Cảm giác Chạm - Sự tinh tế ẩn dưới làn da

Thứ Sáu, 19 Tháng Mười Một 20217:00 SA(Xem: 2151)
Cảm giác Chạm - Sự tinh tế ẩn dưới làn da

Triết gia vĩ đại Aristotle từng nói chạm là thứ cảm giác bình thường nhất. Bởi lẽ chạm tồn tại ở mọi sinh vật sống, đơn giản như một loại ám hiệu chứ chẳng hề cho thấy sự vượt trội như tư duy, ký ức hay năng lực tưởng tượng. Thế nhưng, khoa học hiện đại tin vào điều ngược lại, rằng chạm mang trong mình “thứ quyền năng” chưa thể lý giải hết, đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống loài người.

Thế giới của cảm xúc

Hơn một thập niên nghiên cứu ý nghĩa của việc kết nối cơ thể và tâm trí, nhà khoa học Renee Exelbert hiểu tường tận về sức mạnh thật sự của chạm. Thời điểm người mẹ dương tính với COVID-19 trong bệnh viện, Renee Exelbert tưởng như thế giới đã sụp đổ khi chẳng thể ôm lấy bà, mà chỉ biết nhìn vô vọng vào màn hình điện thoại. Chạm biến mất, mọi kết nối trực tiếp tạm thời gián đoạn, mỗi người phải tự cách ly nhau khi các biến thể COVID lây lan chóng mặt. Đến mức có những ông bố bà mẹ không dám hôn con mình, rồi các cặp đôi đành từ bỏ giấc mơ dắt tay nhau vào lễ đường trong ngày quan trọng nhất cuộc đời.

Chạm theo ta từ thuở nhỏ. Cảm giác da kề da của em bé mới chào đời với người mẹ tạo nên sợi dây kết nối đặc biệt, mở đầu cho hành trình phát triển của thế hệ mới, trước sự bao bọc, chở che của cha mẹ. Khoa học tin rằng, chạm thúc đẩy sự hấp thu dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh, ổn định nhiệt độ cơ thể, đồng thời “ra tín hiệu” giúp người mẹ có nhiều sữa, xoa dịu cơn đau cấp tính và giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh. Bản thân người cha cũng cảm thấy tình phụ tử ngày càng lớn dần, với niềm hạnh phúc và lạc quan mỗi khi được bế lấy đứa con bé bỏng.

Ở tuổi trưởng thành, nhiều người lại chỉ coi chạm như trò con nít. Nhà tâm lý học John Watson từng viết: “Tôi muốn cha mẹ đừng quá gần gũi với con trẻ, đừng ôm hay hôn, thậm chí cho con ngồi lên đùi quá nhiều lần trong ngày”. Quan điểm của Watson đổ lỗi cho chạm khiến tâm lý con trẻ yếu đuối, làm chúng khó phát triển tính độc lập khi lớn lên. Tuy vậy, khoa học hiện đại đã chứng minh: càng già đi con người càng muốn được chạm nhiều hơn, củng cố kết nối với vạn vật để chứng minh mình vẫn đang sống mỗi ngày.

Chạm - Sự tinh tế ẩn dưới làn da -0
Một lần chạm, là một lần thay đổi, cả về cảm xúc, hành vi cho đến tư duy và nhận thức.

Từ xa xưa, chạm vốn dĩ là cách con người chữa bệnh. Theo truyền thuyết, vị thần y Asclepius trong tôn giáo và thần thoại Hy Lạp cổ đại chỉ cần chạm vào người là khỏi bệnh. Những liệu pháp trị bệnh cổ xưa nhất hình thành dựa trên nhu cầu được chạm, trong đó phải nhắc tới xoa bóp trị liệu bắt nguồn từ Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á từ khoảng năm 3000 trước Công nguyên. Theo cha đẻ của y học Hippocrates, xoa bóp có thể “nối” những đoạn khớp bị xốp, và làm “mềm” những khớp xương bị xơ cứng. Ít ai biết rằng từ phẫu thuật mang ý nghĩa “chữa lành nhờ bàn tay”, ám chỉ sức mạnh của chạm.

Ngày nay, chạm được nghiên cứu trên phương diện khoa học và xã hội nhiều hơn. Chạm tạo ra xung thần kinh, đem tới cảm giác thân thuộc, chờ đợi, hướng chúng ta tới sức mạnh của tâm trí thông qua những điều cơ bản nhất của tự nhiên: làn da, bộ não và tế bào thần kinh. Bên trong cơ thể, một hành trình serotonin - chất dẫn truyền thần kinh xoa dịu căng thẳng tự nhiên - được khởi động. Khi ấy, chạm làm tăng serotonin, đưa cơ thể vào trạng thái thư giãn tạm thời, thúc đẩy các tế bào NK trong hệ miễn dịch phản ứng nhanh với nguồn bệnh, giúp chúng ta trở nên khỏe mạnh hơn.

Sức mạnh của chạm vươn tới cả hormone tình yêu oxytocin, khiến con người biết thế nào là gắn kết và tin tưởng. Em bé được gần mẹ, cảm giác an toàn và muốn được yêu thương. Đôi lứa ôm lấy nhau trong ngày đông giá lạnh, cảm giác được chở che và nhẹ nhõm. Đôi khi chỉ cần chạm vào mái tóc dài cũng đủ thể hiện tình yêu, khởi đầu cho mối quan hệ lãng mạn sau này. Đại dịch COVID-19 làm thay đổi thế giới suốt hai năm qua, khiến những cái ôm hay chạm nhẹ lên vai trở nên vô cùng cần thiết, để nhắc rằng chúng ta không cô độc trước nghịch cảnh, rằng mỗi cá nhân đều được sẻ chia khó khăn và chắc chắn sẽ vượt qua mọi nỗi đau tinh thần.

Chạm - Sự tinh tế ẩn dưới làn da -0
Đại dịch COVID-19 làm thay đổi thế giới, khiến những cái ôm hay chạm nhẹ trở nên vô cùng cần thiết, để nhắc rằng chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua mọi nỗi đau.

Gia vị của cuộc sống

Chiếm tới 20% diện tích cơ thể, làn da được coi là bộ phận nhạy cảm nhất, tiếp nhận các kích thích từ bên ngoài nhờ chạm, tạo nên những cảm giác cực kỳ tinh tế ở loài người. Một vùng da chỉ với kích cỡ đồng xu chứa tới 50 đầu mút thần kinh, và khoảng 0,3m mạch máu. Các thụ thể cảm giác trải đều ở các lớp da khác nhau, thu nhận các tín hiệu như nóng, lạnh hay đau. Những thụ thể thích ứng nhanh, như tiểu thể Pacinian nằm sâu hơn trong lớp hạ bì của da chẳng hạn, cực kỳ nhạy cảm với thay đổi áp suất và sự rung động, cho phép phát hiện các tín hiệu di chuyển với kích cỡ một phần triệu mét.

Một tiền đề quan trọng để hai nhà khoa học David Julius và Ardem Patapoutian tạo nên bước đột phá cho sự nghiệp với giải Nobel Y Sinh 2021 nhờ khám phá về xúc giác. Trên thực tế, chúng ta thường mặc định sự tồn tại của cảm giác nóng lạnh, hay đau đớn, mà chẳng hề suy nghĩ về cơ chế xung thần kinh. Chạm, vốn được David Julius chú ý từ những năm 1990, đã dần hiện rõ bản chất nhờ thử nghiệm thú vị cùng hợp chất cay capsaicin trong ớt, mà Julius gọi là “nàng thơ” cho nghiên cứu của mình. Lần đầu tiên, chúng ta biết có hàng triệu đoạn ADN trong các tế bào thần kinh có thể “giao tiếp” qua da nhờ chạm, từ đó tạo nên cả một thế giới cảm xúc đa dạng.

Đại dịch COVID, trong bối cảnh giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc trực tiếp, khiến mong muốn được chạm lên tới đỉnh điểm. Ngồi một mình trong phòng thí nghiệm với những tế bào nhạy cảm áp suất, Ardem Patapoutian nở nụ cười khi biết mình đã tìm thấy phản ứng kích thích trên da, thông qua những mút thần kinh vô hình, cứ mỗi lần “chạm” vào tế bào ấy. Hai nhà khoa học gọi tên kênh ion TRPV1, mở ra con đường khám phá các thụ thể cảm nhận nhiệt độ và cảm giác đau (như TRPM8 chẳng hạn) được mã hóa bởi 72 gene đặc biệt. Trong đó, phải chú ý tới hai gene Piezo-1 và Piezo-2, mã hóa hai kênh ion tương ứng giúp tế bào “hiểu” tín hiệu từ chạm, tạo nên xúc giác đầy phức tạp ở người.

Chạm - Sự tinh tế ẩn dưới làn da -0
Chạm - Sự tinh tế ẩn dưới làn da -1
Chạm tạo nên sợi dây kết nối đặc biệt, bắt đầu cho hành trình phát triển của con người từ lúc chào đời.

Chạm không đơn thuần chỉ là vật lý, mà ẩn chứa cả một cơ chế cảm xúc riêng biệt. Ardem Patapoutian vui sướng, tuyên bố với thế giới rằng thêm một bí ẩn nữa của tự nhiên được giải mã ở cấp độ phân tử: đó là cách những kích thích và tiếp xúc được chuyển thành tín hiệu thần kinh. Khi con người chạm vào nhau, những thụ thể dưới da có thể “phân loại” hành vi, từ đó giúp não bộ biết được cảm xúc đối phương muốn thể hiện chỉ bằng vài cử chỉ. Chạm khởi động các phản ứng sinh lý-hóa-sinh liên tiếp dưới da, truyền tín hiệu tới dây thần kinh lang thang, phức tạp và chạy ngoằn ngoèo trong cơ thể như cái tên của nó.

Càng nghiên cứu về chạm, khoa học càng nhận ra sự tinh tế trong cấu trúc cơ thể và những bí ẩn thú vị về hành vi con người. Chạm tồn tại với ta cả đời, từ khi còn trong bụng mẹ cho tới lúc về già. Một lần chạm, là một lần thay đổi, cả về cảm xúc, hành vi cho đến tư duy và nhận thức. Với David Julius và Ardem Patapoutian, chạm không đơn thuần chỉ là những kênh ion, mà giúp hiểu thêm cơ chế của những cơn đau, từ đó phát triển những phương pháp giảm đau hiệu quả.

Có người kỳ vọng trí tuệ nhân tạo sẽ khởi động một cuộc cách mạng “chạm không dây” nhờ Bluetooth cùng những cái ôm ảo. Vậy nhưng, Renee Exelbert tin rằng không một thứ máy móc nào thay thế được những tế bào thần kinh dưới da người. Thế giới cảm xúc của chạm đa dạng hơn bất cứ ngôn ngữ nào, như lúc cô vỡ òa trong hạnh phúc khi cầm lấy bàn tay người mẹ đã khỏi bệnh hoàn toàn bên trong căn phòng quen thuộc. Những thời điểm như thế, chúng ta không biết nói lời ra sao, nhưng chỉ bằng một cái ôm hay nắm tay cũng đủ để bày tỏ nỗi lòng, thể hiện sự đồng cảm và hy vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến.

Sẽ có thời điểm chúng ta coi nhẹ chạm, nhưng tâm trí lại vô cùng nhung nhớ những lần được chạm, đến độ nó trở thành “khao khát làn da” trong nghiên cứu của giới tâm lý học. Chẳng thế mà Renee Exelbert khẳng định: chạm phản ánh dấu hiệu của sự sinh tồn, một thứ gia vị tạo nên động lực cho sự phát triển. Cuộc sống không có chạm, là những chuỗi ngày vô vị, không còn nhiều ý nghĩa...

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn