiêu cực về nghỉ ngơi có dính đến tình trạng hạnh phúc thấp hơn và trầm cảm, lo lắng và căng thẳng nặng nề hơn.

Malkoc nói tới hai hình thức nghỉ ngơi:

'Nghỉ ngơi chung cuộc' là khi hoạt động và mục tiêu 'hợp nhất' với nhau, như tham dự bữa tiệc Halloween để vui vẻ, và ngay lập tức bạn nhận được kết quả vui vẻ - bản thân việc nghỉ ngơi chính là mục tiêu cuối cùng.

'Nghỉ ngơi phương tiện', chẳng hạn như dắt con đi xin kẹo trong dịp lễ Halloween và do đó bớt đi một trách nhiệm làm cha mẹ, là phương tiện nhằm đạt được mục đích và nuôi dưỡng mục tiêu dài hạn.

Khả năng tận hưởng 'nghỉ ngơi chung cuộc' là yếu tố rõ ràng hơn cho thấy sự an lạc so với 'nghỉ ngơi phương tiện', nghiên cứu cho thấy.

Trong một trong những thí nghiệm của nghiên cứu, Malkoc và các đồng sự của bà muốn xem liệu họ có thể thao túng niềm tin của người tham gia về nghỉ ngơi và khiến họ tận hưởng việc nghỉ ngơi nhiều hơn hay không.

Mỗi nhóm được đưa cho một phiên bản của bài viết miêu tả, đánh giá chuyện nghỉ ngơi theo hướng nghỉ ngơi chỉ gây lãng phí, không giúp đạt được mục tiêu, hoặc là nghỉ ngơi sẽ đem lại hiệu quả hoặc không đem lại hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng tâm lý căng thẳng. Người tham gia sau đó được yêu cầu đánh giá bài viết đó được viết tốt tới mức nào.

Không may là việc định hình niềm tin của chúng ta về nghỉ ngơi chỉ đi theo theo một hướng, các nhà nghiên cứu phát hiện - đó là hướng sai lầm.

Những ai đọc bài cho rằng nghỉ ngơi là lãng phí thì tận hưởng việc nghỉ ngơi ở mức thấp hơn 11% đến 14% so với nhóm bình thường (gồm những người chỉ đọc về máy pha cà phê), còn những người được gợi ý để tin vào tính hiệu quả của việc nghỉ ngơi thì không cảm thấy họ tận hưởng kỳ nghỉ ở mức cao hơn so với trước.

Nói cách khác, việc cố gắng khuyên ai đó nên nghỉ ngơi nhiều hơn cũng chỉ có tác dụng tương đương như khi ta cho họ đọc về máy pha cà phê, và điều này cho thấy lối suy nghĩ về chuyện nghỉ ngơi đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của chúng ta.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Malkoc cũng so sánh giữa các nước khác nhau. Những người từ Ấn Độ và Mỹ, cả hai nước đều có văn hóa làm việc quá sức, tán thành cao độ rằng nghỉ ngơi là lãng phí, cao hơn nhiều so với ở Pháp, nơi có các chuẩn mực xã hội 'ít gò bó hơn về tận hưởng cuộc sống và vui chơi'.

Trên thực tế, mặc dù Malkoc ước tính khoảng trung bình 30% dân số tán thành niềm tin 'giải trí là lãng phí', nhưng tỷ lệ này dao động nhiều giữa các nền văn hóa khác nhau, chẳng hạn như mức cao là 55% ở Ấn Độ, và mức thấp là 15% ở Pháp, bà giải thích.

Hy vọng cho những người tối ưu hóa và né tránh nghỉ ngơi

May mắn thay, có những cách để giúp cả hai nhóm.

Cách đầu tiên, bất kể bạn nằm ở thái cực nào, là cần thả lỏng suy nghĩ về năng suất. Keinan nói rằng một cách để làm điều này là "có một cái nhìn bao quát hơn về cuộc sống và ngẫm nghĩ những điều có thể sau này sẽ khiến bạn cảm thấy hối tiếc, vì làm vậy sẽ giúp chúng ta tận hưởng khoảnh khắc hiện tại nhiều hơn".

Đối với những ai muốn tối ưu hóa nghỉ ngơi, Aeon khuyên nên sử dụng quy tắc đỉnh điểm-kết thúc, một sự thiên lệch về nhận thức ảnh hưởng cách chúng ta ghi nhớ các sự việc.

Ví dụ, ông nói, tại phòng nha, chúng ta nhớ đỉnh điểm (khi cơn đau tồi tệ nhất) và kết thúc (kẹo chúng ta được cho khi ra về); trung bình cộng của những trải nghiệm này điều chỉnh cường độ cảm xúc. Do đó, đối với các ngày nghỉ, ông khuyên nên làm điều gì đó 'hoàn toàn điên rồ' ở khoảng giữa, chẳng hạn như nhảy bungee, và một điều hoành tráng không kém vào lúc chót (ví dụ, một ngày đi spa hoặc bữa ăn buông thả) để nâng cao toàn bộ trải nghiệm và tối đa hóa tiện ích hưởng thụ tổng thể.

Để bắt đầu đối với những ai thấy khó mà có thời gian nghỉ, Keinan đề xuất sử dụng 'bằng chứng ngoại phạm chức năng' - một cái cớ thực dụng để bào chữa cho việc tận hưởng.

"Việc có được 'bằng chứng ngoại phạm chức năng', theo đó thể hiện rõ tác dụng của một hoạt động (chẳng hạn rất cần có một kỳ nghỉ để bạn phục hồi sức khỏe và có thể làm việc với hiệu suất tốt) cho phép nhiều người nghỉ ngơi mà không cảm thấy có lỗi," bà nói.

Chống lại tư duy 'nghỉ ngơi là lãng phí' cũng có thể có nghĩa là nhấn mạnh giá trị của một hoạt động bằng cách gắn kết nó với một mục tiêu tiện ích khác, thay vì cố gắng định hình lại khái niệm nghỉ ngơi.

"Kỳ nghỉ cần phải được xem là 'chung cuộc', nhưng chúng ta có thể có các mục tiêu khác nhau trong đó," Malkoc nói. Một chuyến đi chơi ở Disneyland chẳng hạn, có thể có giá trị chung cuộc cho trẻ em, và là sự nghỉ ngơi phương tiện đối với cha mẹ. "Giúp họ hiểu rằng đó là cách để có năng suất hoặc nuôi dưỡng một mục đích khác có thể giúp họ mất cảnh giác và tận hưởng nó nhiều hơn."

Đối với cả hai nhóm - và thậm chí cả những ai ở giữa - nỗi sợ dai dẳng rằng chúng ta không sử dụng 'đúng' thời gian của mình, cho dù là có trải nghiệm xa hoa đáng nhớ hay chỉ là nghỉ ngơi có hiệu quả, có thể làm chệch hướng mục đích của nghỉ ngơi.

Bởi vì cách nghỉ ngơi 'đúng đắn' duy nhất là thư giãn, hãy thả lỏng, tạo ra những kỷ niệm đẹp và tin rằng mọi việc đâu sẽ vào đó.

"Nếu bạn giữ lối tư duy rằng 'nên' có kỳ nghỉ, bạn có thể đang phá hỏng nó," Malkoc cảnh báo. "Đừng để niềm tin rằng 'phải tận dụng tốt nhất thời gian nghỉ' làm bạn mất đi những gì tốt nhất."