• Jesse Staniforth
  • BBC Worklife

Taylor Oakes

Nguồn hình ảnh, Taylor Oakes

'Trinh tiết' là một khái niệm rất có vấn đề.

Các nhà hoạt động bảo vệ nữ quyền cho rằng với cách hiểu truyền thống thì khái niệm này đã 'đóng băng' sự trinh trắng của người phụ nữ thành thứ 'đáng giá ngàn vàng', món quà, hay kỷ vật mà họ 'dâng hiến', 'bị chiếm đoạt', hay đơn giản hơn là 'bị mất'.

Các nhà giáo dục giới tính nói rằng cách hiểu từ lâu nay về trinh tiết thường không phản ánh đầy đủ những trải nghiệm ái ân của nhiều người.

Các nhà bảo vệ quyền của 'queer' (người có khuynh hướng tình dục không rõ ràng, có thể là đồng tính, dị tính, hoặc song tính) thì lưu ý rằng toàn bộ khái niệm trinh tiết chỉ là nói về quan hệ tình dục nam - nữ và không phù hợp với những kiểu gần gũi thể xác khác.

Dù nhiều người thấy rằng đây là một khái niệm có vấn đề, nhưng ít ai nghĩ ra được từ nào khác hợp lý để thay thế.

Hồi năm ngoái, Nicolle Hodges, người tự nhận là 'nhà triết học về tự do tính dục' ở Toronto, Canada bắt đầu đưa ra một số phản biện đối với khái niệm trinh tiết.

Ý tưởng của bà bắt nguồn từ tác giả có bút danh là Tiến sĩ Seuss.

Năm 2020, Hodges ra cuốn sách có tên 'Oh, the Places You'll Go Oh Oh!' (Ôi, nơi bạn sẽ đến, ôi, ôi!), một phiên bản nhại theo kiểu viết của Tiến sĩ Seuss về uy lực mà cơn cực khoái đem lại cho người phụ nữ, viết bằng thể thơ và ngợi ca cuộc sống mải mê khám phá tình dục.

Coi tình dục là một hành trình, Hodges thấy hành trình đó cần phải có điểm xuất phát.

Theo cách hiểu truyền thống thì điểm xuất phát sẽ là trinh tiết, và Hodges nhận thấy cách hiểu đó thật lỗi thời, đặc biệt là khi bà nghiên cứu về sự biểu đạt, phóng thích đam mê nhục dục, về việc truyền sức mạnh cho người phụ nữ cảm thấy vững tin hơn khi đương đầu với thói gia trưởng, và nới rộng những quy chuẩn về giới vốn đã tồn tại từ trước đến nay.

"Ta vẫn dùng cái từ cổ lỗ này để gói ghém lại thứ lẽ ra phải là cả một khoảng thời gian dài," Hodges nói. "Đó là một suy nghĩ hạn hẹp, và là một cụm từ có quá nhiều hạn chế."

Bà thay từ trinh tiết bằng một cụm từ mới, 'giao hoan lần đầu'.

Đây không phải là lần đầu tiên cụm từ này được dùng, nhưng Hodges thấy nó phù hợp với giọng văn kiểu Tiến sĩ Seuss trong cuốn sách của bà.

Tuy coi đó chỉ là cụm từ có tính gợi mở vấn đề, nhưng bà nói bà ngạc nhiên khi độc giả bắt đầu đề nghị bà tiếp tục phát triển khái niệm này.

Do đó, Hodgesd dùng ảnh hưởng tích cực của mình về giới để kêu gọi mọi người thay thế từ 'trinh tiết' bằng cụm từ 'giao hoan lần đầu'.

Tiếp đến, bà theo dõi một series các post đăng trên Instagram và Twitter về cùng chủ đề, và dự án gọi vốn cộng đồng cực kỳ thành công - in lên chiếc áo nội dung cổ vũ cho sự thay thế đó.

Tiếp đến nữa sẽ là việc tung ra dự án thơ thu thập từ cộng đồng để quảng bá ý tưởng, và việc ra loạt video phỏng vấn về phản ứng của mọi người khi nghe tới khái niệm 'giao hoan lần đầu'.

Cho tới nay, phản ứng trên mạng xã hội đối với chiến dịch cho Hodges thấy bà có thể tạo ra một cuộc đối thoại khác biệt về những trải nghiệm ái ân đầu đời.

Tuy có vấp phải một số chỉ trích, nhưng khái niệm mới này được đa số mọi người tán thưởng.

Với nhiều người thì trinh tiết theo cách hiểu truyền thống gần như không liên quan đến họ hay những trải nghiệm họ từng có.

Ngược lại, cách tiếp cận 'giao hoan lần đầu' đem lại góc nhìn mới, giúp họ nhìn nhận bản thân mình và những người khác như những cá nhân có quyền tự quyết trong vấn đề tình dục, mỗi người sẽ tự tìm lối đi riêng cho mình thông qua hành vi gần gũi, thân mật thể xác.

Qua cách nêu vấn đề của Hodges, giao hoan lần đầu là sự mô tả đơn giản và trực tiếp về trải nghiệm tình dục ban đầu - khái niệm mà Hodges hy vọng sẽ bao quát hơn, khiến mọi người thấy tự chủ hơn.

Sự phát triển của 'giao hoan lần đầu'

Giao hoan lần đầu là khái niệm đã có từ nhiều thập niên trước.

Ban đầu, nó được dùng trong y khoa thay cho cụm từ 'mất trinh', theo phó giáo sư xã hội học Laura M Carpenter từ Đại học Vanderbilt ở bang Tennessee, Hoa Kỳ, tác giả cuốn 'Virgininity Lost: An Intimate Portrait of First Sexual Experiences' (Mất trinh: Trải nghiệm tình dục đầu đời). Bà cũng viết nhiều bài báo khoa học đã được thẩm định về chủ đề trinh tiết.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Quan niệm truyền thống về trinh tiết không thực sự phản ánh trải nghiệm của nhiều người trẻ ngày nay, các chuyên gia nói

"'Giao hoan lần đầu' hẳn đã xuất hiện trong nhiều ấn phẩm khoa học hồi thập niên 1970-80, khoảng thời gian được coi là 'đại dịch' của tình trạng thiếu niên mang thai tràn lan và mắc các bệnh tình dục," bà nói.

"Ban đầu nó được dùng để mô tả một cách ý nhị lần đầu quan hệ tình dục bằng cách xâm nhập vào âm đạo. Thời đó, xuất bản phẩm có thể đã viết 'mất trinh', nhưng tôi nghĩ 'giao hoan lần đầu' nghe có vẻ vệ sinh hơn. Trong thập niên 1980 và 90, cụm từ này trở thành 'giao cấu lần đầu', hay 'lần đầu giao hợp qua âm đạo'. Người ta nói thẳng thừng như thế vì nghe nó chính xác hơn."

Với Carpenter, việc đưa ra định nghĩa là điều rất quan trọng. Bà đã ghi nhận sự chuyển đổi nội dung của nhiều cụm từ, trong đó có từ 'tình dục'.

Bà nói bà dùng khái niệm trinh tiết và mất trinh trong các bài viết là vì bà tìm cách sử dụng ngôn ngữ đa số mọi người dùng đến khi nói về trải nghiệm này.

Tuy nhiên, bà cũng biết rằng việc dùng những từ hàm ý đạo đức để nói một cách ý nhị về tình dục sẽ khó có thể chuyển tải chính xác được vấn đề.

Khi bà bắt đầu theo đuổi chương trình tiến sĩ vào giữa thập niên 1990, nghiên cứu cho thấy các nhóm khác nhau ở cùng một trường trung học có thể có hiểu theo những cách hoàn toàn khác nhau về tình dục.

Điều đó có nghĩa là cụm từ như mất trinh có thể được định nghĩa theo nhiều cách - trong nhiều trường hợp, khái niệm này gần như gắn với sự hổ thẹn.

Chiến dịch của Hodges - nhằm phá vỡ định kiến đạo đức và sự hổ thẹn - nêu ra cụm từ 'giao hoan lần đầu' với ý nghĩa rộng hơn, "không coi trinh tiết là điểm chấm dứt của một hành trình, hay bản thân trinh tiết là một sự biến chuyển".

Thay vào đó, bà nói, khái niệm này củng cố quan điểm theo đó nói lần ái ân đầu tiên của bạn có thể là chuyện xảy ra nhiều lần trong đời.

"Đây không đơn giản là thay thế trinh tiết bằng cụm từ mới - mà cho rằng trinh tiết là một ý niệm không tồn tại vì đời sống tình dục của bạn không bao giờ kết thúc."

Vì vậy, 'giao hoan lần đầu' theo cách diễn giải của Hodges là sự chuyển biến sâu sắc trong mỗi cá nhân, chủ yếu về mặt cảm xúc và tâm tư của người đó.

"Nó có thể là khoảnh khắc mà bạn, trong hình hài một phụ nữ, hôn một phụ nữ khác và cảm thấy cơ thể mình bừng sáng, cảm thấy như có điều gì đó được kích hoạt bên trong con người mình," bà nói.

"Đó chính là một lần 'giao hoan lần đầu', một trong những khoảnh khắc tạo nên những chuyển biến sâu sắc trong đời khiến bạn hiểu được chính mình, trở thành chính mình. Việc coi 'giao hoan lần đầu' là điều có thể xảy ra nhiều lần, theo nhiều cách, ở bất kỳ độ tuổi nào, sẽ giúp tháo gỡ áp lực trong việc cần phải hiểu thế nào, định nghĩa ra sao về 'lần đầu tiên', trong việc xác định cả hành trình tính dục của bạn sẽ ra sao, với ai."

Đơn giản hóa vấn đề?

Khi chiến dịch của Hodges lan toả trên mạng xã hội, Julia Feldman-DeCoudreaux cảm thấy nghi ngờ.

Nhà giáo dục giới tính từ Oakland, California lo ngại về việc đơn giản hóa thông điệp cần truyền tải: việc tung ra những chiếc áo len có chữ 'trinh tiết' bị gạch bỏ vf bị thay bằng cụm từ 'giao hoan lần đầu' là chưa đủ mức để thể hiện được ý tưởng "trinh tiết là một khái niệm đã lỗi thời".

"Trong lúc đi tìm một khái niệm khác để thay thế thì chúng ta vẫn đang bàn luận về khái niệm cực kỳ lệch lạc này," Feldman-DeCoudreaux nói.

Tuy ghi nhận định nghĩa 'giao hoan lần đầu' mà Hodges đưa ra là một trong nhiều lần 'bắt đầu từ đầu' của một cá nhân, nhưng Feldman-DeCoudreaux cho rằng cụm từ này vẫn chưa thể hiện đúng về những trải nghiệm tình dục.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Việc nhìn nhận lại cách hiểu về trải nghiệm dục đầu đời có thể sẽ giúp mọi người nhìn thấy mình trong đó

"Khi bạn dùng một từ như trinh tiết hay giao hoan lần đầu là bạn đặt tính dục của một người vào bối cảnh người đó có sự gần gũi, làm tình với người khác. Tức là cần phải có bạn tình tồn tại bên cạnh thì người đó mới có trải nghiệm tình dục," Feldman-DeCoudreaux giải thích.

"Nếu định nghĩa theo cách này, ta sẽ đẩy nhiều người vào tình trạng lẫn lộn, sai lầm và thất vọng. Suy rộng ra về mặt logic thì định nghĩa đó dẫn đến cách diễn giải rằng để một người cảm thấy thoả mãn hoặc hưng phấn tình dục thì nhất thiết cần phải có sự tham gia phối hợp của người khác."

Feldman-DeCoudreaux thường xuyên gặp tình huống là có những người phàn nàn với bà rằng, "bạn tình của tôi không làm cho tôi 'lên đỉnh'". Bà nhấn mạnh rằng suy nghĩ này là hệ quả của việc coi mức độ hưng phấn tình dục của một người phụ thuộc vào cách thức, kỹ thuật ái ân của đối phương.

"Nó khiến ta trở nên thụ động và né tránh nhu cầu tính dục của chính mình," bà nói.

Tuy nhiên, bà cũng đồng ý với Hodges rằng nhìn chung thì khái niệm trinh tiết là có vấn đề về nhiều phương diện.

"Ta buộc phải suy nghĩ lại về điều này, vì việc loại bỏ những khái niệm sai lầm có thể sẽ giúp mọi người có trải nghiệm tốt hơn," Feldman-DeCodreaux nhận định.

"Ta phải thấy rằng khái niệm trinh tiết là có vấn đề. Khái niệm này định hình rằng đời sống tình dục có điểm khởi đầu, và điểm khởi đầu đó được xác định vào thời điểm mất trinh. Điều đó là vô lý: vậy còn những cảm xúc cả đời ta thì sao? Những trải nghiệm hưng phấn, khoái cảm của ta thì sao? Những trải nghiệm khiến ta mở mang tầm mắt thì sao? Chẳng lẽ những cảm xúc đó không được tính đến?"

Không chỉ nói về 'một khoảnh khắc'

Với những người muốn thay đổi hoàn toàn khái niệm trinh tiết, bà Carpenter cho rằng xã hội vẫn có xu hướng ghi nhận những cột mốc đầu tiên, vì chúng đánh dấu sự biến đổi, ví dụ như khi ta sinh đứa con đầu lòng, ngày đầu tiên đứa trẻ đi học và những dấu ấn tương tự.

Có thể là lần đầu tiên 'làm chuyện ấy' vẫn sẽ là sự kiện mang tính cột mốc quan trọng về mặt xã hội - nhưng Carpenter cho rằng hiểu biết ngày càng rộng về tính dục dù sao thì cũng sẽ góp phần làm nhạt nhoà dần đi quan điểm cổ hủ về 'chữ trinh'.

Tuy rằng ta có thể sử dụng sự kiện cột mốc để đánh dấu giai đoạn từ lúc chưa sinh hoạt tình dục sang giai đoạn có quan hệ tình dục, là thời điểm mất trinh, nhưng Carpenter cho biết "đa số mọi người dần dần sẽ thêm đủ khái niệm tình dục vào kho kiến thức, và dù họ có gọi tên hay hiểu nó là 'mất trinh' hay không thì có lẽ nó cũng ẩn trong hàng loạt các hành vi tính dục khác."

Vì lý do đó, Carpenter nhận thấy quan điểm của Hodge và Feldman-DeCoudreaux là có triển vọng áp dụng, vì xã hội thay đổi và con người ta có thể học cách dần bớt quan tâm đến những khái niệm từng được cho là duy nhất đúng.