Đỗ Duy Ngọc - Nghĩ buồn lòng thật

Thứ Tư, 20 Tháng Mười 202110:00 SA(Xem: 3110)
Đỗ Duy Ngọc - Nghĩ buồn lòng thật

AVvXsEgZ9a65gtp9QVYahHLe5LpDVa27uTZVgoTer3xe6QnP7-xYRYf_ozIVvM6BhbIEqkRZEM7Fz7c2IEKPUNXJC9kvthbqXrJ9WjgvH-8p3cDF9nbteUzt4tTgJlmvTzR2NaADufLEA5QsDzaZoRtjUpfyGHlybFGS_RJXBTNlA3h-LRU5jerrOiKl79Yl9A=w400-h291

Trong thời kỳ dịch bùng phát mạnh ở thành phố, nhiều khu cách ly được hình thành, nhiều bệnh viện dã chiến gấp rút được thành lập. Trang thiết bị thiếu thốn vô cùng, đến cái khẩu trang y tế, bộ đồ bảo hộ cũng không được đầy đủ cho nhân viên. Người bệnh cũng thiếu từ cái quạt cho đến cái ấm nấu nước, chai dầu gió.

Nhiều tổ chức thiện nguyện, nhiều nhóm từ thiện đã khắc phục nhiều khó khăn để mang đến giúp những thiết bị chữa bệnh, phương tiện sinh hoạt cho dân.

Thế rồi, khi khu cách ly giải tỏa, dân được trở về nhưng lại mang theo luôn những chiếc quạt máy, những ấm nấu nước về nhà luôn. Dù những tình nguyện viên, những người làm thiện nguyện năn nỉ mọi người để lại cho những người khác sử dụng, nhưng chẳng ai nghe cả. Lúc đấy ai cũng bảo tham chi mà tham quá thế, của chung xài xong lại mang về làm của riêng?

Mấy hôm nay lại nghe tin, cũng trong lúc bùng phát dịch, nhiều cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, y tá từ ngoài Bắc được tăng cường cho thành phố. Nhân dân và chính quyền thành phố tri ân và không bao giờ quên tình nghĩa này.

Những bệnh viện dã chiến được thành lập mang tên Bạch Mai, Việt Đức để nhận biết nơi này được các bệnh viện này tăng cường. Và cũng như các bệnh viện dã chiến khác, khi thành lập thiếu trang thiết bị, máy thở và nhiều thứ khác phục vụ cho việc chữa bệnh.

Trước tình hình đó, nhiều mạnh thường quân, nhiều doanh nghiệp ở thành phố, nhiều người Việt Nam và các tổ chức ở nước ngoài cũng đã tìm mọi cách để mua và gởi thiết bị, máy móc về trang bị cho các bệnh viện mới lập. Để giúp dân qua cơn khổ nạn, giúp các bác sĩ và nhân viên có điều kiện để cứu chữa cho người bệnh.

Như vậy, các thiết bị này là để dùng riêng cho thành phố, là của thành phố sở hữu dù được đặt trong các bệnh viện dã chiến mang tên Bạch Mai, Việt Đức, chứ không phải là tài sản của các bệnh viện ấy. Sau khi các bệnh viện đó đã hoàn thành công việc cũng như các nhân viên y tế tăng cường được trở về thì các thiết bị đấy là tài sản của thành phố, Sở Y tế sau đó có nhiệm vụ quản lý, phân phối cho các bệnh viện của thành phố.

Thế nhưng, khi bàn giao thì chẳng thấy các thiết bị, máy móc ở đâu cả. Chúng biến mất tiêu. Chúng không cánh mà bay mất. Thế chúng về đâu? Không lẽ lại về chung cùng đoàn? Các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các tổ chức mua máy về bỗng chưng hửng, mà có lẽ Sở Y tế thành phố cũng ngạc nhiên.

Dịch tuy giảm nhưng chưa dứt, và nếu không khéo nó sẽ trở lại lợi hại hơn xưa. Lúc đấy lại thiếu máy thở, lại thiếu thiết bị, còn ai dám mua giúp nữa?

Chơi vậy thì cũng hơi kỳ, làm người ai lại làm thế bao giờ? Giờ chỉ thấy mất mà chưa dám nói do ai, nhưng áy náy trong bụng quá. Nói ra cũng khó mà không nói cũng kẹt.

Đề nghị Sở Y tế nên làm rõ trắng đen việc này và phải tìm cho ra những thứ ấy giờ đang ở đâu? Không nên cho qua được. Dân Sài Gòn đề nghị vậy đấy. Của ai nấy hưởng chứ phải của mình đâu mà sẵn hốt mang đi đâu. Nghĩ buồn lòng thật!

ĐỖ DUY NGỌC 18.10.2021

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn