bbc.com

Góc khuất đáng sợ của việc hẹn hò trên mạng


Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Bài viết đã đăng trên BBC World Service, do Szu Ping Chan và Nisha Patel sản xuất, Meredith Turits biên tập lại cho BBC Worklife.

Tuy đã rất phổ biến trước đại dịch, nhưng các ứng dụng hẹn hò đã càng phát triển bùng nổ trong bối cảnh mọi người phải chịu cách ly, phong toả do Covid-19.

Tinder, ứng dụng hẹn hò nhiều người tải về nhất thế giới, đã có ba tỷ lượt lướt mỗi ngày trong suốt tháng 3/2020 - và từ đó trở đi đã liên tục phá kỷ lục hơn 100 lần.

Dù những ứng dụng này giúp người độc thân kết nối với nhau nhiều năm qua, một số người hẹn hò đã lên tiếng cảnh báo về môi trường những ứng dụng này sinh ra. Đặc biệt là phụ nữ thường phải chịu rất nhiều hành vi tấn công và quấy rối, mà thường là từ trai thẳng.

"Phần khó chịu nhất với tôi đó là bị đối xử như thể là làm công nhân tình dục miễn phí vậy," Shani Silver cho biết. "Tôi không thấy vui chút nào. Tôi cảm thấy bị tổn thương."

Silver, nhà văn sống ở New York City và là chủ kênh podcast chuyên về hẹn hò 'A Single Serving', đã sử dụng ứng dụng hẹn hò gần chục năm qua.

"Tôi thường bị gạ gẫm quan hệ tình dục trước cả khi họ chào hỏi, giới thiệu tên thật. Hầu hết những gì xảy ra trong thế giới đó khiến tôi có cảm giác như họ coi tôi là đồ bỏ - bị coi rẻ cực kỳ, khiến tôi cảm thấy mình hầu như là kẻ vô giá trị."

Những tin nhắn như vậy xuất hiện đầy rẫy trong các ứng dụng hẹn hò, gây ảnh hưởng tới cả đàn ông và phụ nữ, nhưng phụ nữ có vẻ như bị ảnh hưởng nhiều hơn cả.

Dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2020 cho thấy nhiều phụ nữ trải qua một số dạng quấy rối nào đó từ ứng dụng hẹn hò.

Với những phụ nữ hẹn hò trên mạng từ 18 đến 34 tuổi, 57% cho biết họ nhận được những tin nhắn gạ quan hệ tình dục lộ liễu hoặc nhận được những hình ảnh mà họ không yêu cầu.

Tình huống này xảy ra cả với những thiếu nữ từ 15 đến 17 tuổi, những người nói họ cũng nhận được các dạng tin nhắn như vậy.

Một nghiên cứu của Úc năm 2018 về tin nhắn trên ứng dụng hẹn hò cho thấy tình trạng quấy rối và lạm dụng nhắm đến giới tính xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ, và thường là do trai thẳng gây ra.

Một số người dùng cũng cho biết họ bị căng thẳng về tâm lý, thậm chí gặp phải những tình huống tồi tệ hơn.

Một nghiên cứu năm 2017 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 36% người hẹn hò qua mạng cảm thấy những tương tác mà họ nhận được "cực kỳ khó chịu hoặc rất khó chịu".

Phụ nữ hẹn hò từ 18 đến 35 tuổi trong nghiên cứu năm 2020 của Pew cũng cho biết tình trạng đe dọa thân thể hoặc gây hại đến cơ thể họ cũng rất cao - đến 19% (so với 9% ở nam giới).

Nhìn chung, một nghiên cứu cho thấy những người đàn ông dị tính hoặc song tính hiếm khi nào thấy lo về sự an toàn của bản thân khi sử dụng ứng dụng hẹn hò, trong khi đó nữ giới rất lo lắng.

Tác giả viết về văn hóa của người trẻ, Nancy Jo Sales cũng bị sốc khi trải nghiệm ứng dụng hẹn hò, đến mức cô viết một quyển hồi ký về chuyện này, cuối 'Không Chút Riêng Tư: Cuộc Đời Bí Mật Của Tôi Trên Hoả Ngục Hẹn Hò Trên Mạng'.

"Những thứ như vậy đã bị bình thường hóa quá nhanh - những điều không bình thường chút nào, và lẽ ra không bao giờ nên bình thường, ví dụ như số lượng các vụ bạo hành xảy ra, và rủi ro cũng như nguy cơ từ đó, không chỉ về mặt thể chất mà còn cả tinh thần," cô cho biết, và dẫn chứng bằng trải nghiệm bản thân.

Cô cảnh báo rằng không phải ai xài ứng dụng hẹn hò cũng có trải nghiệm xấu nhưng có đủ số người để "ta cần phải nói về những nguy hiểm xảy ra với mọi người".

Những hành vi kinh khủng đó làm trải nghiệm của phụ nữ với ứng dụng hẹn hò xấu đi, vậy tại sao những kiểu tương tác như thế lại được phép xảy ra?

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Theo một số báo cáo, phụ nữ nhận được số lượng tin nhắn quấy rối nhiều hơn đàn ông

Một phần câu trả lời nằm ở cách thức mà những ứng dụng này quản trị, từ cả công ty sản xuất ứng dụng cũng như những cách thức quản lý ở tầm chính quyền. Điều này có nghĩa là là những ảnh hưởng xấu đến người dùng - và việc có thay đổi - là một cuộc chiến còn nhiều khó khăn.

Cơ chế quy trách nhiệm?

Có một số cơ chế đã được đưa vào để giảm thiểu nguy cơ.

Chẳng hạn ứng dụng Tinder đã đưa vào ứng dụng máy tính học để rà soát tin nhắn có ngôn ngữ bạo hành, và yêu cầu người viết tin nhắn phải cân nhắc trước khi gửi tin nhắn đi.

Năm 2020, ứng dụng Bumble công bố phần trí tuệ nhân tạo làm mờ một số hình ảnh và yêu cầu người dùng phải đồng ý nếu họ muốn xem ảnh đó.

Một số nền tảng cũng giới thiệu tính năng xác thực người dùng, ứng dụng sẽ phối kiểm ảnh được tải lên hồ sơ với một ảnh tự chụp mà người dùng cung cấp (ảnh người dùng cần phải được chụp trong một tư thế nhất định để ứng dụng có thể xác minh tính trung thực của hình ảnh). Những quy định này nhằm để tránh tình trạng sử dụng hồ sơ giả để hẹn hò và lạm dụng, vì người dùng không thể trốn bằng cách dùng danh tính giả.

Nỗ lực thì tốt đấy, và dù nó "tốt hơn là chẳng có nỗ lực gì cả - nhưng tôi nghĩ chúng ta còn phải làm nhiều việc," Silver nói.

Rất nhiều người dùng cũng đồng ý với ý kiến này. "Thứ duy nhất ta được tự do sử dụng là nút chặn tài khoản. Và dù nút chặn nằm đó và bạn có thể chặn người khác, nhưng điều mà ta không tính đến đó là khi phải chặn người khác, ta đã phải trải qua những hành vi tiêu cực trước khi chặn họ," cô nói.

Một trong những quan ngại lớn nhất của người dùng là tình trạng bạo lực tình dục có thể xảy ra khi người dùng gặp nhau ngoài đời thực.

Dù đã có nhiều phụ nữ cẩn thận hơn khi sử dụng ứng dụng hẹn hò, ví dụ như sạc điện thoại, báo với gia đình hay bạn bè về kế hoạch của họ, nhưng người hẹn hò vẫn có thể là nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục.

Năm 2019, Đại học Báo chí Columbia ở New York City và trang tin tức ProPublica phát hiện ra tập đoàn Match Group, sở hữu khoảng 45 ứng dụng hẹn hò, chỉ rà soát danh tính kẻ tấn công tình dục với người dùng có trả tiền, nhưng không hề rà soát trên những ứng dụng miễn phí như Tinder, OKCupid và Hinge.

Phát hiện này buộc các nhà làm luật Hoa Kỳ phải điều tra vào tháng 5/2021, và sau đó họ công bố luật yêu cầu ứng dụng hẹn hò phải áp dụng luật chống lạm dụng và lừa đảo.

Nhưng vẫn còn lỗ hổng với luật Internet ở Hoa Kỳ, cụ thể là Phần 230, Đạo Luật về Quy tắc Giao tiếp, theo đó quy định những trang web này sẽ không phải chịu trách nhiệm gì nếu bên thứ ba gây hại thông qua nền tảng của họ.

Điều đó có nghĩa là ngành công nghiệp hàng tỷ đô la này không có nghĩa vụ gì nếu xảy ra tình trạng lạm dụng, và việc áp dụng các quy tắc ứng xử sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc các ứng dụng đó, như Tinder hay Bumble, có muốn hay không. (BBC đã liên hệ sáu ứng dụng hẹn hò trên mạng, nhưng tất cả đều từ chối trả lời cho bài viết này).

Phần 230 là phần luật gây tranh cãi - và hiện tại có rất nhiều người kêu gọi phải cập nhật hoặc xoá bỏ luôn điều luật này.

Nhiều người nói rằng luật này bắt nguồn từ thập niên 1990 và đã lỗi thời vì các nền tảng và cách người dùng sử dụng đã thay đổi đáng kể.

Giờ đây, như Sales nói, "mọi thứ giống như miền Tây hoang dã vậy".

Tình hình có thể thay đổi tốt lên không?

Hiện thời, người dùng hầu như không được bảo vệ gì ngoài những cách thức rà soát mà mỗi ứng dụng tuỳ ý chọn lựa áp dụng.

Tất nhiên rất nhiều người tìm được kết nối tích cực và thậm chí quan hệ lâu dài, nhưng nhìn chung người hẹn hò vẫn sử dụng ứng dụng và tự chịu rủi ro, đặc biệt ở những quốc gia không có sự bảo vệ rõ ràng.

Ngoài những tiến bộ về luật pháp và động thái của các tập đoàn về vấn đề an toàn, vẫn cần có những thay đổi về văn hóa để có thể tạo ra thay đổi và giúp bản vệ phụ nữ và người hẹn hò trên những ứng dụng này, cả trên mạng lẫn ngoài đời thật.

Đàn ông phải được cho biết hành vi của họ gây ảnh hưởng ra sao tới đối phương mà họ trò chuyện: vì đàn ông thường đánh giá rất thấp tác hại từ sự hung hãn mà họ gây ra cho người khác.

Để đạt tiến bộ thì những suy nghĩ cổ lỗ, mang tính định kiến về vai trò giới và thái độ coi thường phụ nữ trong xã hội phải dần bị loại bỏ - và điều này cũng có nghĩa là phụ nữ cần phải biết khước từ, không chấp nhận những mối giao tiếp dựa trên lối suy nghĩ, định kiến đó, cho dù là vì công việc.

Với Silver, cô thấy mình đã trải qua quá đủ tình trạng lạm dụng. Cô ngừng sử dụng ứng dụng hẹn hò, bỏ hẳn trong hai năm qua. Cô vẫn chưa quay lại.

"Chúng chưa đem lại cho tôi bất cứ gì tốt đẹp. Vậy thì tại sao tôi phải tiếp tục để chúng bước vào đời tôi, thời gian của tôi, tiền bạc của tôi," cô nói. "Và khi tôi hỏi bản thân câu hỏi đó, thì mọi thứ trở nên rất rõ nét với tôi. Đó là lần đầu tiên tôi xóa ứng dụng, và chưa bao giờ cảm thấy cần phải tải chúng về lần nữa."

"Nghe có vẻ kịch tính," cô nói thêm, "nhưng làm vậy thì giống như là tôi lấy lại cuộc sống của mình vậy thôi."