• Aysha Imtiaz
  • BBC Travel

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Ở khu vực nội địa cao nguyên Sylhet, một thành phố cận nhiệt đới ở đông bắc Bangladesh nổi tiếng với những vườn chè tươi tốt, việc đến trường không chỉ cần thức dậy đúng giờ.

"Tôi nhớ chúng tôi đã từng băng qua một cây cầu và năm nào nó cũng bị cuốn trôi," Tiến sĩ Monjour Mourshed, giáo sư kỹ thuật bền vững tại Đại học Cardiff, vốn lớn lên ở Bangladesh, nói. "Chúng tôi [những đứa trẻ trong làng] đã quen với điều đó; chúng tôi chỉ cần phải tìm ra một con đường khác."

Cảnh quan luôn chuyển động

Nhưng điều hấp dẫn hơn việc con đường đến trường thay đổi liên tục là sự bình tĩnh mà ông đón nhận nó.

Trải nghiệm của Mourshed là điều bình thường, không phải ngoại lệ, vì địa mạo của Sylhet có thể thay đổi thường xuyên.

"Là một gò đất trong vùng ngập lụt của sông Surma, Sylhet nằm ở nơi thiên nhiên chuyển động," Tiến sĩ David Ludden, giáo sư lịch sử tại Đại học New York và là cựu chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu Châu Á, viết trong một nghiên cứu vào năm 2003 vốn nhấn mạnh bản chất dễ biến đổi của cảnh quan.

"Sự dịch chuyển kiến tạo tiếp tục nâng các vùng cao và đè xuống các lưu vực 'haor' ngập lụt sâu nhất ['haor' là vùng trũng lớn hình đĩa nông]. Các trận động đất cứ theo định kỳ làm mất ổn định các dòng chảy đã thành hình."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nhìn chung, cả đất nước Bangladesh là nơi "thiên nhiên luôn chuyển động".

Cấu trúc địa lý linh hoạt của quốc gia này là kết quả của một trong những hệ thống sông rộng lớn và năng động nhất trên thế giới.

Quốc gia châu thổ theo nghĩa đen là sản phẩm phụ của các quá trình sông ngòi: một hộp cát khổng lồ được tạo thành do phù sa bồi đắp hàng thiên niên kỷ bởi dòng chảy không ngừng của các con sông Brahmaputra-Jamuna, Padma (sông Hằng) và Meghna hùng vĩ.

Khoảng 80% lãnh thổ của quốc gia này là vùng rốn lũ, và một hòn đảo mới - Bhasan Char, hiện là nơi ở gây tranh cãi của hàng nghìn người tị nạn Rohingya - được hình thành bởi một lượng lớn phù sa Himalaya từ sông Meghna trong vòng 20 năm qua.

Nước, và sự tôn kính đối với quyền năng sáng tạo và hủy diệt của nó, là bản chất nội tại của quốc gia này, đến mức Jatiyo Sangshad Bhaban (tòa nhà Quốc hội Bangladesh) ở Dhaka được bao quanh ba mặt bởi một hồ nước nhân tạo như minh chứng cho vẻ đẹp các con sông của đất nước này.

Nhưng công trình tuyệt vời này, một điểm tham quan nổi tiếng vốn đã được gọi là một trong những thành tựu kiến trúc vĩ đại nhất của thế kỷ 20, thì mang tính biểu tượng văn hóa sâu sắc, theo ông Khondker Neaz Rahman, người đã làm việc với chính phủ Bangladesh và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc về quy hoạch đô thị và quy hoạch khu vực.

Kiên cường trước thiên tai

"Ở Bangladesh, chúng tôi xem nước như một yếu tố thanh lọc thiêng liêng," ông nói. "Nước giúp thanh lọc trong quá trình tẩy rửa nếu bạn là tín đồ Hồi giáo. Nếu bạn theo Ấn giáo, ngôi nhà của bạn sẽ được vẩy nước sông Hằng. Các Phật tử băng qua cầu hoặc đặt một vòi phun nước trong không gian thiền định của họ." Ông giải thích rằng băng qua trên mặt nước trước khi bước vào cơ quan lập pháp tối cao của đất nước được cho là sẽ tạo ra tâm lý thuận lợi.

Nước và thiên nhiên không thể tách rời khỏi cuộc sống ở quốc gia nhỏ bé nhưng đông dân cư này - có lẽ dễ hiểu như vậy. Rahman kêu gọi: "Hãy nhìn ra ngoài cửa sổ khi máy bay của bạn bay qua Bangladesh vào mùa mưa, bạn sẽ không thấy những dòng sông cắt ngang đất liền. Đất nước chúng tôi là không gian giữa các dòng sông."

Và dường như cuộc sống diễn ra trong không gian giữa những hiện tượng thiên nhiên cực đoan.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Theo một số ước tính, trong ba thập kỷ qua, Bangladesh đã kiên cường vượt qua hơn 200 trận thiên tai.

Do vị trí của nó, nằm ở đầu tam giác của Vịnh Bengal, địa hình trũng thấp, nên khả năng dễ bị bão nhiệt đới và dễ tổn thương trước lũ lụt của nước này càng trở nên tồi tệ hơn do mật độ dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.

Nguy cơ từ biến đổi khí hậu một mặt gây ra hạn hán,còn một mặt gây mưa gió thất thường; trầm tích vùng ngập lũ có thể hóa lỏng trong các trận động đất; xâm nhập mặn tạo ra mối đe dọa sống còn đối với nông nghiệp và nguồn nước uống sẵn có.

Du khách đến đây sẽ thấy mạng lưới đường thủy mà tàu bè có thể lưu thông được đóng vai trò là phương thức giao thông mặc định (và đôi khi là chính yếu), nó thường tấp nập với cả phà hiện đại và tàu hơi nước có bánh guồng mang tính lịch sử, được gọi là Rocket.

Vào năm 2020, gần 40% đất nước bị ngập lụt, khiến 1,5 triệu người Bangladesh phải rời bỏ nhà cửa.

Trận lụt gần như kết hợp với siêu bão Amphan hồi tháng 5 đã gây thiệt hại ước tính khoảng 13,2 tỷ USD. Sayda Yesmin, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Hiệp hội con đường phát triển khác (AFAD), phối hợp làm việc với các gia đình ở các huyện Kurigram bị lũ lụt tàn phá ở phía bắc Bangladesh. "Đây là lần thứ năm họ phải rời bỏ nhà cửa," bà cho biết.

Ấy vậy mà, họ vẫn xây dựng lại. Mất nhà cửa nhưng không vỡ mộng, người Bangladesh dường như nhìn nhận - thậm chí có thể còn trân trọng - tính hai mặt và phức tạp của thiên nhiên.

Học cách chung sống hòa thuận với thiên tai là mối bận tâm có từ xa xưa và du khách sẽ bị mê hoặc bởi những bài dân ca Bhatiyali thấm thía truyền qua nhiều thế hệ, vừa thi vị hóa vừa đối phó với cuộc sống trên sông.

"Naai ko dauriaar paari / Shaabdhaane chaalaaiyo maajhi," (Dòng sông không có giới hạn/Hãy chèo một cách thận trọng nhất, hỡi người lái đò) là một trong những câu hát biểu tượng nhất của thể loại này.

Học cách chung sống

"Thiên tai luôn do con người tạo ra," Rahman nói. "Chúng không bao giờ là tự nhiên cả. Khi chúng ta can thiệp vào thiên nhiên mà không hiểu nó và làm điều sai, chúng ta đổ lỗi cho thiên nhiên."

Ở Bangladesh, dường như có sự nhìn nhận bẩm sinh về sức mạnh vượt trội của thiên nhiên và sự cần thiết để con người để sống cùng với sự thất thường của nó.

Một số chuyên gia tin rằng khả năng thích ứng và sự bền bỉ của Bangladesh là nhờ vào địa hình không thể đoán trước của họ.

"Tôi có lý thuyết khó tin này: địa lý định hình tâm lý và đặc tính của con người," Tiến sĩ Shafiul Azam Ahmad, chuyên gia thuộc Chương trình Nước và Vệ sinh của Ngân hàng Thế giới từ năm 2000-2008, cố vấn quốc tế cho Ngân hàng Thế giới từ năm 2015- 2016, và hiện là nhà tư vấn khu vực làm việc độc lập cho Bangladesh, Sri Lanka và Nepal, nói.

"Khi một bờ sông đổ sụp xuống dưới dòng nước lũ dâng cao, thì bờ sông ở phía đối diện lại bồi lấp lên. Hệ động thực vật hồi sinh với sức sống mới ngay sau đó. Và con người cũng vậy. Bạn không thể chiến đấu với những dòng sông hùng vĩ, nhưng bạn có thể chịu đựng bền bỉ và chung sống với sự thất thường của thiên nhiên."

Rinita Rezwana, cư dân Dhaka, nói chuyện với vẻ trang nghiêm lặng lẽ khi tôi gọi cho bà sau trận lụt năm 2020, chuẩn bị cho điều mà tôi nghĩ sẽ là một cuộc trao đổi bi thảm.

Trước sự ngạc nhiên của tôi, tôi gần như có thể nghe thấy bà ấy cười trên điện thoại. "Người dân của tôi rất kiên cường, Aysha," bà nói."Dân làng làm cầu để nối với đất liền. Những kiện rơm hoặc thức ăn gia súc chưa dùng đến được để trên mặt nước làm chỗ bước đi. Có rất nhiều tre, vì vậy họ làm 'sàn cọc' cho nhà của mình, được gọi là macha, tức nơi trú nổi."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Những ngôi nhà kiên cường thế này, vốn nằm rải rác trên địa hình Bangladesh và được xây dựng bằng vật liệu như gỗ và tre, là hiện thân cho sự linh hoạt của cuộc sống.

Đôi khi chúng được xây dựng sau một thảm họa, trong khi mùa mưa, khi mà vật liệu có thể được vận chuyển bằng tàu bè, báo trước người ta sẽ xây dựng ồ ạt.

Cho đến gần đây, các ngôi nhà đều có ao nhỏ kế bên, đất đào lên được dùng để nâng nền ngôi nhà và ao làm hồ chứa nước vào mùa hạn.

Và kỹ thuật trồng trọt luống nổi có từ hàng thế kỷ vận dụng lục bình giúp tăng diện tích đất canh tác đồng thời cho phép nông dân canh tác suốt mùa mưa. Những luống đất lên xuống theo dòng nước.

'Thuận theo tự nhiên'

Phần lớn sức chịu đựng bền bỉ của người Bangladesh thấm đẫm sự hiểu biết rằng tự nhiên mạnh hơn tất cả con người chúng ta và cần tuân theo tự nhiên - chứ không phải chống lại.

Bà Hasin Jahan, giám đốc quốc gia của tổ chức phi chính phủ WaterAid, giải thích cách cộng đồng thích ứng tự nhiên để ứng phó thảm họa. "Khi bạn biết nó không thể tránh khỏi, bạn lên kế hoạch đối phó, đúng không?" bà nói.

Chẳng hạn, các hộ gia đình thường giữ gạch đỏ trong nhà, vốn được dùng để nâng giường lên nhanh chóng khi lũ đến.

Bếp nấu xách tay, bà cho biết, được sử dụng phổ biến vì các gia đình dùng nó để nấu nướng khi họ tìm chỗ trú ở vùng đất cao.

Các phương pháp của người bản địa, gồm có thổi phồng hay tráng mỏng gạo và làm shutki (cá khô) giúp bảo quản thực phẩm giàu năng lượng cho mùa thiếu đói.

Và trường nổi đem giáo dục đến trước nhà học sinh nếu các em ở những vùng dễ bị lũ. Tổ chức phi lợi nhuận xây các trường học nổi hiện đang điều hành một tập hợp các thư viện và phòng khám nổi.

Mặc dù là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất, Bangladesh lại là một trong những quốc gia có nguồn lực và khả năng phục hồi cao nhất, như đã được chứng minh trong kết luận từ nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz-UFZ ở Đức vốn tìm hiểu mối liên hệ giữa tính dễ bị tổn thương, nghèo đói và khả năng phục hồi ở Bangladesh.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nhưng sức chịu đựng bền bỉ của người Bangladesh không phải là chủ nghĩa khắc kỷ và năm này qua năm khác chỉ tái thiết không thôi.

Các cơ chế ứng phó thảm họa mạnh mẽ do cộng đồng lãnh đạo là biểu tượng của Bangladesh phục hồi tốt hơn sau thảm họa.

Mourshed giải thích rằng kể từ thời thập niên 1970, quốc gia này đã đầu tư rất nhiều vào các hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả dựa trên tính cộng đồng chứ không phải công nghệ.

"Đó là giáo sĩ ở thánh đường, hiệu trưởng trường học, chính quyền sở tại - những nhân vật có quyền hành mà cộng đồng tin tưởng - những người tỏa đi khắp nơi bằng xe đạp, xe ba bánh hoặc thậm chí đi bộ, thường xuyên với những chiếc loa chạy pin," ông nói.

Công trình chống chịu

"Về cơ bản, khả năng phục hồi là vấn đề thời gian," Mourshed tiếp tục. Ông giải thích rằng các trường học ở Bangladesh, vốn thường xuyên được chuyển thành nơi trú bão, là ví dụ tuyệt vời về cấu trúc chống chịu vì công trình nhanh chóng được đưa vào sử dụng trở lại và việc sử dụng nhiều lần một công trình giúp tăng lợi tức đầu tư.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Và khi khu trú ẩn là trường học của trẻ, các gia đình đều biết con đường nhanh nhất để đến đó. "Nó giống như diễn tập ứng phó khẩn cấp mỗi ngày vậy," ông nói.

Mourshed mới đây đã xem xét kế hoạch chống chịu chung cho Bangladesh và nhận thấy rằng sự cải tiến hiện đại hiện đang được tích hợp với những hiểu biết bản địa. "Họ đang sử dụng các vật liệu lâu bền hơn như RCC [bê tông xi măng cốt thép]; công trình vẫn đứng vững ngay cả khi các vách ngăn bị thổi bay," ông nói.

Do đó, có lẽ truyền thống ăn sâu của người Bangladesh về thiết kế cuộc sống hài hòa với thiên nhiên đã đi trước thời đại.

Sự gián đoạn đã và đang diễn ra bình thường đến mức nó được ghi vào lịch học của Mourshed. "Chúng tôi đã có những kỳ nghỉ học vào khoảng mùa lũ để giảm thiểu bị mất ngày học. Chúng tôi gọi đó là thời gian nghỉ thu hoạch," ông nói, "Nhưng đó không chỉ là nghỉ hè. Đó là cơ hội để tận hưởng sự giàu có của tự nhiên."